YouMed

Cải thảo: Loại thực vật đa năng quen thuộc

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Có lẽ, trong những bữa cơm của người dân Việt Nam, cải thảo là một nguyên liệu vô cùng quen thuộc. Không chỉ là thực phẩm được ưa chuộng mà loài rau này còn rất đa năng, với nhiều công dụng điều trị bệnh hiệu quả. Sau đây, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm và cách sử dụng của cải thảo với YouMed nhé.

 Cải thảo là gì?

  • Tên gọi khác: Cải bao, cải cuốn, cải bắp dài, cải trắng cuốn lá…
  • Tên khoa học: Brasica pekinensis Rupr.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Cải (Brassicaceae).
  • Tên tiếng anh: Napa Cabbage.
  • Lá, hạt –Herba et Semen Brassicae pekinensis. Ngoài ra, rễ hay một số bộ phận khác của loài cũng được sử dụng.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Theo một số tài liệu, cải thảo có nguồn gốc từ miền bắc và Đông Bắc của Trung Quốc. Hiện tại, loài này phân bố rải rác khắp khu vực trái đất như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở miền Bắc và Đà Lạt.

Thời vụ thích hợp để trồng vào tháng 8 đến tháng 10 ở miền Bắc. Còn ở miền Nam là khoảng tháng 7 đến tháng 4 năm sau. Thuộc nhóm cây ưa khí hậu mát lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và phẩm chất tốt.

Cây phù hợp với nhiều loại đất trồng, nhưng tốt nhất nên là đất thịt nhẹ, phù sa, nhiều dinh dưỡng. Trước khi gieo trồng đất cần được làm cỏ sạch sẽ, tơi xốp, và bón ít phân lân, đạm…để cây nhanh chóng phát triển. Bạn nên tưới nước cho cây trung bình khoảng 2 ngày 1 lần, tránh ngập úng, hoặc quá khô hạn.

Khoảng 2-3 tháng sau khi gieo hạt, cây đã trưởng thành và có thể thu hoạch. Dùng dao cắt sát vào phần dưới gốc cây, như vậy rau sẽ có thể mọc thêm được lứa mới. Một số sâu bệnh gây hại cho cây có thể gặp như sâu tơ, bọ nhảy, sâu xám,.. Chúng nên được diệt trừ để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm.

Cải thảo là loại cây ưa khí hậu mát, cho năng suất và phẩm chất cao.
Cải thảo là loại cây ưa khí hậu mát, cho năng suất và phẩm chất cao

Mô tả toàn cây cải thảo

Cây là loài thực vật, cũng như một loại rau, sống khoảng 2 năm. Toàn thân cải thảo gồm có phần lá bao phủ lên nhau, bên ngoài màu xanh đậm. Còn phần lá cuộn bên trong lõi sẽ có màu nhạt hơn, tương tự như cải bắp. Cuống lá có màu trắng rộng 2-8cm, phía mép lá có thể có cánh.

Cây có thể cao tới 40cm, dày 20-23cm, hầu như không có lông tơ. Phiến lá hình trứng rộng ngược hoặc hình bầu dục, kích thước dài khoảng 50cm. Lá có chiều rộng bằng nửa chiều dài, đầu lá tròn. Viền mép gợn sóng, nhăn nheo, gân lá bên thô, sắc trắng, nhiều và nổi rõ.

Hoa của loài cải này dài khoảng 8mm, sắc trắng. Phần quả kích thước trung bình rộng 3mm, dài 4-6cm. Bên trong chứa hạt hình cầu màu nâu, đường kính cỡ 1cm.

Khi thưởng thức, rau có vị ngọt, giòn, ngon miệng.

Bảo quản

Thực phẩm sau khi thu hái, rửa sạch, loại bỏ chất bẩn, giữ nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Trong đó, tốt nhất nên để nguyên liệu trong túi kín, đặt vào ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ khoảng 5-12 độ C, sẽ bảo quản được lâu hơn.

Giá trị dinh dưỡng của cải thảo

Theo nhiều tài liệu, cải thảo có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú. 100 gram cải thảo chứa:

Bảng giá trị dinh dưỡng của cải thảo
Bảng giá trị dinh dưỡng của cải thảo

Tác dụng của cải thảo

Phòng ngừa bệnh ung thư

Một số tài liệu cho thấy, những người thường xuyên ăn cải thảo (trung bình 27kg/năm) có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, đường tiết niệu đến 50%. Nhờ vào những chất chống oxy hóa, cũng như flavonoid, glucosinat sẽ giúp ngăn ngừa, đầy lùi những tế bào ung thư hạn chế khả năng lây lan của bệnh. Ngoài ra, hoạt chất folic của loại cải này sẽ cải thiện tổng hợp DNA, ngăn chặn hình thành các tế bào đột biến.

Nguồn chất xơ dồi dào, ngừa táo bón, tốt cho người thừa cân, ăn kiêng

Chất xơ là hoạt chất thiết yếu, có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày trước những tác động xấu của acid, hay những gốc tự do không tốt. Nhờ có lượng chất xơ hòa tan dồi dào, mà loại rau này giúp thúc đẩy nhu động ruột, tăng sự phát triển của các vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Từ đó, người dùng sẽ giảm đau dạ dày, giảm táo bón, thanh lọc cơ thể tốt hơn.

Không chỉ như vậy, nhờ chứa lượng calo thấp (12kcal/100g), cải thảo phù hợp với những đối tượng cần giảm cân, ăn kiêng mà vẫn có thể đảm bảo phù hợp cho sức khỏe. Thực phẩm làm tăng cảm giác no, giảm cơn thèm ăn, thanh lọc và ngăn chặn sự hình thành của các chất béo có hại cho cơ thể.

Chống oxy hóa, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa

Trong cải thảo, hàm lượng các chất chống oxy hóa như vitamin C, A, B, K, hợp chất canxi,… khá cao. Đặc biệt là vitamin C góp phần quan trọng tạo ra các collagen, mô liên kết và làm tăng độ đàn hồi của da. Nhiều hơn nữa, hoạt chất này còn tăng sức miễn dịch, tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể với các yếu tố bất lợi bên ngoài, chậm quá trình lão hóa.

Hỗ trợ hệ tim mạch, giảm mỡ máu

Cải thảo giàu kali, canxi, vitamin, đều là các hoạt chất ổn định hệ tim mạch, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan. Ngoài ra, nó cũng góp phần làm giảm các nguy cơ và rối loạn tim mạch như thiếu máu tim, nhồi máu tim…

Cải thảo là loại thực vật chứa nhiều hoạt chất tốt cho hệ tim mạch.
Cải thảo là loại thực vật chứa nhiều hoạt chất tốt cho hệ tim mạch

Thúc đẩy phát triển xương

Các thành phần trong cải thảo như vitamin K chiếm 38%, photpho 4%, canxi 8% nhu cầu cần thiết cho cơ thể người trong một ngày. Chúng đều có tác dụng quan trọng đối với sự kháng viêm, sự trao đổi chất của xương. Nhờ vậy mà duy trì hệ thống xương chắc khỏe hơn, giảm loãng xương, ngừa các triệu chứng viêm nhiễm ở khớp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa tăng cường vitamin B, K, canxi với mức độ giảm đau khớp, cải thiện sức mạnh cơ bắp và một số triệu chứng liên quan đến mỏi cơ hoặc mỏi khớp.

Lợi cho mắt và thị lực, hỗ trợ trí nhớ

Nhờ chứa lượng vitamin A, flavonoid, caroten, lutein… dồi dào mà thực phẩm giúp chậm quá trình thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, cũng như giảm thị lực cho người cao tuổi. Ngoài ra, các vitamin B, magie, photpho… sẽ tái tạo, phục hồi tổn thương của dây thần kinh trong hệ thống não. Từ đó, giúp tăng cường trí nhớ, giảm thiếu các triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Phù hợp với phụ nữ mang thai

Sắt, folate, các khoáng chất trong cải thảo khá phong phú và dồi dào. Chính vì vậy, chúng sẽ hỗ trợ sự phát triển toàn diện thai nhi, ngừa các dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là các hoạt động phân chia tế bào, hình thành tế bào máu, tổng hợp DNA trong cơ thể sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt ăn cải thảo cũng sẽ giúp tình trạng này được cải thiện. Tuy nhiên, nếu có những vấn đề dị ứng, hay các triệu chứng bất thường khi ăn loại rau họ cải như khó tiêu, buồn nôn… thì không nên sử dụng thực phẩm này.

Cải thảo trong Y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, tính mát

Tác dụng: Hạ sốt, thanh nhiệt, lợi tiểu tiện, nhuận tràng, giảm đau, bổ tỳ vị, giảm ho, bồi bổ cơ thể…

Cách sử dụng cải thảo

Ở nhiều nền ẩm thực trên thế giới, có thể bắt gặp cải thảo trong các món ăn, được chế biến đa dạng và công phụ như cải muối, luộc, cuộn thịt, sốt, salad… Đặc biệt, nổi tiếng nhất là món kim chi với vị cay nồng đặc trưng, được xem là biểu tượng của đất nước Hàn Quốc.

Kim chi Hàn Quốc
Cải thảo nổi tiếng với món kim chi Hàn Quốc

Lưu ý khi sử dụng

Trong quá trình bảo quản và chế biến, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Lúc mua, nên chọn cây chắc, cầm nặng tay, lá xanh, tươi, không bị sâu hay thâm đen.
  • Để làm sạch các hóa chất khi gieo trồng, bạn nên rửa rau thật sạch dưới vòi nước. Tốt nhất là ngâm với nước muối khoảng 30, rồi rửa lại.
  • Không nên nấu nguyên liệu quá chín, nhừ sẽ làm giảm lượng vitamin, khoáng chất, cũng như vị ngon, giòn.
  • Do có tính lạnh, nên những người bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, lạnh bụng…không nên sử dụng thực phẩm.

Cải nên muối kĩ, không ăn rau hư thối, bởi chúng chứa nhiều natri nitrit, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất này có thể oxy hóa hemoglobin bình thường trong máu thành hemoglobin sắt cao. Từ đó làm mất khả năng vận chuyển oxy, xuất hiện triệu chứng thiếu oxy như chóng mặt, nôn ói,…

Một số bài thuốc từ cải thảo

Chữa ho khan

Cải thảo 200g, tàu hủ ky 2 tấm, táo đỏ 10 quả, nấu canh, nêm gia vị cho vừa ăn.

Chữa cảm mạo

Rễ cải thảo 150g, gừng tươi 15g, hành lá 15g đun lấy nước uống ngày 2 lần, trong 3 ngày.

Trị đau dây thần kinh tam thoa

Rễ cải thảo 125g, ngũ vị tử 10g, đan sâm 25g, hoa cúc 20g, đem sắc uống 2 lần/ngày.

Giảm đau dạ dày

Bắp cải thảo nhỏ 2 cái, ép lấy nước uống, thêm chút đường rồi uống ngày 1 lần.

Lợi tiểu tiện

Cải thảo, rau cần, nấu chín thành canh, lấy nước uống trong vài ngày.

Cải thảo trong ẩm thực

Sự kết hợp giữa cải thảo và các nguyên liệu khác trong ẩm thực sẽ giúp làm tăng tác dụng điều trị của thực phẩm, cũng như vị thơm ngon của món ăn:

Thịt bò: Món ăn không chỉ ngon mà còn là nguồn bổ sung dinh dưỡng, chất sắt, hợp lí, phù hợp với những người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể.

Thịt dê: Sự kết hợp độc đáo, giúp bồi bổ khí huyết, nâng cao khả năng miễn dịch cơ thể.

Thịt heo: Hỗ trợ chữa táo bón, thanh nhiệt, nâng cao tổng trạng cơ thể.

Đậu hũ: Món ăn thực dưỡng hài hòa, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hóa, giảm triệu chứng ho đàm.

Ớt chuông: Thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa, kích thích như động ruột, nhuận tràng.

Thịt thỏ: Do có đặc tính mát giống nhau, nên dùng chung dễ gây triệu chứng tiêu chảy, nôn ói.

Nội tạng: Đặc biệt là trong gan có nhiều hoạt chất vi lượng mà khi kết hợp với cải chứa nhiều vitamin C, sẽ làm giảm sự hấp thu của chất này đối với cơ thể. Vì vậy sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của món ăn.

món ăn Cải thảo
Cải thảo có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra những món ăn ngon

Ở khắp nơi trên thế giới, con người đã biết khai thác toàn diện nhiều loại thực phẩm tự nhiên, đặc biệt là cải thảo. Không chỉ là nguyên liệu độc đáo trong ẩm thực; mà loài thực vật này còn có tác dụng hỗ trợ sức khỏe rất hiệu quả. Dù vẫn còn nhiều vấn đề sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời từ thực phẩm đặc biệt này đối với cuộc sống con người ở thời điểm hiện tại.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cải thảo

    https://thaythuoccuaban.com/vithuoc/caithao.htm

    Ngày tham khảo: 01/06/2021

  2. Incredible Napa Cabbage Health Benefits

    https://www.hitchcockfarms.com/blog/napa-cabbage-health-benefits

    Ngày tham khảo: 01/06/2021

  3. Napa cabbage facts and health benefits https://www.healthbenefitstimes.com/napa-cabbage

    Ngày tham khảo: 01/06/2021

  4. 16 Proven Health Benefits of Napa Cabbage

    https://drhealthbenefits.com/food-bevarages/vegetables/health-benefits-napa-cabbage

    Ngày tham khảo: 01/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người