YouMed

Béo phì độ 1 là gì? Dấu hiệu, tác hại và cách điều trị

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Béo phì hiện là vấn đề phổ biến không chỉ ở trẻ em mà còn cả người lớn. Song béo phì độ 1 vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất so với các cấp độ khác. Tuy đây chỉ là khởi đầu của béo phì, bệnh vẫn có nguy cơ để lại nhiều tác hại nguy hiểm. Hãy cùng các Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu thêm về tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Béo phì độ 1 là gì?

Dựa trên bảng phân loại chỉ số BMI của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì ở mức 1 đối với người châu Á sẽ có chỉ số BMI từ 25 – 29.9, người châu Âu từ 30 – 34.9.1

Béo phì là nỗi lo của nhiều nước phát triển. Ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, béo phì độ 1 vẫn là trường hợp phổ biến nhất. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến cân nặng và bắt đầu thay đổi chế độ sinh hoạt thường ngày.

Phân độ béo phì

Công cụ đo lường lượng mỡ trong cơ thể phổ biến nhất là chỉ số BMI. Công thức tính BMI là lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Dựa theo bảng phân độ béo phì dành cho người châu Á, ta sẽ biết chính xác tình trạng của mình đang ở mức nào.

Phân loại BMI (kg/m²) – WHO BMI (kg/m²) – IDI & WPRO
Cân nặng thấp (gầy) < 18.5
Bình thường 18.5 – 24.9 18.5 – 22.9
Thừa cân ≥ 25 ≥ 23
Tiền béo phì 25 – 29.9 23 – 24.9
Béo phì độ I 30 – 34.9 25 – 29.9
Béo phì độ II 35 – 39.9 ≥ 30
Béo phì độ III ≥ 40

Tuy nhiên, chỉ số này thường không áp dụng cho trẻ em. Do trẻ em vẫn đang trong thời kỳ phát triển, ta không thể xác định mức độ trẻ béo phì dựa trên BMI. Thay vào đó, ba mẹ nên nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở con để kịp thời liên hệ bác sĩ. Một số dấu hiệu quan sát được như:

  • Tăng cân quá nhanh.
  • Mặt tròn, má phính, có ngấn mỡ ở cổ, vùng bụng, đùi hoặc bẹn, nách.
  • Đổ nhiều mồ hôi khi chạy nhảy.

Dấu hiệu nhận biết béo phì độ 1

Thông thường, cơ thể sẽ đưa ra các tín hiệu cảnh báo cân nặng của bạn cần được điều chỉnh. Một số biểu hiện có thể kể đến như:

  • Số đo vòng eo tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi tỷ lệ số đo vòng eo/mông (waist-hip ratio) trên 0.9 đối với nam giới hoặc 0.85 đối với nữ giới, bạn có nguy cơ mắc béo phì độ 1.2
  • Thị lực kém.
  • Thường xuyên đói bụng.
  • Hay ngáy ngủ.
  • Khó thở trong thời gian dài.
  • Ợ nóng.
  • Gặp các vấn đề về da như rạn da, da sạm và chảy nhão ở vùng cổ.
  • Giãn tĩnh mạch.
  • Đau các khớp như đầu gối, hông hoặc lưng.
  • Kinh nguyệt không đều.
  • Cơ thể trì trệ và mệt mỏi.

Nếu có những dấu hiệu trên, bạn nên lên kế hoạch giảm cân nhanh chóng để ngăn ngừa béo phì.

béo phì độ 1
Tỷ lệ số đo vòng eo/mông là 0.85 đối với nữ giới, bạn có nguy cơ mắc béo phì độ 1

Những tác hại của béo phì độ 1

Béo phì độ 1 là mức độ nhẹ nhất trong thang phân loại béo phì. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể gây nên nhiều tác hại của béo phì nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Lượng mỡ tích tụ trong cơ thể là yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh lý như:

  • Các bệnh về tim mạch: Mỡ thừa thường làm tăng hàm lượng cholesterol xấu. Đây là nhân tố chính dẫn tới xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, suy tim,…
  • Tăng lượng đường trong máu: béo phì gây ảnh hưởng đến xấu đến phản ứng của cơ thể với insulin. Theo các bác sĩ, béo phì là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh đái tháo đường.
  • Các bệnh lý khác: sỏi mật, trào ngược dạ dày, gan nhiễm mỡ,…
  • Gây ra một số bệnh ung thư như ung thư trực tràng, ung thư túi mật,…

Cách điều trị béo phì độ 1

Theo các bác sĩ, béo phì độ 1 hoàn toàn có thể khắc phục được bằng phương pháp thay đổi lối sống. Do đây chỉ là khởi đầu của tình trạng béo phì, các biện pháp như dùng thuốc hoặc phẫu thuật là chưa cần thiết.

1. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến béo phì là do thói quen ăn uống chưa hợp lý. Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người thường lựa chọn các thức ăn chế biến sẵn với hàm lượng calo cao. Do đó, tỷ lệ béo phì ngày càng tăng cao, nhất là ở các nước phát triển.

Để giảm cân hiệu quả, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra những lời khuyên xây dựng thực đơn cho người béo phì như sau:

  • Nên chia nhỏ các bữa ăn để dễ kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào.
  • Rèn luyện thói quen ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế ăn vặt.
  • Lựa chọn các thực phẩm có nhiều chất xơ như rau xanh và trái cây.
  • Ăn các loại tinh bột nguyên hạt như gạo lức, ngũ cốc, ngô, khoai,…
  • Tránh xa các thực phẩm có nhiều đường, giàu chất béo hoặc dầu mỡ, rượu bia, nước ngọt có gas.

2. Tăng cường vận động

Để quá trình giảm cân hiệu quả, việc tập thể dục đều đặn là yếu tố không thể bỏ qua. Bác sĩ khuyến khích bạn nên tập từ 30 – 45 phút/ngày và duy trì tối thiểu 5 ngày/tuần. Người béo phì có thể tự do lựa chọn bài tập và cường độ tùy theo khả năng. Tuy nhiên, nếu đang có các vấn đề về sức khỏe khác, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm được bài tập phù hợp.

Với người béo phì độ 1 không có đủ thời gian, bạn chỉ cần cố gắng vận động thay vì chỉ ngồi một chỗ. Các hoạt động thường ngày như làm việc nhà, đi dạo là giải pháp thay thế tốt.

béo phì độ 1
Bạn nên tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần

3. Ngủ đủ giấc

Nghiên cứu cho thấy, người ngủ ít hơn 5 giờ có nguy cơ béo phì cao gấp 2.5 lần người bình thường. Khi thiếu ngủ, cơ thể sản xuất ra hormone kích thích sự thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt. Ngoài ra, ngủ đủ giúp quá trình trao đổi chất sẽ diễn ra tốt hơn. Do đó, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được cân nặng.

4. Uống đủ nước

Việc thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì. Bên cạnh đó, nước giúp hạn chế cảm giác thèm ăn và giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Do vậy, nước chính là trợ thủ hoàn hảo cho người béo phì trong thời gian giảm cân. Nếu có thể, hãy uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

5. Duy trì lối sống lành mạnh

Stress cũng góp phần làm cân nặng tăng nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân là do khi căng thẳng, bạn có xu hướng tìm đến đồ ngọt để giúp tâm trạng tốt hơn. Tình trạng này kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến béo phì.

Béo phì độ 1 là khởi đầu của căn bệnh béo phì. Để điều trị, người bệnh chỉ cần áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cũng như tập luyện đều đặn. Bạn không nên cố gắng giảm cân thật nhanh mà hãy thực hiện những cách giảm cân lâu dài để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. WHO (2020). The Asia-Pacific Perspective: Redefining Obesity and its treatment, trang 17 - 18.https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/206936/0957708211_eng.pdf

    Ngày tham khảo: 11/05/2021

  2. Waist Circumference and Waist-Hip Ratiohttp://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/44583/9789241501491_eng.pdf#page=34

    Ngày tham khảo: 11/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người