YouMed

Những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt mà chị em nên biết

bác sĩ nguyệt thanh
Tác giả: Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh
Chuyên khoa: Đa khoa

Những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt là một vấn đề thường gặp, có thể ảnh hưởng đến khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bất thường kinh nguyệt còn có thể ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ và sức khỏe chung của người phụ nữ. Vậy bạn có đang thực sự đối diện với bất thường kinh nguyệt không? Nếu có, bạn sẽ phải giải quyết nó như thế nào?

Trong bài viết này, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn thêm những kiến thức cơ bản về rối loạn kinh nguyệt như: kinh thưa, đa kinh, vô kinh, thiểu kinh, cường kinh, rong kinh, thống kinh và hội chứng tiền kinh.

Kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu hàng tháng của phụ nữ, thường được gọi là “kỳ kinh”. Khi bạn hành kinh, cơ thể của bạn loại bỏ sự tích tụ hàng tháng của niêm mạc tử cung (dạ con). Máu kinh và mô chảy từ tử cung qua lỗ nhỏ ở cổ tử cung và ra khỏi cơ thể qua âm đạo.

Niêm mạc tử cung cũng được chuẩn bị cho quá trình mang thai của bạn. Nếu bạn không có thai, nồng độ hormone estrogen và progesterone bắt đầu giảm. Mức độ rất thấp của estrogen và progesterone báo cho cơ thể bạn bắt đầu hành kinh.

Các biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt bình thường bao gồm:

  • Tuổi bắt đầu có kinh nguyệt là 13 – 18 tuổi.
  • Khoảng cách chu kỳ là 24 – 35 ngày, trung bình là 28 ngày.
  • Thời gian hành kinh kéo dài từ 1 – 7 ngày, trung bình 3 – 5 ngày.
  • Lượng máu mất trung bình cho mỗi chu kỳ khoảng 30 – 80 ml.

Biểu hiện bất thường của kinh nguyệt là gì?

Biểu hiện bất thường của kinh nguyệt được đặc trưng như bất kỳ tình trạng bất thường nào liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Đó có thể là những bất thường về ngày bắt đầu có kinh, số ngày hành kinh và những tính chất của kỳ kinh.

Rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của một bệnh lý sản phụ khoa nào đó ở người phụ nữ. Đôi lúc, rối loạn kinh nguyệt cũng có thể chỉ là biểu hiện sinh lý khi cơ thể đang đối diện với stress hay thay đổi môi trường sống. Nó có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của người phụ nữ, với những biểu hiện và tính chất khác nhau.

Các bất thường kinh nguyệt có thể chia làm 3 loại:

Bất thường về chu kỳ kinh

  • Kinh thưa: vòng kinh kéo dài trên 35 ngày.
  • Đa kinh hay Kinh mau: vòng kinh ngắn hơn 21 ngày.
  • Vô kinh: là khi bạn không có kinh từ 6 tháng trở lên.

Bất thường về lượng máu kinh

Đây là bất thường về số lượng và ngày có kinh

  • Cường kinh: lượng máu kinh nhiều hơn 80ml/kỳ kinh
  • Thiểu kinh hay kinh ít: số ngày hành kinh < 2 ngày và lượng máu kinh < 30ml/kỳ kinh.
  • Rong kinh: số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày.

Bất thường về các triệu chứng khác liên quan đến chu kỳ kinh

Thường gặp nhất của chu kỳ kinh là thống kinh và hội chứng tiền kinh.

Bất thường về tính chất máu kinh

Bình thường máu kinh có màu đỏ thẫm, mùi hơi tanh và không đông. Nếu máu kinh vón cục, có màu đỏ tươi hay hồng nhạt thì có thể là những biểu hiện bất thường.

Kinh thưa

Định nghĩa

Kinh thưa là một biểu hiện bất thường của kinh nguyệt về chu kỳ kinh. Kinh thưa là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều, xảy ra cách nhau trên 35 ngày.

Biểu hiện bất thường của kinh nguyệt - Kinh thưa có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ
Kinh thưa có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ

Nguyên nhân

  • Thông thường, kinh thưa là một tác dụng phụ của các thuốc tranh thai bằng nội tiết tố. Một số phụ nữ có lượng kinh ít hơn sau dùng thuốc tránh thai. Triệu chứng này có thể kéo dài trong ba đến sáu tháng. Đôi khi, kinh nguyệt của họ ngưng hoàn toàn.
  • Phụ nữ trẻ chơi thể thao hoặc vận động nặng có thể gây kinh thưa.
  • Đôi khi các rối loạn trong việc ăn uống cũng gây ra tình trạng này.
  • Tình trạng kinh thưa thường gặp ở trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ tiền mãn kinh do lượng hormone dao động.
  • Tình trạng kinh thưa cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tuyến giáp.
  • Tình trạng này cũng phổ biến ở những phụ nữ có hàm lượng prolactin trong máu cao. Các loại thuốc như: thuốc chống loạn thần và chống động kinh có thể làm giảm kinh nguyệt.

Điều trị

Kinh thưa thông thường thường không nghiêm trọng. Kinh thưa có thể được điều chỉnh bằng thay đổi thuốc tránh thai nội tiết tố đang dùng hoặc progestin. Đôi lúc bạn chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn uống và tập luyện, kinh thưa sẽ cải thiện.

Đôi lúc kinh thưa là biểu hiện của các bệnh lý khác như: buồng trứng đa nang, suy buồng trứng sớm, khối u trong buồng trứng, v.v. Vì vậy, khi kinh thưa thường xuyên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm nhất.

Xem thêm: Bấm huyệt chữa đau bụng kinh một cách khoa học

Đa kinh hay kinh mau

Định nghĩa

Đa kinh (kinh mau) là một thuật ngữ dùng để chỉ chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày.

Nguyên nhân

Đa kinh đôi lúc là một biểu hiện bình thường, nhưng cũng có lúc là biểu hiện của một số bệnh lý. Đa kinh có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của phụ nữ. Một số nguyên nhân thường gặp của đa kinh bao gồm:

Stress

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra đa kinh cũng như các bất thường khác về kinh nguyệt. Căng thẳng ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Đây là một nguyên nhân nhẹ và có thể điều trị được. Giải quyết các nguyên nhân gây ra căng thẳng và thực hành các bài tập giảm căng thẳng, chứng đa kinh của họ sẽ hồi phục. Ngoài ra còn có các loại thuốc điều trị căng thẳng nếu cần thiết.

Nhiễm trùng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)

Nhiễm trùng như: chlamydia và bệnh lậu cũng có thể gây ra đa kinh. Nhiễm chlamydia gây đau bụng dữ dội và tiết dịch âm đạo. Ngứa ngáy vùng âm đạo, cảm giác nóng rát khi đi tiểu và tiết dịch âm đạo là triệu chứng của lậu. Cả hai tình trạng này đều có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Lạc nội mạc tử cung

Đây là tình trạng các tế bào lót trong tử cung được tìm thấy ở nơi khác như buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Hay gặp kinh nguyệt ra nhiều và đau, đau khi giao hợp, ra máu giữa các kỳ kinh. Lạc nội mạc tử cung có thể được điều trị bằng thuốc và / hoặc phẫu thuật.

Mãn kinh

Trong thời gian tiền mãn kinh, cơ thể  trải qua những thay đổi lớn về nội tiết tố. Điều đó có thể dẫn đến trầm cảm, thay đổi tâm trạng, bốc hỏa và các biểu hiện bất thường của kinh nguyệt như đa kinh.

Nguyên nhân khác

Những nguyên nhân khác của đa kinh như: tăng hoạt động tuyến yên trước, suy dinh dưỡng, viêm vùng chậu mãn tính. Ung thư cơ quan sinh sản nữ là nguyên nhân hiếm gặp gây đa kinh.

Điều trị

Điều trị đa kinh sẽ phụ thuộc nguyên nhân gây ra nó. Vì vậy, chẩn đoán nguyên nhân chính xác góp phần nâng cao chất lượng điều trị.

Thuốc tránh thai kéo dài chu kỳ kinh là một lựa chọn tốt cho phụ nữ đa kinh không muốn mang thai.

Vô kinh

Định nghĩa

Vô kinh được đặc trưng bởi không có kinh nguyệt trong hơn ba chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Đây là một trong những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt.

Có hai loại vô kinh:

  • Vô kinh nguyên phát: Kinh nguyệt không bắt đầu ở tuổi dậy thì.
  • Vô kinh thứ phát: Kinh nguyệt bình thường và đều đặn nhưng ngày càng trở nên bất thường và không đều hoặc không có kinh. Điều này có thể là do một nguyên nhân thực thể. Vô kinh thứ phát thường khởi phát muộn hơn nguyên phát.

Nguyên nhân

Nguyên nhân tự nhiên

Trong cuộc sống, bạn có thể bị vô kinh vì những nguyên nhân tự nhiên, chẳng hạn như:

  • Thai kỳ
  • Quá trình cho con bú
  • Mãn kinh

Thuốc tránh thai

Một số phụ nữ uống thuốc tránh thai có thể gây vô kinh. Ngay cả sau khi ngừng uống thuốc tránh thai, một thời gian sau kinh nguyệt mới có thể đều đặn. Thuốc tránh thai được tiêm hoặc cấy ghép cũng có thể gây vô kinh, cũng như một số loại dụng cụ tử cung.

Một số dụng cụ tránh thai như vòng chữ T chứa đồng có thể gây vô kinh ở phụ nữ
Một số dụng cụ tránh thai như vòng chữ T chứa đồng có thể gây vô kinh ở phụ nữ

Một số loại thuốc:

  • Thuốc chống loạn thần
  • Hóa trị ung thư
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc huyết áp
  • Thuốc dị ứng

Các yếu tối lối sống

  • Trọng lượng cơ thể thấp hơn khoảng 10% so với trọng lượng bình thường  làm gián đoạn nhiều chức năng nội tiết tố. Chúng có khả năng ngăn cản quá trình rụng trứng, gây bất thường kinh nguyệt. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống: chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn vô độ, thường bị vô kinh do những thay đổi nội tiết tố bất thường này.
  • Tập thể dục quá sức. Những phụ nữ tham gia tập luyện nghiêm ngặt, chẳng hạn như diễn viên múa ba lê, có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt của họ bị gián đoạn. Ít mỡ, căng thẳng hay tiêu thụ nhiều năng lượng có thể gây vô kinh ở vận động viên.
  • Căng thẳng tinh thần có thể tạm thời thay đổi hoạt động của vùng dưới đồi. Đây là khu vực trong não kiểm soát các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, quá trình rụng trứng và kinh nguyệt có thể ngừng lại. Kinh nguyệt đều đặn thường trở lại sau khi bạn giảm căng thẳng.

Mất cân bằng hormone

  • Hội chứng buồng trứng đa nang. PCOS gây ra mức độ hormone tương đối cao và bền vững gây vô kinh.
  • Bệnh lý tuyến giáp. Cường giáp hoặc suy giáp có thể gây ra kinh nguyệt không đều, bao gồm cả vô kinh.
  • Khối u tuyến yên. Một khối u lành tính trong tuyến yên có thể cản trở việc điều hòa nội tiết tố của kinh nguyệt.
  • Thời kỳ mãn kinh sớm. Phụ nữ thường mãn kinh vào khoảng 50 tuổi. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, nguồn cung cấp trứng của buồng trứng giảm trước tuổi 40. Điều đó dẫn đến mãn kinh sớm.

Bất thường cấu trúc cơ quan sinh sản

  • Sẹo tử cung. Hội chứng Asherman là hậu quả sau khi nong và nạo, mổ lấy thai hoặc điều trị u xơ tử cung. Sẹo tử cung ngăn cản niêm mạc tử cung tích tụ và bong tróc bình thường.
  • Thiếu cơ quan sinh sản như tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo cũng là nguyên nhân. Bất thường này có thể xảy ra từ quá trình mang thai. Đây là nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát.
  • Âm đạo có cấu trúc bất thường. Âm đạo tắc nghẽn có thể ngăn cản chảy máu kinh. Trong âm đạo có thể có một lớp màng hoặc vách ngăn máu chảy ra từ tử cung và cổ tử cung.

Điều trị:

Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh. Trong một số trường hợp, thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone khác có thể khởi động lại chu kỳ kinh nguyệt. Vô kinh do rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến yên có thể được điều trị bằng thuốc. Nếu nguyên nhân do cấu trúc thì phẫu thuật có thể là cần thiết.

Cường kinh – Rong kinh

Định nghĩa

Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, phụ nữ trung bình mất khoảng 30 mL máu và thay băng vệ sinh khoảng 3 – 5 lần mỗi ngày.

Rong kinh là khi hành kinh đúng chu kỳ, kéo dài hơn 7 ngày.

Xuất huyết giữa hai kỳ kinh: Còn được gọi là chảy máu đột ngột, lượng ít, giữa hai chu kỳ kênh đều đặn. Chảy máu hoặc ra máu nhẹ giữa các kỳ kinh thường gặp ở các bạn gái mới bắt đầu hành kinh và đôi khi trong thời kỳ rụng trứng ở phụ nữ trẻ.
Cường kinh: lượng kinh nguyệt thấm hơn 5 băng vệ sinh mỗi ngày hoặc cần thay sản phẩm trong đêm.

Nguyên nhân:

Sự mất cân bằng của hormone

Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự cân bằng giữa hormone estrogen và progesterone điều chỉnh sự tích tụ của lớp niêm mạc tử cung. Lớp này bị bong ra trong thời kỳ kinh nguyệt. Nếu sự mất cân bằng hormone xảy ra, nội mạc tử cung sẽ phát triển quá mức và cuối cùng sẽ bong ra do máu kinh nhiều.

Một số tình trạng có thể gây ra sự mất cân bằng hormone, bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), béo phì, kháng insulin và các vấn đề về tuyến giáp.

Sự suy giảm chức năng của buồng trứng

Nếu buồng trứng của bạn không phóng thích trứng trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể sẽ không sản xuất hormone progesterone. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng hormone và có thể gây biểu hiện bất thường của kinh nguyệt.

U xơ tử cung

U xơ tử cung có thể gây cường kinh hoặc rong kinh
U xơ tử cung có thể gây cường kinh hoặc rong kinh

Những khối u lành tính của tử cung xuất hiện trong những năm sinh đẻ của bạn. U xơ tử cung có thể gây ra cường kinh hay rong kinh.

Bệnh dị tật

Tình trạng này xảy ra khi các tuyến từ nội mạc tử cung ăn sâu vào cơ tử cung, thường gây chảy máu nhiều và đau kinh.

Dụng cụ tử cung (IUD)

Rong kinh là một tác dụng phụ nổi tiếng của việc sử dụng dụng cụ tử cung để ngừa thai. Tư vấn bác sĩ để tìm một phương pháp tránh thai khác phù hợp.

Các biến chứng khi mang thai

Sẩy thai là một biến chứng ra máu nhiều khi mang thai. Một nguyên nhân khác gây chảy máu nhiều khi mang thai bao gồm: vị trí khác thường của nhau thai, chẳng hạn như nhau thai nằm thấp hoặc nhau tiền đạo.

Ung thư

Ung thư tử cung và cổ tử cung có thể gây ra rong kinh. Điều này càng nguy cơ cao khi bạn đã mãn kinh hoặc có kết quả xét nghiệm PAP bất thường trước đây.

Rối loạn chảy máu di truyền

Một số bệnh huyết học di truyền: bệnh von Willebrand, thiếu hoặc suy giảm yếu tố đông máu quan trọng có thể gây ra những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt.

Thuốc men

Một số loại thuốc gây rong kinh và cường kinh. Bao gồm: thuốc chống viêm, thuốc nội tiết tố như estrogen và progestin, và thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin, Jantoven) hoặc enoxaparin (Lovenox).

Các điều kiện y tế khác

Một số tình trạng bệnh lý khác, bao gồm bệnh gan hoặc thận, có thể liên quan đến rong kinh.

Thống kinh

Định nghĩa

Thống kinh là khi bạn đau bụng lúc hành kinh.

Hơn một nửa số phụ nữ có kinh nguyệt bị đau từ 1 đến 2 ngày mỗi tháng. Thông thường, cơn đau nhẹ. Nhưng đối với một số phụ nữ, cơn đau dữ dội đến mức khiến họ không thể sinh hoạt bình thường trong vài ngày trong tháng.

Triệu chứng

Đau bụng là triệu chứng thường gặp của chu kỳ kinh nguyệt.

Đối với một số phụ nữ, cơn đau dữ dội đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu và chóng mặt.

Biểu hiện bất thường của kinh nguyệt - Thống kinh gây ra những cản trở trong quá trình sinh hoạt cho người phụ nữ
Thống kinh gây ra những cản trở trong quá trình sinh hoạt cho người phụ nữ

Phân loại

Thống kinh được phân thành 2 loại:

Thống kinh nguyên phát

Thống kinh nguyên phát là cơn đau quặn đến trước hoặc trong kỳ kinh.

Cơn đau này là do prostaglandin được tạo ra trong niêm mạc tử cung gây ra. Prostaglandin gây co cơ và mạch máu của tử cung lại. Vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, mức độ prostaglandin trong máu thường cao. Khi máu chảy và niêm mạc tử cung bị bong ra, prostaglandin sẽ giảm xuống. Đây là lý do tại sao cơn đau có xu hướng giảm bớt sau vài ngày đầu tiên của kỳ kinh.

Thống kinh nguyên phát bắt đầu ngay sau khi bắt đầu có kinh. Ở nhiều phụ nữ bị thống kinh nguyên phát, kinh nguyệt trở nên ít đau hơn khi tuổi của họ lớn lên. Loại đau bụng kinh này cũng có thể cải thiện sau khi sinh.

Thống kinh thứ phát

Thống kinh thứ phát là do có rối loạn trong cơ quan sinh sản.

Cơn đau có xu hướng trở nên nặng dần qua theo thời gian và kéo dài hơn những cơn đau bụng kinh bình thường. Ví dụ, cơn đau có thể bắt đầu vài ngày trước khi bắt đầu có kinh. Cơn đau có thể trở nên nặng hơn khi bắt đầu hành kinh và có thể không biến mất sau hết kinh.

Nguyên nhân của thống kinh nguyên phát bao gồm:

  • Lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển ở các khu vực khác của cơ thể. Giống như niêm mạc tử cung, khi có sự thay đổi hormone, mô này bị vỡ và chảy máu. Chảy máu này có thể gây đau, đặc biệt là vào khoảng thời gian có kinh. Mô sẹo kết dính đọng lại bên trong xương chậu. Sự kết dính có thể khiến các cơ quan dính vào nhau, cũng gây đau.
  • U xơ. U xơ là khối u hình thành ở bên ngoài, bên trong hoặc trong thành tử cung. Các khối u xơ nằm trong thành tử cung có thể gây đau. Các khối u xơ nhỏ thường không gây đau.
  • U tuyến tử cung. Bất thường khi mô lót tử cung bắt đầu phát triển trong cơ của tử cung. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi đã có con.
  • Các vấn đề với tử cung, ống dẫn trứng và các cơ quan sinh sản khác. Một số bất thường bẩm sinh có thể dẫn đến thống kinh.
  • Các vấn đề sức khỏe khác như: bệnh Crohn và rối loạn tiết niệu cũng có thể gây thống kinh.

Điều trị

Điều trị bằng thuốc

Thuốc là phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên cho thống kinh.

Một số loại thuốc giảm đau nhắm vào prostaglandin được lựa chọn. Những loại thuốc này, được gọi là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), làm giảm số lượng và tác dụng của các prostaglandin do cơ thể tạo ra. Kết quả, cơn đau bụng kinh sẽ giảm. Một số loại thuốc NSAIDs như ibuprofen và naproxen dễ dàng mua tại các nhà thuốc.

Điều trị bằng các phương pháp tránh thai

Các phương pháp tránh thai như: thuốc viên, miếng dán và vòng âm đạo có chứa estrogen và progestin có thể làm giảm được triệu chứng của thống kinh. Người ta thấy rằng, các phương pháp ngừa thai chỉ chứa progestin, như que cấy và thuốc ngừa thai cũng có tác dụng.

Điều trị bằng phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác không giảm đau, phẫu thuật có thể được khuyến nghị áp dụng. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân gây thống kinh:

  • Các khối u xơ đôi khi có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.
  • Mô lạc nội mạc tử cung có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Trong một số trường hợp, phương pháp này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Dùng thuốc ngừa thai bằng hormone hoặc các loại thuốc khác sau khi phẫu thuật có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn thống kinh trở lại.
  • Cắt bỏ tử cung có thể được thực hiện đối với u tuyến nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Cắt bỏ tử cung cũng có thể được khuyến nghị đối với các bệnh lý khác khi chúng gây đau dữ dội. Phẫu thuật này thường là biện pháp cuối cùng.

Các phương pháp khác

Châm cứu, bấm huyệt và các liệu pháp kích thích thần kinh có thể hữu ích để điều trị thống kinh. Vật lý trị liệu làm dịu các điểm kích thích cơn đau cũng có thể giúp giảm đau.

Một số loại vật lý trị liệu dạy các kỹ thuật tinh thần để đối phó với cơn đau. Những loại này bao gồm các bài tập thư giãn và bài tập phản hồi sinh học.

Các phương pháp điều trị thống kinh tại nhà bao gồm:

  • Tập thể dục thể thao mỗi ngày. Các môn thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội có thể sản xuất ra các chất hóa học làm giảm cơn đau.
  • Giữ ấm cơ thể bằng cách tắm bằng nước nóng, chườm ấm bụng sẽ làm xoa dịu được cơn đau.
  • Ngủ đủ giấc trước và sau khi hành kinh là rất quan trọng để bạn vượt qua được cơn đau bụng kinh.
  • Thư giãn hoặc tập yoga cũng giúp bạn cải thiện các triệu chứng.

Hội chứng tiền kinh

Định nghĩa

Hội chứng tiền kinh (PMS) là tập hợp của nhiều triệu chứng tâm thể và thực thể xảy ra trong vòng 1 – 2 tuần trước ngày hành kinh.

Rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) rất nghiêm trọng, cũng là 1 dạng biểu hiện bất thường của kinh nguyệt. Nó có thể gây ra nhiều triệu chứng về cảm xúc và thể chất hàng tháng trong một hoặc hai tuần trước khi bạn bắt đầu kinh nguyệt. Nó đôi khi được gọi là “hội chứng tiền kinh nặng”.

Triệu chứng

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh khác nhau ở mỗi phụ nữ.

Biểu hiện bất thường của kinh nguyệt - Hội chứng tiền kinh gây ra những bất thường về mặt thể chất lẫn tinh thần cho phụ nữ.
Hội chứng tiền kinh gây ra những bất thường về mặt thể chất lẫn tinh thần cho phụ nữ.

Các triệu chứng thực thể của hội chứng tiền kinh bao gồm:

  • Ngực sưng hoặc mềm
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đầy hơi
  • Chuột rút
  • Nhức đầu hoặc đau lưng
  • Vụng về
  • Khả năng chịu tiếng ồn hoặc ánh sáng thấp hơn

Các triệu chứng tâm thần của hội chứng tiền kinh bao gồm:

  • Hành vi khó chịu hoặc thù địch
  • Cảm thấy mệt
  • Rối loạn giấc ngủ: ngủ quá nhiều hoặc quá ít
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Khó tập trung hoặc trí nhớ
  • Căng thẳng hoặc lo lắng
  • Trầm cảm, cảm giác buồn hoặc khóc
  • Tâm trạng lâng lâng
  • Ít ham muốn tình dục

Chẩn đoán

Không có chẩn đoán hình ảnh hay xét nghiệm cụ thể nào giúp chẩn đoán hội chứng tiền kinh. Bác sĩ chỉ chẩn đoán dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân. Vì vậy, việc ghi nhận lại các triệu chứng mỗi ngày sẽ góp phần quan trọng trong việc bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh.

Bạn có thể bị hội chứng tiền kinh nếu bạn có các triệu chứng:

  • Xảy ra trong 5 ngày trước kỳ kinh trong ít nhất ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp;
  • Kết thúc trong vòng bốn ngày sau khi kỳ kinh của bạn bắt đầu;
  • Cản trở bạn trong một số hoạt động bình thường.

Theo dõi các triệu chứng của hội chứng tiền kinh để đánh giá mức độ nghiêm trọng của chúng trong một vài tháng. Viết ra các triệu chứng của bạn mỗi ngày trên lịch hoặc bằng một ứng dụng trên điện thoại của bạn. Mang theo thông tin này khi bạn đến gặp bác sĩ.

Nguyên nhân

Chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chính xác nguyên nhân dẫn đến hội chứng tiền kinh. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể thúc đẩy quá trình này như:

  • Sự thay đổi theo chu kỳ của nội tiết tố. Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt thay đổi theo sự dao động của hormone và biến mất khi mang thai và mãn kinh.
  • Thay đổi hóa học trong não. Sự dao động của serotonin, một chất hóa học có tác dụng dẫn truyền thần kinh trong não được cho là đóng một vai trò quan trọng trong trạng thái tâm trạng. Chất này có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng tiền kinh. Không đủ lượng serotonin có thể góp phần gây ra chứng trầm cảm tiền kinh nguyệt, cũng như mệt mỏi, thèm ăn và các vấn đề về giấc ngủ.
  • Phiền muộn. Một số phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng bị trầm cảm không được chẩn đoán, mặc dù chỉ riêng trầm cảm không gây ra tất cả các triệu chứng.

Điều trị

Các phương pháp điều trị tại nhà

  • Hoạt động thể chất thường xuyên trong suốt cả tháng. Tập thể dục có thể giúp giảm các triệu chứng như trầm cảm, khó tập trung và mệt mỏi.
  • Chọn thực phẩm lành mạnh. Tránh thức ăn và đồ uống có caffeine, muối và đường trong hai tuần trước kỳ kinh có thể làm giảm nhiều triệu chứng của hội chứng tiền kinh.
  • Ngủ đủ giấc. Cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm. Thiếu ngủ có liên quan đến trầm cảm và lo lắng và có thể làm cho các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nặng nề hơn.
  • Tìm cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng. Nói chuyện với bạn bè của bạn hoặc viết nhật ký. Một số phụ nữ cũng thấy yoga, massage hoặc thiền có tác dụng đối với họ.
  • Không được hút thuốc lá. Trong một nghiên cứu lớn, những phụ nữ hút thuốc cho biết có nhiều triệu chứng của hội chứng tiền kinh và triệu chứng nặng nề hơn so với những phụ nữ không hút thuốc.

Điều trị bằng thuốc

Khi các phương pháp điều trị không dùng thuốc không còn hiệu quả, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn các phương pháp điều trị bằng thuốc. Một số thuốc được dùng trong điều trị hội chứng tiền kinh bao gồm:

  • Các thuốc như ibuprofen, naproxen, aspirin có thể giúp giảm các triệu chứng thể chất như chuột rút, đau đầu, đau lưng và căng ngực.
  • Các thuốc tránh thai bằng nội tiết tố có thể giúp điều trị các triệu chứng thực thể của hội chứng tiền kinh. 12 Tuy nhiên, nó có thể làm cho các triệu chứng khác tồi tệ hơn. Bạn có thể thử để biết được phương pháp tránh thai nào phù hợp với bạn.
  • Thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm các triệu chứng cảm xúc của hội chứng tiền kinh đối với một số phụ nữ khi các loại thuốc khác không có tác dụng. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, hoặc SSRI, là loại thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất được sử dụng để điều trị hội chứng tiền kinh.
  • Thuốc lợi tiểu có thể làm giảm các triệu chứng đầy hơi và căng tức ngực.
  • Thuốc chống lo âu có thể giúp giảm cảm giác lo lắng.

Các phương pháp khác

  • Một số loại vitamin như: vitamin B6, canxi, magiê, omega-3, omega-6 là các loại thực phẩm chức năng có thể cải thiện được triệu chứng của hội chứng tiền kinh.
  • Các bài thuốc thảo dược có thể có hiệu quả. Cụ thể như: bạch quả, gừng, chasteberry (Vitex agnus), dầu hoa anh thảo và cây ban âu (St’John wort). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng bất kỳ loại thảo mộc nào cũng có hiệu quả để giảm các triệu chứng hội chứng tiền kinh.
  • Châm cứu cũng có thể làm cải thiện các triệu chứng.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có những kiến thức về các biểu hiện bất thường của kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ. Hiểu rõ về các bất thường kinh nguyệt là một điều cần thiết đối với mỗi người phụ nữ để góp phần nâng cao sức khỏe. Để kinh nguyệt trở lại bình thường, phụ nữ nên tự xây dựng cho mình một thói quen sinh hoạt lành mạnh và một tinh thần thoải mái. Nếu bất thường kinh nguyệt kéo dài, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và điều trị.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.mountsinai.org/health-library/report/menstrual-disorders
  2. https://www.healthline.com/health/oligomenorrhea#causes
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/amenorrhea/symptoms-causes/syc-20369299
  4. https://www.acog.org/womens-health/faqs/dysmenorrhea-painful-periods
  5. https://www.womenshealth.gov/menstrual-cycle/premenstrual-syndrome
  6. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premenstrual-syndrome/symptoms-causes/syc-20376780
  7. https://www.healthline.com/health/menstrual-problems

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người