Nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh
Nội dung bài viết
Vàng da ở trẻ sơ sinh là một trong những triệu chứng khiến cho cha mẹ vô cùng lo lắng. Một số trẻ có thể tự khỏi vàng da, nhưng cũng có trường hợp khiến não trẻ bị tổn thương dẫn đến tử vong. Vậy nên cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ khám ngay để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất sau này của trẻ. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Trong bệnh vàng da, da và lòng trắng của mắt (củng mạc) sẽ có màu vàng, do lượng sắc tố trong máu gọi là bilirubin tăng quá ngưỡng sinh lý. Bình thường, Bilirubin được sản xuất bởi sự phân hủy của các tế bào hồng cầu, sau khi chuyển hóa ở gan sẽ đến ruột để thải ra ngoài cơ thể. Khi con đường chuyển hóa Bilirubin rối loạn, Bilirubin sẽ tích tụ ở các mô trong cơ thể như da, niêm mạc mắt, não, do đó cha mẹ có thể thấy mắt và da trẻ có màu vàng.
Những nguyên nhân nào có thể gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da sinh lý
Là nguyên nhân phổ biến nhất (xảy ra ở hơn 50% trẻ sơ sinh) gây vàng da ở trẻ. Bởi vì gan của trẻ sơ sinh chưa trưởng thành nên quá trình chuyển hóa bilirubin diễn ra chậm hơn. Vàng da thường xuất hiện lúc trẻ được 2 đến 3 ngày tuổi. Tình trạng này thường biến mất sau 1 đến 2 tuần tuổi và lượng bilirubin thường thấp.
Vàng da liên quan sữa mẹ
Vàng da có thể xảy ra khi bé không được bú đủ sữa mẹ. Thường gặp ở 5% – 10% trẻ sơ sinh. Vàng da sẽ giảm sau khi cho trẻ bú mẹ đầy đủ.
Vàng da do sữa mẹ
Sữa mẹ tiết ra một chất đặc biệt gây nên tình trạng vàng da khi trẻ được 4 đến 7 này tuổi. Thường gặp ở 10% trẻ có vàng da. Chất này làm cho ruột của trẻ hấp thụ nhiều bilirubin trở lại cơ thể hơn so với bình thường. Tình trạng có thể kéo dài 3 đến 10 tuần.
Nhóm máu mẹ và con khác nhau
Nếu trẻ và mẹ có các nhóm máu khác nhau, đôi khi trong quá trình mang thai, người mẹ tạo ra các kháng thể phá hủy các tế bào máu của trẻ sơ sinh. Điều này gây ra sự tích tụ đột ngột của bilirubin trong máu của trẻ làm trẻ vàng da nghiêm trọng, thường bắt đầu trong 24 giờ đầu sau sinh.
Trong đó, bất tương xứng khi mẹ có nhóm máu Rh (-) và con Rh (+) sẽ gây vàng da nặng nhất. Tuy nhiên, tình trạng này có thể phòng ngừa được nếu mẹ khám thai và tư vấn về chăm sóc trước sinh. Điều này ngăn mẹ hình thành các kháng thể có thể gây nguy hiểm cho những trẻ khác mà mẹ sẽ sinh sau này.
Vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ được điều trị như thế nào?
Vàng da sinh lý
Bạn hãy cho trẻ bú thường xuyên hơn. Cố gắng cho trẻ bú mỗi 2 đến 3 giờ trong ngày.
Vàng da liên quan sữa mẹ
Điều trị chính là tăng nguồn sữa mẹ cho trẻ. Bạn có thể tìm hiểu về hướng dẫn cho trẻ bú đúng cách hoặc đến gặp Bác sĩ sơ sinh để được tư vấn kĩ hơn. Cho trẻ bú thường xuyên hơn, tăng khoảng cách các cữ sữa mỗi 1,5 – 2,5 giờ. Vì Bilirubin được đưa ra ngoài cơ thể qua phân, nên việc trẻ đi tiêu thường xuyên sẽ giúp giảm vàng da. Nếu trẻ ngủ hơn 4 giờ vào ban đêm, hãy đánh thức trẻ dậy để cho bú. Theo dõi sự tăng trưởng của trẻ cũng rất quan trọng. Nếu trẻ không hoặc chậm tăng cân, bạn phải bổ sung thêm sữa công thức cho trẻ.
Vàng da do sữa mẹ
Một vài trường hợp lượng bilirubin sẽ không giảm khi cho trẻ bú thường xuyên. Trong tình huống này, bạn nên xen kẽ giữa các cữ bú sữa mẹ với sữa công thức trong 2 hoặc 3 ngày. Bất cứ khi nào bạn không thể cho bé bú, việc sử dụng máy hút sữa rất cần thiết để giữ cho sữa từ bầu vú của bạn được tiết ra mỗi ngày. Bạn không cần ngừng hẳn việc cho trẻ bú mẹ vì vàng da do sữa mẹ. Sau khi trẻ hết vàng da, bạn có thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và không phải lo lắng gì về chuyện vàng da quay trở lại.
Vàng da nặng (do nhóm máu)
Lượng Bilirubin tăng cao (thường trên 20 mg/dl) có thể gây nhiều biến chứng cho trẻ như điếc, bại não hoặc tổn thương não. Trong trường hợp này, trẻ cần điều trị bằng cách chiếu đèn ( sử dụng ánh sáng xanh làm giảm bilirubin trong da) để giảm tối thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng.Một số trẻ có lượng Bilirubin tăng đến mức nguy hiểm, lúc này việc thay máu cho trẻ cần tiến hành càng sớm càng tốt. Đây là kỹ thuật thay thế máu của trẻ bằng máu tươi, được lấy từ ngân hàng máu của cơ sở y tế.
Làm thế nào để nhận biết trẻ bị vàng da?
Trẻ sơ sinh thường xuất viện trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi sinh. Điều quan trọng là trẻ cần phải được Bác sĩ sơ sinh khám lại khi trẻ được 3 đến 5 ngày tuổi. Đây là thời điểm mức độ Bilirubin của trẻ tăng cao nhất. Đôi với những trẻ có nguy cơ cao hơn về mức độ tăng Bilirubin như sanh non, vàng da sớm sau sanh … trẻ cần phải được thăm khám sớm hơn. Hỏi Bác sĩ kĩ về thời điểm tái khám cho trẻ nếu trẻ của bạn:
- Có lượng Bilirubin cao hoặc còn vàng da trước khi xuất viện.
- Được sinh ra sớm hơn 2 tuần trước ngày dự sanh.
- Có nhiều vết bầm tím trên đầu sau sinh.
- Có vấn đề về bất thường nhóm máu (ABO hoặc Rh).
- Có anh trai, chị gái ruột thịt bị vàng da lúc nhỏ, có lượng bilirubin cao.
- Cha mẹ cũng nên theo dõi vàng da ở trẻ sơ sinh. Mức độ vàng da được đánh giá tốt nhất bằng cách quan sát trẻ (bộc lộ hết vùng da trên cơ thể trẻ, chỉ che mắt trẻ khi phơi nắng) dưới ánh sáng tự nhiên. Vàng da bắt đầu trên mặt và di chuyển xuống dưới chân. Nếu không rõ, bạn có thể dùng ngón tay đè nhẹ để quan sát màu sắc da. Cố gắng xác định vị trí không có vàng da thêm.
Khi nào hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh cần đi khám ngay?
Nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm sau để đưa trẻ khám ngay lập tức, sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ xảy ra những biến chứng do vàng da:
- Trẻ có bất kỳ dấu hiệu mất nước như da khô, mắt trẻ trũng sâu, ọc sữa nhiều, tiêu lỏng nhiều.
- Vàng da xuất hiện trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Bạn phát hiện trẻ vàng da đến chân.
- Trẻ không đi tiểu trong hơn 8 giờ.
- Trẻ bị sốt hơn 38°C.
- Trẻ có vẻ không khỏe như lừ đừ, bú giảm, thở mệt.
Đưa trẻ đi khám nếu
- Bạn không thể cho trẻ bú đủ sữa hoặc trẻ không tăng cân tốt.
- Trẻ đi tiểu ít hơn 6 tã ướt mỗi ngày.
- Trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi ngày.
- Vàng da không giảm khi trẻ đã được 14 ngày tuổi nếu trẻ sanh đủ tháng hoặc 21 ngày tuổi nếu trẻ sanh non.
- Bạn có bất cứ điều gì cần tư vấn về bệnh lí của trẻ.
Tóm lại
- Vàng da sinh lý là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Chiếu đèn và thay máu là phương pháp điều trị trong trường hợp trẻ vàng da nặng.
- Cần chú ý những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ khám ngay, tránh biến chứng nặng đến sự phát triển của trẻ.
>> Khi thấy trẻ bị vàng da, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra để có biện pháp điều trị kịp thời. Bố mẹ cần chuẩn bị những gì trước khi đưa bé đi khám? Tham khảo bài viết sau: Ba mẹ cần trang bị những gì khi đưa trẻ khám bệnh Vàng da sơ sinh?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.