YouMed

Các loại xét nghiệm viêm gan B và cách đọc kết quả xét nghiệm

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Viêm gan B là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm. Căn bệnh mạn tính này có thể tiến triển thành các bệnh lý khác như suy gan và xơ gan. Trầm trọng hơn là ung thư gan và dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh và các biến chứng nguy hiểm là sớm phát hiện và điều trị kịp thời viêm gan B bằng cách thực hiện xét nghiệm. Vậy xét nghiệm viêm gan B là gì, quy trình và cách đọc kết quả xét nghiệm như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ X tìm hiểu qua bài viết sau.

Xét nghiệm viêm gan B là gì?

Xét nghiệm viêm gan B là một loại xét nghiệm máu đơn giản. Giúp phát hiện sự hiện diện của virus viêm gan B trong cơ thể. Đồng thời cho biết mức độ virus gây tổn thương trong cơ thể là mức độ nào. Nó bao gồm cấp tính và mạn tính.

Ngoài việc lấy máu cho biết virus có tồn tại trong cơ thể không. Xét nghiệm máu viêm gan B còn giúp đánh giá chức năng gan và định lượng virus hiện có trong máu. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với mỗi cá nhân.

Xét nghiệm viêm gan B giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý viêm gan siêu vi B
Xét nghiệm viêm gan B giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý viêm gan siêu vi B

Các xét nghiệm viêm gan B là gì?

Hiện nay có các xét nghiệm viêm gan B như sau:1

Xét nghiệm HBsAg

Vì HBsAg là kháng nguyên trên bề mặt của virus viêm gan B nên đây là xét nghiệm mang tính chất quyết định có mắc bệnh hay không. Xét nghiệm HBsAg có 2 dạng là:

  • Xét nghiệm định tính: chẩn đoán có mắc siêu vi B hay không.
  • Xét nghiệm định lượng: cho biết lượng kháng nguyên trong cơ thể ở mức độ nhiều hay ít. Xét nghiệm này mang tính theo dõi quá trình điều trị bệnh hơn là chẩn đoán bệnh.

Kết quả:

  • Dương tính: mắc bệnh viêm gan B bao gồm cấp tính hay mạn tính.
  • Âm tính: không mắc siêu vi B.

Xét nghiệm Anti-HBs

Hay còn gọi là xét nghiệm HBsAb. Đây là xét nghiệm tìm kháng thể chống lại kháng nguyên HBsAg. Nếu kết quả:

  • Dương tính: nếu đã từng mắc viêm gan B và đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm ngừa vaccine viêm gan B. Điều này có nghĩa là người bệnh đã có miễn dịch với virus gây viêm gan B.
  • Nồng độ Anti-HBs lớn hơn 10 mIU/ml thì được xem có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B..

Xét nghiệm HBeAg

HBeAg là một đoạn kháng nguyên ở trên lớp vỏ virus. Nếu kết quả HBeAg dương tính có nghĩa virus đang trong quá trình nhân bản và khả năng lây bệnh mạnh. Đây là xét nghiệm chứng tỏ virus viêm gan B đang hoạt động. Ngược lại nếu kết quả âm tính thì có thể xảy ra 2 trường hợp:

  • Virus không hoạt động.
  • Virus ở thể đột biến.

Xét nghiệm Anti-HBe

Anti-HBe là kháng thể chống lại kháng nguyên HBeAg. Kết quả dương tính có nghĩa là người bệnh có miễn dịch một phần với virus viêm gan B. Ngược lại nếu kết quả âm tính thì có nghĩa chưa có miễn dịch.

Xét nghiệm Anti-HBc

Anti-HBc hay HBcAb là kháng thể chống lại kháng nguyên lõi HBcAg ở virus viêm gan B. Kháng thể này thường xuất hiện rất sớm và tồn tại mãi mãi trong cơ thể người bệnh. Vậy nên xét nghiệm này cho biết người bệnh có từng phơi nhiễm với virus gây bệnh viêm gan B hay chưa

Xét nghiệm Anti-HBc IgM

Anti-HBc IgM là kháng thể chống lại kháng nguyên HBcAg loại IgM. Ở giai đoạn cấp tính mới xuất hiện kháng thể này. Vì vậy xét nghiệm này chỉ giúp chẩn đoán viêm gan B giai đoạn bệnh cấp tính hoặc viêm gan B mạn tính nhưng đang trong đợt cấp của bệnh.

Xét nghiệm máu có ra viêm gan B không?

Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện virus gây viêm gan B. Đồng thời cũng cho biết bệnh trong giai đoạn cấp hay mạn tính. Tuy nhiên để giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý cũng như các biến chứng thì nên kết hợp thêm các xét nghiệm khác như: siêu âm gan hoặc sinh thiết gan.

Xét nghiệm đếm virus viêm gan B2

Xét nghiệm đếm virus viêm gan B còn gọi là xét nghiệm định lượng HBV-DNA thông qua kỹ thuật PCR hiện đại. Xét nghiệm này giúp đo lượng virus gây bệnh có trong máu. Đồng thời xác định nồng độ virus có trong một đơn vị thể tích huyết thanh hoặc huyết tương.

Thông qua xét nghiệm này có thể đánh giá được virus nhân lên ở mức độ nào trong gan. Để quản lý và kiểm soát được tình trạng bệnh, cần làm nhất là theo dõi và kiểm tra HBV-DNA định kỳ. Từ đó giúp bác sĩ xác định thời điểm điều trị đồng thời theo dõi các đáp ứng của bệnh nhân.

Vì sao cần làm xét nghiệm viêm gan B?

Viêm gan B là bệnh lý do virus viêm gan B (Hepatitis B virusvirus HBV) gây ra. Chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến xơ ganung thư gan. Việc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý này.

Đối tượng thực hiện xét nghiệm

Các đối tượng nên thực hiện xét nghiệm viêm gan B là:3

  • Người sinh sống ở vùng lưu hành HBV cao và trung bình (Tỷ lệ lưu hành HBsAg ≥ 2%).
  • Đối tượng tiêm chích ma túy.
  • Quan hệ tình dục đồng giới nam.
  • Đang điều trị liệu pháp ức chế miễn dịch: hóa trị liệu, cấy ghép nội tạng, viêm khớp dạng thấp,…
  • Người có ALT/AST tăng cao không rõ nguyên nhân.
  • Người hiến máu, huyết tương, nội tạng, mô hoặc tinh dịch.
  • Đang chạy thận nhân tạo,. Bao gồm chạy thận nhân tạo tại trung tâm hoặc tại nhà và thẩm phân phúc mạc.
  • Phụ nữ có thai.
  • Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ bị nhiễm virus viêm gan B.
  • Người tiếp xúc trong gia đình, dùng chung kim tiêm hoặc quan hệ tình dục với người được biết là có kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính.
  • Người phơi nhiễm với virus viêm gan B cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
  • Người nhiễm HIV/AIDS.
Phụ nữ có thai là đối tượng nên thực hiện xét nghiệm viêm gan B
Phụ nữ có thai là đối tượng nên thực hiện xét nghiệm viêm gan B

Bé mấy tháng xét nghiệm viêm gan B?

Trẻ sau khi được tiêm ít nhất 3 liều vắc xin viêm gan B thì có thể xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs trong vòng 1-2 tháng sau sau tiêm.

Lưu ý không nên thực hiện xét nghiệm viêm gan B cho trẻ trong giai đoạn:

  • Trước 9 tháng tuổi.
  • Trong vòng 1 tháng kể từ ngày tiêm vắc xin viêm gan B gần đây nhất.

Xét nghiệm viêm gan B cho trẻ sơ sinh3 4

Phụ nữ mang thai nhiễm virus viêm gan B gây nguy hiểm nghiêm trọng cho thai nhi trong quá trình sinh nở. Tỷ lệ trẻ bị lây bệnh từ mẹ là khá cao nếu không có dự phòng miễn dịch sau phơi nhiễm cho trẻ. Các việc làm cần thiết cho mẹ và bé khi xác định mẹ mang virus viêm gan B là:

  • Khám sàng lọc HBsAg tổng quát cho phụ nữ mang thai.
  • Cung cấp dự phòng miễn dịch cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm bệnh. Bao gồm vắc xin viêm gan B và globulin miễn dịch viêm gan B trong vòng 12 giờ sau sinh.
  • Tiêm phòng định kỳ vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Với liều đầu tiên được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh.

Sau khi hoàn thành ít nhất 3 mũi tiêm vắc xin viêm gan B, tiến hành xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs trong vòng 1-2 tháng sau đó.

Không nên xét nghiệm viêm gan B cho trẻ vào thời điểm:

  • Trước 9 tháng tuổi.
  • Trong vòng 1 tháng kể từ ngày tiêm vắc xin viêm gan B gần đây nhất.
Nên xét nghiệm viêm gan B cho trẻ sơ sinh sau khi đã tiêm ít nhất 3 liều vắc xin viêm gan B.
Nên xét nghiệm viêm gan B cho trẻ sơ sinh sau khi đã tiêm ít nhất 3 liều vắc xin viêm gan B

Quy trình xét nghiệm viêm gan B như thế nào?

Xét nghiệm viêm gan B mất bao lâu?

Thông thường chỉ mất khoảng 15 phút là thực hiện xong kỹ thuật lấy máu để đem đi xét nghiệm.

Xét nghiệm viêm gan B gồm những gì?5

Xét nghiệm viêm gan B giúp đánh giá tình trạng gan trong cơ thể gồm 3 phần cơ bản. Đó là:

  • Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg): Kháng nguyên bề mặt là một phần của virus viêm gan B được tìm thấy trong máu người nhiễm bệnh. Nếu xét nghiệm này cho kết quả dương tính thì chứng tỏ đã có virus viêm gan B.
  • Kháng thể bề mặt viêm gan B (HBsAb hoặc anti-HBs): Kháng thể bề mặt được tạo ra để đáp ứng với virus viêm gan B. Cơ thể có thể tạo ra kháng thể này nếu đã tiêm ngừa hoặc đã hồi phục sau nhiễm bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, thì cơ thể đã có miễn dịch với virus viêm gan B. Điều này sẽ cung cấp sự bảo vệ lâu dài chống lại sự lây nhiễm viêm gan B trong tương lai.
  • Kháng thể HBcAb hoặc anti-HBc: Kháng thể này không giúp bảo vệ hoặc miễn dịch chống lại virus viêm gan B. Kết quả xét nghiệm dương tính cho thấy có thể đã tiếp xúc với bệnh viêm gan B. Xét nghiệm này thường được ngân hàng máu sử dụng để sàng lọc người hiến máu.

Để ra được kết quả các chỉ số trên, bạn cần thực hiện xét nghiệm với quy trình sau:

Trước khi xét nghiệm

Cần thông báo tất cả loại thuốc đang dùng với nhân viên y tế. Bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn.

Trong quá trình xét nghiệm

Việc lấy máu bao gồm các bước sau:

  • Định vị vị trí lấy máu thích hợp ở tĩnh mạch. Thường là ở cánh tay hoặc bàn tay.
  • Buộc dây garo quanh cánh tay thật chặt để tăng lưu lượng máu.
  • Sát khuẩn vị trí lấy máu.
  • Rút máu bằng một kim tiêm nhỏ lượng vừa đủ và cho vào lọ chứa bệnh phẩm.

Thời gian lấy mẫu máu thường rất nhanh. Trong khoảng 5 – 10 phút.

Khi lấy máu sẽ cảm thấy hơi châm chích nhẹ tại vị trí đâm kiêm. Hoặc là vết bầm tím tạm thời.

Sau khi xét nghiệm

Sau khi rút kim tiêm khỏi vết lấy máu, sát khuẩn vị trí rút kim. Sau đó dán băng hoặc gạt để đảm bảo vô trùng.

Xét nghiệm viêm gan B bao lâu có kết quả?

Kết quả của xét nghiệm viêm gan B sẽ có:

  • Nhanh nhất là 2 – 3 giờ sau xét nghiệm.
  • Chậm nhất là 7 – 10 ngày sau lấy máu.

Cách đọc kết quả xét nghiệm viêm gan B

Kết quả xét nghiệm viêm gan B dương tính6

Xét nghiệm Kết quả Chẩn đoán
HBsAg

Anti-HBc

IgM Anti-HBc

Anti-HBs

dương tính

dương tính

dương tính

âm tính

Nhiễm virus viêm gan B cấp tính
HBsAg

Anti-HBc

IgM Anti-HBc

Anti-HBs

dương tính

dương tính

âm tính

âm tính

Nhiễm virus viêm gan B mạn tính

Chỉ số xét nghiệm viêm gan B

Chỉ số HBsAg

Có 2 trường hợp kết quả:

  • Dương tính: Đang nhiễm virus viêm gan B.
  • Âm tính: Không mắc bệnh và không mang kháng nguyên vỏ HBs của virus. Nhưng cần tiêm vắc xin để phòng ngừa lây nhiễm về sau.

Chỉ số HBeAg

  • Dương tính: Virus đang hoạt động và lây lan mạnh cần điều trị tích cực.
  • Âm tính: Virus có thể bị đột biến gen không tổng hợp được kháng nguyên HBe. Cũng có thể là virus ở dạng không hoạt động. Tuy nhiên ở cả 2 trường hợp đều có khả năng nhiễm virus viêm gan B.

Chỉ số HbeAb

Dương tính: cơ thể đã có miễn dịch 1 phần với virus viêm gan B.

Âm tính: có thể xảy ra 4 trường hợp

  • Viêm gan B cấp tính giai đoạn cuối.
  • Giai đoạn cấp tính sắp kết thúc.
  • Đang trong giai đoạn nhiễm viêm gan B mạn tính.
  • Đã từng mắc bệnh và có miễn dịch với viêm gan B.

Kết quả định lượng HBV-DNA

  • Giai đoạn virus sao chép chưa mạnh mẽ: 10³ – 10⁵ bản sao/ml máu.
  • Giai đoạn virus sao chép tương đối mạnh mẽ: 10⁵ – 10⁷ bản sao/ml máu.
  • Giai đoạn virus sao chép cực mạnh: > 10⁷ bản sao/ml máu.

Chỉ số men gan7

Tên Mẫu bệnh phẩm Phạm vi bình thường
Aminotransferase, aspartate (AST) Huyết thanh < 35 U/L
Aminotransferase, alanin (ALT) Huyết thanh < 35 U/L
Gamma-glutamyl transpeptidase (GGT) Huyết thanh Nam trưởng thành: 8 – 61 U/L

Nữ trưởng thành: 5 – 36 U/L

Alkaline phosphatase (ALP) Huyết thanh 36 – 150 U/L

Xét nghiệm viêm gan B âm tính6

Xét nghiệm Kết quả Chẩn đoán
HBsAg

Anti-HBc

Anti-HBs

âm tính

âm tính

âm tính

Dễ mắc bệnh
HBsAg

Anti-HBc

Anti-HBs

âm tính

dương tính

dương tính

Miễn dịch do nhiễm tự nhiên
HBsAg

Anti-HBc

Anti-HBs

âm tính

âm tính

dương tính

Miễn dịch do tiêm ngừa vắc xin viêm gan B
HBsAg

Anti-HBc

Anti-HBs

âm tính

dương tính

âm tính

4 khả năng có thể xảy ra:

  • Đã khỏi bệnh: phổ biến
  • Dương tính giả Anti-HBc: dễ mắc bệnh.
  • Mắc bệnh mạn tính mức độ thấp.
  • Đã qua giai đoạn cấp tính.

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B

Để có kết quả chính xác nhất trước khi xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B nên lưu ý một số điều. Đó là tránh dùng rượu bia, chất kích thích hoặc đồ ăn có hại cho gan trong 2 ngày trước khi xét nghiệm.

Người bệnh nên làm xét nghiệm viêm gan vào buổi sáng.

Xét nghiệm viêm gan B có cần nhịn ăn không?

Viêm gan siêu vi B nguyên nhân chủ yếu là do virus lây truyền qua đường máu. Mà thức ăn lại không ảnh hưởng đến hoạt động của virus. Vì vậy không cần phải nhịn ăn khi thực hiện 2 xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm HBsAg.
  • Xét nghiệm Anti-HBs.

Các xét nghiệm còn lại có thể được yêu cầu nhịn ăn:

  • Xét nghiệm Anti-HBc.
  • Xét nghiệm HBeAg.
  • Xét nghiệm chức năng gan cần nhịn ăn trong khoảng 8 – 12 giờ trước khi lấy máu.
  • Siêu âm gan: Không ăn ít nhất 4 giờ trước khi siêu âm gan.

Xét nghiệm viêm gan B bao nhiêu tiền và ở đâu?

Hiện nay có khả nhiều nơi thực hiện các xét nghiệm này và đây cũng là 1 xét nghiệm phổ biến. Tuy nhiên, với người lần đầu thực hiện còn nhiều thắc mắc, bỡ ngỡ cần giải đáp. Mọi người sẽ khá khó khăn trong việc lựa chọn Xét nghiệm viêm gan B ở đâu? Thực hiện xét nghiệm ở đơn vị nào là đáng tin cậy? Nơi nào sẽ cho ra kết quả chính xác và khách quan nhất. Và thực hiện xét nghiệm viêm gan B có giá là bao nhiêu tiền?

Đầu tiên muốn chọn được đơn vị xét nghiệm phù hợp, mọi người cần đánh giá tổng quan những đơn vị mình đã có thông tin. Vì vậy việc người bệnh nắm rõ các tiêu chí cần có của một phòng xét nghiệm sẽ giúp đánh giá khách quan và dễ dàng lựa chọn hơn. YouMed có thể giải đáp những băn khoăn về việc lựa chọn đơn vị thực hiện xét nghiệm cho bạn đọc. Bằng cách thông qua các nội dung chi tiết, khách quan và khoa học của bài viết Xét nghiệm viêm gan b bao nhiêu tiền và ở đâu? Người dùng có thể tham khảo bài viết này để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân nhé.

Hy vọng qua bài viết trên sẽ mang đến những thông tin hữu ích về xét nghiệm viêm gan B. Tuy nhiên tùy vào tình trạng bệnh lý ở mỗi cá nhân sẽ được bác sĩ chỉ định từng xét nghiệm phù hợp. Nếu còn thắc mắc nào khác hay liên hệ ngay với nhân viên y tế để được giải đáp ngay nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. The laboratory diagnosis of hepatitis B virushttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2095015/

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  2. Quantitative Detection of Hepatitis B Virus DNA by Real-Time Nucleic Acid Sequence-Based Amplification with Molecular Beacon Detectiohttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC88403/

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  3. Recommendations for Routine Testing and Follow-up for Chronic Hepatitis B Virus (HBV) Infectionhttps://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/HBV-RoutineTesting-Followup.htm

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  4. Perinatal Transmissionhttps://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/perinatalxmtn.htm

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  5. Understanding Hepatitis B Blood Tests https://www.hepb.org/assets/Uploads/understanding-blood-tests.pdf

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  6. Interpretation of Hepatitis B Serologic Test Results https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/pdfs/serologicchartv8.pdf

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  7. Blood Tests: Normal Values https://www.msdmanuals.com/professional/resources/normal-laboratory-values/blood-tests-normal-values

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người