YouMed

Cách hỗ trợ điều trị cao huyết áp tại nhà hiệu quả

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Cao huyết áp đã không còn là vấn đề xa lạ đối với nhiều người. Bệnh lý cao huyết áp ngày nay có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào. Cao huyết áp chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong đó có dinh dưỡng, lối sống. Vậy làm thế nào để có thể kiểm soát và điều trị cao huyết áp tại nhà bên cạnh việc điều trị tại phòng khám. Bài viết sau của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn có thêm thông tin về cách hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà.

Xử trí cao huyết áp tại nhà khi huyết áp tăng đột ngột

Những đợt tăng huyết áp có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong bất cứ trường hợp nào. Nếu như tăng huyết áp xảy ra khi không ở các cơ sở y tế thì chúng ta phải xử trí ra sao? Khi bạn hay người thân gặp phải tình huống huyết áp tăng đột ngột, thì việc đầu tiên cần làm đó là nhanh chóng liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi sự tiếp cận của nhân viên y tế, bạn có thể thực hiện một số việc sau để giúp hạ áp từ từ.

Đầu tiên, phải cố gắng giữ bình tĩnh

Hầu như các tình huống xảy ra tăng huyết áp, chúng ta đều ở trong trạng thái mất bình tĩnh hoặc nóng giận, lo lắng. Điều này có ảnh hưởng lớn đến tình trạng huyết áp. Do đó, khi nhận thấy bất thường về sức khỏe, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh, không nên nói nhiều, quá xúc động. Thả lỏng cơ thể, ngồi xuống nhẹ nhàng và tập trung thở. Hãy hít thở sâu vài lần. Bạn cần được nghỉ ngơi, tránh vận động, cãi vã. Kiểm tra huyết áp 15 phút một lần. 

Hình 1: Khi tăng huyết áp bạn cần nghỉ ngơi và kiểm tra huyết áp mỗi 15 phút một lần
Khi tăng huyết áp bạn cần nghỉ ngơi và kiểm tra huyết áp mỗi 15 phút một lần

Tiếp đến, bạn cần phải chú ý:

  • Nếu bạn có đang có điều trị tăng huyết áp thì hãy nhanh chóng sử dụng các loại thuốc đã được chỉ định của bác sĩ để hạ huyết áp. 
  • Uống một tách trà hoa cúc có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, tránh uống trà đen hoặc cà phê vào thời điểm này. 
  • Dùng nước chanh để hạ huyết áp lúc này không có hại nhưng chỉ đáp ứng về mặt tâm lý chứ không có ý nghĩa điều trị. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy chanh hiệu quả trong điều trị cao huyết áp. 
  • Tránh ăn đường và sử dụng thức uống có đường như trà đường. Bởi vì lúc này đường có thể làm huyết áp tăng cao hơn. 
  • Tuyệt đối không ăn mặn, uống rượu bia, hút thuốc lá trong cơn tăng huyết áp. 
  • Bạn cũng có thể ăn một miếng sô cô la đen để giúp giải phóng endorphine giúp bạn bình tĩnh hơn. 

Điều trị cao huyết áp tại nhà bằng cách thay đổi lối sống

Huyết áp cao là bệnh lý thường gặp nhưng không phải là một bệnh nguy hiểm nếu được kiểm soát trong giai đoạn đầu. Kế hoạch điều trị cao huyết áp tại nhà nếu được tư vấn và hướng dẫn hợp lý bởi bác sĩ có thể góp phần ngăn chặn được bệnh lý này. 

  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao

Việc tập thể dục 30 đến 60 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Ngoài lợi ích giảm huyết áp, việc hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp bạn cân bằng cảm xúc, đem lại sức khỏe nhờ giảm nguy cơ mắc các bệnh: tiểu đường, tim mạch…

Bạn nên bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng từ từ. Sau đó tăng dần tốc độ và tần suất tập luyện. Nếu không yêu thích việc tập trong phòng, bạn có thể ra ngoài đi bộ nhẹ nhàng, đạp xe, bơi lội…

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã khuyến nghị chúng ta nên kết hợp các vận động tăng cường cơ bắp ít nhất 2 lần mỗi tuần. Bạn có thể thử các bài tập nâng tạ, chống đẩy ở mức nhẹ nhàng phù hợp với thể lực. Tốt nhất nên theo sự hướng dẫn của các chuyên gia để đạt được lợi ích về sức khỏe. 

Hình 2: Vận động thể dục hằng ngày giúp hỗ trợ việc điều trị cao huyết áp tại nhà hiệu quả hơn.
Vận động thể dục hằng ngày giúp hỗ trợ việc điều trị cao huyết áp tại nhà hiệu quả hơn.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng carbohydrat

Ăn các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn, các thực phẩm có hàm lượng chất béo cao. Cắt giảm các món tráng miệng và đồ uống có đường.

  • Hạn chế lượng natri ở mức tối thiểu có thể rất quan trọng để giảm huyết áp

Khi bạn ăn quá nhiều muối natri, cơ thể sẽ tăng giữ nước. Điều này gây ra tình trạng cao huyết áp. AHA đã khuyến nghị lượng natri tiêu thụ khoảng từ 1.500-2.300 mg mỗi ngày. Tương đương với nửa thìa cà phê muối ăn.

Để giảm lượng muối ăn, bạn có thể thay thế bằng các loại thảo mộc hoặc gia vị để tăng thêm hương vị. Các thực phẩm chế biến sẵn cũng có xu hướng chứa nhiều natri hơn. Do đó cần hạn chế sử dụng. Hãy đọc kỹ nhãn mác và lựa chọn thực phẩm có chứa ít natri nhất khi có thể.

  • Ăn các thực phẩm có chứa kali

Kali là một khoáng chất quan trọng tốt cho sức khỏe. Nó cũng giúp giảm bớt ảnh hưởng của natri trong cơ thể. Việc cung cấp đủ kali giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn. Trung bình mỗi người lớn tiêu thụ khoảng 4700 mg kali mỗi ngày. Các loại thực phẩm giàu kali cần lưu ý gồm:

  • Đậu trắng;
  • Khoai tây;
  • Bơ;
  • Khoai lang;
  • Rau xanh, chẳng hạn như rau bina;
  • Chuối;
  • Mơ;
  • Cam;
  • Cá hồi.

Việc cung cấp đủ kali trong chế độ ăn uống là quan trọng nhưng nếu dư thừa có thể gây ra các bệnh lý như bệnh thận mạn tính. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi áp dụng những thay đổi trong chế độ ăn uống. 

Hình 2: Chuối là thực phẩm giàu kali, giúp hỗ trợ điều trị cao huyết áp
Chuối là thực phẩm giàu kali, giúp hỗ trợ điều trị cao huyết áp
  • Kiểm soát cân nặng

Cân nặng có ảnh hưởng đến huyết áp. Giảm 4,5 kg cân nặng có thể giúp giảm huyết áp. Lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, đặc biệt là mỡ nội tạng (bao quanh các cơ quan trong cơ thể). Nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có cao huyết áp. Do đó bạn cần duy trì cân nặng trong giới hạn BMI cho phép. 

Xem thêm: Chỉ số khối cơ thể BMI: Bao nhiêu là tốt?

  • Hạn chế hút thuốc lá

Thuốc lá và các chất gây nghiện khác có khả năng gây tăng huyết áp chỉ sau vài phút sử dụng. Nếu bạn nghiện thuốc lá, huyết áp có thể tăng cao trong thời gian dài. Những người bị tăng huyết áp có hút thuốc có nhiều nguy cơ dẫn đến cơn đau tim, đột quỵ hơn. Ngay cả việc hít khói thuốc thụ động cũng khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác.

  • Hạn chế sử dụng bia rượu

Một ly rượu vang có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe tim mạch và tiêu hóa. Tuy nhiên nếu bạn uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp. Uống bia rượu cũng làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc hạ áp. AHA khuyến cáo nam giới nên hạn chế, chỉ uống hai ly đồ uống có cồn mỗi ngày. Phụ nữ nên hạn chế uống một lần đồ uống có cồn mỗi ngày.

  • Giảm căng thẳng

Trong thế giới nhịp độ nhanh ngày nay với đầy những yêu cầu cuộc sống ngày càng cao, thật khó để sống chậm lại và thư giãn. Điều quan trọng là bạn cần biết dành thời gian cho bản thân để thư giãn; giảm bớt những áp lực cuộc sống. Căng thẳng tạm thời có thể làm tăng huyết áp. Nếu căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến bệnh lý. Bạn có thể thử các bài tập thiền, hít thở, yoga để làm giảm bớt căng thẳng.  

Đối với bệnh cao huyết áp, việc duy trì chế độ dinh dưỡng, lối sống tại nhà đóng một phần quan trọng trong điều trị bệnh. Một chế độ ăn lành mạnh: hạn chế thuốc lá, bia rượu và những căng thẳng sẽ giúp bạn tránh được tình trạng tăng huyết áp. Điều trị cao huyết áp tại nhà còn giúp bạn phòng ngừa được các biến chứng, nguy cơ do tăng huyết áp gây ra. Hãy cố gắng thực hiện tốt để có cuộc sống khỏe mạnh và cân bằng hơn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 17 Effective Ways to Lower Your Blood Pressurehttps://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension/lower-it-fast

    Ngày tham khảo: 18/08/2021

  2. How to Reduce Your High Blood Pressure and Take Down Hypertensionhttps://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension/how-reduce-high-blood-pressure#eat-healthy-food

    Ngày tham khảo: 18/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người