YouMed

Cường cận giáp nguyên phát và những điều bạn cần biết

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Các tuyến cận giáp bao gồm bốn tuyến nhỏ nằm ở gần hoặc ở mặt sau của tuyến giáp. Những tuyến cận giáp có chức năng sản xuất ra hoóc-môn cận giáp (Parathyroid hormone: PTH). Khi xảy ra rối loạn ở cơ quan này sẽ khiến chúng tiết ra nhiều hoóc-môn hơn và tình trạng này được gọi là cường cận giáp. Để biết thêm những thông tin cơ bản về bệnh cường cận giáp nguyên phát, hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu!

1. Cường cận giáp nguyên phát là gì?

Trước tiên, chúng ta cần biết tuyến cận giáp có chức năng gì? Các tuyến cận giáp phụ trách kiểm soát nồng độ canxi, phốt pho và vitamin D trong cơ thể. Nguyên nhân chính để giải phóng hoặc sản xuất hoóc-môn cận giáp là do nồng độ canxi trong máu. Hoóc-môn cận giáp giúp điều hòa lượng canxi trong cơ thể. Nếu lượng canxi trong máu xuống quá thấp, hoóc-môn cận giáp sẽ giúp đưa thêm canxi vào trong máu của bạn. Quá trình này được thực hiện bằng cách tái hấp thu canxi từ ruột và xương. Ngoài ra, hoóc-môn cận giáp cũng làm giảm lượng canxi bị mất trong nước tiểu.

Bình thường, các tuyến cận giáp rất nhỏ, chúng có kích thước chỉ bằng một hạt gạo. Sau đó, chúng sẽ tạo ra rất nhiều hoóc-môn cận giáp.

Quá nhiều hoóc-môn cận giáp sẽ dẫn tới có quá nhiều canxi trong máu. Tình trạng này được gọi là tăng canxi máu. Điều đó có thể gây ra một số triệu chứng, bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Các vấn đề về dạ dày.
  • Lú lẫn.
  • Mệt mỏi.
Cường cận giáp nguyên phát
Cường cận giáp nguyên phát

2. Triệu chứng của bệnh Cường tuyến cận giáp nguyên phát

Cường cận giáp nguyên phát thường không gây ra triệu chứng. Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng thường rất nhẹ. Theo nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Nội tiết Quốc tế, bệnh cường cận giáp nguyên phát thường được phát hiện ở phụ nữ sau mãn kinh. Chỉ số huyết áp cao thường đi kèm với bệnh cường cận giáp nguyên phát. Khi bạn điều trị bệnh này, huyết áp của bạn có khả năng sẽ giảm xuống lại bình thường.

Triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu. Điều này có nghĩa là các bệnh khác vẫn có thể có những triệu chứng này. Chẳng hạn như bạn có thể cảm thấy:

  • Yếu cơ.
  • Thờ ơ, lờ đờ uể oải.
  • Mệt mỏi.
  • Đau cơ.
  • Trầm cảm.

Nếu tình trạng bệnh nặng, bạn có thể bị:

  • Sỏi thận, do tăng canxi máu.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Đau bụng.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Lú lẫn.
  • Suy giảm trí nhớ.
  • Thay đổi tính cách.
  • Táo bón.
  • Loãng xương và thậm chí là gãy xương.
  • Hôn mê (Trong một số trường hợp hiếm hoi).

3. Nguyên nhân nào gây Cường cận giáp nguyên phát?

Cường cận giáp nguyên phát xảy ra khi các tuyến cận giáp sản xuất quá nhiều hoóc-môn cận giáp. Có một loạt các tình trạng có thể gây cường cận giáp, ví dụ như:

Adenoma (U lành tính của tế bào biểu mô tuyến)

Adenoma còn được gọi là U tuyến. Đây là một khối u lành tính xuất hiện ở các tuyến cận giáp. Những khối u này là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh cường cận giáp nguyên phát.

Phì đại tuyến cận giáp

Trong một số trường hợp, phì đại ít nhất hai tuyến cận giáp có thể dẫn đến cường tuyến cận giáp. Bác sĩ thường không rõ nguyên nhân gây nên sự phì đại này.

Ung thư tuyến cận giáp

Trong một số trường hợp hiếm hoi, ung thư tuyến cận giáp có thể gây ra sự phì đại của một hoặc nhiều tuyến cận giáp. Những khối u này có thể gây ra cường cận giáp.

Tuyến cận giáp bình thường và phì đại

4. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh Cường cận giáp nguyên phát?

Cường cận giáp nguyên phát thường được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm máu. Những dấu hiệu của bệnh trên xét nghiệm là:

  • Tăng hoóc-môn cận giáp (PTH).
  • Canxi máu tăng.
  • Tăng alkaline phosphatase, đây là một loại protein được tìm thấy trong xương và gan.
  • Nồng độ phốt pho thấp.

Khi bác sĩ nghi ngờ bạn bị cường cận giáp, họ có thể sẽ tiến hành xét nghiệm đo mật độ xương của bạn. Có quá nhiều hoóc-môn cận giáp sẽ làm tăng mức canxi trong máu thông qua việc lấy canxi từ trong xương ra. X-Quang có thể giúp bác sĩ xác định được các rối loạn tại xương, chẳng hạn như loãng xương và gãy xương.

chẩn đoán bệnh cường cận giáp nguyên phát bằng X-Quang
Chẩn đoán bệnh cường cận giáp nguyên phát bằng X-Quang

5. Điều trị bệnh Cường cận giáp nguyên phát như thế nào?

Mức độ nặng của bệnh khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể. Chính vì vậy mà không có một liệu trình điều trị nào có thể phù hợp cho tất cả các trường hợp. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất đối với bạn.

Nếu bạn không có bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần điều trị ngay lập tức. Thay vào đó, bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của bạn để đảm bảo bệnh sẽ không trở nên nặng hơn. Họ có thể theo dõi thông qua:

  • Lượng canxi trong máu.
  • Chức năng thận.
  • Mật độ xương.
  • Kiểm tra xem liệu có hình thành sỏi thận hay không.

Phẫu thuật

Nếu bạn cần điều trị, phẫu thuật là một lựa chọn điều trị phổ biến nhất và giúp chữa khỏi hầu hết các trường hợp. Chỉ những tuyến cận giáp bị rối loạn mới được loại bỏ. Nếu cả bốn tuyến đều bị phì đại thì sẽ không mổ loại bỏ hết mà để lại một phần nhằm giữ lại chức năng của tuyến cận giáp.

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu:

  • Mức canxi máu cao hơn mức bình thường (8.5-10.2 mg/dL) 1 mg/dL, cho dù không có triệu chứng.
  • Mật độ xương quá thấp.
  • Bạn có triệu chứng do tăng canxi máu.
  • Bạn dưới 50 tuổi.

6. Điều trị bằng thuốc

Đôi khi, việc sử dụng thuốc được khuyến cáo để giúp ngăn ngừa một số biến chứng liên quan đến bệnh cường cận giáp nguyên phát. Ví dụ:

  • Bisphosphonates, chẳng hạn như alendronate (Fosamax), có tác dụng làm giảm quá trình hủy xương.
  • Cinacalcet (Sensipar) giúp cân bằng nồng độ canxi trong máu.

Sử dụng estrogen có thể được chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh.

Cường cận giáp nguyên phát là tình trạng khi các tuyến cận giáp sản xuất quá nhiều hoóc-môn cận giáp trong cơ thể. Điều này sẽ gây tăng lượng canxi trong máu và có thể dẫn tới loãng xương và gãy xương. Ngoài ra bệnh còn gây ra các vấn đề về bụng và trầm cảm. Thông thường, bệnh sẽ không có triệu chứng báo trước. Nhưng nếu có những triệu chứng bất thường, hãy đến khám bác sĩ để có thể sớm tìm ra nguyên nhân và tiến hành điều trị.

Xem thêm:

Thắc mắc thường gặp về bệnh cường giáp  

Cường tuyến cận giáp và những điều bạn cần biết

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Primary Parathyroidismhttps://www.healthline.com/health/primary-hyperparathyroidism

    Ngày tham khảo: 24/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người