YouMed

Cúc hoa trắng: Loài hoa thanh nhiệt, giải độc tuyệt diệu

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cúc hoa trắng là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, trị đau đầu, giảm huyết áp… rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về Cúc hoa trắng

  • Tên gọi khác: Hoa cúc trắng, Bạch cúc hoa, Cúc trắng, Tiết hoa, Kim nhị, Nhật tinh, Mẫu cúc, Chu doanh…
  • Tên khoa học: Chrysanthemum morifolium Ramat.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Asteraceae (Cúc)

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Phân bố:

  • Chi Chrysanthemum L. tổng số trên 300 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới Bắc bán cầu. Nhiều loài được trồng làm cảnh, vì có hoa đẹp.
  • Ở Việt Nam, chi này có 5, 6 loài, đều là cây trồng, trong đó Cúc hoa trắng được nhập từ lâu, hiện có nhiều giống. Cây có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau nên được trồng ở nhiều nơi. Chúng được tìm thấy ở khắp mọi miền, từ đồng bằng cho đến các vùng núi cao ở nước ta.
  • Cúc hoa trắng là cây ưa ẩm và ưa sáng. Cây ra hoa nhiều, nhưng không thấy kết hạt, tái sinh vô tính khỏe, nhân giống chủ yếu bằng cành. Do có hoa đẹp, cây cúc trắng thường được người dân trồng làm cảnh. Cánh hoa cũng được dùng để ướp trà.

Thu hoạch:

  • Thường được thu hoạch vào cuối thu, đầu đông, thường là từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm khi vừa mới chớm nở.
  • Toàn thân cây sẽ được cắt đem về để nơi râm mát phơi khô nhờ gió, sau đó ngắt lấy hoa. Hoặc chỉ hái lấy hoa, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp là được.
  • Thông thường cứ 5 – 6kg hoa tươi sau khi phơi hoặc sấy sẽ thu được khoảng 1kg khô.
Cúc hoa trắng có thể dùng làm cảnh, làm trà uống, hoặc làm vị thuốc trị bệnh
Cúc hoa trắng có thể dùng làm cảnh, làm trà uống, hoặc làm vị thuốc trị bệnh

1.2. Mô tả toàn cây

Cúc hoa trắng là loại cây sống một năm hay lâu năm. Thân đứng, có rãnh, mọc thẳng, chiều cao trung bình dao động trong khoảng 0,5 đến 1,4 mét. Màu xanh nhạt hoặc xanh đậm. Toàn thân bao phủ một lớp lông tơ trắng, mềm.

Lá đơn mọc so le, hình trứng hoặc trái xoan, dài 3,5-5 cm, rộng 3-4 cm, chia 3-5 thùy, gốc thuôn, đầu tròn hoặc hơi nhọn, mép khía răng không đều. Mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới phủ lông màu trắng. Cuống lá dài khoảng 1-2,5 cm, có tai ở gốc.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành thành đầu to, kích thước không đều nhau. Tổng bao lá bắc gồm các lá phía ngoài hình chỉ, có lông trắng, các lá bên trong thuôn, trái xoan. Hoa 1-2 vòng ở phía ngoài hình lưỡi màu trắng, ở giữa hình ống màu vàng nhạt. Tràng hoa hình ống có 5 thùy nhỏ, có tuyến, không có mào lông. Nhị 5, bầu nhẵn.

Quả bế gần hình trái xoan.
Quả bế gần hình trái xoan

1.3. Bộ phận làm thuốc – Bào chế

Bộ phận dùng làm thuốc: Hoa khô.

Bào chế:

  • Hái hoa về, đem quây cót rồi sấy diêm sinh độ 2-3 giờ, thấy hoa chín mềm là được (nếu hoa còn sống sẽ hỏng).
  • Sau khi sấy diêm sinh nên nén, đè càng nặng càng tốt. Nén độ 1 đêm thấy nước chảy ra là được, đem phơi độ 3-4 nắng.
  • Nếu trời râm thì đêm phải sấy diêm sinh. Cứ 5-6 kg hoa tươi cho 1 kg khô.

Mô tả dược liệu:

  • Cúc hoa trắng khô có màu vàng nhạt hoặc ngả nâu, cánh dẹt. Giữa hoa có nhiều cánh dạng ống, có bao hoa bên dưới.
  • Nếm thấy vị ngọt và hơi đắng ở đầu lưỡi.
  • Mùi hương thơm ngát đặc trưng của hoa cúc.
  • Hoa còn nguyên vẹn bông, màu sắc tươi sáng, không có cành, cuống, lá, là loại tốt.

1.4. Bảo quản

Bảo quản những phần dược liệu đã qua khâu chế biến trong bọc kín, hũ nhựa hay thủy tinh. Cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng. Tránh bảo quản dược liệu ở những nơi có nhiệt độ cao hoặc gần nguồn nước.

Ngoài Cúc hoa trắng, Cúc hoa vàng cũng là vị thuốc tiêu biểu trong điều trị: Cúc hoa vàng: Thảo dược thanh nhiệt, mát gan

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Cúc hoa trắng chứa thành phần hóa học sau:

  • Sắc tố của hoa là chrysantemin khi thủy phân sẽ được glucose và xyanidin.
  • Flavonoid: luteolin, quercetin, apigerun , glucosid, apligenin, actopyranosid, acacetin, acacilin, baicallin, luteollin, methoхуlutcolіn… là những chất chống oxy hóa rất tốt.
  • Tinh dầu, trong đó có chrysanthemol, Camphor.
  • Acid phenol
  • Vitamin: A, E…
  • Adenin, cholin, stachydrin.
  • Các thành phần khác: Hydroxy pseudotarasterol palmitat, ester của acid acetic, acid elagic..

Hoa còn nguyên vẹn, màu sắc tươi sáng, không có cành, cuống, lá, là loại tốt

2.2. Tác dụng Y học hiện đại

  • Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Trong một thử nghiệm lâm sàng trên 54 bệnh nhân có tăng huyết áp. 31 bệnh nhân được điều trị với glycosid Cúc hoa trắng và 23 bệnh nhân còn lại được cho placebo để đối chứng. Kết quả cho thấy dược liệu có hiệu quả với 83,9% ở nhóm điều trị với glycosid và 8,6% ở nhóm placebo.
  • Sau một tuần dùng thuốc, lượng nước tiểu tăng lên và huyết áp giảm rõ rệt. Có thể tác dụng gây hạ huyết áp có liên quan với sự tăng tiết niệu. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, hiệu quả đối với tăng huyết áp độ I tốt hơn là đối với tăng huyết áp độ II và III.
  • Có sự giảm nhẹ về trị số trung bình cholesterol và beta-lipoprotein máu.
  • Ức chế vi khuẩn: Tinh dầu cất từ nụ hoa cúc trắng có tác dụng ức chế khá mạnh invitro các chủng vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli và trực khuẩn phổi…
  • Cúc hoa trắng thử nghiệm trên chuột cống trắng có tác dụng lợi tiểu nhẹ.
  • An thần, giảm căng thẳng thần kinh, giúp ngủ sâu và ngon giấc.
  • Cao chiết với nước nóng của Cúc hoa trắng có hoạt tính ức chế mạnh aldose reductase ở thể thuỷ tinh chuột nhắt trắng. Acid elagic có ở cúc hoa trắng là chất có hoạt tính ức chế mạnh aldose reductase. Góp phần ngăn cản sự thoái hóa của thủy tinh thể.

2.3. Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt đắng, tính bình hơi hàn. (Đông Dược Học Thiết Yếu)

Quy kinh: Phế, Can, Thận, Tỳ

Tác dụng: tán phong thấp, giáng hỏa, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, làm sáng mắt, giảm đau đầu, giảm hoa mắt, chóng mặt…

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Cúc hoa trắng có thể dùng dưới dạng thuốc sắc uống, làm trà, tán bột hoặc dùng ngoài rửa đắp…

Liều dùng:

  • 9-15 g dùng riêng hay phối hợp với các thuốc khác.
  • Dùng ngoài rửa đắp mụn nhọt không kể liều lượng.
Trà Cúc hoa trắng chứa nhiều chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe
Trà Cúc hoa trắng chứa nhiều chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Hỗ trợ làm giảm huyết áp

Cúc hoa trắng 10g, Sinh địa 25g, vỏ trai ngọc 25g, Sơn dược 15g, Phục linh 12g, Sơn thù du 12g, Mẫu đơn 10g, lá Dầu 10g, nước 800 ml. Sắc còn 300 ml chia 3 lần uống trong ngày.

4.2. Chữa suy nhược tâm thần với các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, kém trí nhớ, mất ngủ

Cúc hoa trắng 20g, Toan táo nhân 25g, Đương quy, Phục linh, Sinh địa, Kỷ tử, mỗi vị 20g, Viễn chí, Tục tùy tử, Mạch môn, Bạch truật, mỗi vị 15g, Xuyên khung, Hoàng bá, Nhân sâm, mỗi vị 10g, nước 800 ml. Sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Hoặc Cúc hoa trắng 12g, Bạch thược 16 g, Huyền sâm, Đại táo, Mạn kinh, Mộc qua, mỗi vị 12g. Bán hạ, Thanh bì, Hoàng cầm, Sài hồ, mỗi vị 8g, Cam thảo, Hắc chi tử, Sinh khương, Chỉ xác, mỗi vị 6g. Sắc uống, ngày một thang.

4.3. Chữa ho

Cúc hoa trắng 20g, Tang bạch bì, hạt Tía tô mỗi loại 8g. Sắc uống.

4.4. Chữa mụn nhọt

Lá Cúc hoa trắng giã nát với muối, đắp vào mụn nhọt.

5. Kiêng kỵ

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
  • Phụ nữ có thai, người đang cho con bú và trẻ em cần cẩn trọng khi dùng.

Cúc hoa trắng là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học.

  2. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

  3. Smaranda Vantu, Ramona Crina Gales. Structural characteristics of Chrysanthemum morifolium Ramat. (Romica cultivar) regenerated in vitro. July 2009Planta Medica 75(09).

  4. Wenjing Chena, Mengnan Zenga, Meng Lia, Fang Lia, Xuan Zhaoa, Hui Fana,Xiaoke Zheng, Weisheng Feng. Flavonoids from the flowers of Chrysanthemum morifolium Ramat. Phytochemistry Letters 23 (2018) 52–56.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người