Hưởng ứng Tuần lễ Tiêm phòng Thế giới, nhìn về tầm quan trọng của vaccine
Nội dung bài viết
Đại dịch Covid-19 diễn ra khiến hệ thống y tế của rất nhiều quốc gia trên thế giới phải căng mình ứng phó, và làm gián đoạn chương trình tiêm chủng ở rất nhiều nơi. Điều này gióng lên những hồi chuông cảnh báo đáng lo ngại vì rất nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai đã bị bỏ lỡ các cột mốc quan trọng trong việc tiêm phòng. Vì lẽ đó, Bộ Y tế Việt Nam hưởng ứng cùng Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm 2020 (diễn ra từ ngày 24 đến ngày 30/4/2020).
Khó khăn trong việc tiêm phòng
Covid-19 đã gây nên những trở ngại chưa từng có trong việc tiêm chủng. Trong bối cảnh dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế nòng cốt được chuyển lên tuyến đầu chống dịch và mọi khuyến cáo đều hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
Rất nhiều phụ huynh đã chủ động không đưa con mình đến các trung tâm y tế để tiến hành tiêm vaccin để tránh lây virus Sars-CoV-2 cho bản thân và các bé. Tuy nhiên, việc bỏ lỡ các cột mốc quan trọng trong lịch tiêm phòng có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ em. Theo thống kê toàn cầu, có khoảng 117 triệu trẻ em đã bỏ lỡ tiêm phòng sởi do dịch Covid-19. Tại Việt Nam, số trẻ tiêm chủng cũng bắt đầu sụt giảm và các ca bệnh sởi, ho gà cũng bắt đầu xuất hiện vào quý 1/2020.
Công dụng của vaccine
Trong những năm qua, vaccin đã chứng minh được vai trò then chốt của mình trong việc phòng bệnh và hạn chế dịch bệnh gây ra cho trẻ em. Vaccin giúp trẻ em có được nền tảng chăm sóc sức khỏe từ ban đầu cho đến khi về già, tạo điều kiện để trẻ sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Hơn thế nữa, tiêm chủng còn là cứu cánh an toàn cho cả người vị thành niên, người trưởng thành và người cao tuổi. Bên cạnh đó, tiêm chủng còn là nền tảng vững chắc cho một hệ thống y tế mạnh mẽ, giảm nghèo đói, phát triển bền vững và bao phủ sức khỏe toàn cầu.
Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát biểu rằng: “Vaccin là công cụ quan trọng nhất để phòng dịch và giữ cho thế giới được an toàn, trong khi phần lớn trẻ em được tiêm chủng, thì vẫn còn rất nhiều trẻ bị bỏ lại phía sau. Thực tế đau lòng là trẻ em ở các quốc gia nghèo, xung đột, thiệt thòi thường là những trẻ có nguy cơ cao nhất.”
Do đó, bao phủ tiêm chủng trở thành mục tiêu của WHO và hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Để đạt được mục đích không một ai bị bỏ lại phía sau đó, việc cần làm ngay trước mắt của chúng ta chính là xây dựng các cơ sở khoa học để làm bằng chứng nhằm tạo lòng tin về vaccin, thực hiện kích cầu tiêm chủng trong cộng đồng và chống các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Tiêm chủng an toàn trong mùa dịch Covid-19
Hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới, Bộ Y tế đã thực hiện các quy định về tiêm chủng an toàn trong mùa dịch Covid-19. Chỉ những cơ sở được công bố đủ điều kiện thực hiện tiêm chủng theo quy định mới mới được tổ chức tiêm phòng vaccin.
Ngoài ra, quy trình tiêm chủng còn phải đảm bảo được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định mới, bao gồm mỗi thời điểm tại buổi tiêm sẽ không quá 20 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người, bố trí đầy đủ nhân viên y tế mang đồ bảo hộ cá nhân, có đầy đủ cồn và xà phòng rửa tay tại khu vực tiêm, những người có triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ không đến buổi tiêm chủng…
Covid-19 đi qua để lại những đau thương và mất mát, và hơn thế là những bài học được rút kết ra. Trong đó không thể không kể đến bài học về những hiểm họa mà thế giới phải đối diện khi chúng ta không có “tấm khiên” mang tên vaccin. Để chuẩn bị tốt hơn trước những dịch bệnh mà con người phải đối mặt trong tương lai, tiêm chủng lúc này đóng vai trò then chốt.
Một chiến lược phù hợp cùng tiềm lực chính trị và tài chính để duy trì các dịch vụ tiêm chủng đã có và nghiên cứu mở rộng các dịch vụ tương lai có thể tạo nên một bước ngoặt rất lớn với tương lai thế giới, cũng như bảo vệ được tính mạng của tất cả mọi người.