YouMed

Bệnh Raynaud có nguy hiểm không? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Raynaud là một chứng rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến động mạch. Rối loạn này được đánh dấu bằng các đợt co thắt mạch máu ngắn. Sự thu hẹp các mạch máu làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan. Trong số những người mắc bệnh Raynaud, khoảng 40% có triệu chứng ở các ngón chân. Hiếm khi ảnh hưởng đến mũi, tai, vú hay môi. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.

Hội chứng Raynaud là gì?

Hội chứng Raynaud được phân loại thành 2 nhóm chính. Đó là Raynaud nguyên phát và Raynaud thứ phát. Raynaud nguyên phát (còn gọi là bệnh Raynaud) phổ biến hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn. Raynaud thứ phát (hay hiện tượng Raynaud) được gây ra bởi một tình trạng, bệnh lý có từ trước hoặc yếu tố khác.

Nếu bạn mắc phải bệnh hay hiện tượng Raynaud, thì nhiệt độ lạnh hoặc căng thẳng có thể kích hoạt các cơn tái phát. Hầu hết những người mắc bệnh này đều không bị tổn thương các cơ quan sau này.

Đối với hầu hết những người mắc bệnh Raynaud nguyên phát, chứng rối loạn này có thể kiểm soát tình trạng bằng những thay đổi nhỏ trong lối sống. Raynaud thứ phát có thể khó điều trị hơn. Tuy nhiên, có một số phương pháp có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng. Với bệnh Raynaud thứ phát, điều quan trọng là phải điều trị những bệnh lí hoặc tình trạng tiềm ẩn gây ra nó.

Hội chứng Raynaud là gì?
Hội chứng Raynaud là gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh Raynaud

Khi trời lạnh, cơ thể bạn cố gắng giữ nhiệt để sưởi ấm. Một cách để làm điều đó là khiến dòng máu đến những phần xa nhất của cơ thể giảm đi. Ví dụ như bàn tay và bàn chân. Vậy nên, mạng lưới các động mạch nhỏ dẫn máu đến những vị trí đó sẽ thu hẹp lại. Giữ máu lại ở các cơ quan quan trọng nhất của cơ thể (tim, não) để giúp bảo tồn nhiệt.

Đối với Raynaud nguyên phát, hiện nay nguyên nhân của bệnh này vẫn chưa được làm rõ. Raynaud thứ phát thường do các nguyên nhân sau:

  • Các tư thế hay hành động lặp đi lặp lại làm tổn thương các dây thần kinh và động mạch ở bàn tay và bàn chân.
  • Chấn thương do tai nạn, biến chứng sau phẫu thuật ở tay và chân.
  • Tiếp xúc với một số hóa chất như vinyl clorua. Nó được sử dụng trong ngành công nghiệp nhựa.
  • Tác dụng phụ của thuốc tim mạch, thần kinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc tránh thai…
  • Các bệnh lí miễn dịch: cơ thể tự tạo ra các kháng thể làm tổn thương trực tiếp động mạch. Hoặc làm hỏng các dây thần kinh điều khiển động mạch ở bàn tay và bàn chân. Bao gồm:

+ Bệnh xơ cứng bì

+ Bệnh lupus

+ Viêm khớp dạng thấp

+ Xơ vữa động mạch

+ Rối loạn máu chẳng hạn như bệnh cryoglobulinemia và đa hồng cầu

+ Hội chứng Sjögren, viêm da cơ và viêm đa cơ

+ Bệnh Buerger

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại bài viết: Bệnh Lupus ban đỏ là gì? Có chữa khỏi được không?

Triệu chứng của bệnh Lupus
Triệu chứng của bệnh Lupus

Các yếu tố nguy cơ của bệnh Raynaud

Tỷ lệ mắc phải Raynaud là khoảng 3% đến 5%. Trong đó, những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn người lớn tuổi.

Các yếu tố nguy cơ của Raynaud nguyên phát có liên quan đến:

  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn đàn ông.
  • Tuổi: Thường xuất hiện trước 30 tuổi.
  • Di truyền: Có thể xảy ra ở các thành viên của cùng một gia đình.

Các yếu tố nguy cơ của Raynaud thứ phát bao gồm:

  • Thường phát triển sau 30 tuổi.
  • Hút thuốc lá, sống ở nơi có khí hậu lạnh.
  • Cơ địa mắc các bệnh xem trong phần “Nguyên nhân gây ra bệnh Raynaud thứ phát”.

Dấu hiệu và biến chứng

Khi xảy ra cơn cấp tính của hội chứng Raynaud, đường kính các động mạch sẽ rất hẹp trong một khoảng thời gian ngắn. Kết quả là ít hoặc không có máu chảy đến các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể khiến các vùng đó:

  • Màu sắc da chuyển sang nhợt nhạt hoặc trắng và sau đó là xanh lam
  • Cảm thấy tê, lạnh hoặc đau
  • Đỏ da, ngứa ran, bỏng hoặc cảm thấy tê khi máu chảy trở lại các vùng bị ảnh hưởng

Các cơn đau ngắn này có thể diễn ra ít hơn một phút hoặc lâu nhất là vài giờ. Và có thể xảy ra hàng ngày hoặc hàng tuần. Chúng thường bắt đầu ở một ngón tay hoặc ngón chân. Sau đó, di chuyển sang các ngón tay hoặc ngón chân khác. Đôi khi chỉ có một hoặc hai ngón tay hoặc ngón chân bị ảnh hưởng. Các cơ quan khác nhau có thể bị ảnh hưởng vào những thời điểm khác nhau. Trong cả hai nhóm Raynaud, chỉ cần xuất hiên những thay đổi nhỏ của nhiệt độ dù trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra các cơn cấp tính. Nặng hơn, Raynaud thứ phát có thể gây lở loét hoặc hoại tử da. May mắn thay điều này là rất hiếm.

Dấu hiệu của bệnh
Dấu hiệu của bệnh

Bệnh Raynauld chuẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên bệnh sử và kết quả xét nghiệm của bạn. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có hiện tượng Raynaud, một số câu hỏi liên quan các triệu chứng có thể được đề cập tới. Sau khi kiểm tra các ngón tay và ngón chân của bạn, nếu nghi ngờ tình trạng của bạn là do một vấn đề sức khỏe khác gây ra, bạn có thể được yêu cầu lấy xét nghiệm máu. Mục đích là để tìm các tình trạng có liên quan đến bệnh Raynaud thứ phát. Trong đó, thường gặp nhất là bệnh Lupus và viêm khớp dạng thấp

Phương pháp điều trị

Thay đổi lối sống có thể giúp bạn tránh những yếu tố có thể kích hoạt cơn đau đột ngột của bệnh Raynaud.

Giữ ấm cơ thể khi cần thiết

Đội mũ, đi găng tay, quàng khăn, áo khoác có cổ tay vừa khít, đi tất và giày ấm khi thời tiết lạnh. Mặc thêm lớp quần áo để tăng thêm độ ấm. Đặt máy làm ấm tay và chân trong găng tay, ủng, tất hoặc túi của bạn. Những chiếc máy làm ấm này thường có sẵn tại các cửa hàng bán đồ thể thao.

Hạn chế đến khu vực máy lạnh hoặc giữ ấm cơ thể khi ở những nơi này.

Làm ấm xe của bạn trước khi lái xe trong thời tiết lạnh.

Mang bao tay hoặc găng tay khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh hoặc tủ đông. Nếu nhiệt độ lạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn.

Giữ ấm cơ thể khi cần thiết
Giữ ấm cơ thể khi cần thiết

Tránh các yếu tố kích hoạt khác

Cố gắng tránh những điều khiến bạn khó chịu hoặc căng thẳng. Hoạt động thể chất giúp một số người đối phó với căng thẳng. Những người khác nghe nhạc hoặc tập trung vào điều gì đó yên tĩnh để giảm căng thẳng. Bạn có thể chọn tập yoga hoặc thiền.

Cố gắng tránh các yếu tố kích hoạt tại nơi làm việc và giải trí. Mặc đồ bảo hộ thích hợp nếu bạn làm việc với hóa chất công nghiệp. Ngoài ra, hãy cố gắng hạn chế các thao tác tay lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như gõ máy vi tính hoặc chơi piano.

Những thay đổi về lối sống

Các thay đổi lối sống khác cũng có thể giúp bạn tránh được các đợt tấn công của bệnh Raynaud. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như caffeine và rượu. Nếu bạn hút thuốc, hãy từ bỏ nó. Ngoài ra, hãy cố gắng tránh khỏi khói thuốc. Bạn cũng có thể thực hiện thêm nhiều cách để giúp ngăn chặn các cơn đau của Raynaud khi những yếu tố này xảy ra:

  • Di chuyển đến một nơi ấm áp hơn
  • Làm ấm bàn tay hoặc bàn chân bằng cách xoa liên tục. Ngâm chân hoặc tay trong nước ấm
  • Vận động để giúp cơ thể ấm hơn như chạy bộ, chơi thể thao…

Hãy đảm bảo chăm sóc kĩ đôi bàn tay và bàn chân của bạn. Bảo vệ chúng khỏi vết cắt, vết bầm tím và các vết thương khác.

Thuốc và Phẫu thuật

Nếu thay đổi lối sống không kiểm soát được bệnh Raynaud, bạn có thể cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tránh một số loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc bạn đang điều trị. Chúng có thể làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn bằng cách làm cho các mạch máu của bạn bị co lại thêm.

Hiếm khi những người mắc bệnh Raynaud nặng bị lở loét hoặc hoại tử da. Nếu điều này xảy ra, có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật để cắt bỏ mô bị tổn thương. Phẫu thuật thường làm giảm các triệu chứng. Nhưng đôi khi chỉ kéo dài trong một vài năm. Có thể cần phải phẫu thuật lại nếu các triệu chứng vẫn còn hoặc tái phát.

Raynaud nguyên phát (bệnh Raynaud) và Raynaud thứ phát (hiện tượng Raynaud) có thể là những bệnh lí kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, bạn có thể thử áp dụng những lời khuyên trên sẽ giúp kiểm soát bệnh. Quan trọng là bạn nên đến khám bác sĩ ngay nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc xuất hiện các vết loét.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Raynauld'shttps://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/raynauds

    Ngày tham khảo: 03/01/2021

  2. Raynauld's disease and Raynauld's syndromehttps://www.webmd.com/arthritis/raynauds-phenomenon

    Ngày tham khảo: 03/01/2021

  3. Raynauld Syndromehttps://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/peripheral-arterial-disorders/raynaud-syndrome

    Ngày tham khảo: 03/01/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người