YouMed

Cách đối mặt với những vấn đề sau sinh

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng

Mang thai là một trải nghiệm hạnh phúc và tuyệt vời đối với phụ nữ. Sau khi sinh, bênh cạnh niềm hạnh phúc chào mừng đứa con đáng yêu ra đời, người phụ nữ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sau sinh. Đó có thể là những cơn đau sau sinh, căng thẳng, buồn chán, những thay đổi cơ thể sau sinh. Những vấn đề này có vẻ như không phải là những vấn đề sức khỏe trầm trọng. Tuy nhiên nếu không được điều trị thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những cách có thể giúp phụ nữ vượt qua một số vấn đề thường gặp sau sinh trong bài viết sau đây nhé!

Đau sau sinh

Co thắt tử cung sau sinh

Sau khi sinh, tử cung của bạn cần co lại trở về kích thước ban đầu của nó. Vì vậy, bạn có thể cảm nhận được những cơn co thắt của tử cung. Những cơn co thắt này có thể gây khó chịu, có thể gây đau. Chúng thường rõ rệt trong vài ngày đầu sau sinh và đặc biệt trong thời gian cho con bú (do sự tiết những hormone tiết sữa trong cơ thể bạn). Thông thường, sự co thắt này có thể kéo dài đến sáu tuần sau sinh.

Dùng phương pháp chườm nóng có thể giảm bớt các cảm giác khó chịu do co thắt tử cung sau sinh

Để giảm những sự khó chịu này, bạn có thể thử áp dụng phương pháp chườm nóng. Bạn có thể dùng một chai nước ấm hoặc dụng cụ chườm nóng chuyên biệt đặt lên vùng bụng dưới. Trong một vài trường hợp, bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường. Tuy nhiên cần được sự kê đơn của bác sĩ, đặc biệt nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ.

Đau vùng đáy chậu

Đáy chậu là vùng mà nhiều phụ nữ cảm thấy đau nhiều và thường gặp sau khi sinh. Có thể bạn cảm thấy đau từ vùng âm đạo đến vùng trực tràng. Toàn bộ khu vực này cần được giãn rộng trong quá trình sinh nở để cho phép em bé ra ngoài. Theo thời gian, chúng sẽ từ từ trở lại hinh dạng vốn có trước khi sinh. Ngoài ra, vết cắt tầng sinh môn hay có thể là những chấn thương trong lúc chuyển dạ do dụng cụ giúp sinh cũng gây đau và khó chịu cho bạn.

Những vùng này thường bị sưng, vì vậy chườm đá trong vài ngày đầu có thể giúp bạn. Một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau, tùy thuộc vào mức độ đau của bạn.

Sau khi sinh, bạn cần vệ sinh và chăm sóc vùng kín đều đặn hàng ngày, tránh nguy cơ nhiễm trùng. Có thể vệ sinh bằng nước ấm, sau đó lau khô bằng chiếc khăn sạch. Không bôi những loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ lên vùng vết thương.

Đau cơ, khớp

Sau chuyển dạ, không có gì lạ nếu bạn cảm thấy toàn bộ cơ thể của mình đau nhức. Bởi quá trình chuyển dạ có thể là một stress, một cú sốc mà cơ thể phải vượt qua. Bạn có thể cảm thấy đau nhức tay chân sau sinh. Bởi chuyển dạ như một cuộc đua maratông, có thể gây căng cơ, cứng cơ.

Đau hông, đau lưng là triệu chứng thường gặp sau khi sinh

Quá trình chuyển dạ kéo dài, cộng với tư thế đặt chân tạo thuận cho quá trình sinh hàng giờ liền, sự giãn rộng vùng chậu hông trong quá trình mang thai khiến cho bạn cảm thấy đau hông sau sinh. Ngoài ra, lưng của bạn có thể bị đau nếu bạn sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Để đối mặt với những cơn đau này, bạn có thể thư giãn và tắm với nước ấm, mát xa và những bài tập yoga nhẹ nhàng sau khi sinh. Đôi khi việc đứng lên và dịch chuyển xung quanh sau khi sinh cũng có thể giúp giảm bớt cơn đau này.

Căng thẳng, buồn chán sau sinh

Khoảng 9% phụ nữ có những rối loạn stress sau sinh con. Theo một thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hiện nay chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh.

Bạn có thể thấy tâm trạng luôn buồn chán, thậm chí không biết lý do vì sao buồn, vô vọng, trống rỗng, hay thấy quá tải về mọi thứ xung quanh. Khó khăn khi tập trung, mất tập trung, khó đưa ra các quyết định. Không quan tâm đến bản thân, thấy không còn các sở thích như ngày xưa.

Một số nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng, buồn chán sau sinh

  • Do những thay đổi về nội tiết. Sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ sẽ có sự giảm đột ngột estrogen và progestrogen. Ngoài ra, hormones tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng nên gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
  • Thông thường phụ nữ sau sinh thường có tâm lý nhạy cảm cộng với sức khỏe bị giảm đi đáng kể sẽ dễ dàng xuất hiện những lo lắng, mệt mỏi.
  • Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến chăm sóc em bé, vấn đề tài chính hoặc đơn giản là không nhận được sự quan tâm của gia đình.
  • Đây cũng là ngọn nguồn gây ra những căng thẳng và buồn chán cho người phụ nữ sau khi sinh.

Những cảm giác căng thẳng, buồn chán sau sinh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống nếu không được cải thiện hoặc điều trị. Đối với bản thân người mẹ, sự thay đổi tâm lý này ảnh hưởng đến dinh dưỡng, sụt cân, ảnh hưởng đến vấn đề tiết sữa nuôi con. Đặc biệt, nếu dẫn đến trầm cảm sau sinh, người phụ nữ thường có những suy nghĩ tiêu cực, gây nguy hại cho bản thân, cho em bé, cho gia đình.

Đối với em bé, sẽ không nhận được sự chăm sóc đầy đủ của người mẹ, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và cả tâm lý sau này. Một số người còn cảm thấy khó khăn trong việc gắn kết tình cảm với đứa con của mình.

Những cảm giác căng thẳng, buồn chán sau sinh sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mẹ và cả em bé

Vậy phải đối mặt với vấn đề căng thẳng, buồn chán sau sinh này như thế nào?

Chính sự nỗ lực và điều chỉnh của bạn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Hãy lắng nghe cơ thể mình và luôn tin tưởng vào bản thân là mình có thể làm được. Hãy cố gắng thư giãn nhất có thể, làm những điều bản thân yêu thích, có thể đọc một cuốn sách nhẹ nhàng cho tâm hồn thư thái. Chăm sóc sức khỏe bản thân bằng việc ăn uống điều độ, bổ sung trái cây rau xanh hàng ngày. Tập luyện thể dục, yoga cũng là cách giúp giảm căng thẳng, hơn nữa còn tăng cường sức khỏe.

Sự quan tâm, chia sẻ từ người thân và bạn bè cũng là điều không thể thiếu. Người phụ nữ sau sinh hãy mạnh dạn chia sẻ những lo lắng, khó khăn cho người thân. Đồng thời, người thân cũng nên lắng nghe, đồng cảm với những khó khăn mà người phụ nữ phải đối mặt sau khi sinh.

Cuối cùng, bạn có thể cần đến sự chăm sóc hoặc tư vấn từ các chuyên gia tâm lý.

Giảm thị lực sau sinh

Có thể nói, giảm thị lực sau sinh là hiện tượng khá phổ biến. Mặc dù thị lực trước khi sinh rất tốt, một số phụ nữ sau sinh cảm thấy mắt nhìn không được rõ hay bị nhòe. Hoặc bạn có thể thấy khô mắt, lúc nhìn phải nhìn kĩ hoặc lâu mới có thể thất rõ vật đang nhìn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ mau chóng được cải thiện vài tuần sau khi sinh.

Vấn đề giảm thị lực sau sinh khá là thường gặp

Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến giảm thị lực sau sinh

  • Rối loạn nội tiết tố sau sinh

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị lực bị ảnh hưởng, dẫn đến mắt mờ và yếu hơn.

  • Tiền sản giật khi mang thai

Nếu mẹ bầu từng bị tiền sản giật trong thai kỳ thì đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến mẹ nhạy cảm với ánh sáng và giảm thị lực sau sinh. Lúc này, cách tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị tốt nhất.

Sau khi mang thai, tỷ lệ đường trong máu có thể dao động. Điều này dẫn đến việc phá hủy những mạch máu nhỏ liên kết với võng mạc khiến mẹ sau sinh dễ bị mờ mắt. Thêm vào đó, nếu mẹ bị đái tháo đường thì có thể làm tăng nguy cơ giảm thị lực sau khi sinh.

Cách đối mặt với vấn đề giảm thị lực sau khi sinh như thế nào?

Thường thì sau khi sinh một vài tuần, thị lực của mẹ sẽ khôi phục trở lại. Tuy nhiên, một thời gian sau sinh, nếu mẹ vẫn cảm thấy mắt mờ và yếu thì nên khám chuyên khoa mắt ngay. Khi đó bác sĩ sẽ khám để xem có nguy cơ mắc những bệnh lý về mắt khác như rối loạn điều tiết, bệnh lý võng mạc, tăng nhãn áp, khô mắt… hay không.

Vòng hai quá khổ

Ngay cả khi sau khi sinh em bé ra rồi, vòng hai của bạn vẫn có thể còn to như là mang thai. Đó là tình trạng cơ bụng của bạn giãn ra cùng với sự phát triển của em bé. Sau khi sinh, cơ bụng không hề biến mất mà thậm chí vẫn to và xệ xuống giống y như bạn đang mang thai nữa vậy.

Khắc phục tình trạng này, bạn cần có thời gian tập luyện thường xuyên, điều độ để lấy lại vóc dáng của vòng hai trở nên đẹp như trước đây. Cho con bú hay chế độ ăn uống khoa học hoặc đơn giản là tâm lí thư giãn, thoải mái cũng là cách giúp bạn nhanh chóng lấy lại vóc dáng như xưa. 

“Mách bạn cách giảm mỡ bụng sau sinh hiệu quả”.

Sau sinh, việc áp dụng những phương pháp giảm vòng eo cần hợp lí và khoa học

Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kì những vấn dề sức khỏe nào khiến bạn lo lắng, sợ hãi, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn. Tuyệt đối không tự ý điều trị!

Tóm lại, sau khi sinh, người phụ nữ luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Không chỉ là những vấn đề về thể chất như đau cơ, đau lưng, đau hông mà còn là những vấn đề về tâm lý, như căng thẳng, buồn chán sau sinh. Đôikhi, những vấn đề này có thể là rất nhỏ với người bình thường, nhưng với phụ nữ sau sinh, đó có thể là vấn đề rất lớn. Vì vậy, người phụ nữ cần biết chú ý và chăm sóc sức khỏe và yêu bản thân mình hơn.

Đồng thời sự  chia sẻ và quan tâm của người thân và bạn bè phụ nữ sau sinh là không thể thiếu. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn! Tăng cân trong quá trình mang thai là một phần của thai kì bình thường. Quá trình giảm cân nhanh hay chậm tùy thuộc vào chỉ số khối cơ thể (BMI) trước đây của bạn và số cân nặng tăng lên khi mang thai.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. How to Get Relief for Postpartum Painhttps://www.verywellfamily.com/postpartum-pain-relief-2759440

    Ngày tham khảo: 15/06/2020

  2. 7 Ways to Cope with Postpartum Depressionhttps://www.healthline.com/health/depression/how-to-deal-with-postpartum-depression

    Ngày tham khảo: 15/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người