Bệnh vảy nến: Nên và không nên ăn gì?
Nội dung bài viết
Vảy nến là một tình trạng viêm da mạn tính do nhiều yếu tố tác động với nhau gây nên. Biểu hiện của bệnh là những mảng đỏ tróc vảy ở một số vị trí hoặc toàn cơ thể. Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà tình trạng này có thể ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm thuốc bôi, thuốc uống và chiếu ánh sáng để kiểm soát bệnh. Ngoài ra, chế độ ăn phù hợp cũng giúp hạn chế tái phát bệnh, các bạn cùng YouMed tìm hiểu nhé!
1. Tổng quan bệnh vảy nến?
Bệnh vảy nến là một bệnh lý viêm da mạn tính. Khi đó người bệnh xuất hiện các mảng màu đỏ ở một vị trí hoặc trên toàn cơ thể. Trên bề mặt các mảng đỏ này có vảy trắng như nến (đèn cầy) nên còn được gọi là vảy nến.
Bệnh khá phổ biến trong dân số, nó chiếm tỷ lệ 2-3%. Bệnh xuất hiện ở nam và nữ như nhau. Mặc dù trẻ em có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường xảy ra hơn ở người trưởng thành.
Bệnh viêm da mạn tính này có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tùy mức độ mà bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của người bệnh hay không. Tuy nhiên, nhìn chung vảy nến gây mất thẩm mỹ và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh..
2. Chế độ ăn giúp kiểm soát bệnh vảy nến?
Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến rất phức tạp. Các yếu tố di truyền, rối loạn hệ miễn dịch và yếu tố môi trường tương tác với nhau và gây ra bệnh. Hiện tại, hầu hết các nghiên cứu vẫn chưa xác định được mối liên hệ giữa chế độ ăn và bệnh. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân nhận thấy rằng có một số thực phẩm làm triệu chứng bệnh nặng hơn trong khi một số thực phẩm khác lại làm giảm tình trạng viêm do vảy nến.
Vì vậy, để điều trị bệnh vảy nến, ngoài việc sử dụng thuốc thì chế độ ăn uống cũng rất quan trọng. Lưu ý là không có một chế độ ăn chuyên biệt nào bắt buộc bệnh nhân phải tuân thủ. Chỉ có lời khuyên dùng và khuyên tránh các nhóm thực phẩm sau:
Các loại thực phẩm nên ăn
-
Chất chống oxy hóa
– Thành phần này cần thiết để ngăn cản sự hình thành các hoạt chất gây viêm trong cơ thể. Chính các hoạt chất gây viêm là thủ phạm làm tình trạng vảy nến nặng hơn.
– Chất chống oxy hóa có nhiều trong các loại trái cây như nho, mận và bưởi… Ngoài ra các loại đậu, quả hạch, mơ, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa.
-
Beta carotene
– Beta carotene giúp chuyển hóa vitamin A trong cơ thể. Điều này cần thiết cho 1 làn da khỏe mạnh và có lợi cho người bệnh vảy nến.
– Chúng ta dễ dàng tìm thấy beta caroten trong các quả có màu đỏ cam như cà rốt, cà chua… Ngoài ra các loại rau lá xanh cũng chứa nhiều thành phần này.
>> Vitamin A rất tốt cho bệnh nhân vảy nến. Nhấn vào đây để biết về 6 công dụng của vitamin A với sức khỏe con người
-
Vitamin D
– Viên uống vitamin D được sử dụng trong điều trị và giúp kiểm soát bệnh. Vì vậy bổ sung vitamin D từ thực phẩm đem lại lợi ích cho người bệnh vảy nến.
– Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D gồm cá, dầu cá và sữa…
-
Folate
– Thành phần này có giữ chức năng quan trọng trong tạo nên các tế bào da cho một làn da khỏe mạnh.
– Folate có trong đậu lăng, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá…
-
Kẽm
– Thiếu kẽm cũng thường thấy ở bệnh nhân vảy nến. Vì vậy, nên bổ sung các thực phẩm chứa kẽm trong chế độ ăn.
– Kẽm có nhiều trong các loại sò.
-
Axit béo Omega-3
– Axit béo Omega-3 giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc bôi chứa corticoid mà không làm tình trạng bệnh vảy nến xấu hơn. Điều này có lợi cho người bệnh, vì sử dụng cortiocid lâu dài sẽ có nhiều tác dụng phụ.
– Axit béo Omega-3 có trong các loại cá như cá mòi, cá thu và cá hồi… Các loại hạt lanh, hạt hướng dương và hạt mè cũng chứa nhiều axit béo này.
-
Nước
– Nước rất cần thiết cho cơ thể nói chung và làn da nói riêng. Khi mắc bệnh vảy nến, da sẽ trở nên viêm và khô tróc vảy. Vì vậy, uống đủ nước mỗi ngày giúp cải thiện và nhanh chóng phục hồi làn da của người bệnh.
Các loại thực phẩm nên tránh
- Đường: dư thừa đường sẽ làm nặng thêm tình trạng viêm. Vì vậy cần hạn chế lượng đường trong chế độ ăn bao gồm cả đường tinh luyện lẫn tự nhiên.
- Thực phẩm chiên xào và chế biến sẵn: chứa nhiều axit béo bão hòa. Chúng làm gia tăng tình trạng viêm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Vì vậy nên hạn chế thực phẩm chiên rán và thay thế dầu thực vật trong chế biến thức ăn.
- Thức ăn nhiều gia vị: được ghi nhận là không có lợi đối với bệnh vảy nến.
- Trứng: thuộc nhóm thực phẩm thường gây dị ứng. Một số người bệnh thấy trứng là yếu tố khởi phát bệnh. Vì thế, nên tránh dùng trứng khi bị dị ứng hoặc bệnh vảy nến nặng hơn sau khi ăn.
- Rượu, bia: có thể gây những đợt bùng phát vảy nến và làm nặng tổn thương ở da. Người bệnh vảy nến nên tránh sử dụng rượu, bia hoặc chỉ uống ở mức vừa phải.
- Thịt đỏ: nên thay thế bằng cá hồi, cá thu, cá mòi, và sò ít nhất 3 lần/tuần.
Vảy nến là bệnh lý viêm mạn tính ở da. Hiện nay, điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao. Bằng cách kết hợp chế độ ăn phù hợp cùng với dùng thuốc sẽ giúp người bệnh kiểm soát vảy nến tốt hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Foods can trigger a Psoriasis Flare-uphttps://www.healthline.com/health/psoriasis/food-triggers-for-psoriasis
Ngày tham khảo: 04/11/2019