Cùng bác sĩ Tai Mũi Họng đọc thành phần và chọn lựa nước súc họng trong mùa dịch Corona
Nội dung bài viết
Dung dịch súc họng có rất nhiều công dụng hữu ích. Súc họng giúp giảm viêm nhiễm, hôi miệng và các vấn đề răng miệng. Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, dung dịch sát khuẩn họng còn có vai trò trong phòng ngừa virus Corona mới. Hãy cùng YouMed tìm hiểu các thành phần thường có trong dung dịch súc họng nhé!
1. Chlorhexidine
- Chlorhexidine có tính kháng khuẩn rộng, diệt được nhiều loại vi khuẩn.
- Rất hiệu quả trong điều trị mảng bám và viêm nướu.
- Có khả năng bám dính lên niêm mạc miệng tốt.
- Không gây ra vấn đề vi khuẩn kháng thuốc.
- Chlorhexidine có phản ứng với fluoride trong kem đánh răng. Vì vậy, bạn nên sử dụng dung dịch này sau khi đã súc miệng sạch với nước.
- Được khuyến cáo sử dụng 2 lần/ngày.
2. Tinh dầu
- 4 loại tinh dầu thường gặp là thymol, eucalyptol, menthol và methyl salicylate (thường được pha cùng với cồn < 26%). Các chất này có thể xâm nhập qua màng sinh học của vi khuẩn và tiêu diệt các vi sinh vật.
- Dung dịch súc họng chứa tinh dầu cũng có phổ kháng khuẩn rộng. Điều này giúp ngăn ngừa sự tập trung, sinh sôi của vi khuẩn.
- Cơ chế diệt vi khuẩn là phá hủy tế bào vi khuẩn, ngăn chặn các enzym của vi khuẩn.
- Có tính kháng viêm và hoạt động như một chất chống oxy hóa.
- Được khuyên dùng cho những người có vấn đề vệ sinh răng miệng, hôi miệng.
- Không được khuyến cáo cho những người bị bệnh khô miệng hay dị ứng với chất cồn.
- Loại dung dịch súc họng này không thích hợp cho trẻ nhỏ vì có nguy cơ trẻ nuốt phải lượng cồn lớn.
3. Cetylpyridinium chloride, natri benzoate và triclosan
- Cetylpyridinium chloride là một hợp chất có tính kháng khuẩn.
- Nó gắn lên bề mặt vi khuẩn gây ra sự phá hủy.
- Cetylpyridinium chloride ngăn chặn và giảm sự hình thành mảng bám.
- Natri benzoate làm phân giải các chất béo, protein và đường.
- Nó giảm sự bám dính của mảng bám, giúp loại bỏ mảng bám dễ dàng khi đánh răng.
- Triclosan giúp tăng sự gắn kết của dung dịch súc họng với niêm mạc họng. Nhờ đó, nó làm tăng thời gian tác dụng của dung dịch súc họng.
4. Tác nhân oxy hóa – hydrogen peroxide
- Hydrogen peroxide có khả năng làm sạch bằng hoạt động oxy hóa.
- Hydrogen peroxide là một chất tẩy có tính oxy hóa mạnh. Một số sản phẩm còn có chứa ethanol có vai trò là dung môi, bảo quản và kháng khuẩn.
- Tất cả các sản phẩm này hoạt động dựa trên giải phóng oxy tự do giúp tiêu diệt vi khuẩn kỵ khí.
- Có phổ kháng khuẩn rộng.
- Được khuyến cáo trong điều trị bệnh viêm loét cấp, giảm viêm nướu.
5. Dung dịch betadine súc họng (chứa povidone-iodine)
- Povidone-iodine có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh và vi-rút.
- Có hiệu quả làm giảm mảng bám, viêm nướu và có thể dùng để vệ sinh răng miệng hàng ngày.
- Hấp thu quá nhiều iodine có thể gây nên các rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, nếu không có bệnh lý về tuyến giáp và không nuốt dung dịch thì bạn không cần quá lo lắng.
>> Tìm hiểu về một căn bệnh tuyến giáp khá thường gặp: Ung thư tuyến giáp: Dấu hiệu, điều trị và khả năng chữa khỏi như thế nào?
6. Fluoride
- Fluoride giúp ngăn ngừa sâu răng nhờ tăng sức đề kháng của men răng chống lại dịch axit.
- Đặc biệt, Fluoride không được chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi vì nguy cơ trẻ có thể nuốt dung dịch.
7. Biotene
- Biotene là sản phẩm vệ sinh răng miệng. Có nhiều dạng sản phẩm như kem đánh răng, nước súc miệng…
- Sản phẩm Bioten có thể không phù hợp với những người bị trào ngược. Nhiều sản phẩm Bioten có chứa dầu bạc hà có thể làm nặng thêm triệu chứng trào ngược.
8. Natri bicarbonate
- Loại dung dịch này bạn có thể tự làm bằng cách pha một muỗng natri bicarbonate vào một ly nước.
- Có khả năng làm tăng pH nước bọt, giảm sự phát triển của các vi sinh vật ưa axit.
- Natri bicarbonat có thể tăng cường vị giác và trung hòa axit.
- Không gây kích ứng niêm mạc miệng ở các bệnh nhân bị khô miệng hoặc có bệnh lý loét miệng.
- Dung dịch natri bicarbonate có thể sử dụng an toàn trong thời gian dài.
9. Listerine
- Thành phần thường có trong chai Listerine gồm menthol, thymol, methyl salicylate, và eucalyptol
- Có tác dụng kháng khuẩn cũng như kháng viêm.
- Nồng độ cồn khoảng 21,6% – 26,9% (nồng độ tiêu diệt được vi khuẩn là 40%).
10. Cồn (Alcohol)
- Cồn trong dung dịch súc họng được sử dụng như là một dung môi, bảo quản và kháng khuẩn.
- Nó gây ly giải protein và chất béo, giúp chống lại vi khuẩn, nấm và vi-rút.
- Nghiên cứu cho thấy nồng độ cồn cao (trên 20%) trong dung dịch súc họng có các tác động có hại cho họng miệng. Ví dụ như sừng hóa, loét miệng, viêm nướu…
- Có một số bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa thành phần cồn và ung thư họng miệng.
- Một số y văn cho rằng không nên dùng dung dịch súc họng có cồn trong thời gian dài.
- Sau khi súc họng với dung dịch có cồn, nếu chẳng may bị thổi nồng độ cồn thì có khả năng bạn sẽ bị phạt. Mức cồn trong hơi thở quay trở lại bình thường 10 phút sau khi súc họng.
- Cồn có thể làm khô miệng, kích thích các vi khuẩn sinh hơi. Do đó, dung dịch chứa cồn có thể tạm thời làm nặng thêm tình trạng hôi miệng.
11. Acid benzoic
- Có tác dụng như là một chất đệm cho dung dịch.
12. Các chất tạo hương vị và Xylitol
- Giúp tăng tiết nước bọt làm trung hòa axit nhờ vào vị ngọt của nó.
- Xylitol cũng có tính kháng khuẩn và đôi khi được dùng để thay thế cồn.
Dung dịch súc họng rõ ràng là có nhiều tác động có lợi cho sức khỏe. Giữa một thị trường ngập tràn các sản phẩm súc họng thì hy vọng qua bài viết trên của YouMed, bạn đã hiểu rõ hơn về thành phần của nước súc họng và có thể tự tin chọn lựa sản phẩm tốt cho mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mouthwashhttps://en.wikipedia.org/wiki/Mouthwash
Ngày tham khảo: 10/03/2020