6 cách chữa bệnh giang mai tại nhà và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Bệnh giang mai có được điều trị khỏi bằng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh cần phải có sự chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ. Vậy liệu có thể tự điều trị bệnh giang mai tại nhà hay không? Các cách chữa bệnh giang mai tại nhà được lưu truyền hiện nay có thể chữa được bệnh không? Những vấn đề trên sẽ được Bác sĩ Phan Văn Giáo giải đáp qua bài viết sau. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Có thể tự chữa bệnh giang mai tại nhà không?
Người bệnh không thể tự chữa bệnh giang mai tại nhà khi chưa được bác sĩ thăm khám và đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp.
Cần đi khám bệnh và sử dụng kháng sinh do bác sĩ chỉ định mới có thể điều trị bệnh. Tuy nhiên, kháng sinh sẽ không giúp phục hồi hoàn toàn các tổn thương mà giang mai đã gây ra.1
Tổng quan về các cách chữa bệnh giang mai tại nhà
Bệnh giang mai, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra, thường khó nhận biết vì các triệu chứng của nó dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác.
Các triệu chứng giang mai có thể đặc trưng qua từng giai đoạn khác nhau. Bao gồm giai đoạn nguyên phát (thời kỳ 1), thứ phát (thời kỳ 2), tiềm ẩn và giai đoạn thời kỳ 3.
Việc điều trị giang mai chủ yếu là ngoại trú. Điều trị nội trú trong trường hợp giang mai thời kỳ III (có biểu hiện tim mạch và thần kinh) và giang mai bẩm sinh.2
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp dân gian được cho là có thể điều trị giang mai tại nhà được lưu truyền rộng rãi. Các phương pháp này được nhiều người bệnh quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu các cách chữa trị này đã được khoa học chứng minh và chấp thuận hay chưa.
Sau đây là 6 cách chữa bệnh giang mai tại nhà phổ biến hiện nay và những thông tin liên quan mà bạn đọc cần biết.
1. Sử dụng thuốc điều trị giang mai tại nhà
Bệnh nhân sau khi làm các xét nghiệm tại bệnh viện và được chẩn đoán bị giang mai; sẽ được các bác sĩ chỉ định kháng sinh phù hợp để điều trị, thường là kháng sinh penicillin.
Việc lựa chọn phác đồ điều trị còn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, đối tượng đặc biệt (như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh,…), có tiền sử dị ứng với kháng sinh penicillin hay không,…
Vì vậy, nếu được chỉ định kháng sinh đường uống tại nhà. Người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ theo sự chỉ định của các chuyên gia.
Sử dụng thuốc đủ liều số lượng, đúng giờ giấc để phát huy được tối đa công dụng của thuốc. Bên cạnh đó, không nên tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng giang mai đã biến mất.
Trong quá trình sử dụng thuốc nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào, người bệnh có thể thông báo với bác sĩ để có cách xử trí phù hợp.
Khi dùng hết thuốc, người bệnh giang mai cần đi tái khám theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo rằng bệnh được chữa khỏi.
Cần lưu ý, không có bất kỳ loại thuốc không kê đơn (OTC) nào có thể điều trị giang mai.1 2
2. Không nên quan hệ tình dục
Nên ngừng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị giang mai được xem là một cách giúp chữa giang mai tại nhà.
Bởi việc quan hệ tình dục, đặc biệt là với bạn tình mới trong thời gian điều trị sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.
Bên cạnh đó, cả người bệnh lẫn bạn tình cần được điều trị đồng thời để đảm bảo không tái nhiễm bệnh.1
3. Dùng lá ngải cứu để chữa giang mai tại nhà
Dùng ngải cứu chữa giang mai tại nhà là một phương pháp được nhiều người quan tâm.
Ngải cứu (tên khoa học: Artemisia vulgaris L.) là một thảo dược phổ biến, dễ tìm và có nhiều lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe con người.
Các bộ phận mọc trên mặt đất của cây ngải cứu thường được sử dụng để làm tinh dầu. Các hợp chất trong dầu gồm long não, pinene và cineole — được cho là có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng nấm mạnh.3
Có lẽ vì thế mà ngải cứu được nhiều người cho là có thể điều trị tình trạng nhiễm trùng giang mai. Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều nghiên cứu hay bằng chứng khoa học chứng minh lợi ích của ngải cứu đối với bệnh giang mai.
Vì vậy, để hiểu rõ hơn về loại thảo dược này, cũng như thắc mắc về việc liệu có thể sử dụng ngải cứu để hỗ trợ điều trị giang mai hay không. Người bệnh nên trao đổi trực tiếp với các chuyên gia để được tư vấn tốt nhất.
4. Chữa bệnh giang mai bằng gừng tươi
Gừng là loại gia vị quen thuộc được sử dụng để gia tăng hương vị cho nhiều món ăn. Nó còn được biết đến là một vị thuốc với nhiều công dụng cho sức khỏe.
Được sử dụng phổ biến trong nhân dân, gừng giúp hỗ trợ tiêu hóa, ăn uống không tiêu, nôn mửa, cảm mạo, giúp ra mồ hôi, chữa ho mất tiếng…4
Đối với Tây y, gừng cũng được nghiên cứu để chứng minh các lợi ích mà nó mang lại. Trong đó, nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, gừng và các thành phần của nó đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật hoặc hoạt động như các tác nhân chống vi khuẩn.
Một nghiên cứu quan trọng cho thấy gừng có hoạt tính kháng khuẩn chống lại E coli, Salmonella typhi và Bacillus subtilis và chiết xuất ethanol của gừng cho thấy vùng ức chế rộng nhất chống lại Salmonella typhi.5
Tuy nhiên, không có nhiều dữ liệu nghiên cứu về tác dụng của gừng đối với bệnh giang mai, hay các triệu chứng mà nó gây ra.
Vì vậy, nếu có mong muốn dùng gừng tươi để giảm bớt các triệu chứng, hay hỗ trợ điều trị giang mai. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi quyết định sử dụng để được tư vấn tốt nhất.
5. Cháo hoa mai chữa giang mai
Cần phân biệt vị thuốc hoa mai được nói ở đây là hoa mai trắng, là hoa của cây mơ, còn có các tên gọi khác như nhất chi mai,… Còn hoa mai vàng thường được trồng làm cây cảnh.
Trong Đông y, hoa mai trắng (tên khoa học là Prunus armeniaca L.) thường được sử dụng làm thuốc. Với các công dụng như:
- Giải thử sinh tân.
- Khai vị tán uất.
- Hóa đàm.
- Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao khát nước do nhiệt, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt…
Tây y khám phá trong hoa mai trắng chứa nhiều tinh dầu như cineole, borneol, linalool, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol… Và các chất khác như meratin, calycanthine, caroten…
Hoa mai trắng có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao…
Có nhiều phương thuốc dùng hoa mai nấu cháo được lưu truyền, tác dụng với các tình trạng như: Mai hạch khí (cảm giác trong họng có vật gây bế tắc, không thể nhổ ra, nuốt không trôi nhưng không gây ảnh hưởng đến việc ăn uống); đau dạ dày; viêm gan; xơ gan mức độ nhẹ; chứng nấc; viêm họng mạn tính; ho dai dẳng.6
Tuy nhiên, không có nhiều thông tin, hay các nghiên cứu nói về việc cháo hoa mai trắng có thể giúp chữa giang mai. Vì vậy, người bệnh cần hết sức lưu ý và hỏi ý kiến chuyên gia trước khi quyết định sử dụng phương pháp này.
6. Ăn cháo bồ công anh
Có hai loại bồ công anh phổ biến là loại của Việt Nam và loại của Trung Quốc. Cả hai loại đều thuộc họ Cúc Asteraceae. Bồ công anh Trung Quốc ít được sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, lại rất phổ biến và thường được sử dụng ở các nước khác.
Trong nhân dân ta, các đơn thuốc dùng cây bồ công anh Việt Nam (Lactuca indica L.) có các công dụng như:7
- Chữa sưng vú, tắc tia sữa.
- Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt.
- Chữa đau dạ dày.
Bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum officinale) được nghiên cứu có nhiều đặc tính như lợi tiểu, bảo vệ gan, chống viêm, bảo vệ miễn dịch, kháng vi-rút, kháng nấm, kháng khuẩn, chống viêm khớp, trị đái tháo đường, chống béo phì, chống oxy hóa và chống ung thư.8
Bởi những lợi ích kháng khuẩn, kháng vi rút hay kháng nấm này mà một số người cho rằng bồ công anh có thể giúp điều trị bệnh giang mai do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra; đặc biệt là các triệu chứng như vết lở loét giang mai trên da.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều dữ liệu nghiên cứu về những lợi ích của bồ công anh đối với giang mai. Vì vậy, người bệnh nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng phương pháp ăn cháo bồ công anh để chữa giang mai tại nhà.
Người bệnh cần lưu ý điều gì?
Một số phương pháp dân gian được cho là có thể điều trị giang mai tại nhà vẫn chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh hay được chấp thuận.
Điều quan trọng trong chữa trị giang mai là đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị bệnh bởi các bác sĩ, chuyên viên y tế.
Khi muốn sử dụng bất kỳ phương pháp dân gian nào, bạn nên tham vấn ý kiến của những người có chuyên môn trước khi áp dụng để đảm bảo phương pháp đó là an toàn và có hiệu quả thật sự. Tránh làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, hay gây ra các ảnh hưởng khác đến sức khỏe do tương kỵ khi sử dụng thuốc.
Trên đây là thông tin về một số cách chữa bệnh giang mai tại nhà hiện nay. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp được kiến thức cần thiết cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Syphilis – CDC Basic Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis.htm
Ngày tham khảo: 27/03/2023
-
Quyết định 5186/QĐ-BYT 2021 - HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH GIANG MAIhttps://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-5186-QD-BYT-2021-chan-doan-va-dieu-tri-benh-Giang-mai-493851.aspx
Ngày tham khảo: 27/03/2023
-
Significance of Artemisia Vulgaris L. (Common Mugwort) in the History of Medicine and Its Possible Contemporary Applications Substantiated by Phytochemical and Pharmacological Studieshttps://www.mdpi.com/1420-3049/25/19/4415
Ngày tham khảo: 27/03/2023
-
Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 368.https://cdn1.youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=384
Ngày tham khảo: 27/03/2023
- Azu N, Onyeagba R. Antimicrobial Properties Of Extracts Of Allium cepa (Onions) and Zingiber officinale (Ginger) On Escherichia coli, Salmonella typhi and Bacillus subtilis. The Internet Journal of Tropical Medicine. 2007;3:1–10.
-
Ngày xuân, nói chuyện hoa mai làm thuốchttps://suckhoedoisong.vn/ngay-xuan-noi-chuyen-hoa-mai-lam-thuoc-169230.htm
Ngày tham khảo: 27/03/2023
-
Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội, trang 72.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=88
Ngày tham khảo: 27/03/2023
-
A comprehensive review of the benefits of Taraxacum officinale on human healthhttps://bnrc.springeropen.com/articles/10.1186/s42269-021-00567-1
Ngày tham khảo: 27/03/2023