Bong gân mắt cá chân: Chấn thương thường gặp bạn cần lưu ý!
Nội dung bài viết
Bong gân mắt cá chân hay còn có tên gọi dân gian là “lật sơ mi”. Đây là một tổn thương rất thường gặp, đặc biệt là trong các hoạt động thể thao như đá bóng, điền kinh. Lật sơ mi có thể nhẹ, tự khỏi sau vài ngày hoặc cũng có thể rất nặng và cần điều trị lâu dài.
1. Bong gân mắt cá chân là gì?
Bong gân là hiện tượng tổn thương dây chằng. Dây chằng là một thành phần của khớp (bao gồm xương, mặt khớp và dây chằng).
Dây chằng cố định khớp, giúp hoạt động khớp trở nên chính xác hơn. Có nhiều mức độ tổn thương dây chằng, từ dãn, đứt một phần đến rách hoàn toàn.
Tổn thương bong gân mắt cá chân nói chung thường là do khớp hoạt động quá giới hạn của dây chằng vùng khớp cổ chân. Do đó, dây chằng ở đây bị kéo căng, đứt.
2. Phân loại bong gân mắt cá chân
Đầu tiên, bạn cần biết dây chằng bị tổn thương là dây chằng nào:
Các dây chằng nằm ở mắt cá ngoài (tương ứng ngón út) được gọi là dây chằng bên mác. Ở mắt cá trong (tương ứng ngón cái) là dây chằng bên chày. Ở giữa 2 xương chày và mác thì gọi đơn giản là dây chằng chày, mác.
Bảng phân loại tổn thương dây chằng bên mác:
- Độ 1 (nhẹ): dây chằng bị kéo giãn nhẹ, tổn thương ở mức độ tế bào (chỉ thấy trên kính hiển vi) với biểu hiện ngoài da là sưng nề nhẹ quanh mắt cá chân. Bệnh nhân vẫn cử động được cổ chân, đi đứng được.
- Độ 2 (trung bình): đứt một phần dây chằng với biểu hiện: sưng nề mức độ vừa phải quanh khớp cổ chân. Cảm giác mất vững khớp cổ chân khi thăm khám. Bệnh nhân có thể cảm thấy cổ chân bị lỏng lẻo.
- Độ 3 (nặng): đứt hoàn toàn dây chằng, biểu hiện sưng nề, bầm tím toàn bộ cổ chân, khi thăm khám thấy khớp cổ chân mất vững rõ. Bệnh nhân hầu như không thể đứng bằng chân tổn thương được.
Trong tổn thương dây chằng chày – mác thì lại khác. Việc phân loại tổn thương sẽ phức tạp hơn, không có sự thống nhất nào giữa các tổ chức trên thế giới.
Phân loại tổn thương dây chằng chày mác chủ yếu dựa vào cả 3 yếu tố:
- Mức độ lỏng khớp.
- Thời gian triệu chứng xảy ra tới lúc nhập viện.
- Số dây chằng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra còn dựa vào phân độ trên phim X quang và MRI.
3. Nguy cơ bong gân mắt cá chân
- Chấn thương.
- Béo phì (BMI > 25).
- Đã từng bị bong gân 1 lần tương tự nhưng không được điều trị chính xác. (Đây cũng là nguy cơ chủ yếu khiến một bệnh nhân bị bong gân mắt cá chân tái phát trở lại nhiều lần. Hiện tượng này được gọi là mất ổn định cổ chân mạn tính).
4. Triệu chứng của bong gân mắt cá chân
- Đau.
- Sưng.
- Ấn đau.
- Đỏ.
- Đi đứng khó khăn.
>> Bạn có thể đọc thêm bài viết: Bong gân dưới góc nhìn của y học hiện đại.
5. Cơ chế của bong gân mắt cá chân là gì?
Thường gặp nhất là tổn thương dây chằng bên mác do bàn chân bị lật vào phía mắt cá trong, kéo giãn dây chằng bên mác quá mức. Tương tự với dây chẳng bên chày, tuy nhiên tổn thương dây chằng bên chày hiếm xảy ra.
Tổn thương dây chằng chày mác tương đối đặc biệt hơn 2 loại đã nêu.
Hình ảnh trên là hình ảnh thường gặp nhất trong chấn thương dây chằng chày mác. Nó đặc biệt thường hay xuất hiện trong các môn thể thao có va chạm.
6. Làm thế nào để bác sĩ chẩn đoán bạn bị bong gân?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi nguyên nhân gây ra chấn thương của bạn. Cụ thể hơn là tư thế, hình dạng của bệnh nhân lúc chấn thương như thế nào. Va đập từ bên ngoài ảnh hưởng vào vị trí nào, hướng va đập, mức độ mạnh hay không. Tất cả những điều này nhằm tìm ra cơ chế vật lý gây chấn thương của bệnh nhân.
Sau đó, cần loại trừ các chấn thương quan trọng như gãy xương, bong sụn. Nặng nề hơn nữa đó chính là các tổn thương cấp tính, nguy hiểm thuộc đầu, ngực, bụng, hông, đùi và cẳng chân.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ thăm khám để xác định tổn thương.
Đối với lật sơ mi ngoài
Test kéo trước
Bác sĩ sẽ để bàn chân của bạn trên nền đất. Tay trái sẽ giữ lấy bàn chân, tay phải nắm phần dưới cẳng chân. Bác sĩ sẽ đẩy cẳng chân bạn lùi ra sau trong khi đang cố định bàn chân tại chỗ.
Thao tác này sẽ được thực hiện đầu tiên ở bên chân bình thường, sau đó mới là chân chấn thương. Cảm giác đẩy lùi cẳng chân ra phía sau dễ dàng hơn cho thấy tổn thương bong gân đã xảy ra.
Test nghiêng xương sên (Taltar tilt test)
Một tay của bác sĩ ôm lấy xương gót của bệnh nhân. Ngón cái tay còn lại sẽ đặt ở vị trí của dây chằng bên mác. Tay ôm lấy gót chân sẽ lật nhẹ nhàng bàn chân về phía trong, tay còn lại cảm nhận độ chắc, đàn hồi của dây chằng bên mác.
Test này cũng sẽ được thực hiện cả 2 bên chân để so sánh. Nếu bên chấn thương có cảm giác không chắc chắn bằng bên còn lại, chẩn đoán bong gân sẽ được đưa ra.
Tư thế thăm khám của bác sĩ ở các nghiệm pháp này có thể thay đổi, nhưng mục tiêu là như nhau.
Đối với tổn thương dây chằng chày mác
Test xoay ngoài (external rotation test – Kleiger’s test)
Bác sĩ sẽ cho bạn nằm trên sàn phẳng hoặc gập gối 90 độ. Sau đó tay trái giữ lấy phần dưới cẳng chân, tay phải sẽ nắm lấy bàn chân. Bác sĩ sẽ giữ chặt cẳng chân và cùng lúc dùng tay phải xoay bàn chân của bạn ra phía ngoài. Nghiệm pháp này dương tính khi có cảm giác đau vùng trước cổ chân xuất hiện.
Test đè nén (Squeeze test – Hopskin’s test)
Như hình: Bác sĩ sẽ để bạn ở tư thế gập gối 90 độ. Tay thuận sẽ giữ phần giữa cẳng chân, ôm lấy cả phần xương chày và mác sau đó bóp mạnh 2 xương này lại với nhau. Việc bệnh nhân cảm thấy đau vùng cổ chân khi đang bóp chặt 2 xương này ở cẳng chân cho thấy test dương tính.
Đối với trường hợp vẫn nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương nhẹ, một tay quá yếu thì việc thực hiện test bằng cả 2 tay là cần thiết.
Nghiệm pháp dịch chuyển xương mác (Fibular translation test)
Trong nghiệm pháp này, bác sĩ sẽ lấy một tay giữ xương chày (mắt cá trong), tay còn lại nắm lấy xương mác (mắt cá ngoài). Tay nắm lấy xương mác sẽ đẩy xương mác ra phía trước. Đau ở vùng cổ chân trước chứng tỏ bong gân cao có thể đã xảy ra.
Nghiệm pháp Cotton – Magee test
Một tay bác sĩ sẽ giữ lấy 2 mắt cá chân của bệnh nhân từ phía sau. Một tay sẽ nắm lấy gót chân của bệnh nhân. Tay giữ gót sẽ kéo gót bệnh nhân ra phía ngoài trong khi tay kia cố định chặt 2 mắt cá. Cảm giác đau tại phía trước cổ chân gợi ý bong gân cao đã xảy ra.
Các nghiệm pháp này đôi khi không thực hiện được do các bệnh nhân quá đau. Do đó, cần điều trị giảm đau, sưng trước khi thăm khám khoảng 1 tuần.
Khi nào cần chụp X quang xương cổ chân cho bệnh nhân?
Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có gãy xương. Bác sĩ sẽ chụp 3 phim X quang để xác định có gãy xương hay không ở khớp cổ chân. Nhưng thông thường chỉ cần chụp 2 phim vì 2 phim giúp xác nhận 95% trường hợp gãy xương vùng cổ chân.
Ngoài vai trò tìm xương gãy đi kèm, X quang cổ chân còn giúp phân độ tổn thương trong trường hợp tổn thương dây chằng chày mác.
MRI chỉ thực hiện khi nghi ngờ có gãy xương vùng cổ chân nhưng X quang không phát hiện ra.
7. Điều trị bong gân mắt cá chân như thế nào?
Sơ cứu
- Nâng cao chân.
- Chườm đá trong 20 phút.
- Băng ép bằng băng thun.
- Khi bệnh nhân đang băng thun thì không nên chườm lạnh tiếp.
Cấp cứu
Bác sĩ sẽ thăm khám và loại trừ gãy xương kèm theo bong gân. Nguyên tắc điều trị của bác sĩ sẽ là giảm sưng, giảm đau, ngăn ngừa tổn thương nhiều hơn, cũng như tăng cường khôi phục vết thương.
PRICEMMMS
Các từ viết tắt – tóm tắt điều trị.
Protection – bảo vệ: Cố định cổ chân bằng nẹp, ngăn ngừa cổ chân cử động để tăng tổn thương hơn nữa.
Rest – nghỉ ngơi: Tạm thời nghỉ ngơi vùng cổ chân.
Ice – đá: Chườm đá. Điều này sẽ giúp chân mau giảm sưng.
Compression – áp lực: Băng ép tổn thương.
Elevation – nâng cao: Nâng cao chân hơn tim.
Medication – thuốc: Thuốc giảm đau, giảm sưng.
Modalities – biện pháp khác: Kích thích điện để duy trì khả năng vận động, siêu âm, mát-xa…
Mobilization – bất động: Hoạt động lại nên được bắt đầu sớm, với những cử động không làm cổ chân đau. Mỗi loại tổn thương sẽ có những cử động đau và không đau riêng.
Strenght – sức khỏe: Tập sức cơ cổ chân nên được bắt đầu sớm, tập trung vào cơ bụng chân (bắp chuối) – gập lòng bàn chân.
Cụ thể
Bệnh nhân sẽ được kê toa thuốc giảm đau: NSAIDs, Acetaminophen, giảm sưng: Alphachymotrypsin. Kháng sinh, huyết thanh kháng uốn ván sẽ được cân nhắc tuỳ trường hợp.
Nếu bệnh nhân sưng quá nhiều thì nên chuồm lạnh tiếp trong 3 ngày tiếp theo. Mỗi ngày chườm lạnh 3 – 4 lần (sáng – trưa – chiều – tối), mỗi lần 15 – 20 phút.
Trước khi chườm lạnh nên tháo băng ép. Chườm lạnh xong nên lau khô rồi mới băng ép lại. Nên nhớ không được để da khô tiếp xúc trực tiếp với nước đá, phải có 1 lớp vải ở giữa, ngăn cho chân không bị ướt.
Tiếp tục kê cao chân và để chân được nghỉ ngơi.
Băng ép nên thực hiện trong 1 – 2 ngày đầu.
Hoạt động và tập cơ bắp nên được bắt đầu ngay khi triệu chứng đau giảm.
8. Các giai đoạn hồi phục sau bong gân
Có 3 giai đoạn hồi phục chức năng khi bong gân: Cấp, hồi phục sớm và hồi phục muộn.
- Trong đó, điều trị giai đoạn cấp là PRICEMMMS, thường kéo dài 1 – 3 ngày.
- Giai đoạn hồi phục sớm: Khi đau đã giảm, tiếp tục thực hiện PRICEMMMS đến giảm sưng hẳn, sau đó:
- Vận động tối đa tầm khớp (gập lưng bàn chân tối đa có thể, gập lòng tối đa có thể…) giúp các dây chằng ở khớp có thể kéo giãn tối đa.
- Duy trì sức cơ, thăng bằng: Vận động nhẹ, liên tục, thậm chí là bơi lội.
Giai đoạn này thường kéo dài vài ngày đến vài tuần.
Ở bệnh nhân thông thường (ít cần vận động cường độ cao) thì chỉ cần trải qua 2 giai đoạn này là đủ để hoạt động bình thường, ít khả năng trật tái phát.
- Giai đoạn hồi phục muộn: Thường cần ở các vận động viên chuyên nghiệp. Trong giai đoạn này, cường độ tập luyện của họ tăng dần, mạnh dần dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để hồi phục trạng thái đỉnh cao của mình.
9. Mất ổn định cổ chân mạn tính là gì?
Đây là bệnh lý mà cổ chân sẽ bị lỏng lẻo kéo dài, thường xuyên cảm thấy đau, sưng, hoặc bị bong gân cổ chân tái phát.
Lật sơ mi tái phát thường xuyên chủ yếu do:
- Hồi phục không hoàn toàn. Chăm sóc cổ chân sai cách hoặc không tốt.
- Tập luyện quá tích cực dù bong gân chưa lành hẳn.
Do đó, khi các triệu chứng kéo dài (> 10 tuần), bạn nên đến khám lại bác sĩ để được tư vấn về mổ tái tạo dây chằng hoặc giải quyết các vấn đề mạn tính khác.
Lật sơ mi – bong gân cổ chân là một tổn thương rất thường gặp. Thông thường chỉ gặp ở độ 1 và 2, bệnh nhân vẫn còn đi lại được, chỉ cần điều trị thuốc. Nếu là bong gân độ 3, mất khả năng đi lại thì sẽ được phẫu thuật nối dây chằng.
Bong gân cổ chân thường gặp nhất là tổn thương các dây chằng bên mác. Thăm khám bong gân cổ chân có nhiều nghiệm pháp, tuy nhiên nếu bệnh nhân quá đau sẽ không thực hiện được. Hãy nhớ PRICEMMMS là các bước điều trị thông thường của bong gân cổ chân.
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.