YouMed

Béo phì và những tác hại nguy hiểm

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Trong những năm gần đây, tỷ lệ béo phì đang tăng rất nhanh. Với khu vực Đông Nam Á, số người béo phì hiện đang dẫn đầu, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đây là tình trạng đáng báo động do những tác hại của béo phì vốn là nỗi quan ngại của y học. Hãy cùng các bác sĩ YouMed tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Khi nào bạn được chẩn đoán béo phì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, béo phì là khi lượng mỡ tích tụ trong cơ thể vượt quá mức cho phép. Bạn sẽ nhận thấy cơ thể có những thay đổi như:

  • Khó ngủ, khi ngủ thường ngáy nhiều hoặc khó thở.
  • Thường đau các khớp xương, đau lưng hoặc đau đầu gối.
  • Luôn cảm thấy nóng và ra nhiều mồ hôi.
  • Gặp các vấn đề về da như rạn da, da sạm và chảy nhão ở vùng cổ.
  • Hụt hơi khi gắng sức nhẹ.
  • Thường buồn ngủ hoặc mệt mỏi vào ban ngày.

Nếu có những dấu hiệu trên, bạn nên kiểm tra cân nặng để xác định được mức độ béo phì của mình. Thông thường, công cụ đo lường lượng mỡ được sử dụng phổ biến nhất là chỉ số cơ thể (BMI). Công thức tính BMI là cân nặng chia cho bình phương chiều cao.

Nếu kết quả rơi vào mức từ 25 trở lên, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh béo phì. Con số này nhỏ hơn so với mức béo phì ở châu Âu hoặc châu Mỹ. Do thể trạng người châu Á vốn thấp bé hơn so với các nước phương Tây, bạn nên so sánh BMI của mình với thang đo phù hợp.

tác hại của béo phì
Người béo phì thường xuyên buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày

Những tác hại của béo phì

Theo các chuyên gia y tế, béo phì là một bệnh lý nguy hiểm và tình trạng béo phì ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Song nhiều người vẫn không nắm rõ các tác hại của béo phì. Bệnh béo phi có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng như:

Các bệnh lý tim mạch

Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến các vấn đề trên tim mạch. Lượng mỡ dư thừa có thể chuyển vào máu và gây rối loạn lipid máu. Nếu không được kiểm soát sớm, hiện tượng này sẽ làm xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Bệnh đái tháo đường

Theo nhiều nghiên cứu, béo phì và đái tháo đường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người béo phì có khả năng bị đề kháng insulin, là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng; do đó, đây là một trong những tác hại của béo phì nguy hiểm.

Các bệnh lý xương khớp

Khi lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng lên, áp lực lên các khớp cũng sẽ tăng đáng kể. Điều này dễ làm tổn thương các khớp, đặc biệt là khớp gối và cột sống. Ngoài ra, người béo phì cũng dễ mắc bệnh gout hơn bình thường.

Các bệnh đường tiêu hóa

Lượng mỡ dư ở người béo phì thường bám vào quai ruột và làm ứ đọng phân hoặc táo bón. Tình trạng ứ đọng lâu ngày làm tăng nguy cơ ung thư ở người bệnh, nhất là ung thư đại tràng. Mỡ còn có thể tích tụ ở gan và gây bệnh gan nhiễm mỡ.

Các bệnh lý đường hô hấp

Béo phì khiến mỡ đè lên cơ hoành hoặc phế quản và cản trở hoạt động hô hấp. Ở một số trường hợp, bệnh có thể gây rối loạn nhịp thở hoặc ngưng thở khi ngủ.

Suy giảm trí nhớ

Béo phì ảnh hưởng đến hệ thần kinh của cả trẻ em và người trưởng thành. Trẻ béo phì thường kém linh hoạt và có chỉ số thông minh thấp hơn bình thường. Người lớn béo phì lại có nguy cơ đối mặt với hội chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer cao gấp nhiều lần người khỏe mạnh.

Rối loạn nội tiết

Tình trạng này thường xảy ra ở nữ giới. Phụ nữ có cân nặng tăng cao dễ bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang hoặc vô sinh. Bé sinh ra cũng có khả năng béo phì do di truyền từ người mẹ.

Tăng nguy cơ ung thư

Các nghiên cứu cho thấy ung thư và béo phì có liên quan với nhau. Đây cũng là điều đáng lo nhất trong các tác hại của béo phì. Các loại ung thư mà người bệnh có thể mắc phải bao gồm ung thư thực quản, tử cung, gan mật,…

Tạo tâm lý mặc cảm, dễ bị stress

Béo phì ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh dễ tự ti vì ngoại hình của mình. Do đó, họ thường tự ti, e ngại đám đông, lâu dần dẫn đến các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,… Tác hại này còn ảnh hưởng rất lớn đến những trẻ béo phì ở tuổi vị thành niên. Các bé sẽ khó hòa nhập với các bạn cùng trang lứa bởi mặc cảm về ngoại hình của mình.

tác hại của béo phì
Khi béo phì, người bệnh thường tự ti, mặc cảm về ngoại hình của mình

Cách điều trị và phòng tránh béo phì

Để ngăn ngừa những biến chứng của béo phì xảy ra, bác sĩ khuyên bạn nên điều trị tình trạng này càng sớm càng tốt. Ở hầu hết các trường hợp, bạn có thể điều chỉnh cân nặng trở về bình thường bằng phương pháp thay đổi lối sống. Do đó, lời khuyên mà bác sĩ thường dành cho những bệnh nhân béo phì là: xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Để điều trị và phòng tránh các tác hại của béo phì, bạn nên tuân thủ những quy tắc ăn uống và xây dựng thực đơn cho người béo phì sau:

  • Chia nhỏ các bữa ăn để dễ kiểm soát lượng thức ăn nạp vào.
  • Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ.
  • Lựa chọn các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh,…
  • Hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc đường hóa học.
  • Ưu tiên những thực phẩm nguyên hạt như ngũ cốc, gạo lức, ngô, khoai,…
  • Kiểm tra hàm lượng calo của các loại thức ăn trước khi đưa vào thực đơn hằng ngày. Ưu tiên những thực phẩm có hàm lượng calo thấp.
Người béo phì nên ăn nhiều trái cây và rau củ
Người béo phì nên ăn nhiều trái cây và rau củ

Tăng cường vận động

Tập thể dục không chỉ giúp giảm cân mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn. Các bác sĩ khuyến khích bạn nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện. Nếu muốn giảm cân nhanh chóng, bạn có thể áp dụng các bài tập cường độ cao như aerobic, bơi lội hoặc cardio.

Song nếu đang có các bệnh nền khác, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để xây dựng kế hoạch tập luyện phù hợp. Điều quan trọng là bạn nên cố gắng vận động thay vì chỉ ngồi yên một chỗ.

Dùng thuốc

Ở các trường hợp béo phì nặng hơn, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc. Một số loại thuốc thường dùng là orislat, phentermine hoặc liraglutide. Tuy nhiên, bệnh nhân cần kết hợp với các phương pháp thay đổi lối sống để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Béo phì là nỗi lo không của riêng ai do có nhiều nguyên nhân gây béo phì; và bệnh có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Do đó, hiểu được các tác hại của béo phì sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh một cách chủ động hơn. Bạn nên lắng nghe những lời khuyên của bác sĩ về xây dựng chế độ dinh dưỡng và tập luyện để kiểm soát cân nặng. Nếu gặp khó khăn, hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ giảm cân kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.cdc.gov/obesity/strategies/index.html
  2. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/obesity-and-overweight

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người