Bệnh xốp xơ tai là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Bệnh xốp xơ tai là một rối loạn chuyển hóa xương thường gặp của tai, gây nên tình trạng nghe kém ở bệnh nhân. Rối loạn này xảy ra chủ yếu xảy ra ở chuỗi xương con của tai giữa. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thay đổi theo từng cá nhân, với hai triệu chứng nổi bật là nghe kém và ù tai. Do đó, tùy tình trạng nặng nhẹ của người bệnh, sẽ có những biện pháp điều trị khác nhau. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học hiện đại, điều trị bệnh xốp xơ tai ngày càng có những khả quan hơn.
Nội dung bài viết
1. Bệnh xốp xơ tai là gì?
1.1 Nhắc lại giải phẫu tai
Tai là một cơ quan thiết yếu, thuộc bộ máy thính giác của con người. Cấu tạo gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong.
- Tai ngoài: Gồm vành tai và ống tai ngoài. Nơi này có nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh từ môi trường ngoài vào đến tai giữa.
- Tai giữa: Nằm giữa tai ngoài và tai trong. Cấu tạo bao gồm hòm nhĩ, vòi tai và khối tế bào xương chũm. Trong hòm nhĩ có chuỗi xương con, là nơi thường bị tổn thương trong bệnh xốp xơ tai.
- Tai trong: Còn gọi là mê đạo tai, bao gồm ốc tai và tiền đình. Đây là bộ phận thụ cảm ngoại vi của bộ máy thính giác. Nhiệm vụ của tai trong là biến đổi năng lượng cơ học của sóng âm thành các xung thần kinh đi lên não.

1.2 Định nghĩa bệnh xốp xơ tai
Bệnh xốp xơ tai là bệnh rối loạn chuyển hóa xương do gen chi phối, chỉ xảy ra ở người. Tuy nhiên, rối loạn này chỉ xảy ra ở xương con thính giác và mê đạo xương (tai trong). Bệnh đặc trưng bởi sự phá hủy và lắng đọng bất thường của cấu trúc xương, dẫn đến nghe kém ở người bệnh.
Xốp xơ tai chủ yếu gặp ở người da trắng, tần suất thấp ở người da vàng. Từ các số liệu thống kê cho thấy, nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới. Hơn nữa, triệu chứng có xu hướng tăng lên trong thời kì thai sản. Độ tuổi trung bình mắc bệnh thay đổi, chủ yếu ở tuổi thanh niên, 15 – 35 tuổi.
2. Nguyên nhân của bệnh
Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn còn chưa được biết rõ. Yếu tố gen – di truyền có thể được xem là nền tảng căn nguyên của bệnh. Theo đó, người ta nhận thấy có đến 2/3 bệnh nhân có bệnh xốp xơ tai có tiền sử gia đình nghe kém. Như vậy, xốp xơ tai được xem là bệnh di truyền ưu thế nhiễm sắc thể với những biểu hiện bệnh đa dạng. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng có thể liên quan đến bệnh lý này. Cụ thể, bằng kĩ thuật sinh học phân tử hiện đại, nhà khoa học đã phát hiện ra bộ gen của virus sởi trong tổn thương của bệnh xốp xơ tai.
Bệnh lý tự miễn, chuyển hóa và rối loạn nội tiết cũng là một trong những yếu tố góp phần phát sinh xốp xơ tai.
3. Biểu hiện của bệnh xốp xơ tai là gì?
Bệnh xuất hiện từ từ và có xu hướng tăng dần. Trong đó, nghe kém và ù tai là 2 triệu chứng chính của bệnh. Tuy nhiên, tiến triển của bệnh lại thay đổi theo từng cá nhân. Có bệnh nhân chỉ nghe kém đến một mức độ nhất định rồi giữ nguyên, bệnh không nặng thêm. Nhưng lại có người nghe kém tăng nhanh. Việc nghe kém nặng, kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, khả năng giao tiếp và hòa nhập xã hội của người bệnh.
Biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào giai đoạn và vị trí phát triển ổ xốp xơ, bao gồm:
– Thể mô học: Chỉ thay đổi trên mô học của tai, không có biểu hiện lâm sàng
– Thể lâm sàng: Biểu hiện nghe kém dẫn truyền
– Thể ốc tai/mê đạo: Nghe kém tiếp nhận – thần kinh là biểu hiện chính
– Thể hỗn hợp: Biểu hiện nghe kém hỗn hợp
Những biểu hiện kèm theo của bệnh:
– Ù tai: Thường thấy nhất. Cơ chế của ù tai vẫn chưa rõ, đôi khi đây là triệu chứng rất khó chịu cho người bệnh. Ù tai có thể mất đi sau phẫu thuật.
– Triệu chứng bàng thính: Xảy ra trong môi trường ồn ào. Khi đó, bệnh nhân cảm thấy nghe rõ hơn, hiểu tiếng nói rõ hơn.
– Chóng mặt: Ít gặp và không đặc trưng cho bệnh.
>> Bạn thường xuyên ù tai không rõ nguyên nhân? Tìm hiểu ngay Ù tai là gì và cách xử trí kịp thời ngay tại đây nhé!

4. Điều trị bệnh xốp xơ tai như thế nào?
4.1 Điều trị không phẫu thuật
Mục tiêu của điều trị cho đa số trường hợp là ổn định và cải thiện sức nghe, bao gồm điều trị thuốc và máy trợ thính.
Sodium Fluoride được coi là yếu tố cơ bản cho sự phát triển răng và xương. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nó có thể hiệu quả ở vài bệnh nhân mắc xốp xơ tai. Thuốc thường được kết hợp bổ sung Calcium để làm chậm hoặc cản trở diễn tiến của bệnh. Hoạt chất này được dùng trong giai đoạn sớm của bệnh và triệu chứng nghe kém tiến triển. Chống chỉ định dùng thuốc trên trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú và bệnh nhân suy thận.
Máy trợ thính được áp dụng ở những trường hợp bệnh ảnh hưởng chủ yếu ở mê đạo tai, phẫu thuật không hiệu quả. Ngoài ra, máy trợ thính còn hỗ trợ trong những trường hợp điếc tiếp nhận sau mở xương bàn đạp. Khảo sát cho thấy, biện pháp này đem lại sự hài lòng cao ở bệnh nhân đã được phẫu thuật.

4.2 Điều trị phẫu thuật
Với kĩ thuật hiện nay, phẫu thuật đem lại kết quả rất khả quan. Phẫu thuật xương bàn đạp là kĩ thuật mổ được lựa chọn trong điều trị xốp xơ tai. Phẫu thuật này được chỉ định phụ thuộc vào mức độ cứng của khớp bàn đạp tiền đình. Điều này có thể được đánh giá gián tiếp qua đo thính lực đồ trước phẫu thuật. Ngoài ra, việc lựa chọn bệnh nhân mổ còn dựa trên những tiêu chí lâm sàng và thính học khác.
Dựa trên kết quả thống kê, kết quả phẫu thuật cho thấy 90% trường hợp cho kết quả tốt, cải thiện rõ rệt về sức nghe và mức hài lòng của người bệnh. Một số tai biến của phẫu thuật bao gồm: thủng màng nhĩ, liệt dây thần kinh mặt…Tuy nhiên, tỷ lệ biến chứng là rất thấp.
Bệnh xốp xơ tai là bệnh lý di truyền nhiễm sắc thể với biểu hiện chủ yếu là nghe kém và ù tai. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ, tuổi dậy thì hay ngay sau đó. Với kỹ thuật hiện nay, phẫu thuật mang lại kết quả rất khả quan. Hy vọng bài viết đã giải đáp được phần nào thắc mắc của các bạn về căn bệnh này.
Bác sĩ: Nguyễn Lê Vũ Hoàng
Cài đặt ngay ứng dụng YouMed để đặt khám tiện lợi, không chờ đợi tại hơn 25 bệnh viện, 475 bác sĩ và 50 phòng khám đa khoa liên kết chính thức với YouMed. Hotline tư vấn 1900 2805 .
Các tính năng rất hữu ích của ứng dụng đặt khám YouMed

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Chat miễn phí
với bác sĩ

Video call
với bác sĩ

Nhận và lưu trữ hồ sơ, toa thuốc, lịch sử khám

Mua trực tuyến các sản phẩm y tế, sức khỏe chính hãng

Đọc tin y tế
chính thống
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Tai mũi họng nhập môn – PGS.TS. Nhan Trừng Sơn
Bệnh học Tai mũi họng, đầu mặt cổ – GS. TS. Ngô Ngọc Liễn
Surgery of the ear (5th edition) – Glasscock-Shambaugh