YouMed

Những cách chữa bệnh bướu cổ Basedow bạn cần biết

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Basedow là bệnh lý tuyến giáp do tự miễn phổ biến nhất hiện nay. Bệnh biểu hiện bằng hội chứng cường giáp và bướu giáp lan tỏa. Nếu không được điều trị kịp thời, Basedow có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng bão giáp và tim mạch. Cùng Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu cách chữa bệnh bướu cổ Basedow đang được áp dụng hiện nay nhé!

Yếu tố nguy cơ gây bệnh Basedow

Một số yếu tố nguy cơ được cho là có thể khởi động đáp ứng miễn dịch gây Basedow. Nhóm đối tượng nguy cơ này là:

  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là giai đoạn sau sinh.
  • Ăn quá nhiều thực phẩm chứa I-ốt.
  • Điều trị Lithium (thường liên quan thuốc thần kinh) có thể làm thay đổi đáp ứng miễn dịch.
  • Nhiễm khuẩn hoặc virus. Một số loại vi trùng có thể làm kích hoạt đáp ứng miễn dịch cơ thể.
  • Điều trị corticoid: Corticoid là thuốc có thể gây suy giảm miễn dịch của cơ thể. Việc điều trị không đúng liều, thời gian hoặc ngưng điều trị cũng có thể gây đáp ứng miễn.
  • Các nguyên nhân gây stress cũng có thể gây rối loạn miễn dịch.

Biết được các yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn nhận diện bệnh sớm hơn. Từ đó có thể tìm được cách chữa bệnh bướu cổ Basedow tối ưu hiện nay.

Sử dụng không đúng cách Corticoid cũng tăng nguy cơ gây bệnh Basedow
Sử dụng không đúng cách Corticoid cũng tăng nguy cơ gây bệnh Basedow

Chẩn đoán bệnh Basedow

Chẩn đoán bệnh Basedow cần kết hợp chặt chẽ giữa lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán sớm giúp bác sĩ lựa chọn cách chữa bệnh bướu cổ Basedow sớm và đúng đắn. Từ đó, sẽ giúp nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị.

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân biểu hiện hội chứng nhiễm độc giáp với ít nhất 1 trong 3 triệu chứng: Bướu mạch, lồi mắt và phù niêm trước xương chày. Cụ thể như sau:

  • Bướu lan tỏa, điển hình bướu mạch, đồng nhất, cả hai thùy, di động khi nuốt, không đau, không có dấu hiệu chèn ép.
  • Lồi mắt thực sự một hay cả hai bên. Co cơ mi, phù nề mi mắt, liệt cơ vận nhãn.
  • Phù niêm trước xương chày: Da sần sùi, thường đối xứng hai bên, ở vùng cẳng chân hay mu chân. Ấn vào chỗ phù không lõm, không đau.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh Basedow
Các triệu chứng thường gặp của bệnh Basedow

Các xét nghiệm

Xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán

  • Hormon tuyến giáp FT3, FT4 tăng, TSH ( tuyến yên) giảm. Ở giai đoạn sớm, một số bệnh nhân chỉ có FT3 tăng.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng receptor của TSH (TRAb) tăng.
  • Xạ hình tuyến giáp cho thấy hình ảnh tuyến giáp lớn hơn bình thường, bắt xạ đều và đồng nhất. Độ tập trung iod phóng xạ tăng.

Các xét nghiệm khác

  • Thiếu máu thiếu sắt, hồng cầu nhỏ hoặc hồng cầu to vitamin B12.
  • Giảm cholesterol, triglycerid máu ( giảm mỡ máu).
  • Hạ kali máu thường gặp.
  • Siêu âm tuyến giáp trong trường hợp điển hình: tuyến giáp to, lan tỏa, giảm âm, không có nhân.

Điều trị bệnh Basedow

Bản chất là bệnh tự miễn nên hiện tại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm Basedow. Các điều trị hiện nay chủ yếu làm lui bệnh và duy trì chống tái phát. Lựa chọn phương pháp cách chữa bệnh bướu cổ Basedow phụ thuộc nhiều yếu tố. Hiện nay, bệnh Basedow có 3 phương pháp điều trị chính: Nội khoa, xạ trị và phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp.

1. Điều trị nội khoa chữa bướu cổ Basedow

Đây là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Điều trị nội khoa thường chỉ định khi bệnh giai đoạn sớm, tuyến giáp to vừa, không có nhân, chưa có biến chứng và bệnh nhân có điều kiện để điều trị lâu dài theo dõi bệnh.

Điều trị nội khoa sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp. Có 3 loại thuốc kháng giáp được sử dụng nhiều hiện nay là: Methimazole, carbimazole và PTU. Riêng PTU được khuyến cáo không sử dụng trong điều trị ban đầu cho bệnh nhân Basedow.

Theo các thống kê y khoa cho thấy, tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn với điều trị nội khoa là 60-70% sau 12-18 tháng điều trị.

2. Điều trị bằng xạ trị chữa bướu cổ Basedow

Phương pháp này dùng phóng xạ Iod 131 để xạ trị. Mục đích là làm cho bướu tuyến giáp nhỏ lại và phục hồi chức năng tuyến giáp về bình thường. Xạ trị chống chỉ định với trẻ em và phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Phương pháp này có thể gây suy giáp ở trẻ sơ sinh. Ở những bệnh nhân có tình trạng nhiễm độc nặng hoặc bướu quá lớn chèn ép gây nuốt nghẹn hay sặc, khó thở thì ưu tiên phương pháp phẫu thuật hơn.

Xạ trị là một trong những phương pháp được áp dụng trong điều trị Basedow
Xạ trị là một trong những phương pháp được áp dụng trong điều trị Basedow

3. Điều trị phẫu thuật chữa bướu cổ Basedow

Cách chữa bệnh bướu cổ basedow cuối cùng là phẫu thuật. Trên thực tế, phẫu thuật chỉ được chỉ định khi bệnh không đáp ứng điều trị khác. Cụ thể là đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 4-6 tháng mà không duy trì được bình giáp khi ngưng thuốc. Bướu giáp to gây mất thẩm mỹ hoặc có biến chứng khó thở cũng có chỉ định ngoại khoa.

Phẫu thuật sẽ cắt bỏ gần toàn bộ tuyến giáp chỉ để lại một phần nhỏ để duy trì chức năng tạo hormon bình thường. Chính vì thế, phương pháp này có thể để lại một số biến chứng ( tỷ lệ rất thấp) như: Khàn tiếng, hạ calci máu, nhiễm trùng vết mổ…

Phẫu thuật cắt tuyến giáp trong điều trị bệnh Basedow
Phẫu thuật cắt tuyến giáp trong điều trị bệnh Basedow

Ngăn ngừa bệnh Basedow

Chúng ta có thể nâng cao khả năng phòng bệnh thông qua việc nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể. Cụ thể một số phương pháp như sau:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.
  • Không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia và chất kích thích.
  • Luyện tập thể dục thể thao mức độ phù hợp.
  • Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn. Điều trị tốt các bệnh lý nội khoa nền tảng.

Basedow là bệnh lý tuyến giáp phổ biến và có thể gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Các cách chữa bệnh bướu cổ basedow hiện nay chủ yếu làm lui bệnh và ngăn ngừa tái phát. Việc chọn lựa phương pháp điều trị cũng phụ thuộc nhiều yếu tố. Nâng cao sức khỏe, khám sức khỏe thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ là cách để kiểm soát Basedow.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Graves' diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/symptoms-causes/syc-20356240

    Ngày tham khảo: 24/05/2021

  2. Graves’ Diseasehttps://www.healthline.com/health/graves-disease

    Ngày tham khảo: 24/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người