Cơn đau quặn thận – một cơn đau không thể xem thường
Nội dung bài viết
Cơn đau quặn thận là tình trạng đau cấp tính vùng lưng bụng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành. Bệnh xảy ra rất dữ dội và dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác. Cơn đau quặn thận có nguyên nhân của nó, có thể điều trị và phòng ngừa được. Hãy cùng tìm hiểu những kiến thức cơ bản về cơn đau quặn thận trong bài viết sau đây nhé!
1. Cơn đau quặn thận là gì?
Cơn đau quặn thận là cơn đau bụng vùng hố thắt lưng do đường dẫn tiểu bị tắc nghẽn cấp tính, dẫn đến ứ nước, căng trướng đài bể thận. Sự căng trướng đột ngột gây ra cơn đau quặn thận.
2. Nguyên nhân của cơn đau quặn thận
Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau quặn thận. Cùng điểm qua những nguyên nhân thường gặp như sau:
Sỏi tiết niệu
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên cơn đau quặn thận. Thật vậy, cơn đau quặn thận xảy ra khi một viên sỏi bị mắc kẹt trong đường tiết niệu của bạn, thường là ở niệu quản. Những viên sỏi gây cản trở sự thông thoáng của đường dẫn nước tiểu. Vì vậy tạo nên những đợt co thắt cơ trơn đường tiểu, đường tiểu bị kéo dãn, mở rộng.
Khoảng 12% nam giới và 6% phụ nữ sẽ bị một hoặc nhiều viên sỏi tiết niệu trong đời. Các dạng sỏi tiết niệu này hay gặp ở nam giới và có tỉ lệ cao gấp 3 lần so với nữ giới. Tỷ lệ đau quặn thận ngày càng gia tăng do thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt của chúng ta.
Xem thêm “Sỏi thận: Những gì bạn nên biết”
Các nguyên nhân khác
- Huyết khối trong niệu quản
- Khối u chèn ép niệu quản từ bên ngoài
- Viêm thận, bể thận, áp-xe thận, lao thận (gây viêm hít hẹp quanh niệu quản), u thận
- Viêm bàng quang cấp, u bàng quang gây hẹp lỗ niệu quản đổ vào bàng quang
3. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị sỏi tiết niệu
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị sỏi tiết niệu, bao gồm:
- Chế độ ăn uống nhiều chất gây hình thành sỏi, chẳng hạn như oxalat hoặc protein
- Tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị sỏi
- Thiếu nước do không uống đủ nước hoặc mất quá nhiều chất lỏng do đổ mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy
- Béo phì
- Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, làm tăng sự hấp thụ canxi của cơ thể bạn và các chất khác hình thành sỏi
- Rối loạn chuyển hóa, bệnh di truyền, cường cận giáp và các tình trạng khác có thể làm tăng lượng chất tạo sỏi trong cơ thể bạn
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Xem thêm “Bạn có đang hoang mang vì sỏi thận?”
4. Triệu chứng của cơn đau quặn thận
Khi bị cơn đau quặn thận, bạn có thể trải qua nhiều triệu chứng khác nhau, tùy mỗi cơ địa mỗi người. Nhìn chung, những triệu chứng thường gặp của cơn đau quặn thận là:
Triệu chứng đau
Cơn đau thường khởi phát đột ngột. Về vị trí, cơn đau dữ dội dọc theo một bên cơ thể giữa xương sườn và hông hoặc ở vùng bụng dưới. Đau thường lan đến lưng hoặc vùng háng, vùng bẹn, vùng sinh dục của bạn.
Về cường độ, đau thường rất dữ dội, đau như cắt. Cơn đau quặn thận thường đến từng đợt. Những đợt này có thể kéo dài từ 20 đến 60 phút. Tư thế gập đôi người có thể làm giảm đau.
Các triệu chứng khác đi kèm
- Có thể kèm theo sốt hoặc ớn lạnh
- Vã mồ hôi, mặt đỏ bừng
- Buồn nôn, nôn
- Muốn tiểu nhưng không thể tiểu được và có thể tiểu gắt, buốt
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
- Có thể tiểu ra máu, có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu
Nên lưu ý là cơn đau quặn thận thường xuất hiện đột ngột sau khi chơi thể thao, lao động nặng hay đi đi ô tô hoặc xe đạp một quãng đường xa, đường ghồ ghề xóc nhiều.
Trường hợp không điển hình, cơn đau quặn thận chỉ có thể là đau lưng nhẹ, thoáng qua dù không dùng thuốc. Các trường hợp cơn đau quặn thận không điển hình này dễ bị bỏ sót dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe.
5. Cơn đau quặn thận ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Nếu không được phát hiện và điều trị, cơn đau quặn thận có thể dẫn đến biến chứng như:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tổn thương thận: thận ứ nước, suy thận
- Giãn niệu quản
- Thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời
Cần lưu ý rằng ngay cả khi hết đau hoàn toàn cũng không có nghĩa là “bệnh” đã khỏi. Bạn vẫn cần được khẳng định có còn sỏi niệu quản hoặc những nguyên nhân chèn ép khác hay không. Có thể bằng chẩn đoán hình ảnh hoặc khi đã tiểu ra sỏi.
Xem thêm “Suy thận cấp: Nguy cơ dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn“
6. Làm sao để chẩn đoán xác định?
Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp Xquang thường được áp dụng để xác định bệnh. Tuy nhiên cũng có thể bỏ sót nhất là khi bụng bị trướng hơi. Chụp cắt lớp CT sẽ cho kết quả chính xác.
7. Điều trị cơn đau quặn thận như thế nào?
Khi có cơn đau quặn thận, cần khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Người bệnh và người nhà không nên chủ quan để tránh xẩy ra hậu quả đáng tiếc, do đến bệnh viện chậm trễ.
Người bệnh cần được loại trừ những bệnh khác có tính chất đau giống đau quặn thận nhưng là cấp cứu ngoại khoa (viêm ruột thừa, thủng dạ dày, tắc ruột, thai ngoài tử cung…).
Xử trí cơn đau tại cấp cứu thường dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc giảm co thắt cơ trơn, thuốc opiod. Sau đó cần xác định nguyên nhân gây nên cơn đau quặn thận.
Bác sĩ có thể làm các xét nghiệm để tìm mức độ gia tăng của các chất hình thành sỏi trong máu hoặc nước tiểu của bạn. Siêu âm hoặc chụp CT có thể tìm sỏi trong thận và các cơ quan tiết niệu khác.
Với bệnh sỏi tiết niệu có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc can thiệp bằng ngoại khoa (tán sỏi, mổ lấy sỏi,…).
Nếu bạn có một viên sỏi lớn, bác sĩ có thể thực hiện một trong những thủ thuật sau để loại bỏ nó và làm giảm cơn đau quặn thận:
- Tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWL): Quy trình này sử dụng sóng xung kích nhằm vào thận của bạn để phá vỡ sỏi thành những mảnh rất nhỏ. Sau đó, cần thải các mảnh sỏi trong nước tiểu.
- Nội soi niệu quản: Máy nội soi nhỏ được qua lỗ tiểu vào bàng quang, ngược dòng lên niệu quản đến tiếp cận với sỏi để tán vỡ bằng laser, các mảnh sỏi vỡ nhỏ được gắp hoặc hút ra. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, không để lại sẹo mổ, ít đau.
- Phương pháp mổ phanh hiện nay không còn sử dụng do tính xâm hại lớn
8. Phòng ngừa cơn đau quặn thận
Rõ ràng, cơn đau quặn thận có thể xảy ra với bất cứ ai.Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, luôn luôn là như vậy. Do đó, xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa trong tương lai là hết sức quan trọng. Bạn có thể tham khảo những lời khuyên hữu ích sau đây:
8.1. Uống đủ nước mỗi ngày
Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể hàng ngày. Trung bình uống ít nhất 8 đến 10 ly nước hàng ngày. Trong trường hợp thời tiết nắng nóng hoặc vận động thể lực thể thao nhiều, bạn nên bổ sung thêm nước. Để bù lại lượng nước đã mất qua mồ hôi cho cơ thể.
Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu. Lúc này nước tiểu sẽ được pha loãng, nồng độ các chất canxi, oxalat… trong nước tiểu sẽ giảm đi. Giúp ích cho quá trình điều trị bệnh và ngăn ngừa sỏi tiết niệu tái phát.
8.2. Chế độ ăn uống khoa học
Ăn uống điều độ, không bỏ bữa. Cân bằng các chất dinh dưỡng hợp lý, không ăn quá nhiều muối và quá nhiều chất đạm. Bữa ăn cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm cần thiết cho cơ thể như: tinh bột, thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả, sữa, chất béo…
Cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn. Hạn chế protein động vật từ các loại thực phẩm như thịt đỏ, cá và trứng.
Trái cây họ cam quýt và nước ép của chúng có thể giúp giảm hoặc ngăn chặn sự hình thành sỏi do citrate sản sinh tự nhiên. Các trái cây họ cam quýt bao gồm chanh, cam và bưởi…
8.3. Cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D cho cơ thể
Nếu lượng canxi của bạn thấp, nồng độ oxalat có thể tăng lên. Tốt hơn là bạn nên lấy canxi từ thực phẩm hơn là từ thực phẩm bổ sung, vì chúng có liên quan đến việc hình thành sỏi thận. Các nguồn cung cấp canxi tốt bao gồm sữa, sữa chua, phô mai tươi và các loại phô mai khác. Các nguồn cung cấp canxi cho người ăn chay bao gồm các loại đậu, đậu phụ giàu canxi, rau xanh đậm, các loại hạt.
Ngoài ra, hãy đảm bảo bổ sung thực phẩm giàu vitamin D mỗi ngày. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ nhiều canxi hơn. Vitamin D được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi, lòng đỏ trứng và pho mát.
8.4. Không nên nhịn tiểu
8.5. Lối sống vận động tích cực
Thường xuyên tập luyện, chơi thể thao hàng ngày. Để sức khỏe thêm phần dẻo dai, tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch.
Ngoài ra, việc vận động cơ thể đều đặn hằng ngày tùy theo điều kiện của từng người nhằm làm cho khí huyết lưu thông, giúp thận bài tiết nước tiểu đều đặn, tránh ứ đọng gây sỏi.
8.6. Tuân thủ điều trị bệnh
Nếu bị các vấn đề về hệ tiết niệu nói riêng và những vấn đề sức khỏe khác nói chung, bạn cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý điều trị hoặc chữa bệnh ở những nơi không có uy tín.
8.7. Xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ
Việc xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ là rất tốt. Trong một số trường hợp phát hiện sớm sỏi cũng như các vấn đề đường tiết niệu khác để kịp thời chữa trị. Ngăn ngừa cơn đau quặn thận xảy ra trong tương lai.
Tóm lại, cơn đau quặn thận thường rất dữ dội. Nguyên nhân chủ yếu là do sỏi tiết niệu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng cho cơ thể. Vì vậy bạn nên duy trì những thói quen tốt để phòng ngừa cơn đau quặn thận có thể xảy ra trong lương lai nhé! Hy vọng bạn đọc đã có nhiều kiến thức bổ ích từ bài viết. Cảm ơn bạn đã luôn đồng hành cùng Youmed!
Bác sĩ NGUYỄN THANH XUÂN
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.