YouMed

Bơ: loại quả quen thuộc mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Bơ là loại cây thân thuộc, được trồng từ lâu năm ở nước ta. Quả bơ được biết đến với thành phần dinh dưỡng cao, giàu vitamin và vi khoáng, hỗ trợ giảm cân. Hạt của nó được y học bản địa các nước như Peru, Nigeria sử dụng hỗ trợ sức khỏe phụ nữ. Còn nhiều tác dụng khác từ lá, quả, hạt, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh.

Bơ là gì?

Tên khoa học

Bơ (danh pháp hai phần: Persea americana). Đây là một loại cây cận nhiệt đới có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, thuộc họ Lauraceae.1

Con người biết ăn trái bơ từ xưa. Bằng chứng là người ta tìm thấy hình ảnh trên các di tích.

Mô tả thực vật

Cây cao khoảng 20 mét, lá chen kẽ, mỗi lá dài 12–25 cm, hoa không hiện rõ, màu xanh-vàng, mỗi hoa lớn độ 5–10 mm.

Quả hình như cái bầu nước, dài 7–20 cm, nặng 100 g-1 kg. Vỏ mỏng, hơi cứng, màu xanh lục đậm, có khi gần như màu đen. Khi chín, bên trong thịt mềm, màu vàng nhạt, giống như chất bơ, có vị ngọt nhạt, béo. Hạt hình tựa quả trứng, dài 5 – 6 cm, nằm trong trung tâm, màu nâu đậm, và rất cứng.

Phân bố

Cây bơ không hợp trồng ở vùng lạnh, chỉ phát triển ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở Tây Nguyên như Đắc Lắc, Lâm Đồng, và một số vùng trung du khác.

Bơ giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe
Bơ giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe

Thành phần hóa học

Quả bơ giàu thành phần dinh dưỡng như đường, chất xơ, chất béo, chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa, chất đạm, Thiamine (B1) 6%, Riboflavin (B2) 11%, Niacin (B3) 12%, Pantothenic acid (B5) 28%, vitamin B6 20%, Folate (B9) 20%, vitamin C 12%, canxi 1%, sắt 4%, magiê 8%, phốt pho 7%, kali 10%, kẽm 7%.

Tác dụng dược lý

Bộ phận lá bơ

Tác dụng giãn mạch

Quá trình điều hòa mạch máu phụ thuộc vào sự tổng hợp và giải phóng các yếu tố thư giãn có nguồn gốc từ nội mô (EDRFs). Chiết xuất của lá bơ tạo ra phản ứng giãn mạch. Nó có thể được tạo ra do ức chế kênh Ca 2+ và các kênh vận hành bởi thụ thể.1

Hoạt động giảm đau và chống viêm

Chất chiết xuất của lá bơ có tác dụng giảm đau giảm sưng tấy đáng kể trong mô hình thí nghiệm ở chuột, tương đương với axit acetylsalicylic (tương ứng là 57,2% và 58,0%).1

Hoạt động chống độc tố

Một nhóm các nhà khoa học đã chứng minh tác dụng của bơ đối với gan. Martins Ekor và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu về hoạt động chống độc tố ở chuột. Chiết xuất lá bơ có thể bảo vệ, chống lại độc tính và stress oxy hóa do nhiễm độc paracetamol cấp tính. Cơ chế của sự bảo vệ này có lẽ là do hoạt động chống oxy hóa của catalase (CAT); superoxide dismutase (SOD); và glutathione peroxidase. Đây là những cơ chế bảo vệ nội bào chính để đối phó với sự gia tăng căng thẳng do oxy hóa.1

Quả bơ hỗ trợ cơ thể chống độc tố
Quả bơ hỗ trợ cơ thể chống độc tố

Chiết xuất trở thành một tác nhân tiềm năng chống lại các bệnh gan và các bệnh lý khác liên quan đến stress oxy hóa.

Hoạt động chống oxy hóa

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự hiện diện của các hợp chất persenone A và B với các đặc tính chống oxy hóa độc đáo trong lá bơ. Điều quan trọng là phải xác định rõ ràng các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa trong dịch chiết lá của loại cây này.1

Hoạt động hạ đường huyết

Chiết xuất từ ​​lá bơ có tác dụng hạ đường huyết ở chuột bình thường. Hoạt động chống đái tháo đường tối đa đạt được sau 6 giờ sau khi sử dụng một liều duy nhất của chiết xuất, làm giảm 60,02 ± 6,83% mức đường huyết.1

Ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể

Nghiên cứu của Brail và cộng sự chỉ ra rằng việc sử dụng các chiết xuất lá bơ đã làm giảm trọng lượng cơ thể so với nhóm chứng tăng lipid máu. Có thể là do chất chiết xuất từ ​​lá bơ làm tăng quá trình dị hóa lipid tích tụ trong mô mỡ, dẫn đến giảm trọng lượng cơ thể trung bình.1

Bộ phận quả bơ

Hoạt động chữa lành vết thương

Trong mô hình vết thương do cắt, sự lành hoàn toàn (biểu mô hóa hoàn toàn) được quan sát thấy trung bình vào ngày 14 ở những con chuột uống hoặc bôi tại chỗ chiết xuất từ ​​quả bơ. Ngược lại, nhóm đối chứng mất khoảng 17 ngày để chữa lành hoàn toàn. Các vết thương được điều trị biểu mô hóa nhanh hơn so với các đối chứng. Trọng lượng mô hạt (thể hiện cho sự lành vết thương) và hàm lượng hydroxyproline của mô cao hơn đáng kể so với đối chứng.1

Tác dụng hạ mỡ máu

Trong nghiên cứu, 100 mg quả bơ / kg chuột thể hiện hoạt động giảm lipid máu tối ưu. Quả bơ có thể giảm lipid máu bằng cách điều chỉnh các hoạt động của HMG CoA reductase và tổng hợp axit béo trong gan. Ngoài ra, các quan sát mô bệnh học ở gan và mô mỡ nội tạng đã bổ sung thêm bằng chứng về tác dụng hạ lipid của quả .2

Bộ phận hạt bơ

Hạt của cây bơ, phần không ăn được của quả, được sử dụng làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nó đã được báo cáo là thuốc tránh thai; và khử trùng cho phụ nữ theo y học bản địa ở Peru, một số nước châu Á và Nigeria.

Bơ giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe
Bơ hỗ trợ chống lão hóa, tốt cho sức khỏe chị em phụ nữ

Chiết xuất từ ​​hạt bơ ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết tố nữ là hormone FSH và Progesterone. Điều này có thể được áp dụng trong các quy trình quản lý nội tiết tố giúp các cơ sở y tế kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên, nó nên được sử dụng thận trọng cho phụ nữ có ý định thụ thai.3

Ngoài ra, hiện nay có các chế phẩm từ dầu được sử dụng trong điều trị các bệnh xương khớp. Các chế phẩm này cần có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Cách bảo quản, sử dụng bơ

Thịt trái bơ dùng làm nguyên liệu cho các món sinh tố, giải khát, làm salad, sushi.

Bên cạnh sinh tố, bơ còn được dùng để làm salad hoặc nhiều món ăn khác
Bên cạnh sinh tố, bơ còn được dùng để làm salad hoặc nhiều món ăn khác

Đối với tác dụng từ lá và hạt bơ, cần có phòng thí nghiệm cùng các hóa chất cần thiết mới có thể có các chiết xuất. Do vậy, bạn không nên tự làm tại nhà.

Loại quả này rất phổ biến và được ưa chuộng sử dụng ở nước ta. đem lại nhiều giá trị cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, quý độc giả không nên lạm dụng, sử dụng nhiều và liên tục để tránh những tác hại không mong muốn. Bạn cũng có thể tham khảo chuyên gia dinh dưỡng nếu muốn chế biến hoặc sử dụng trái này.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. The phytochemical and pharmacological profile of Persea americana Millhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3249906/

    Ngày tham khảo: 11/05/2021

  2. Effect of hydroalcoholic fruit extract of Persea americana Mill. on high fat diet induced obesity: A dose response study in ratshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27468463/

    Ngày tham khảo: 11/05/2021

  3. Evaluation of possible effects of Persea americana seeds on female reproductive hormonal and toxicity profilehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33484907/

    Ngày tham khảo: 11/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người