Cách chữa sùi mào gà bằng Đông y như thế nào?
Nội dung bài viết
Các phương pháp trị liệu bằng Đông y càng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Bệnh sùi mào gà là một căn bệnh nguy hiểm, cần phát hiện và điều trị kịp thời. Chữa sùi mào gà bằng Đông y có thể đem lại hiệu quả tốt trong giai đoạn đầu của bệnh. Qua bài viết sau, ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ bật mí cho bạn những kiến thức hữu ích liên quan đến phương pháp chữa sùi mào gà bằng Đông y.
Khái quát về bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà là bệnh mụn cóc sinh dục lây qua đường tình dục. Bệnh sùi mào gà do Human Papilloma Virus (HPV – virus gây u nhú ở người) gây ra. Bệnh sùi mào gà cũng có thể lây qua đường tiếp xúc gián tiếp. Bệnh sùi mào gà có thời gian ủ bệnh khá dài, sau 2 – 9 tháng sau khi quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HPV.
Bệnh sùi mào gà có các biểu hiện như: Xuất hiện các hạt cơm, mụn cóc, u nhú hay tổn thương mềm, phẳng, có màu hồng nhạt, có chân hoặc có cuống, không đau, dễ chảy máu. Các tổn thương này có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trong cơ quan sinh dục như lỗ niệu đạo, âm hộ, cổ tử cung, hậu môn, dương vật,… hoặc ở miệng, họng. Bệnh sùi mào gà cần được điều trị dứt điểm và kịp thời. Nếu không tổn thương sẽ phát triển nhanh, lan rộng ra xung quanh tạo thành mảng/khối lớn giống mào gà.
Đây là một căn bệnh nguy hiểm, vì virus HPV có khả năng thay đổi cấu trúc bên trong các tế bào bị nhiễm bệnh, dẫn đến các biến chứng khác như:
- Các bệnh ung thư như ung thư âm hộ/dương vật/hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư miệng và cổ họng…
- Truyền nhiễm trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai có thể lây bệnh sùi mào gà cho con khi chuyển dạ.
- Trẻ sơ sinh bị nhiễm HPV thanh quản có thể mắc sùi mào gà ở miệng,…
Nguyên tắc chữa sùi mào gà bằng Đông y
Các vị thuốc Đông y có thể hữu ích trong giai đoạn sớm của bệnh. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển đến các giai đoạn nặng hơn, cần kết hợp với Tây y để điều trị như đốt laser, dùng thuốc tây,… Trong Y học cổ truyền, sùi mào gà thuộc phạm vi các chứng “táo vưu”, “tao hậu”, “táo hậu”… Về mặt trị liệu, nguyên tắc chung là phải thanh nhiệt lợi thấp, giải độc tán kết bằng các bài thuốc kết hợp giữa ngâm, bôi thuốc.
Xem thêm: Bạn đã biết cách chữa trị sùi mào gà tại nhà dưới đây?
Cách chữa sùi mào gà bằng Đông y
Các bài thuốc uống Đông y1
Bài thuốc 1
Nguyên liệu: Trương thuật 50g, sơn từ cô 5g, thổ phục linh 30g, dã cúc hoa 30g, kim ngân hoa 10g, bản lam căn 10g, xạ can 10g, hoàng cầm 10g, hoàng bá 10g, cam thảo 10g, sơn đậu căn 10g, liên kiều 10g, chi tử 10g.
Cách dùng: Sắc chung tất cả nguyên liệu và uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc 2
Nguyên liệu: Mã xỉ hiện (rau sam) 15g, tử thảo 15g, thương truật 15g, tỳ giải 15g, ý dĩ 20g, đại thanh diệp 20g, đan bì 12g, thổ phục linh 30g, thông thảo 30g.
Cách dùng: Sắc thuốc và uống hàng ngày. Nếu sùi bị sưng nóng, đau thì thêm vào bài thuốc tri mẫu 9g, đại hoàng 9g, kim ngân hoa 15g, sinh thạch cao 15g.
Các bài thuốc ngâm và bôi1
Bài thuốc 1
Nguyên liệu: Mã xỉ hiện 45g, tế tân 10g, cam thảo sống 10g, lộ phong phòng 10g, đào nhân 10g, bạch chỉ 10g, mộc tặc thảo 15g, hoàng bá 20g, khổ sâm 30g, sơn đậu căn 30g, bản lam căn 30g.
Cách dùng: Sắc thuốc và lấy nước thuốc thấm vào gạc, đắp lên chỗ sùi mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 15 phút. 1 liệu trình gồm 5 ngày đắp thuốc.
Bài thuốc 2
Nguyên liệu: Mã xỉ hiện 30g, mật quạ 10g, tế tân 15g, bạch tiên bì 20g.
Cách dùng: Sắc thuốc và ngâm rửa vết sùi bằng nước thuốc mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút.
Bài thuốc 3
Nguyên liệu: Khổ sâm 50g, mộc tặc 20g, nga truật 30g, tam lăng 30g, đan bì 12g, đào nhân 15g, đậu căn 20g.
Cách dùng: Sắc thuốc và ngâm rửa vết sùi bằng nước thuốc mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 8 phút. 1 liệu trình kéo dài 14 ngày.
Bài thuốc 4
Nguyên liệu: Bản lam căn 30g, địa phu tử 20g, nga truật 15g, khô phàn 20g, mộc tặc 20g, dã cúc hoa 30g.
Cách dùng: Sắc thuốc và ngâm rửa vết sùi bằng nước thuốc mỗi ngày 1 lần.
Bài thuốc 5
Nguyên liệu: Mã xỉ hiện 60g, minh phàn 21g, đại thanh diệp 30g.
Cách dùng: Sắc thuốc và ngâm rửa vết sùi bằng nước thuốc mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút. Sau đó phủ 30g lục nhất tán và 9g phèn phi trộn đều rắc vào tổn thương.
Bài thuốc 6
Nguyên liệu gồm ý dĩ, khổ sâm, hoàng bá, hoàng kỳ trộn lại với tỉ lệ bằng nhau, sấy khô và tán bột. Mỗi lần dùng, rắc 1g bột lên sùi mào gà rồi băng kín lại. Thường dùng 2 liệu trình (mỗi liệu trình 10 lần) là sẽ có kết quả.
Xem thêm: Hạt bo bo (Ý dĩ): Công dụng chữa bệnh từ loại hạt độn cơm
Những lưu ý khi chữa sùi mào gà bằng Đông y
Khi chữa sùi mào gà bằng Đông y, thời gian để thuốc phát huy hết tác dụng thường rất lâu. Vì vậy, khi áp dụng, người bệnh cần điều trị kết hợp với các bài thuốc dùng ngoài và cần kiên trì thực hiện để đạt được kết quả tốt nhất.
Các bài thuốc Đông y chỉ sử dụng cho trường hợp bệnh nhẹ, giai đoạn đầu. Vì thế, khi bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh cần phối hợp điều trị với các phương pháp Tây y.
Khi bạn thấy xuất hiện triệu chứng bất thường, hoặc bệnh chuyển biến xấu thì ngừng thuốc ngay. Khi đó cần liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên khoa.
Khi mua thuốc, cần lựa chọn cơ sở bán thuốc chất lượng, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chữa sùi mào gà bằng Đông y. Đây là liệu pháp có thể đem lại hiệu quả tốt trong giai đoạn đầu của bệnh mà bạn có thể áp dụng. Tuy thời gian để đạt được hiệu quả kéo dài, nhưng đây được xem là liệu pháp an toàn, không xâm lấn. Người bệnh cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có liệu trình điều trị phù hợp, cũng như tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bài thuốc trị bệnh sùi mào gàhttps://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-tri-benh-sui-mao-ga-16923613.htm
Ngày tham khảo: 30/08/2021