YouMed

Chụp X-quang khi mang thai có nguy hiểm không?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Mang thai là khoảng thời gian chúng ta phải luôn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Do vậy, mọi thao tác đều cần cẩn trọng. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, không thể nào tránh khỏi một số nhu cầu điều trị bệnh lý. Một trong số đó yêu cầu phải chẩn đoán bằng X-quang. Vậy chụp X-quang khi mang thai có ảnh hưởng gì đến mẹ và thai nhi không? Liều lượng tia bao nhiêu là an toàn? Khi nào thì nên chụp? Cách phòng ngừa ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa Phan Lê Nam.

Chụp X-quang khi mang thai có an toàn không?

Đây cũng là một chủ đề được nhắc đến rất nhiều trên các trang thông tin trong vài năm nay. Khi đời sống càng phát triển, nhu cầu hiểu biết về sức khỏe thai kỳ cũng ngày càng nhiều hơn. Viện Sức khỏe Gia đình Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng: Việc chụp X-quang thường an toàn đối với mẹ bầu.1 Tuy nhiên, có một số trường hợp sẽ gây ảnh hưởng xấu.

Vậy chúng ta phải quyết định như thế nào đối với việc chụp X-quang khi mang thai? Nên hay không nên? Câu trả lời vẫn còn rất nhiều tranh cãi. X-quang có thể cung cấp các thông tin cần thiết và quan trọng. Nó có thể liên quan đến việc chữa trị cứu sống mẹ hoặc được dùng để điều trị một số vấn đề quan trọng cho em bé.

Các nghiên cứu xung quanh vấn đề này vẫn còn gặp rất nhiều mâu thuẫn. Do đó, khi quyết định chụp X-quang, cần cân nhắc những lợi ích và rủi ro nhận được.

Xem thêm: X-quang: Lâu đời nhưng có lỗi thời?

Vẫn còn tranh cãi xung quanh việc chụp X quang khi mang thai
Vẫn còn tranh cãi xung quanh việc chụp X-quang khi mang thai

Loại tia X nào không an toàn khi mang thai?

Có nhiều loại tia X được sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh lý.

Chụp nhũ ảnh

Đây là một loại X-quang được sử dụng để phát hiện ung thư vú.

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Kết hợp tia X với xử lý máy tính để tạo ra hình ảnh các mặt cắt ngang của cơ thể, từ đó tạo thành hình ảnh X-quang ba chiều.

Nội soi huỳnh quang

Sử dụng tia X và màn hình huỳnh quang để nghiên cứu các cấu trúc chuyển động trong cơ thể, chẳng hạn như xem tim đập. Nó cũng có thể được sử dụng kết hợp với các chất tương phản. Thường được dùng quan sát quá trình tiêu hóa hoặc lưu lượng máu.

Một ứng dụng khác của tia X là điều trị ung thư

Bức xạ năng lượng cao được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Liều lượng tia cao hơn nhiều so với hình ảnh X-quang chẩn đoán.

Radian (Rads) là tiêu chuẩn đo lường được sử dụng để đo cường độ của tia X. Đây là đơn vị phản ánh lượng bức xạ đã được cơ thể hấp thụ. Hầu hết các tia X dùng để chẩn đoán bình thường đều dưới 5 rads. Tuy nhiên, đã có báo cáo rằng: Nếu tiếp xúc với tia X trên 10 rads có thể dẫn đến các vấn đề về khuyết tật trí tuệ, mắt. Vì vậy, lượng tia X cũng là một khía cạnh cần quan tâm khi mang thai.

Nguy cơ của X-quang trong thai kỳ thay đổi theo tuần thai và liều lượng tia xạ. Phần lớn các tia X dùng để chẩn đoán có liều lượng phóng xạ thấp.

Theo Đại học Phóng xạ Hoa Kỳ (ACR):2

  • Nếu bạn chụp X-quang trước khi thụ thai sẽ không nguy cơ xảy ra.
  • Nếu bạn chụp X-quang trong tuần thứ 3 – 4, rủi ro có thể bằng 0 với lượng tia dưới 10 rads. Lượng tia lớn hơn 10 rads có nguy cơ sảy thai.
  • Trong các tuần từ 5 đến 27, lượng tia dưới 10 rads có thể ảnh hưởng nhưng không phát hiện về mặt lâm sàng. Trên 10 rads, nguy cơ dị tật tăng theo liều, có khả năng ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ.
Tia X với liều lượng thích hợp sẽ không gây hại cho mẹ và bé
Tia X với liều lượng thích hợp sẽ không gây hại cho mẹ và bé

Liều lượng tia dưới 5 rads được coi là không gây ra vấn đề tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Để phòng ngừa an toàn cho thai nhi, nên đảm bảo các quy trình chụp X-quang khi mang thai có lượng tia nhỏ hơn 5 rads.

Thông thường, các loại chụp X-quang không ảnh hưởng được đến cơ quan sinh sản. Do đó, nó cũng sẽ ít ảnh hưởng đến em bé, ngoại trừ X-quang vùng bụng. Nguy cơ có thể xảy ra khi chụp X-quang bụng là do lượng tia X cao hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là bức xạ từ tia X dùng để chẩn đoán rất thấp. Ngay cả khi ở trên bụng cũng không gây ra bất kỳ rủi ro nào. Chỉ là lượng bức xạ cao thường có tác dụng mạnh mẽ hơn.

Chụp phim X-quang trong khi mang thai ảnh hưởng đến em bé không?

Các nguy cơ ảnh hưởng của liều lượng tia xạ cao đối với thai nhi:

Sảy thai

Trường hợp tiếp xúc với tia X trong vòng 1 – 2 tuần sau khi thụ tinh có thể gây chết phôi.

Biến dạng hoặc bất thường phát triển

3 – 8 tuần là thời kỳ hình thành các cơ quan. Do đó, trẻ có nguy cơ dị tật cao do tiếp xúc với bức xạ trong giai đoạn này.

Suy thoái trí tuệ

10 – 17 tuần là giai đoạn hình thành hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến sự hình thành và chức năng của não. Nếu tiếp xúc với lượng bức xạ trên 100 mGy, sự suy giảm trí thông minh có thể xảy ra. Trên 1 Gy gây chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng. IQ giảm nếu tiếp xúc với lượng bức xạ trên 0,025 mGy.

Ung thư ở trẻ em

Người ta cho rằng ung thư ở trẻ em và bệnh bạch cầu sẽ tăng trong trường hợp tiếp xúc với bức xạ trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, liều tối thiểu chưa được thống nhất, rất khó để ước tính nguy cơ ung thư tiềm ẩn do tiếp xúc với bức xạ trong thai kỳ.

Nguy cơ ảnh hưởng bởi phóng xạ cao nhất trong giai đoạn hình thành các cơ quan ở tam cá nguyệt thứ nhất. Ảnh hưởng trở nên thấp hơn trong tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, rất khó để ước tính nguy cơ ung thư ở trẻ em.

Chụp X quang khi mang thai với tia xạ liều cao nhiều nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến bé
Chụp X-quang khi mang thai với tia xạ liều cao nhiều nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến bé

Chụp X-quang chẩn đoán khi mang thai không làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc gây ra vấn đề ở thai nhi, chẳng hạn như dị tật bẩm sinh và các vấn đề phát triển thể chất hoặc tinh thần. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai chụp X-quang và tiếp xúc bức xạ nhiều lần thì có nguy cơ gia tăng rất nhỏ khả năng phát triển ung thư ở em bé. Đây là lý do tại sao liều phóng xạ được sử dụng trong tia X chẩn đoán luôn ở mức thấp nhất có thể.

Bạn cần thông báo cho bác sĩ hoặc các kỹ thuật viên về tình trạng mang thai của mình. Điều này sẽ giúp bác sĩ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc bạn có nên chụp X-quang lúc này hay không.

Nếu đã tiếp xúc với tia X trước khi biết mình mang thai thì phải làm gì?

Chắc hẳn chúng ta sẽ rất lo lắng khi gặp phải tình huống này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần giữ bình tĩnh.

  • Thứ nhất: Vì lượng tia X dùng cho chẩn đoán rất thấp, khả năng ảnh hưởng đến thai nhi không cao.
  • Thứ hai: Có thể vẫn chưa có bất cứ ảnh hưởng nào đối với thai nhi. Việc lo lắng thái quá sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé.

Tốt nhất là bạn nên chia sẻ những lo lắng của mình về khả năng phơi nhiễm phóng xạ với các y bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn phân tích và giải quyết tình huống có thể xảy ra. Bạn cũng nên bổ sung thêm những thông tin cần thiết để đề phòng nguy cơ rủi ro.

Xem thêm: Chụp X-quang có nguy hiểm gì tới sức khỏe không?

Cách giảm thiểu nguy cơ của việc chụp X-quang khi mang thai

Một trong những điều đầu tiên cần làm là thông báo cho bác sĩ về việc mang thai

Chắc chắn sẽ có tác dụng phụ của tia X với thai kỳ nhưng nó chỉ xảy ra ở mức độ tiếp xúc với bức xạ cao hơn. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã được giải thích kỹ và hiểu rõ những nguy cơ trước khi thực hiện chụp X-quang khi mang thai.

Nếu có bất kỳ sự nghi ngờ nào, bạn nên xác nhận lại với bác sĩ về vấn đề chụp X-quang. Nếu có nhu cầu chụp X-quang trong thai kỳ, tốt nhất bạn nên thông báo cho bác sĩ sản khoa trước khi thực hiện. Điều này giúp bạn có thể chắc chắn rằng: Việc tiếp xúc với tia X ở mức dùng để chẩn đoán, sẽ không ảnh hưởng đến em bé.

Nếu bạn cần chụp X-quang nha khoa khi mang thai, có thể che bụng bằng tạp dề chì

Tuy nhiên, tạp dề chì hiện không còn được sử dụng thường xuyên để bảo vệ bụng hoặc xương chậu. Vì hầu hết các tia X nha khoa không ảnh hưởng đến khu vực này. Ngoài ra, liều lượng phóng xạ trong tia X nha khoa rất thấp. Nó hầu như không có nguy cơ đối với thai nhi.

Trong những trường hợp rất hiếm, góc của tia X có thể ảnh hưởng đến vùng xương chậu. Để đảm bảo an toàn, bạn vẫn nên sử dụng đến thiết bị bảo vệ này.

Khi nào thì bạn cần chụp X-quang khi mang thai?

Đó là khi: lợi ích của việc chụp X-quang để giải quyết các vấn đề lớn hơn so với rủi ro có thể xảy ra. Cần phải xác định tình trạng của mẹ và bé để có điều trị kịp thời.

Hai vấn đề lớn nhất cần xem xét khi muốn chụp X-quang lúc mang thai là:

  • Vị trí cần chụp (để có thể che chắn bảo vệ đúng cách).
  • Giai đoạn mang thai.

X-quang cho nha khoa khẩn cấp, cho chấn thương là những chỉ định phổ biến của chụp X-quang khi mang thai. Các bác sĩ sẽ cho biết bạn có thể hoãn việc điều trị cho đến khi sinh em bé không. Ngoài ra, họ cũng có thể xem xét sử dụng một số phương pháp hình ảnh khác như siêu âm.

Tóm lại, trước khi chụp X-quang, mẹ bầu nên cân nhắc thật kỹ những lợi ích và rủi ro nhận được. Trong một số trường hợp như điều trị răng khẩn cấp, gãy xương… mẹ bầu vẫn có thể chụp X-quang bình thường. Liều lượng tia X dùng để chẩn đoán là rất nhỏ, dưới 5 rads. Tốt nhất nên thông báo với bác sĩ về tình trạng mang thai để có giải pháp phù hợp.

Những ảnh hưởng của việc chụp X-quang chẩn đoán trong thai kỳ là rất ít. Do đó, mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn nên hạn chế ít nhất có thể để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. The Safety of X-rays During Pregnancyhttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/1999/0401/p1820.html

    Ngày tham khảo: 26/06/2020

  2. ACR–SPR Practice parameter for imaging pregnant or potentially pregnant adolescents and women with ionizing radiationhttps://www.acr.org/-/media/acr/files/practice-parameters/pregnant-pts.pdf

    Ngày tham khảo: 26/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người