Củ nén: Nguyên liệu vàng đến từ bếp ăn
Nội dung bài viết
Củ nén là loại gia vị đặc trưng, xuất hiện rộng rãi và quen thuộc trong các món ăn hàng ngày, của người dân Việt Nam. Không chỉ phong phú về thành phần dinh dưỡng mà loài thực vật này còn có tác dụng trị bệnh rất hiệu quả. Bây giờ, hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu nhiều hơn về công dụng, cũng như đặc điểm của loại thực vật phổ biến này nhé.
Củ nén là gì?
- Tên gọi khác: Hành tăm, hành nén, nén…
- Tên khoa học: Allium schoenoprasum hay Allium odorum L.
- Họ khoa học: Thuộc họ Hành (Alliaceae).
- Bộ phận dùng: Lá, hoa và củ.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái củ nén
Đặc điểm sinh trưởng
Thuộc cây sống lâu năm, hiện nay, nguồn gốc của loài chưa rõ ràng, phân bố chủ yếu từ Bắc Mỹ, châu Âu, đến châu Á…Thích hợp với khí hậu nhiệt đới, trải qua quá trình trồng trọt và phát triển lâu dài, các loại hành nén ngày nay khá đa dạng và phong phú. Ở Việt Nam, đây là loài cây quen thuộc, phân bố hầu hết khắp các tỉnh thành, từ Bắc đến Nam, nhiều nhất là khu vực miền Trung từ Quảng Nam đến Quảng Trị.
Loại cây ưa sáng, chịu được bóng râm nhẹ, nhưng tốt nhất nên được chiếu sáng từ 6-8g.
Đất trồng: Phát triển tốt ở đất màu mỡ, ẩm nhưng thoát nước tốt như các loại đất thịt pha cát, giàu mùn. Độ Ph của đất nên từ 6.5-7.
Cây được trồng bằng củ, chọn củ có vỏ bóng, tròn căng, chắc chắn và nguyên vẹn. Bởi trồng bằng hạt cho năng suất kém, tỷ lệ nảy mầm thấp, tốn nhiều công chăm sóc và nhiều thời gian hơn.
Cây ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Khi cây mọc lá, nên tránh tưới vào gốc, sẽ dễ gây tình trạng bật gốc, trôi đất. Tưới cây mỗi ngày, một lần, vào chiều muộn là phù hợp nhất.
Sống từ 1-2 năm, có thể phát triển quanh năm, nhưng thời điểm gieo tốt nhất là vào mùa xuân.
Thu hái
Lá có thể thu hoạch sau 60 ngày, có thể dùng tay hoặc dùng kéo cắt sát gốc. Còn củ thì thu hoạch sau khoảng 200 ngày gieo trồng, nên nhổ cả gốc lẫn củ.
Mô tả toàn cây
Cây củ nén có thân hành to, màu trắng hoặc tía do phần gốc của bẹ lá phồng lên, ôm lấy nhau tạo thành. Kích thước của thân khoảng ngón tay người, chiều cao trung bình từ 30-50 cm.
Phần củ được nhiều lớp màng bao bọc nên khá dai. Hình dáng củ nhỏ, dài từ 2-3 cm.
Lá 3-8 cái mọc thẳng từ thân, hình trụ dài 20 cm và rỗng, đầu thuôn nhẵn, sắc xanh nhạt.
Cụm hoa mọc từ giữa túm lá, trên một cán hình trụ rỗng, thẳng đứng dài đến 65 cm, thành tán giả dạng đầu.
Hoa rất nhiều hình chuông, bao hoa gồm 2 vòng, 3 lá đài và 3 cánh hoa, nhị 6, bầu thượng, 3 ô. Ngoài ra, hoa còn được bao bọc bởi một lá bắc mỏng, có 2-3 mm hoa mảnh, đầu nhọn.
Quả nang hình cầu, đường kính 4-6 mm, hạt 6, hình 3 cạnh màu đen. Hạt nhỏ, trưởng thành vào mùa hè và khi già chuyển thành màu đen.
Mùa hoa tháng 8-10, mùa hoa quả 11-1.
Bảo quản
Củ nén sau khi thu hái, rửa sạch, loại bỏ chất bẩn, để trong bọc kín, giữ nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Tốt nhất nên để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được lâu hơn. Có thể, thỉnh thoảng mang ra phơi cho khỏi mốc.
Giá trị dinh dưỡng của củ nén
Theo nhiều tài liệu, củ nén có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:
- Protein 1.5 g, nước 88 g, chất béo 0.3 g, chất xơ 0.7 g, tro 0.6 g , Canxi 36 mg, sắt 0.8 mg, P 40 mg, vitamin C 2 mg, vitamin B 0.03 mg,… lectin, lutein và zeaxathin, acillin…
- Vảy hành có quercetin, spiraeosid, flavonoid,…
Cụ thể, trong 100gr củ nén có thể cung cấp:
- Khoảng 30 kcal năng lượng, carbohydrat 4.35 g, protein 3.27 g, chất béo 0.73 g, chất xơ 2.5 g…
- Đa dạng các vitamin C 58.1 g, vitamin A 4350 UI.
- Các khoáng chất như canxi 92 mg, sắt 1.6 mg, magie 42 mg, kali 296 mg, natri 3 mg, folate, Photpho…
Lá củ nén chứa:
Tinh dầu dạng lưu huỳnh giống hành tỏi như allylpropyl disulfua, diallyl disulfua, pentyhydrodislfid và metypentydisufid, nhiều silicium…
Tác dụng của củ nén
Kháng khuẩn
Theo một số nghiên cứu, củ nén ức chế rõ rệt các trực khuẩn lỵ, yếu hơn ở vi khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn coli…
Chống oxy hóa, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa
Hàm lượng các chất chống oxy hóa như vitamin, hợp chất sillic, khoáng chất… ở nguyên liệu khá cao. Trong đó, đặc biệt là vitamin C góp phần quan trọng trong việc tạo ra các collagen, mô liên kết, làm tăng độ đàn hồi cho da. Bên cạnh đó, hoạt chất này còn tăng sức miễn dịch, tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể với các yếu tố bất lợi bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.
Hỗ trợ điều trị các bệnh lý tim mạch, huyết áp
Do giàu lutein, zeaxanthin-các chất bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do và cả kali-ion có tác dụng ổn định nhịp tim, củ nén giúp kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol xấu, bảo vệ tim mạch trước các bệnh lý như thiếu máu cơm tim, đột quỵ… Ngoài ra, chất quercetin làm giảm sự tích tụ của mảng bám trong động mạch.
Phòng ngừa bệnh ung thư
Một số tài liệu cho thấy, các hợp chất lưu huỳnh trong thực phẩm ảnh hưởng theo hướng tính cực với các bệnh lý ung thư, đặc biệt ung thư đường tiêu hóa. Cụ thể chất này làm ức chế các enzym kích hoạt chất gây ung thư, làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào xấu, hạn chế khả năng lây lan của bệnh.
Hỗ trợ quá trình tiêu hóa, ngừa táo bón
Theo các tài liệu, củ nén chứa lượng chất xơ khá dồi dào và có đặc tính kháng khuẩn. Vì vậy, chúng giúp loại vi sinh vật có hại cho đường ruột cũng như cường tiêu hóa, giảm viêm. Bên cạnh đó, thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan sẽ giúp nhanh no và no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn, ngừa táo bón.
Thân thiện với người có các triệu chứng mỏi mắt, cải thiện thị lực
Nhờ lutein, zeaxathin, vitamin A mà thực phẩm có lợi sức khỏe đôi mắt, cải thiện thị lực. Các chất này sẽ giúp loại bỏ gốc tự do xấu, giảm quá trình oxy hóa khi mắt tiếp xúc với ánh sáng. Ngoài ra, chúng cũng chứa quercetin, có thể giúp bảo tồn thị lực ở bệnh nhân thoái hóa điểm vàng.
Phù hợp với phụ nữ mang thai
Nhờ là nguồn cung cấp chất khoáng cũng như vitamin dồi dào, thực phẩm giúp cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi, ngừa dị tật bẩm sinh, tăng khả năng nhận thức. Đặc biệt là folate-thành phần cần thiết cho sự phân chia tế bào, tổng hợp DNA trong cơ thể, hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ.
Củ nén trong Y học cổ truyền
Tính vị: Vị cay, ngọt, tính ấm, không độc, mùi hăng nồng.
Tác dụng: Làm ra mồ hôi, bổ thận, ôn ấm tỳ vị, thông khí, hoạt huyết, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm đau, chống viêm, giảm ho, tiêu đờm, giải cảm…
Cách sử dụng củ nén
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng củ nén với nhiều phương pháp khác nhau:
- Phần lớn nhân dân sử dụng củ làm nguyên liệu gia vị trong các món ăn như ướp thịt, kho cá, nấu cháo, khử mùi đồ ăn… Mùi vị thơm, cay nồng, kích thích vị giác. Để giữ được hương vị thơm ngon nhất, thực phẩm nên được đập dập, không nên xay nhuyễn.
- Lá có thể xào nấu, muối dưa hoặc ăn sống… đều được.
Một số lưu ý khi sử dụng
Người mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
Hoặc người có tiền sử dị ứng với các loại hành, tỏi, cũng không nên sử dụng.
Một số bài thuốc từ củ nén
Trị cảm mạo, đau đầu
Chuẩn bị hành nén, hương đậu xị, mỗi loại 15g, gừng tươi 3 lát. Rồi đem tất cả uống lúc nóng, sau đó đắp chăn cho ra mồ hôi.
Hoặc củ nén 1 nắm đập dập nấu cháo gạo tẻ để ăn.
Hoặc giã nát 1 nắm củ nén, hòa với nước uống, khoảng 2-3 lần/ngày, vài hôm sẽ khỏi bệnh.
Dùng ngoài da
Giã nát phần củ nấu với nước rồi đem rửa các vết thương, giúp kháng khuẩn, tan máu tụ.
Các món ăn hấp dẫn từ củ nén
- Nhân dân, từ lâu đã biết đưa củ nén thành gia vị trong các món ăn. Vừa tạo hương vị đặc trưng vừa có hiệu quả trị bệnh như:
- Cháo trắng khi kết hợp với nguyên liệu tạo nên món ăn cực kì tuyệt vời, thơm ngon khó cưỡng. Sự hòa quyện mùi hăng của tỏi, vị nồng của nén, vừa ngon miệng vừa trị cảm mạo rất tốt.
- Mì quảng gà – một món ăn đặc trưng của miền Trung, được nhiều thực khách ưa chuộng. Trong đó, củ nén là thành phần không thể thiếu, tạo nên điểm đặc biệt, không món nào có được.
- Cá lăng được nêm thêm gia vị củ nén, ớt, thơm… sẽ tạo nên một món ăn tuyệt vời. Thịt cá săn ngọt hòa vị cay nồng của các nguyên liệu phụ, đơn giản mà hấp dẫn.
Từ lâu, củ nén không chỉ là gia vị thơm ngon mà với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Thế nhưng, để tránh những tác dụng không mong muốn khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn, các y bác sĩ nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, trang 902.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=901
-
Thuốc chữa nhiều bệnh từ hành tămhttps://suckhoedoisong.vn/thuoc-chua-nhieu-benh-tu-hanh-tam-n72142.html
Ngày tham khảo: 18/05/2021