Chiếu đèn trong điều trị vàng da có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?
Nội dung bài viết
Trong giai đoạn sơ sinh, vàng da là một trong những bệnh lí rất thường gặp. Nhận biết thời điểm trẻ xuất hiện vàng da sớm để kịp thời có những phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ. Chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh vừa an toàn vừa hiệu quả. Điều trị sớm sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần sau này. Sau đây, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh tìm hiểu về phương pháp chiếu đèn trong điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh nhé.
Tại sao trẻ sơ sinh cần phải chiếu đèn?
Bilirubin là sản phẩm của quá trình hồng cầu bị vỡ. Nếu chất này tích tụ quá nhiều trong cơ thể của trẻ sơ sinh sẽ gây ra tình mắt, vàng da. Thông thường, gan có nhiệm vụ giúp loại bỏ bilirubin trong máu. Tuy nhiên, gan của trẻ sơ sinh vẫn chưa đủ trưởng thành nên không thực hiện tốt chức năng này. Theo diễn tiến bình thường, lượng bilirubin dư thừa sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào khác và sẽ biến mất trong một vài tuần. Đó là khi gan trưởng thành hơn và có thể giúp con bạn loại bỏ bilirubin ra ngoài.
Trong một số trường hợp, lượng bilirubin tăng quá nhiều. Khi đó, bilirubin xâm nhập vào não, gây ra tình trạng “vàng da nhân”. Điều đó có nghĩa là não và các cơ quan khác có thể gây tổn thương. Dẫn đến những biến chứng như bại não, giảm thính lực, những vấn đề về thị lực, các vấn đề về học tập, phát triển thể chất và hành vi.
Trẻ sơ sinh cần được phát hiện sớm và điều trị vàng da bằng phương pháp chiếu đèn. Đây là cách giúp làm giảm lượng bilirubin và ngăn ngừa tình trạng “vàng da nhân”. Liệu pháp điều trị bằng ánh sáng sẽ giúp chuyển bilirubin thành một dạng chất khác có thể thải ra ngoài khi trẻ đi tiêu hay đi tiểu.
>> Có thể bạn quan tâm:
Vàng da sơ sinh, hay vàng da do tăng bilirubin trong máu là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh trong những ngày đầu đời của trẻ. Ước tính có đến 60% trẻ sinh đủ tháng và 80% trẻ sinh non bị vàng da. Vậy nên cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ khám ngay để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất sau này của trẻ. Cùng đi tìm lời giải đáp với bài viết “Nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh” nhé!
Điều gì có thể xảy ra trong quá trình chiếu đèn?
Chuẩn bị trẻ trước khi chiếu đèn
Con bạn sẽ được bác sĩ thăm khám và cho làm xét nghiệm máu để kiểm tra lượng bilirubin. Nếu có chỉ định chiếu đèn, trẻ cần phải nhập viện để điều trị và theo dõi. Con bạn sẽ nằm trong nôi có gắn với bóng đèn. Chỉ mặc tã cho trẻ để vùng da vàng được tiếp xúc với đèn nhiều nhất có thể.
Đèn sẽ không làm tổn thương làn da của con bạn. Mắt của trẻ phải được che lại bằng miếng che mắt để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng của đèn chiếu. Trẻ có thể cần thêm đèn sưởi để ủ ấm. Ngoại trừ khi cho bú hay thay tã, trẻ cần được chiếu đèn liên tục.
>> Xem thêm: Ba mẹ cần trang bị những gì khi đưa trẻ khám bệnh Vàng da sơ sinh?
Thời gian chiếu đèn
Lượng thời gian con bạn được chiếu đèn sẽ phụ thuộc vào mức độ bilirubin tăng trong cơ thể. Ngoài ra, còn liên quan khả năng đáp ứng với điều trị của mỗi trẻ. Những yếu tố khác có thể điều chỉnh như cường độ ánh sáng, khoảng cách của trẻ với nguồn sáng và diện tích cơ thể tiếp xúc trong quá trình chiếu đèn. Sau khoảng từ 4 đến 6 giờ chiếu đèn, bilirubin mới bắt đầu giảm từ từ.
Trẻ có thể được chiếu đèn một mặt (chỉ có đèn phía trên chiếu xuống ngực trẻ) hoặc hai mặt (đèn chiếu ở cả mặt lưng phía dưới và mặt ngực phía trên). Một số trẻ chỉ cần chiếu đèn một ngày hoặc vài giờ. Trong khi đó, những trẻ khác có thể chiếu đèn từ 3 đến 4 ngày.
Tăng cường dinh dưỡng
Khi chiếu đèn cho trẻ, nhu cầu về nước và dinh dưỡng sẽ tăng lên. Do đó, bạn nên cho trẻ bú tăng cường thêm nhiều sữa mẹ hoặc sữa công thức. Một số trường hợp, con bạn có thể cần phải bù thêm dịch truyền qua đường tiêm. Dịch truyền bổ sung giúp trẻ đi tiểu nhiều hơn để có thể loại bỏ bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.
Thay máu
Nếu mức độ bilirubin rất cao và lượng bilirubin không thể giảm dù trẻ đã được chiếu đèn tích cực để ngăn ngừa tình trạng “vàng da nhân”. Khi đó, con bạn có thể cần được thay máu. Đây là một phương pháp đặc biệt giúp truyền máu có ít bilirubin cho trẻ và lấy ra ngoài phần máu có nhiều bilirubin của trẻ. Máu sẽ được lấy sẵn ở ngân hàng máu của mỗi bệnh viện, đã qua kiểm tra và xử lí an toàn, phù hợp nhất với nhóm máu của trẻ.
>> Xem thêm: Vàng da ứ mật: Những điều bạn cần biết ở trẻ
Điều gì có thể xảy ra sau khi trẻ được chiếu đèn?
Con bạn sẽ cần xét nghiệm máu thêm vài lần nữa để kiểm tra mức độ giảm bilirubin sau khi điều trị.
Chiếu đèn được chứng minh là an toàn cho hầu hết trẻ sơ sinh. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của chiếc đèn là tiêu phân xanh, mất nước, da đổi màu nâu xám (còn được gọi là hội chứng em bé da màu đồng). Ở trẻ sinh non và nhẹ cân, những tình trạng này có thể góp phần vào diễn tiến nặng hơn của một số bệnh. Trong đó, thường gặp như bệnh phổi mãn tính, tổn thương võng mạc và chậm tiêu hóa ở ruột non.
Tuy nhiên, chúng đều là những tác dụng phụ rất hiếm gặp khi điều trị bằng liệu pháp quang học. Ngay cả đối với trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Nếu không điều trị kịp thời, vàng da có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Chiếu đèn là một trong những phương pháp điều trị vàng da an toàn cho trẻ sơ sinh. Một điểm quan trọng là bạn cần cho trẻ bú thêm nhiều sữa mẹ vì nguy cơ mất nước khi chiếu đèn. Mọi vấn đề quan tâm đến sức khỏe của trẻ, bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ Bác sĩ nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bilirubin Lights
https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_bililigh_pep.htm
Ngày tham khảo: 14/12/2019
-
Light Therapy for Neonatal Jaundicehttps://embryo.asu.edu/pages/light-therapy-neonatal-jaundice
Ngày tham khảo: 14/12/2019