Bệnh lậu có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh không?
Nội dung bài viết
Bệnh lậu, do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra, là bệnh lây truyền do vi khuẩn qua đường tình dục phổ biến thứ hai và gây ra tỷ lệ mắc bệnh đáng kể trên thế giới. Vậy có thuốc kháng sinh chữa bệnh lậu nào được WHO khuyến cáo? Bệnh có được điều trị hiệu quả bằng thuốc không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của dược sĩ Trần Vân Thy nhé!
Bệnh lậu là gì?
Tổng quan
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh có thể gây nhiễm trùng tại các vùng ấm, ẩm của cơ thể như cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Đây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến, đặc biệt ở thanh niên từ 15 đến 24 tuổi.
Đường lây truyền
Bệnh lậu lây truyền khi quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người bị mắc bệnh lậu mà không sử dụng bao cao su hoặc các phương pháp bảo vệ khác. Ngoài ra, bệnh lậu vẫn có thể tái nhiễm ngay cả khi đã được điều trị trước đó. Bệnh cũng lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Triệu chứng
Các triệu chứng thường xảy ra từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh lậu không có triệu chứng rõ ràng. Đây là trường hợp mang mầm bệnh không triệu chứng, vẫn có thể lây nhiễm.1
Triệu chứng đầu tiên dễ nhận thấy ở nam giới thường là cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu. Ngoài ra, tần suất đi tiểu có thể nhiều hơn; tiết dịch trắng, vàng hoặc xanh lá giống như mủ từ dương vật; sưng hoặc đỏ ở đầu dương vật; sưng hoặc đau tinh hoàn; đau họng dai dẳng.1
Ở nữ thường không có triệu chứng rõ ràng của bệnh lậu. Triệu chứng thường nhẹ hoặc tương tự với các chẩn đoán khác như nấm âm đạo hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn. Các triệu chứng bao gồm: tăng tiết dịch âm đạo; đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu; muốn đi tiểu thường xuyên hơn; chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt; đau họng; đau khi quan hệ tình dục; đau nhói ở bụng dưới; sốt,…1
Bạn nên đi bác sĩ kiểm tra nếu thấy có các triệu chứng trên hoặc nếu bạn tình của bạn mắc hoặc có triệu chứng của bệnh lậu.
Bệnh lậu có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh
Bệnh lậu có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh chữa bệnh lậu. Tuy nhiên, thuốc không có khả năng phục hồi lại các tổn thương vĩnh viễn do bệnh gây ra nếu có. CDC khuyến cáo bạn cần sử dụng đúng và đủ các thuốc được kê đơn theo hướng dẫn. Không dùng chung thuốc điều trị bệnh lậu với người khác.
Các thuốc kháng sinh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn lựa trong phác đồ điều trị bệnh lậu2
Hướng dẫn của WHO cung cấp các khuyến nghị điều trị cho các tình trạng cụ thể do N. gonorrhoeae gây ra; áp dụng cho người lớn và thanh thiếu niên (10–19 tuổi). Hướng dẫn của WHO cho thấy liệu pháp kép là một lựa chọn ưu tiên để điều trị nhiễm trùng do lậu cầu hơn là liệu pháp đơn lẻ.
1. Thuốc kháng sinh chữa bệnh lậu tại sinh dục và hậu môn trực tràng
Nếu không có dữ liệu về kháng thuốc tại địa phương để lựa chọn, WHO đề xuất liệu pháp kép cho nhiễm khuẩn lậu sinh dục hoặc hậu môn trực tràng (chọn 1 trong các khuyến cáo):
- ceftriaxon 250 mg tiêm bắp (IM) một liều duy nhất và azithromycin 1 g uống một liều duy nhất.
- cefixim 400 mg uống một liều duy nhất và azithromycin 1 g uống một liều duy nhất.
Liệu pháp đơn (chọn 1 trong các khuyến cáo):
- ceftriaxon 250 mg IM một liều duy nhất
- cefixim 400 mg uống một liều duy nhất
- spectinomycin 2 g IM một liều duy nhất.
2. Thuốc kháng sinh chữa bệnh lậu tại hầu họng
Hướng dẫn của WHO đề xuất liệu pháp kép so với liệu pháp đơn lẻ đối với nhiễm trùng hầu họng do lậu cầu (chọn 1 trong các khuyến cáo):
- ceftriaxon 250 mg IM một liều duy nhất và azithromycin 1 g uống một liều duy nhất
- cefixim 400 mg uống một liều duy nhất và azithromycin 1 g uống một liều duy nhất
Liệu pháp đơn: ceftriaxon 250 mg IM liều duy nhất.
3. Nhiễm trùng mắt do lậu cầu
Ở trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc do lậu cầu, hướng dẫn của WHO đề xuất thuốc kháng sinh chữa bệnh lậu như sau:
- ceftriaxon 50 mg/kg (tối đa 150 mg) IM một liều duy nhất
- kanamycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg) IM một liều duy nhất
- spectinomycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg) IM một liều duy nhất.
4. Phòng ngừa nhiễm trùng mắt do lậu cầu ở trẻ sơ sinh
Đối với tất cả trẻ sơ sinh, hướng dẫn của WHO khuyến cáo điều trị dự phòng tại chỗ với các lựa chọn bôi cho cả hai mắt ngay sau khi sinh:
- Thuốc mỡ tra mắt tetracycline hydrochloride 1%.
- Thuốc mỡ bôi mắt erythromycin 0,5%.
- Dung dịch povidone iodin 2,5% (gốc nước).
- Dung dịch bạc nitrat 1%.
- Thuốc mỡ tra mắt chloramphenicol 1%.
Cần thận trọng để tránh chạm vào mô mắt. Không sử dụng dung dịch povidone iodin có base cồn.
5. Viêm khớp do lậu cầu
Đối với những người bị viêm khớp do lậu cầu, CDC khuyến nghị điều trị ban đầu ceftriaxon 1g IM hoặc tiêm tĩnh mạch (IV) mỗi 24 giờ và azithromycin 1g uống một liều duy nhất. Nếu không thể sử dụng ceftriaxon, tham khảo cefotaxim 1g hoặc ceftizoxim 1g, IV 8 giờ một lần
Tiếp tục điều trị trong ít nhất 24-48 giờ. Sau đó, chuyển sang kháng sinh uống nếu tiếp tục cải thiện. Tổng thời gian điều trị nên kéo dài ít nhất 1 tuần.
6. Viêm màng não và viêm màng trong tim do lậu cầu
CDC khuyến nghị điều trị ban đầu:
- ceftriaxon, 1-2 g IV mỗi 12-24 giờ
- azithromycin, 1 g, uống một liều duy nhất
Tổng thời gian điều trị viêm màng não nên kéo dài ít nhất 10 ngày và ít nhất 4 tuần đối với viêm màng trong tim
7. Lưu ý khác
Nếu bị dị ứng với ceftriaxon, CDC khuyến nghị kết hợp azithromycin uống với gemifloxacin uống hoặc gentamicin tiêm.
Để điều trị hiệu quả nên làm kháng sinh đồ
Với phương pháp điều trị phù hợp, bệnh lậu có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị ngày càng trở nên khó khăn hơn vì vi khuẩn đã phát triển khả năng đề kháng với gần như tất cả các thuốc kháng sinh chữa bệnh lậu. Để điều trị hiệu quả, bác sĩ nên làm kháng sinh đồ để hạn chế tình trạng này.
Điều trị bệnh lậu thành công vẫn có thể nhiễm bệnh trở lại
Bệnh lậu rất dễ lây truyền qua quan hệ tình dục. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh này, bất kỳ ai mà bạn đã quan hệ tình dục gần đây cũng cần được kiểm tra và điều trị. Sau khi điều trị, bạn và bạn đời nên đợi ít nhất 7 ngày mới tiếp tục hoạt động tình dục. Bạn có thể sẽ được theo dõi và làm xét nghiệm lại để đảm bảo hết bệnh hoàn toàn.
Ở người đã thất bại điều trị, hướng dẫn của WHO đề xuất như sau:1
Nếu nghi ngờ tái nhiễm, điều trị lại theo phác đồ do WHO khuyến nghị, tiết chế tình dục, dùng bao cao su, điều trị cho bạn tình.
Nếu thất bại do không điều trị theo phác đồ WHO khuyến cáo: điều trị lại theo phác đồ của WHO.
Nếu điều trị thất bại và có sẵn dữ liệu về kháng thuốc: điều trị lại theo tình trạng nhạy cảm.
Nếu thất bại điều trị bằng liệu pháp đơn lẻ do WHO khuyến nghị: điều trị lại bằng liệu pháp kép do WHO khuyến nghị.
Nếu điều trị thất bại sau một liệu pháp kép do WHO khuyến nghị: điều trị lại bằng một trong các liệu pháp kép sau:
- ceftriaxon 500 mg IM một liều duy nhất và azithromycin 2 g uống một liều duy nhất.
- cefixim 800 mg uống một liều duy nhất và azithromycin 2 g uống một liều duy nhất.
- gentamicin 240 mg IM một liều duy nhất và azithromycin 2 g uống một liều duy nhất.
- spectinomycin 2 g IM một liều duy nhất (nếu không phải nhiễm trùng hầu họng) và azithromycin 2g uống một liều duy nhất.
Biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị bệnh lậu
Bệnh lậu nếu không được điều trị có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và vĩnh viễn. Ở nữ giới, có thể gây viêm vùng chậu với một số biến chứng như: hình thành mô sẹo làm tắc ống dẫn trứng; hiện tượng thai ngoài tử cung; vô sinh; đau bụng, đau vùng chậu lâu dài. Các biến chứng khác có thể xảy ra khi mang thai và sinh nở. Nếu không điều trị, sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non, thai chết lưu…3
Bệnh lậu truyền sang trẻ sơ sinh gây viêm kết mạc với biểu hiện là chảy mủ ở mắt và sưng mí mắt. Viêm kết mạc không được điều trị có thể dẫn đến sẹo và mù lòa. Trẻ có thể bị nhiễm trùng khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng.
Ở nam giới có thể bị viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo,… tuy hiếm gặp nhưng có thể gây vô sinh. Nguy cơ biến chứng tăng lên khi bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
Bệnh không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng lậu cầu lan tỏa, có thể đe dọa tính mạng. Những người bị bệnh lậu cũng có nguy cơ nhiễm hoặc truyền HIV cao hơn.3
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh cần điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Bạn phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là sử dụng các thuốc kháng sinh chữa bệnh lậu. Hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất cứ vấn đề gì khi dùng thuốc bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gonorrhea Treatment and Preventionhttps://www.healthline.com/health/pregnancy/treatment-chlamydial-infection
Ngày tham khảo: 15/03/2021
-
WHO Guidelines for the Treatment of Neisseria gonorrhoeaehttps://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/246114/9789241549691-eng.pdf
Ngày tham khảo: 15/03/2021
-
Bệnh lậu - Tờ Thông Tin của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC)https://stacks.cdc.gov/view/cdc/34160
Ngày tham khảo: 15/03/2021