Bệnh thận kiêng ăn gì, bạn đã biết chưa?
Nội dung bài viết
Bệnh thận là bệnh khá phổ biến, hiện diện ở 10% dân số thế giới. Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt là yêu cầu cơ bản để tránh nguy cơ bệnh trở nên nặng hơn hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy, người bệnh thận kiêng ăn gì? Tất cả sẽ được YouMed giải đáp qua bài viết sau đây của ThS.BS Trần Quốc Phong.
Chế độ ăn uống và bệnh thận
Sơ lược về bệnh thận
Thận là cơ quan hình hạt đậu, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng:
- Lọc các chất cặn bã, chất thải ra khỏi cơ thể.
- Giải phóng các hormon điều hòa huyết áp.
- Cân bằng muối – nước trong cơ thể.
- Sản xuất nước tiểu.
- Nhiều nhiệm vụ thiết yếu khác.
Vì nhiều nguyên nhân mà cơ quan quan trọng này bị tổn thương. Trong đó, đái tháo đường và tăng huyết áp là 2 yếu tố nguy cơ phổ biến nhất. Béo phì, hút thuốc, di truyền, giới tính và tuổi tác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Lượng đường trong máu không được kiểm soát và huyết áp cao không điều trị làm tổn thương các mạch máu trong thận. Từ đó giảm khả năng hoạt động tối ưu của thận.
Khi thận hoạt động không bình thường, chất cặn bã sẽ tích tụ trong máu. Bao gồm cả chất cặn từ thức ăn. Do đó, những người bệnh thận cần tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt.
Người bệnh thận cần hạn chế ăn những chất nào?
Chế độ ăn kiêng của mỗi người bệnh sẽ khác nhau tùy thuộc mức độ nặng của bệnh. Những người trong giai đoạn đầu của bệnh khác với bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD). Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất.
Đối với người bệnh thận giai đoạn cuối, cần áp dụng chế độ ăn thân thiện với thận để giảm lượng chất thải trong máu. Chế độ này được gọi là chế độ ăn kiêng thận. Việc tuân thủ trong ăn uống sẽ giúp tăng cường chức năng thận, ngăn ngừa tổn thương thêm.
Mặc dù có sự hạn chế trong chế độ ăn giữa những bệnh nhân khác nhau. Các chuyên gia khuyến nghị hạn chế một số chất nhất định sau:
Natri
Natri được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và là thành phần chính của muối ăn. Thận bị tổn thương sẽ không thể lọc ra Natri dư thừa. Từ đó, nồng độ natri trong máu tăng lên, gây khát nước, lú lẫn, kích thích thần kinh cơ, tăng phản xạ, co giật, hoặc hôn mê. Khuyến cáo nên sử dụng lượng Natri dưới 2000 mg mỗi ngày.
Kali
Kali đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, nồng độ Kali máu cao có thể làm chậm nhịp tim hoặc thậm chí ngưng tim. Các biểu hiện nhẹ hơn bao gồm mệt mỏi, suy nhược, tê, ngứa, buồn nôn, nôn. Người bệnh nên hạn chế Kali và lượng Kali khuyến cáo dưới 2000 mg/ngày.
Phốt pho
Thận hư không thể loại bỏ lượng phốt pho dư thừa. Đây là thành phần được tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Nồng độ phốt pho cao sẽ gây hại cho cơ thể. Vì thế, lượng phốt pho trong chế độ ăn cần thấp hơn 800-1000 mg/ngày ở hầu hết bệnh nhân.
Protein
Protein là một chất dinh dưỡng mà có thể người bệnh cần hạn chế. Vì thận bị tổn thương không thể loại bỏ các chất thải từ quá trình chuyển hóa protein. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đang chạy thận – một phương pháp lọc và làm sạch máu sẽ cần lượng protein lớn hơn.
Mỗi người bệnh sẽ có tình trạng khác nhau. Không khó hiểu để nói tại sao việc trò chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe lại quan trọng đến vậy ở người bệnh thận.
Vậy, cụ thể người bệnh thận kiêng ăn gì?
Bệnh thận kiêng ăn gì?
Nước ngọt
Nước ngọt là thực phẩm đầu tiên được kể đến trong danh sách “bệnh thận kiêng ăn gì?”.
Ngoài lượng calories và đường mà nước ngọt cung cấp, trong các sản phẩm giải khát này còn chứa lượng lớn phốt pho, nhất là nước ngọt có màu sẫm.
Phốt pho trong nước ngọt có tác dụng làm tăng hương vị, kéo dài thời hạn sử dụng và ngăn ngừa sự đổi màu.
Hàm lượng phốt pho phụ gia thay đổi tùy thuộc vào các loại nước ngọt. Tuy nhiên, hầu hết các loại nước ngọt có màu sẫm chứa khoảng 50–100 mg trong một thể tích 200 mL.
Quả bơ
Bơ là nguồn cung cấp chất béo rất tốt. Tuy nhiên, bơ bị liệt vào “danh sách đen” người mắc bệnh thận cần tránh bởi hàm lượng kali cao của mình. Một quả bơ cỡ trung bình cung cấp một lượng lớn khoảng 690 mg kali.
Bằng cách giảm khẩu phần ăn xuống còn 1/4 quả bơ, người bệnh thận vẫn có thể đưa thực phẩm này vào chế độ ăn của mình. Đồng thời hạn chế kali từ các thực phẩm khác, nếu cần.
Đồ hộp
Đồ hộp chứa lượng natri cao vì tác dụng bảo quản của muối. Vì vậy, đây cũng là nhóm thực phẩm trong danh sách “bệnh thận kiêng ăn gì“.
Nếu người bệnh quá bận rộn hoặc không thể tự nấu, hãy chọn thực phẩm có hàm lượng natri thấp, hoặc dán nhãn “không thêm muối” là sự lựa chọn tốt nhất.
Ngoài ra, rửa sạch và để ráo thực phẩm đóng hộp cũng là gợi ý hay. Điều này giúp giảm hàm lượng natri 33-80% tùy thuộc vào sản phẩm.
Bánh mì nguyên cám
Bánh mì nguyên cám được khuyên dùng đối với người bình thường vì hàm lượng chất xơ cao. Tuy nhiên, bánh mì trắng lại được ưu tiên sử dụng cho người bệnh thận. Càng nhiều cám và ngũ cốc nguyên hạt trong bánh mì, hàm lượng phốt pho và kali càng cao.
Lưu ý rằng hầu hết các sản phẩm bánh mì và mì, bất kể là lúa mì trắng hay lúa mì nguyên hạt, cũng chứa một lượng natri tương đối cao.
Chuối
Chuối chứa hàm lượng kali cao. Một quả chuối cỡ vừa cung cấp 422 mg kali.
Không may, nhiều loại trái cây nhiệt đới khác cũng có hàm lượng kali cao. Dứa có thể là sự lựa chọn thay thế phù hợp.
Sữa
Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin và dinh dưỡng. Đây cũng là nguồn tự nhiên của phốt pho, kali và một nguồn protein tốt.
Ví dụ, 1 ly (240 mL) sữa nguyên chất cung cấp 222 mg phốt pho và 349 mg kali (20).
Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều sữa, cùng với các thực phẩm giàu phốt pho khác, có thể gây bất lợi cho sức khỏe xương ở những người bị bệnh thận. Các lựa chọn thay thế từ sữa như sữa gạo và sữa hạnh nhân có hàm lượng kali, phốt pho và protein thấp hơn nhiều so với sữa bò.
Dưa chua
Dưa chua nói riêng và các thực phẩm dạng ngâm nói chung là nhóm thực phẩm thuộc danh sách “bệnh thận kiêng ăn gì“. Hàm lượng natri trong các thực phẩm này rất cao. Trong 2 muỗng canh dưa chua có đến 244 mg natri.
Khoai tây và khoai lang
Khoai tây và khoai lang là những loại rau củ giàu kali. Chỉ một củ khoai tây nướng cỡ trung bình (156 gram) chứa 610 mg kali. Trong khi một củ khoai lang nướng cỡ trung bình (114 gram) chứa 541 mg kali.
Cà chua
Cà chua được biết đến với hàm lượng kali cao. Chỉ cần 1 chén nước sốt cà chua có thể chứa tới 900 mg kali.
Cách phòng ngừa bệnh thận
Để thận luôn khỏe mạnh và không phải áp dụng chế độ ăn nghiêm ngặt như trên, hãy thực hiện các phương pháp phòng ngừa bệnh thận như sau:
- Kiểm soát đường huyết tốt.
- Theo dõi huyết áp hàng ngày.
- Duy trì cân nặng phù hợp.
- Chế độ ăn khoa học: giảm đường, ít muối và tăng cường rau củ quả.
- Giảm lượng muối trong các bữa ăn.
- Uống đủ nước.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Hạn chế đồ uống chứa cồn.
- Không lạm dụng thuốc không kê đơn.
- Tránh căng thẳng, áp lực.
- Tập thể dục thường xuyên.
Trên đây là danh sách các thực phẩm trả lời cho câu hỏi “bệnh thận kiêng ăn gì” mà YouMed đã gợi ý cho bạn. Hãy luôn theo dõi và chăm sóc sức khỏe thận và sức khỏe của các cơ quan khác trong cơ thể để có cuộc sống hoàn hảo nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc vấn đề về sức khỏe hãy liên hệ cho bác sĩ để được tư vấn kịp thời và chính xác.
Ths. Bs. CKI. Trần Quốc Phong
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
17 Foods to Avoid or Limit If You Have Bad Kidneyshttps://www.healthline.com/nutrition/foods-to-avoid-with-kidney-disease
Ngày tham khảo: 24/07/2021