Đa xơ cứng ở trẻ em: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Đa xơ cứng là một bệnh lý suy giảm chức năng thần kinh ở não bộ và tủy sống kết hợp với tình trạng hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Trong nhiều trường hợp bệnh gặp phải ở trẻ em, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý đặc biệt này ở bài viết dưới đây của Bác sĩ Ngô Minh Quân.
Đa xơ cứng là bệnh gì?
Đa xơ cứng ở trẻ em là bệnh lý dẫn đến các vấn đề về thị giác, tê bì, yếu cơ hoặc các triệu chứng thần kinh khác. Bệnh xảy ra là do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào thần kinh cũng như làm tổn thương các liên kết thần kinh ở não bộ hoặc tủy sống. Tình trạng hệ miễn dịch của chúng ta tự tấn công, làm tổn thương chính những tế bào thần kinh trong cơ thể được gọi là “bệnh lý tự miễn”.
Có nhiều phân loại đa xơ cứng khác nhau, tuy nhiên hầu hết đa xơ cứng gặp ở trẻ em thuộc phân nhóm tái phát. Ở nhóm này, triệu chứng của bệnh liên tục xuất hiện và thoái lui.
Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng nặng nề hơn thông thường, đó còn gọi là những đợt bùng phát. Những đợt bùng phát thường kéo dài vài ngày đến vài tuần. Các triệu chứng thường thoái lui chậm chạp. Giữa các đợt bùng phát trẻ thường không xuất hiện triệu chứng và gần như bình thường.
Triệu chứng của bệnh đa xơ cứng
Bệnh lý có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Mỗi trẻ có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:
- Yếu hoặc co giật cơ, có thể làm cho bệnh nhân té ngã, thường gặp phải ở một nửa người.
- Giảm thị lực, đau mặt hoặc cử động mắt bất thường.
- Chóng mặt, mất cân bằng, có thể làm cho bệnh nhân té ngã.
- Khó khăn trong việc đi lại hoặc nói chuyện.
- Tiêu tiểu mất tự chủ.
- Tăng nhạy cảm với nhiệt độ.
- Nhầm lẫn, giảm tư duy.
Hầu hết các bệnh nhân đa xơ cứng biểu hiện một hoặc một vài triệu chứng trên, tuy nhiên cũng có những bệnh nhân biểu hiện hầu hết các triệu chứng của bệnh.
Chẩn đoán đa xơ cứng
Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng và thăm khám. Một số xét nghiệm được chỉ định tuy nhiên có thể không phát hiện được ngay dấu hiệu của bệnh ở những lần đầu tiên. Do đó điều quan trọng là cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám nhiều lần, lặp lại các xét nghiệm có thể giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm, chẩn đoán hình học có thể giúp ích chẩn đoán bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ – MRI não bộ và tủy sống là cần thiết. MRI cung cấp những hình ảnh bên trong cơ thể giúp quan sát và nhận biết bất thường. MRI cũng giúp phát hiện các tổn thương thần kinh nếu có. Tuy nhiên có nhiều bệnh nhân không phát hiện bất thường trên MRI mà phải được chẩn đoán thông qua việc theo dõi diễn tiến và lặp lại các xét nghiệm kiểm tra nhiều lần.
- Chọc dò thắt lưng (chọc dò dịch não tủy thắt lưng): đây là thủ thuật lấy mẫu dịch não tủy thông qua kim nhỏ chọc vào vùng thắt lưng. Mẫu dịch não tủy này được mang đi thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán các bất thường.
- Điện thế đáp ứng: đây là quá trình bác sĩ sẽ quan sát các tín hiệu điện ở não bộ và tủy sống. Thông qua việc gắn những điện cực nhỏ ở da, sau đó đánh giá tín hiệu điện khi bệnh nhân nhìn vào ánh sáng, nghe tiếng động hoặc cảm nhận dòng điện nhẹ.
Khi nào cần đi khám?
Nếu trẻ có bất cứ triệu chứng nào được liệt kê ở trên và chưa tìm được nguyên nhân của chúng thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh lý đa xơ cứng.
Điều trị
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lý đa xơ cứng, kể cả ở trẻ em cũng như người lớn. Tuy nhiên có nhiều phương pháp điều trị triệu chứng và đợt bùng phát của bệnh.
- Kháng viêm steroids. Việc dùng steroids này khác với mục đích của các vận động viên để tăng kích thước cơ bắp, dùng steroid ở bệnh nhân đa xơ cứng trẻ em với mục đích giảm phản ứng tự miễn qua đó rút ngắn thời gian của đợt bùng phát.
- Điều trị phòng ngừa: Có nhiều nhóm thuốc khác nhau có tác dụng ngăn ngừa những đợt tái phát của bệnh nhưng không có khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện nay đã có những loại thuốc thế hệ mới đường uống bệnh nhân có thể dùng tại nhà. Hãy liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn và chỉ định đúng nhóm thuốc điều trị thích hợp.
- Điều trị triệu chứng của đa xơ cứng cũng rất quan trọng. Nhiều trẻ em mang bệnh lý đa xơ cứng thường mệt mỏi, ảnh hưởng đến phát triển tâm vận cũng như trầm cảm, co giật cơ, chậm phát triển trí tuệ. Do đó hãy thông báo cho bác sĩ điều trị biết những triệu chứng trẻ gặp phải để lựa chọn được biện pháp điều trị phù hợp.
Nếu bạn là cha mẹ của những trẻ em mắc bệnh nhân đa xơ cứng, hãy cùng trẻ giữ thái độ tích cực. Hầu hết bệnh nhân diễn tiến bệnh rất chậm. Trung bình mất đến nhiều năm trước khi đa xơ cứng diễn tiến trầm trọng. Thêm vào đó các thuốc thế hệ mới hiện nay có tác dụng điều trị rất khả quan đối với bệnh lý đa xơ cứng, giảm triệu chứng đợt bùng phát cũng như ngăn ngừa tốt các đợt tái phát.
Trên đây là những thông tin cơ bản bệnh lý đa xơ cứng ở trẻ em. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về bệnh lý đặc biệt này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Patient education: Multiple sclerosis in children (The Basics)- Written by the doctors and editors at UpToDate, Nov 13, 2019.