Cây Sảng: Vị thuốc có công dụng trị Bỏng
Nội dung bài viết
Cây Sảng có tên khoa học là Sterculia lanceolate Cav. Cây còn có tên gọi khác là Sảng lá kiếm, Quả thang, Trôm thon, Trôm mề gà. Cây thuộc họ Trôm (Sterculiaceae). Theo Y học cổ truyền, vỏ cây thường được dùng dưới dạng tươi hay khô để chữa các bệnh như sưng tấy, mụn nhọt, áp xe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ hơn thông tin về công dụng và cách dùng của loại cây này.
Giới thiệu chung về Cây Sảng
Mô tả dược liệu
Cây Sảng là loại thực vật cây gỗ sống lâu năm, thường mọc ở vùng rừng núi. Cây có chiều cao trung bình từ 3 -10m; có cành hình trụ, cành non có lông, cành già nhẵn, có khía dọc, màu xám. Lá mọc so le hình bầu dục hoặc ngọn giáo, dài 9 – 20cm, rộng 3,5 – 8cm, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, mặt trên nhẵn, mắt dưới có ít lông hình sao, gân phụ tạo thành mạng lưới rõ; lá kèm nhọn, có lông hình sao, dễ rụng.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm mảnh, dài 4 – 5cm, có lông mềm hình sao. Lá bấc ngắn, hình dải, dễ rụng.
Quả kép gồm 4 – 5 đại xếp thành hình sao, màu đỏ, phủ lông nhung. Khi chín quả đại mở, bên trong nhẵn và bóng; hạt 4-9, hình trứng dẹt, màu đen bóng.
Mùa hoa : tháng 4 – 7, mùa quả : tháng 8 – 10.
Phân bố, sinh thái
Chi Sterculia L. có 25 loài ở Việt Nam, trong đó có cây Sảng. Cây phân bố rải rác khắp các tỉnh miền núi (dưới 600m), từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên đến tận Tây Nguyên và Ninh Thuận, đôi khi có cả ở trung du. Cây cũng có ở Lào và Nam Trung Quốc.
Sảng là loài cây ưa sáng, khi nhỏ hơi chịu bóng, thường mọc ở các loại rừng thứ sinh, ven rừng ẩm hoặc ở quần hệ rừng non phát triển trên đất sau nương rẫy. Cây rụng lá hàng năm vào mùa đông, lá non mọc vào mùa xuân, sau đó có hoa, quả chín vào cuối mùa hè.
Quả Sảng chín có thể tự mở, để lộ các hạt đen ra ngoài nhưng chưa rụng xuống đất ngay. Vì vậy nên thường bị một số loài chim đến ăn. Tuy nhiên, ở dưới gốc cây me vẫn có thể tìm thấy cây con mọc từ hạt. Cây có khả năng tái sinh cây chồi sau khi bị chặt.
Bộ phận dùng
Cây Sảng thường được người dân tại địa phương trồng làm cây che bóng mát và cây cảnh. Dược liệu này còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy, người dân trồng cây với mong muốn đem lại cuộc sống đủ đầy và sang giàu, do gọi là cây Sang nên ý nghĩa của cây là sự sang giàu, thịnh vượng.
Ngoài ra, bộ phận thường dùng làm thuốc của cây là vỏ, lá và hạt.
Thành phần hóa học
Tuy chưa được nghiên cứu kĩ nhưng thành phần cơ bản có chứa trong cây là chất nhầy và tannin.
Công dụng của cây Sảng
Cây Sảng là vị thuốc quý, vỏ cây thường được dùng dưới dạng tươi hay khô để chữa các bệnh như sưng tấy, mụn nhọt, áp xe.
Liều dùng: mỗi lần dùng 20 – 30g tươi, giã nát với muối đắp.
Ở Quảng Tây – Trung Quốc, vỏ cây còn được người dân dùng để sắc uống chữa khí hư, bạch đới. Lá tươi giã đắp chữa dòn ngã tổn thương. Hạt ăn được và được dùng chữa hảo khát, nóng phổi.
Ngoài công dụng trị bệnh là chính, dược liệu còn được trồng để làm cảnh và che bóng.
Bài thuốc về cây Sảng
Vỏ cây Sảng được ghi nhận có hiệu quả trong việc dùng làm thuốc điều trị các bệnh như bỏng, chữa sưng tấy và mụn nhọt. Cách điều chế thuốc như sau:
Bài thuốc chữa sưng tấy, mụn nhọt
Dùng khoảng 20 – 30g vỏ cây Sảng, đem rửa sạch bụi bẩn rồi giã với muối. Đắp trực tiếp lên vết thương (không dùng cho vết thương hở, lở loét, vết thương chảy dịch mủ), dùng băng gạc cố định lại. Có thể dùng đến khi vết thương giảm sưng.
Bài thuốc chữa bỏng ngoài da
Bỏng là chấn thương rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Cần chú ý xử trí đúng để tránh nhiễm trùng hoặc làm nặng thêm vết bỏng.
Xem thêm: Sơ cứu bỏng – Cách xử lý các vết bỏng
Đối với vết bỏng nhẹ, có thể dùng lượng dược liệu trên tương ứng với diện tích vùng da bị bỏng. Sau khi rửa sạch rồi giã nát có thể vắt lấy nước, trộn với mỡ thành hỗn hợp đặc sệt. Sau đó bôi thuốc trực tiếp vào vùng da bị tổn thương.
Bài thuốc giúp giảm đau
Vỏ cây sảng tươi rửa sạch. Giã nát với 1 thìa muối cùng một ít nước nóng, chắt lấy nước đem bôi lên vùng da bị sưng đau (không dùng cho vết thương hở) do chấn thương.
Thực hiện mỗi ngày từ 2 – 3 lần sẽ thấy hiệu quả giảm đau tốt.
Chú ý:
- Không dùng vỏ cây Sảng đắp trực tiếp lên các vết thương hở.
- Không sử dụng cây theo đường uống.
Cây Sảng với những công dụng hiệu quả đã được ghi nhận và chứng minh trong điều trị các bệnh như bỏng, chữa sưng tấy và mụn nhọt. Tuy nhiên cũng như các vị thuốc khác, Quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng dược liệu để có hiệu quả tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập II. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội