Bệnh trĩ có lây không và câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Đối với một bệnh nhân mắc bệnh trĩ, không khó để bắt gặp những thắc mắc như “Bệnh trĩ có lây không?”. Hoặc “Tôi bị trĩ có phải do lây từ người khác?”. Hay đôi khi là nỗi lo lắng vì sợ mình sẽ lây bệnh cho gia đình và những người xung quanh. Vậy, câu trả lời thật sự là gì? YouMed sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc ngay sau đây!
Tổng quát bệnh trĩ
Trước khi giải đáp thắc mắc “bệnh trĩ có lây không“, các bạn cần nắm sơ qua khái niệm tổng quan về căn bệnh này.
Bệnh trĩ là tình trạng sưng các tĩnh mạch trực tràng dưới và hậu môn.
Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, gây ứ máu liên tục dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ nhô vào lòng ống hậu môn. Đồng thời, ở bệnh nhân lớn tuổi, cấu trúc mô liên kết nâng đỡ càng suy yếu hơn khiến các búi trĩ ban đầu là trĩ nội tụt dần ra khỏi hậu môn (trĩ nội sa).
Theo Mayo Clinic, có khoảng 75% người lớn bị trĩ định kỳ.
Về phân loại, bệnh trĩ được phân thành trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội: búi trĩ xuất hiện phía trên đường lược (đường giữa hậu môn – trực tràng), được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp.
- Trĩ ngoại: búi trĩ xuất hiện phía dưới đường lược, được bao phủ bởi biểu mô vảy và nằm dưới lớp da quanh hậu môn.
Làm sao để biết bạn đang mắc bệnh trĩ?
Khi các tĩnh mạch trực tràng dưới và hậu môn căng ra do áp lực, khiến chúng sưng phồng lên. Đó là dấu hiệu bạn đã mắc bệnh trĩ. Bạn có thể nghi ngờ bản thân mắc bệnh trĩ nếu bạn có những yếu tố nguy cơ sau đây:
- Khó đi đại tiện, phải dùng lực đẩy quá mạnh;
- Chế độ ăn ít chất xơ;
- Thói quen ngồi lâu trong toilet;
- Tiêu chảy mạn tính;
- Táo bón mạn tính;
- Giao hợp qua đường hậu môn;
- Béo phì;
- Thai kỳ;
- Gia tăng áp lực ổ bụng thường xuyên, như: người lao động khuân vác, vận động viên cử tạ, vận động viên quần vợt…;
- Công việc đứng lâu, ngồi nhiều làm tăng áp lực ổ bụng cản trở máu hồi lưu về tim, làm giãn tĩnh mạch hậu môn: thư ký, thợ may, nhân viên bán hàng;
- U vùng tiểu khung (u đại trực tràng, u tử cung): giãn tĩnh mạch hậu môn do cản trở hồi lưu máu về tim.
Các dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc bệnh trĩ gồm:
- Sưng vùng hậu môn;
- Ngứa ở khu vực hậu môn;
- Khó chịu hoặc đau ở khu vực hậu môn;
- Cảm thấy/Sờ thấy một khối đau, nhạy cảm gần hậu môn;
- Chảy máu vùng hậu môn – trực tràng.
Bệnh trĩ có lây không?
Thật may mắn, câu trả lời cho câu hỏi “Bệnh trĩ có lây không?” là KHÔNG.
Bệnh trĩ không lây truyền từ người này sang người khác bằng bất cứ hình thức nào. Kể cả quan hệ tình dục.
Cách phòng tránh bệnh trĩ
Cách phòng bệnh trĩ tốt nhất là luôn giữ cho phân mềm và đi qua hậu môn dễ dàng. Để ngăn ngừa và giảm nhẹ triệu chứng bệnh trĩ, hãy thực hiện các phương pháp sau:
Duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ
Ăn nhiều trái cây, rau củ quả tươi. Ngũ cốc nguyên cám như: lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen, kê,… rất tốt cho hệ tiêu hóa. Chúng giúp làm mềm phân và tăng lượng phân. Khi lượng phân đủ nhiều cơ thể sẽ tống xuất ra ngoài mà không tái hấp thu nước trở lại nhiều lần. Phân ở trong ruột càng lâu sẽ càng khô do mất nước.
Uống nhiều nước
Uống trung bình 6 – 8 ly nước 250 ml mỗi ngày để đảm bảo đủ nước cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Tránh các loại đồ uống như nước ngọt, rượu vì không tốt cho cả hệ tiêu hóa và tim mạch của bạn.
Xem xét bổ sung chất xơ nếu cần thiết
Theo khuyến cáo, lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày đối với nữ là 25 gr và đối với nam giới là 38 gr. Đồng thời các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bổ sung chất xơ như Metamucil và Citrucel giúp cải thiện triệu chứng và giảm chảy máu từ búi trĩ. Những thực phẩm bổ sung này giúp làm mềm phân và duy trì đi cầu đều đặn mỗi ngày. Khi sử dụng chất xơ bổ sung cần lưu ý uống đủ nước mỗi ngày để tránh táo bón hoặc táo bón nặng hơn.
Không rặn mạnh khi đi cầu
Tạo áp lực quá lớn khi rặn mạnh sẽ càng làm búi trĩ phình to, gây vỡ và chảy máu.
Không nhịn đi cầu
Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc, để giảm thời gian phân ở lại trong ruột. Như đã nói trên, thời gian phân ở trong cơ thể chúng ta càng lâu sẽ càng bị hút nước trở lại. Phân sẽ trở nên khô cứng và rất khó thải ra ngoài cơ thể.
Tập thể dục đều đặn
Duy trì vận động mỗi ngày, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực tác động lên tĩnh mạch. Ngoài ra còn giúp giảm cân, tránh được yếu tố nguy cơ béo phì đã nói ở phần trước.
Vậy là YouMed đã vừa giúp bạn giải đáp thắc mắc “bệnh trĩ có lây không?“. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ làm tăng áp lực ổ bụng và áp lực tĩnh mạch hậu môn, những triệu chứng của bệnh trĩ thường không đặc hiệu. Chảy máu vùng hậu môn trực tràng ngoài trĩ còn có thể có các bệnh lý khác như: polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn… Hãy đến gặp bác sĩ khi phát hiện cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Are Hemorrhoids Contagious?https://www.healthline.com/health/are-hemorrhoids-contagious
Ngày tham khảo: 20/06/2021