YouMed

Công dụng của biotin có phải chỉ là mọc tóc?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Liệu bạn đã hiểu rõ hết về công dụng của biotin, một sản phẩm chăm sóc da, tóc, móng quen thuộc của chị em phụ nữ? Nó thực sự có tác dụng gì, bao nhiêu biotin một ngày là đủ, bạn có thể tìm thấy biotin ở đâu trong tự nhiên? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Biotin có phải là vitamin không?

Biotin là tên gọi khác của vitamin B7, là một vitamin hòa tan trong nước. Cơ thể không dự trữ chúng, vì vậy mọi người cần hấp thụ chúng từ chế độ ăn uống của mình.

Biotin là một loại vitamin B giúp cơ thể bạn phân hủy thức ăn thành năng lượng. Ngoài ra, tác dụng của biotin còn giúp duy trì sức khỏe thần kinh, gan, mắt, tóc và da. Biotin cũng giúp mẹ bầu sinh con khỏe mạnh hơn, vì nó quan trọng đối với sự phát triển của phôi thai. Vậy cụ thể, công dụng của biotin là gì? Hãy cùng đọc tiếp để tìm hiểu bạn nhé!

2. Công dụng của biotin

Biotin đóng một số vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm:

2.1. Tạo năng lượng cho cơ thể

Biotin giúp cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Cụ thể, bằng cách hỗ trợ các enzym tham gia vào quá trình phân hủy carbohydrate, chất béo và protein. Cụ thể, biotin liên quan đến:

  • Tân tạo đường: Đây là quá trình tổng hợp glucose từ các nguồn khác ngoài carbohydrate, có thể là axit amin.
  • Tổng hợp axit béo: Biotin hỗ trợ các enzym kích hoạt nhiều phản ứng quan trọng để sản xuất axit béo.
  • Phân hủy axit amin: Các enzym chứa biotin tham gia vào quá trình chuyển hóa một số axit amin quan trọng, bao gồm cả leucine.
Biotin giúp cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng
Biotin giúp cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng

2.2. Kiểm soát đường huyết

Các nghiên cứu cho thấy biotin có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Ở một số bệnh nhân mắc bệnh, biotin có tác dụng điều chỉnh lượng đường trong máu.

Sự thiếu hụt biotin có thể phá vỡ sự điều hòa lượng glucose trong máu. Một số bằng chứng cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường thường có mức biotin trong máu thấp hơn. Bên cạnh đó, việc bổ sung cả biotin và chromium picolinate có thể giúp điều trị bệnh đái tháo đường loại 2.

Nhìn chung, vẫn còn cần nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn về tác dụng của biotin đối với kiểm soát đường huyết.

2.3. Giúp tóc, da, móng khỏe mạnh

Biotin nổi tiếng với những tác động tích cực đến tóc, giúp cải thiện sức khỏe của tóc. Các công dụng của biotin trên tóc rất đa dạng. Chúng bao gồm: tạo độ bóng, độ dày cho tóc và tạo độ che phủ da đầu.  

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng biotin giúp cải thiện độ ẩm, độ mịn và vẻ ngoài của da. Ngoài ra, biotin cũng có thể làm cứng móng tay và khiến chúng mọc nhanh hơn.

2.4. Hỗ trợ trong quá trình mang thai và cho con bú

Biotin rất quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Mặc dù thiếu hụt biotin thường khá hiếm trong dân số, các báo cáo cho thấy phụ nữ trong thai kỳ thường xảy ra tình trạng thiếu biotin. Các chuyên gia lý giải là do cơ thể thai phụ thường có tốc độ phá vỡ vitamin nhanh hơn.

Do đó, phụ nữ mang thai và cho con bú cần nhiều biotin hơn. Chúng có thể từ chế độ ăn uống hoặc từ các chất bổ sung. Tuy nhiên hãy nhớ rằng: Bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng biotin.

Phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung biotin
Phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung biotin

2.5. Hỗ trợ điều trị đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng là một bệnh tự miễn, làm hỏng bao myelin. Đây là lớp phủ bảo vệ của các sợi thần kinh trong não, tủy sống và mắt. Và công dụng của biotin quan trọng trong việc sản xuất ra chúng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở những người bị bệnh đa xơ cứng, việc bổ sung biotin lên đến 300 mg/ngày có thể đảo ngược sự tiến triển của bệnh và giảm tàn tật mãn tính.

3. Thực phẩm giàu biotin

Công dụng của biotin với cơ thể là không thể phủ nhận. Vậy, có thể tìm thấy biotin ở đâu trong tự nhiên? Tin vui là bạn có thể tìm thấy biotin trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như:

  • Thịt nội tạng, chẳng hạn như: gan và thận;
  • Lòng đỏ trứng;
  • Phô mai;
  • Các loại đậu, chẳng hạn như: đậu nành và đậu phộng;
  • Rau lá xanh;
  • Súp lơ trắng;
  • Nấm;
  • Quả hạch và bơ hạt.
Biotin có trong nhiều loại thực phẩm
Biotin có trong nhiều loại thực phẩm

Các loại thực phẩm khác cũng chứa 1 ít biotin. Tuy vậy, ăn trứng sống có thể cản trở cơ thể hấp thu biotin. Bởi vì trong lòng trắng trứng sống có chứa avidin, một glycoprotein liên kết chặt chẽ với biotin trong chế độ ăn uống, và ngăn cản sự hấp thu biotin trong đường tiêu hóa. Bạn hoàn toàn có thể nấu chín trứng, avidin sẽ bị biến tính và do đó không thể cản trở sự hấp thụ biotin.

4. Cần bao nhiêu biotin 1 ngày là đủ?

Lượng biotin cần bổ sung hằng ngày là khác nhau ở mỗi người, tùy theo độ tuổi, giới tính và tình trạng bệnh lý. Nó nằm trong khoảng từ 5 mcg đối với trẻ sơ sinh, đến 35 mcg đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.  

Cụ thể, Ban Thực phẩm và Dinh dưỡng (FNB) tại Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ đã thiết lập lượng biotin hấp thu vừa đủ mỗi ngày để nhận được đầy đủ công dụng của biotin như bảng sau:

Lượng hấp thu mỗi ngày để nhận đủ công dụng của biotin
Lượng biotin hấp thu vừa đủ mỗi ngày

Biotin là một loại vitamin hòa tan trong nước, và bất kỳ lượng nào mà cơ thể không hấp thụ sẽ được bài tiết qua nước tiểu. Do đó, gần như rất hiếm xảy ra trường hợp ngộ độc hay quá liều biotin ở người bình thường. 

Tuy nhiên, đã có một số báo cáo về việc sử dụng liều cao biotin gây ảnh hưởng đến các kết quả xét nghiệm tuyến giáp. Vì vậy nếu bạn đang chuẩn bị kiểm tra tuyến giáp, hãy nói với bác sĩ về việc bổ sung biotin của bạn nhé!

Tóm lại, hiểu rõ tác dụng của biotin sẽ phần nào giúp bạn có động lực xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, nâng cao sức khỏe. Hãy cùng YouMed tiếp tục tìm hiểu thêm thật nhiều thông tin y tế bổ ích qua các bài viết khác nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/318724
  2. https://www.webmd.com/diet/health-benefits-biotin#1
  3. https://ods.od.nih.gov/factsheets/Biotin-HealthProfessional/

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người