Chăm sóc trẻ sinh non: Cần lưu ý những điều gì?
Nội dung bài viết
Trẻ sinh non càng được sinh ra sớm, sẽ càng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Việc chăm sóc cho trẻ sinh non cũng cần phải cẩn trọng và chú ý hơn. Đặc biệt nếu đó là lần đầu tiên bạn bắt đầu vai trò làm mẹ. Những cái nắm tay, xoa đầu và trò chuyện… sẽ giúp trẻ cảm nhận về sự hiện diện của bạn. Chính những giây phút bạn ở bên cạnh trẻ sẽ giúp bạn theo dõi sát những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ khi nào với trẻ.
1. Giữ ấm và theo dõi thân nhiệt của trẻ
1.1 Vấn đề ổn định thân nhiệt
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là nếu sinh non, rất dễ hạ thân nhiệt nếu như bạn không theo dõi trẻ sát. Khi con bạn ra đời sớm hơn những trẻ khác, trung tâm điều nhiệt ở não trẻ chưa được phát triển một cách hoàn thiện. Ngoài ra, lớp mỡ được dự trữ dưới da của trẻ cũng rất ít. Vậy nên khả năng tạo ra năng lượng để duy trì thân nhiệt cho trẻ cũng bị hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu về sử dụng năng lượng ở trẻ sinh non lại cao hơn rất nhiều lần. Kết quả là trẻ gặp khó khăn hơn trong việc giữ nhiệt độ cơ thể bình thường ở môi trường mát mẻ hoặc lạnh.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt là trẻ bú kém, mất nước do ói hay tiêu lỏng nhiều, nhẹ cân hay đang có những bệnh lí nặng khác kèm theo. Triệu chứng điển hình của hạ thân nhiệt ở trẻ là tay chân lạnh kèm run, thở nhanh hay tím, nặng hơn có thể ngưng thở hay ngưng tim. Về lâu dài, nếu mức độ hạ thân nhiệt nặng có thể để lại những di chứng ảnh hướng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.
Bên cạnh vấn đề hạ thân nhiệt, nếu bạn ủ ấm trẻ quá mức cũng có thể khiến trẻ khó chịu. Trước hết là hạn chế về không gian cử động tay chân của trẻ. Nếu quá nhiều lớp chăn và quần áo, trẻ có thể thấy nóng và quấy khóc liên tục. Hoặc đôi khi, nhiệt độ cơ thể tăng có thể gây lầm lẫn với triệu chứng sốt ở trẻ.
1.2 Cách phòng tránh
Phòng của trẻ cần được thiết kế thoáng mát và rộng rãi, đủ ánh sáng, ấm áp. Tuy nhiên, cần chọn hướng tránh gió lùa. Giữ nhiệt độ trong phòng ở mức từ 26 đến 28 độ C.
Lựa chọn quần áo phù hợp với thời tiết và hoạt động hằng ngày của trẻ. Quan trọng là trẻ cần được đảm bảo đủ ấm và thoải mái. Bạn có thể cho trẻ mặc thêm vớ, đội nón và nằm chung với mẹ.
Đo nhiệt độ cơ thể trẻ hay nếu thấy tay chân trẻ lạnh thì bạn nên mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn hoặc ôm trẻ vào lòng mẹ. Nếu sắp có sự thay đổi đột ngột thời tiết như bạn cần đưa trẻ ra khỏi nhà, bạn cần chuẩn bị thêm quần áo thích hợp.
2. Giữ vệ sinh cho trẻ
2.1 Rửa tay khi chăm sóc trẻ
Trẻ sinh non là một trong những đối tượng dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng. Bởi vì hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc phòng tránh nhiễm trùng sơ sinh. Rửa tay nên được thực hiện vào hai thời điểm là trước và sau khi chăm sóc trẻ.
2.2 Tắm cho trẻ
Lần tắm đầu tiên
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên bạn nên cho trẻ tắm lần đầu tiên vào thời điểm 24 giờ sau khi sinh. Hoặc đợi ít nhất 6 giờ nếu vì lý do văn hóa hay phong tục. Dưới đây là một số lý do tại sao không nên tắm cho trẻ quá sớm:
- Trẻ sơ sinh nếu được tắm ngay lập tức sẽ dễ bị cảm lạnh và hạ thân nhiệt. Tắm quá sớm cũng dễ khiến cơ thể trẻ gặp căng thẳng. Khi đó, dẫn đến nguy cơ trẻ có thể bị giảm lượng đường trong máu (hạ đường huyết).
- Đưa trẻ đi tắm quá sớm có thể làm gián đoạn phương pháp “da kề da”. Khi trẻ được nằm trên ngực của mẹ, đây là thời điểm giúp gắn kết tình mẹ con. Hơn nữa, giúp trẻ có thể bú mẹ thành công ngay từ những phút đầu tiên sau sinh.
- “Chất nhây” là một chất trắng như sáp phủ lên da của trẻ trước khi sinh. Chúng được xem như một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên và có thể chống lại vi khuẩn. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), tốt nhất nên để chất nhây trên da của trẻ sơ sinh trong một thời gian. Điều này giúp bảo vệ làn da mỏng manh không bị khô và tổn thương.
Có nên tắm mỗi ngày cho trẻ?
Trước khi tắm cho trẻ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo và những vật dụng cần thiết. Tắm cho trẻ trong điều kiện kín gió và an toàn. Sau khi lau khô và mặc quần áo, bạn cũng nên nhỏ mắt, mũi, lau tai cho trẻ.
Trẻ sơ sinh không cần tắm mỗi ngày. Những hoạt động của trẻ hiếm khi đổ mồ hôi hoặc đủ bẩn để cần phải tắm thường xuyên. Ba lần tắm mỗi tuần trong năm đầu tiên của trẻ là cần thiết. Tắm nhiều hơn có thể làm khô da của trẻ.
2.3 Chăm sóc rốn
Rốn của trẻ thường rụng sau 7 đến 14 ngày tuổi. Khi rốn rụng đi, nếu chỉ chảy ít máu hoặc ẩm ướt là bình thường. Chăm sóc rốn hằng ngày với nước muối sinh lý hoặc dùng cồn 70 độ. Lưu ý là bạn cần để rốn được thông thoáng và sạch sẽ bằng cách quấn tã dưới rốn. Chính điều này sẽ làm rốn mau khô và dễ rụng hơn. Sử dụng tăm bông nhúng vào cồn để làm sạch rốn và vùng xung quanh rốn ba lần mỗi ngày hoặc khi bị dính nước tiểu hoặc phân.
Nếu con bạn được sinh ra sớm, bạn có thể chào đón ngày xuất viện với cảm xúc pha lẫn của niềm vui và lo lắng. Bạn có thể phải dành một lượng thời gian rất nhiều để chăm sóc trẻ trong vài tháng đầu ở nhà. Chăm sóc trẻ sinh non là một chuyện không hề đơn giản. Vậy nên, hãy tìm sự giúp đỡ từ những người thân khi bạn cần nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Caring for the Umbilical Cord at Homehttp://www.womenandinfants.org/services/pregnancy/newborn-care/umbilical-cord-care.cfm
Ngày tham khảo: 30/12/2019
- Bathing Your Babyhttps://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/bathing-skin-care/Pages/Bathing-Your-Newborn.aspx
-
Taking Your Preemie Homehttps://kidshealth.org/en/parents/preemie-home.html
Ngày tham khảo: 30/12/2019