Cường tuyến cận giáp và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Cường cận giáp là tình trạng tuyến cận giáp tạo ra quá nhiều hormone trong máu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Để khắc phục những tác hại của cường cận giáp, bạn nên biết rõ về bệnh cũng như nhận biết những triệu chứng cụ thể. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết dưới đây.
Các loại cường tuyến cận giáp
Cường cận giáp (hay tăng năng tuyến cận giáp) là bệnh lý xảy ra khi tuyến cận giáp hoạt động quá mức. Đây là cơ quan nằm gần tuyến giáp, có khả năng sản xuất hormone cận giáp để kiểm soát sự cân bằng canxi trong cơ thể. Hiện nay, y học ghi nhận 2 loại cường tuyến cận giáp chính:
- Cường tuyến cận giáp nguyên phát: do sự phì đại của một hoặc nhiều tuyến cận giáp. Hiện tượng này dẫn đến sự tăng nồng độ canxi trong máu và gây ra không ít vấn đề về sức khỏe.
- Cường tuyến cận giáp thứ phát: là hệ quả của việc giảm mật độ canxi trong xương do mắc các bệnh nền. Thông thường, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách tăng lượng hormone cận giáp để đưa nồng độ canxi trở về bình thường. Song tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến cường tuyến cận giáp.
Triệu chứng của cường tuyến cận giáp
Theo các bác sĩ, cường cận giáp thường không có những triệu chứng điển hình. Các biểu hiện xảy ra chủ yếu do nồng độ canxi tăng cao trong máu và nước tiểu nhưng lại giảm ở xương. Một số biểu hiện có thể quan sát được ở người bệnh bao gồm:
- Loãng xương: một số trường hợp nặng hơn có thể bị yếu xương, giòn xương, dễ gãy xương.
- Sỏi thận: Bệnh nhân bị đau khi sỏi đi qua đường tiết niệu.
- Tăng số lần đi tiểu, thường xuyên khát nước.
- Đau bụng.
- Dễ mệt mỏi, đặc biệt khi gắng sức.
- Đau cơ và khớp.
- Thường buồn nôn, nôn, chán ăn.
- Có thể gây ra các vấn đề trên tim mạch.
Ở vài trường hợp, bệnh nhân còn có khả năng bị trầm cảm. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn nên liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính dẫn đến cường cận giáp là do các yếu tố làm tăng sản xuất hormone cận giáp (PTH). Bằng cách điều chỉnh sự tiết hormone, tuyến cận giáp có thể duy trì lượng canxi trong máu ở mức bình thường. Vitamin D cũng góp phần điều hòa canxi huyết.
Thông thường, quá trình này sẽ hoạt động khá tốt. Khi nồng độ canxi trong máu giảm, tuyến cận giáp sẽ tăng tiết PTH để khôi phục trạng thái cân bằng của canxi. Nếu nồng độ canxi quá cao, PTH sẽ được giảm sản xuất.
Song, đôi khi một hoặc nhiều tuyến cận giáp lại hoạt động quá mức và khiến lượng canxi huyết cao bất thường. Theo bác sĩ, các yếu tố sau đây có thể gián tiếp gây tình trạng cường tuyến cận giáp:
- U lành tuyến cận giáp.
- Tăng sản tuyến cận giáp.
- Ung thư tuyến cận giáp.
Ngoài ra, tình trạng này có thể xảy ra do các yếu tố khác như:
- Cơ thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống, hoặc hệ tiêu hóa không hấp thu canxi.
- Thiếu vitamin D.
- Suy thận mạn: đây là nguyên nhân phổ biến nhất của cường tuyến cận giáp thứ phát.
Các yếu tố nguy cơ mắc phải
Cường cận giáp có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Tuy nhiên, những trường hợp sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.
- Thiếu canxi hoặc vitamin D nghiêm trọng trong thời gian dài.
- Có rối loạn di truyền hiếm gặp như đa u nội tiết.
- Đã trải qua xạ trị khi điều trị ung thư.
- Có dùng lithium, một loại thuốc được dùng để trị rối loạn lưỡng cực.
Biến chứng của cường tuyến cận giáp
Nồng độ canxi quá thấp ở bệnh nhân bị cường tuyến cận giáp trong thời gian dài có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Loãng xương: do mất nhiều canxi, xương thường yếu, giòn và dễ gãy.
- Sỏi thận: khi nồng độ canxi trong máu tăng cao, canxi dư thừa có thể xuất hiện trong nước tiểu. Từ đó tạo ra các cặn canxi nhỏ, cứng hình thành trong thận. Khi sỏi thận đi qua đường tiết niệu, người bệnh sẽ bị đau dữ dội.
- Bệnh tim mạch: lượng canxi quá cao dẫn đến các bệnh lý trên tim mạch hoặc làm tăng huyết áp.
- Suy tuyến cận giáp sơ sinh: phụ nữ mang thai bị rối loạn tuyến cận giáp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Theo các bác sĩ, để làm giảm mức độ nguy hiểm của cường cận giáp, bệnh nên được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Do đó, nếu cơ thể có các biểu hiện bất thường, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người thường khác nhau. Các bác sĩ khuyên bạn nên thảo luận với nhân viên y tế rõ ràng để có được phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán cường tuyến cận giáp
Để chẩn đoán cường tuyến cận giáp, y học hiện nay có các lựa chọn như sau:
Xét nghiệm máu
Nồng độ canxi trong máu cao là biểu hiện của rối loạn tuyến cận giáp. Bác sĩ thường tiến hành xét nghiệm này lúc bệnh nhân đói. Để kết quả chính xác, người bệnh nên xét nghiệm ít nhất 2 lần.
Kiểm tra mật độ xương
Đây là xét nghiệm giúp kiểm tra tình trạng loãng xương của bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng thiết bị X quang để đo canxi và các khoáng chất tại các vị trí của xương.
Xét nghiệm nước tiểu
Lượng nước tiểu trong 24h giúp bác sĩ đánh giá được chức năng thận và lượng canxi được bài tiết qua nước tiểu trong một khoảng thời gian. Nếu lượng canxi quá thấp, tình trạng này chưa cần điều trị.
Các xét nghiệm hình ảnh của thận
Bằng cách sử dụng X-quang hoặc các xét nghiệm khác ở vùng bụng, bác sĩ có thể kiểm tra các bất thường ở thận, bao gồm sỏi thận.
Hy vọng qua bài viết dưới đây, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về bệnh lý cường tuyến cận giáp. Tình trạng này cần được chẩn đoán sớm và chính xác để có được liệu trình điều trị phù hợp. Vì vậy, nếu có bất kì dấu hiệu nào của bệnh, hãy đi khám bác sĩ sớm nhất có thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hyperparathyroidism https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperparathyroidism/symptoms-causes/syc-20356194
Ngày tham khảo: 03/06/2021