Những điều cần biết về thuốc kháng sinh Ceftriaxone
Nội dung bài viết
Ceftriaxone là thuốc gì? Ceftriaxone được chỉ định sử dụng trong những trường hợp cụ thể nào? Người dùng cần có những lưu ý gì tránh tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng dược sĩ từ YouMed tìm hiểu thật kỹ về Ceftriaxone trong bài viết dưới đây nhé!
Thành phần hoạt chất: Ceftriaxone.
Thuốc có thành phần tương tự: Askyxon; Aumtax; Aximaron; Axobat; Beecef Inj; Beecerazon; BeeCetrax. Binexcefxone; Biosdomin inj.; Bromfex; Cabemus; Cefcin; Cefin for I.V injection “Panbiotic”; Cefitop-1000; Ceflarial.
Ceftriaxone là thuốc gì?
Ceftriaxon thế hệ mấy? Ceftriaxon là một cephalosporin thế hệ 3 có hoạt phổ rộng, được sử dụng dưới dạng tiêm (ceftriaxon natri). Thuốc có tác dụng diệt khuẩn do khả năng ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Hoạt động bằng cách gắn vào một hoặc nhiều protein gắn penicilin (PBP) là các protein tham gia vào thành phần cấu tạo màng tế bào vi khuẩn. Do đó, ức chế bước cuối cùng của quá trình sinh tổng hợp thành tế bào.
Ceftriaxone giá bao nhiêu?
Ceftriaxone 1g:
- Quy cách đóng gói: Hộp 10 lọ bột pha thuốc tiêm.
- Giá thuốc Ceftriaxone 1g: 28.000 VNĐ/lọ.
Rocephin Ceftriaxone 250mg:
- Quy cách đóng gói: hộp 1 lọ chứa 1g dược chất + 1 ống dung môi pha tiêm.
- Giá Rocephin Ceftriaxone 250mg: 250.000 VNĐ/hộp.
Ceftriaxone 500mg:
- Quy cách đóng gói: Hộp 1 lọ.
- Giá Ceftriaxone 500mg: 365.000 VNĐ/hộp.
Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Công dụng của thuốc Ceftriaxone
Chỉ nên dùng thuốc Ceftriaxone theo đúng chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng.
Các nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn nhạy cảm với ceftriaxon bao gồm:
- Bệnh hạ cam.
- Viêm màng trong tim, viêm dạ dày – ruột, viêm màng não, viêm phổi.
- Bệnh Lyme, nhiễm khuẩn đường tiết niệu (gồm cả viêm bể thận).
- Lậu, giang mai.
- Thương hàn.
- Nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn xương và khớp.
Dự phòng nhiễm khuẩn trong các phẫu thuật, nội soi can thiệp như phẫu thuật âm đạo hoặc ổ bụng.
Điều trị theo kinh nghiệm sốt kèm giảm bạch cầu trung tính.
Trường hợp không nên dùng Ceftriaxone
- Dị ứng với cephalosporin, đã từng bị phản ứng phản vệ với penicillin.
- Trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin – huyết, đặc biệt ở trẻ đẻ non vì ceftriaxon giải phóng bilirubin từ albunin huyết thanh.
- Dùng đồng thời với chế phẩm chứa calci ở trẻ em: Do nguy cơ kết tủa ceftriaxon – calci tại thận và phổi ở trẻ sơ sinh và có thể cả ở trẻ lớn.
Hướng dẫn sử dụng thuốc Ceftriaxone đúng cách
Cách dùng
- Thuốc kháng sinh Ceftriaxone có thể sử dụng qua đường tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Cần theo dõi các triệu chứng hoặc biểu hiện của sốc phản vệ.
- Trường hợp tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm từ 2 – 4 phút hoặc tiêm truyền tĩnh mạch thì ít nhất 30 phút.
- Lưu ý liều tiêm tĩnh mạch >1 g chỉ nên tiêm truyền tĩnh mạch.
- Nếu khi liều tiêm bắp >1 g phải tiêm ở nhiều vị trí.
Liều lượng
1. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Người lớn:
- Van tim bình thường (van chưa thay): 2 g/ngày x 2 – 4 tuần. Nếu dùng phác đồ trong 2 tuần, khuyến cáo dùng thêm gentamicin.
- Người có lắp van tim giả (van thay thế): Tiêm bắp, tĩnh mạch 2 g/ ngày x 6 tuần.
Trẻ em:
- Van tim bình thường (van chưa thay): 100 mg/kg/ngày/lần x 2 – 4 tuần, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Nếu dùng thuốc trong vòng 2 tuần, nên phối hợp cùng với gentamicin.
- Người có lắp van tim giả (van thay thế) 100 mg/kg ngày x 6 tuần, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
2. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do Enterococcus faecalis (kháng penicilin, aminoglycosid và vancomycin)
Người lớn: 2 g x 2 lần/ ngày x >8 tuần cùng với ampicilin.
Trẻ em: 100 mg/kg/ lần/ ngày x >8 tuần cùng với ampicilin.
3. Viêm màng não do vi khuẩn nhạy cảm
Người lớn:
- 2 g tiêm truyền tĩnh mạch, cách 12 giờ/lần x 7 ngày đối với H. influenzae hoặc N. meningitidis.
- Ít nhất từ 10 – 14 ngày đối với viêm màng não biến chứng do S. pneumoniae.
- Và ít nhất 21 ngày đối với viêm màng não do E. coli, Klebsiella.
Trẻ em, từ sơ sinh – 12 tuổi: 100 mg/kg/ngày (tối đa là 4g/ngày), cho 1 lần/ngày hoặc chia làm 2 liều đều nhau, cách nhau 12 giờ/lần, trong vòng 7 – 21 ngày.
Tác dụng phụ của thuốc Ceftriaxone bạn cần biết
Một số tác dụng phụ của thuốc Ceftriaxone bao gồm:
- Tiêu chảy.
- Phản ứng da, ngứa, nổi ban.
- Sốt, viêm tĩnh mạch, phù.
- Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Nổi mày đay.
- Đau đầu, chóng mặt, phản vệ.
- Thiếu máu, rối loạn đông máu, mất bạch cầu hạt.
- Viêm đại tràng có màng giả.
- Ban đỏ đa dạng.
- Tiểu ra máu, tăng creatinin huyết thanh.
Tương tác thuốc khi dùng chung với Ceftriaxone
- Chloramphenicol.
- Khả năng độc với thận của các cephalosporin có thể bị tăng bởi gentamicin, colistin, furosemid.
- Probenecid.
- Các muối calci (tiêm truyền) và dung dịch tiêm Ringer lactat.
- Thuốc đối kháng vitamin K.
- Hiệu lực của ceftriaxon có thể tăng khi dùng đồng thời với các tác nhân gây acid uric niệu.
- Vắc-xin thương hàn.
Lưu ý khi dùng thuốc Ceftriaxone
- Cần biết trước đó bệnh nhân đã từng dị ứng với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác hay chưa. Khi đã đầy đủ thông tin thì mới quyết định dùng.
- Với bệnh nhân suy thận, phải thận trọng xem xét liều dùng.
- Trường hợp chức năng thận và gan bị suy giảm đáng kể, liều
ceftriaxon không nên ≥2 g/ngày nếu không theo dõi được chặt chẽ nồng độ thuốc trong huyết tương. - Ceftriaxon có thể phức hợp với calci gây tủa nên tránh tiêm truyền dung dịch chứa calci trong 48 giờ sau khi tiêm ceftriaxon ở tất cả các người bệnh.
- Thận trọng khi điều trị kéo dài >14 ngày; khi mất nước do nguy cơ ceftriaxon kết tủa trong túi mật.
- Lưu ý phải tìm nguyên nhân thiếu máu trong khi điều trị bằng ceftriaxon vì thuốc có thể gây thiếu máu huyết tán nặng gây tử vong qua trung gian cơ chế miễn dịch. Nếu nguyên nhân được chẩn đoán do thuốc, phải ngừng ngay lập tức.
Đối tượng đặc biệt sử dụng Ceftriaxone
Phụ nữ mang thai
Vẫn chưa có đầy đủ kinh nghiệm lâm sàng trong điều trị cho người mang thai. Mặc dù, một số nghiên cứu được thực hiện trên động vật và vẫn chưa thấy độc tính của thuốc trên bào thai của động vật. Người đang mang thai chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết.
Phụ nữ cho con bú
Ceftriaxone được bài tiết qua sữa ở nồng độ thấp. Do đó, cần thận trọng khi dùng thuốc trên đối tượng đang cho con bú.
Xử trí khi quá liều Ceftriaxone
Trong những trường hợp quá liều, không thể làm giảm nồng độ ceftriaxone bằng cách thẩm phân máu hoặc thẩm tách màng bụng.
Đến hiện tại, vẫn chưa có thuốc giải độc đặc trị. Do đó, chủ yếu vẫn là tập trung điều trị các triệu chứng.
Cách bảo quản Ceftriaxone
- Thuốc Ceftriaxon bột vô khuẩn cần được bảo quản ở nhiệt độ <25 ºC .
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo và thông thoáng. Tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
- Nên dùng ngay khi dung dịch mới pha.
- Thông tin hạn sử dụng được in ấn đầy đủ trên bao bì thuốc. Đừng quên kiểm tra cẩn thận các thông tin trước khi dùng và không nên thuốc đã hết hạn.
Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc Ceftriaxone. Đừng chần chờ gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường trong quá trình dùng thuốc!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược điển Quốc gia Việt Nam.
-
Ceftriaxone 1 ghttps://www.medicines.org.uk/emc/product/1361/smpc
Ngày tham khảo: 22/05/2020
-
Ceftriaxone 2 ghttps://www.medicines.org.uk/emc/product/8768/smpc
Ngày tham khảo: 22/05/2020