YouMed

Cách xử lý vết bỏng và phòng ngừa

Bác sĩ VÕ THỊ NGỌC HIỀN
Tác giả: Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Chuyên khoa: Da liễu

Bỏng hay phỏng là một chấn thương rất thường hay xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tùy vào các cấp độ bỏng khác nhau mà vết thương bỏng có thể không gây tổn thương nhiều, gây tổn thương nặng hoặc thậm chí gây tử vong. Khi bị bỏng, một số cá nhân chưa biết cách xử lý vết bỏng đúng đắn hay chỉ xử lý theo những cách dân gian, khiến cho vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn hay để lại sẹo xấu.

Đa phần các tai nạn bỏng có thể phòng tránh được bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc hàng ngày. Các bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin sơ lược về bỏng để có cách dự phòng và xử trí phù hợp nhé!

1. Cách xử lý vết bỏng ban đầu?

Khi bị một vết bỏng, nếu chúng ta biết cách xử lý vết bỏng ban đầu nhanh và đúng đắn sẽ giúp cho vết bỏng không bị nhiễm trùng thêm, vết thương sẽ được hồi phục nhanh chóng và không để lại sẹo xấu.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương sẽ có những cách chữa trị khác nhau cho từng cấp độ bỏng. Tuy nhiên các bước sơ cứu đầu điên thì tương đối giống nhau:

  • Nguyên tắc quan trọng đầu tiên là ngay lập tức cách ly ra khỏi các nguyên nhân gây bỏng như: dập lửa bằng nước, cát, vải dày, xé bỏ quần áo để da không phải tiếp xúc thêm với hóa chất gây bỏng…
cách xử lý vết bỏng
Xử trí ban đầu nhanh và đúng đắn sẽ giúp cho vết bỏng không bị nhiễm trùng thêm
  • Sau khi cách ly với các nguyên nhân gây bỏng, nhanh chóng ngâm vết bỏng hoặc để vết bỏng dưới vòi nước sạch mát trong vòng 20 phút. Việc này giúp nhiệt độ tại da được giảm xuống ngay lập tức, làm dịu vết thương và vết bỏng không tiếp tục ăn sâu vào những lớp da, mô bên dưới. Đồng thời cũng giúp rửa trôi những bụi bẩn, dị vật ở vết thương để hạn chế bị nhiễm trùng.
  • Sau đó sử dụng gạc sạch vô khuẩn băng vùng da bỏng lại để hạn chế bị nhiễm trùng vết thương.

Cách xử lý vết bỏng theo mức độ:

Bỏng độ 1 bỏng độ 2 có kích thước nhỏ là các vết bỏng tương đối nhẹ, nhanh lành trong vòng 1-2 tuần mà không để lại sẹo. Điều trị phù hợp nhất là giảm đau, phòng ngừa vết bỏng bị nhiễm trùng và có những biện pháp giúp da mau lành. Sau các bước sơ cứu ở trên, các bạn có thể tiếp tục chăm sóc vết thương tại nhà như sau:

  • Uống thuốc paracetamol để giảm đau.
  • Tuyệt đối không tự ý bóp bể các bóng nước để tránh nguy cơ nhiễm trùng vết thương.
  • Da vùng vết bỏng sẽ rất nhạy cảm với ánh nắng nên cần che chắn, hạn chế để vết thương tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Có thể sử dụng các kem bôi kháng sinh dạng mỡ để đề phòng vết bỏng bị nhiễm trùng.
  • Nha đam và mật ong có thể có hiệu quả điều trị bỏng nhờ vào tác dụng kháng viêm, làm dịu các vết thương sưng đỏ và giúp da nhanh lành.

Những cách chữa bỏng của dân gian nên tránh:

  • Bơ thực vật: rất ít các nghiên cứu cho thấy rằng bơ giúp hỗ trợ điều trị vết bỏng. Bôi bơ lên vết thương có thể làm cho vết thương dễ bị nhiễm trùng và lâu lành.
  • Dầu: các loại dầu dừa, dầu oliu, dầu ăn có khả năng giữ nhiệt và làm cho vết thương không được làm dịu mà tiếp tục bị bỏng.
  • Trứng: làm cho vết bỏng dễ bị nhiễm trùng và có thể gây kích ứng, dị ứng làm vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Kem đánh răng: nhiều người thích bôi kem đánh răng lên vết bỏng vì cảm giác mát lạnh và nghĩ rằng vết bỏng sẽ được sát khuẩn. Tuy nhiên, kem đánh răng không tiệt trùng như chúng ta nghĩ mà nó có thể tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và vết thương dễ bị nhiễm trùng hơn.
Không nên sử dụng những phương pháp dân gian để xử lý vết bỏng
Không nên sử dụng những phương pháp dân gian để xử lý vết bỏng

Bỏng độ 2 có kích thước lớn ( trên 10 cm ) bỏng độ 3 hoặc các vết bỏng ảnh hưởng đến các khớp lớn sau khi sơ cứu xong nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị tiếp theo phù hợp.

2. Phòng ngừa tai nạn bỏng?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bỏng là hạn chế đến mức tối thiểu các tai nạn gây bỏng. Đặc biệt là đối tượng trẻ em rất dễ bị bỏng trong các sinh hoạt hàng ngày tại gia đình.

  • Không để trẻ nhỏ lại gần khu vực bếp khi đang nấu nướng.
  • Trang bị bình cứu hỏa gần vị trí bếp, là khu vực rất dễ xảy ra cháy nổ.
  • Khi tắm cho trẻ, dùng tay thử độ nóng khi pha nước, không xịt nước thẳng từ vòi vào trẻ để tránh nhiệt độ của máy không ổn định.
  • Để xa tầm tay trẻ nhỏ các vật dụng dễ cháy nổ như bật lửa, que diêm…
  • Các ổ điện ở nhà cũng như tại cơ quan, nơi làm việc phải có các lá cách điện bên trong.
  • Kiểm tra, thay thế hệ thống điện tại nhà và cơ quan định kì để phòng ngừa rò rỉ gây cháy nổ.
  • Các công nhân trong nhà máy, xí nghiệp phải được trang bị, bảo hộ kỹ càng, tập huấn phòng cháy và chữa cháy định kì hàng năm.
  • Các vật dụng, hóa chất có thể gây bỏng phải được đựng trong vật dụng được chú thích rõ ràng và phải luôn đeo bao tay khi tiếp xúc với các loại hóa chất này.
  • Đặc biệt, thường xuyên sử dụng kem chống nắng, che chắn kĩ để không bị bỏng nắng.
Trang bị bình cứu hỏa tại nhà và gần khu vực nấu ăn
Trang bị bình cứu hỏa tại nhà và gần khu vực nấu ăn

3. Vết thương bỏng sẽ như thế nào?

Khi chúng ta sơ ý bị bỏng, nếu vết bỏng được sơ cứu nhanh và điều trị phù hợp ngay sau đó thì đối với vết bỏng độ 1 và độ 2 sẽ nhanh chóng hồi phục và có thể không để lại sẹo hoặc chỉ thay đổi sắc tố (thay đổi màu da) nơi vết sẹo. Với vết bỏng độ 2 có diện tích lớn, bỏng độ 3 thì dễ dẫn đến tổn thương các lớp da hay các mô ở sâu hơn khiến cho người bệnh có thể cần phải trải qua phẫu thuật, ghép da…theo chỉ định của các bác sỹ.

hậu quả của bỏng còn là yếu tố thẩm mỹ
Ngoài vấn đề sức khỏe, hậu quả của bỏng còn là yếu tố thẩm mỹ

Xử lý vết bỏng ban đầu đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị được hiệu quả. Vì thế khi bị bỏng, các bạn nên nhanh chóng sơ cứu và xử trí theo những hướng dẫn của YouMed để vết thương nhanh lành, không để lại sẹo và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát nhé!

>> Để điều trị di chứng sau bỏng, cùng theo dõi một số cách xử lý và trị sẹo bỏng trong bài viết sau: Các đặc điểm và phương pháp điều trị sẹo lồi

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/burns

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người