Hạ đường huyết: vấn đề không nên bỏ qua
Nội dung bài viết
Theo các bác sĩ, hạ đường huyết quá mức là mối nguy hiểm tiềm ẩn không kém gì tăng đường huyết ở người đái tháo đường. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu của hạ đường huyết. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Hạ đường huyết là gì?
Carbonhydrat là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Thông thường, tùy theo từng thời điểm trong ngày mà lượng đường huyết sẽ có sự thay đổi. Song nồng độ glucose huyết vẫn được duy trì trong một giới hạn nhất định.
Tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu quá thấp, dưới 3.9 mmol/l hoặc dưới 70 mg/dL. Cơ thể bị thiếu hụt glucose sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, có thể đe dọa tính mạng. Do đó, ngay khi có những dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế. Bạn cũng nên biết những cách xử trí khi bị hạ đường huyết để kịp thời hỗ trợ người bệnh.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết
Glucose được tạo ra khi cơ thể phân giải thức ăn thành các phân tử nhỏ. Sau đó, insulin – hormone được tiết ra từ tuyến tụy sẽ đưa glucose vào tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Glucose dư thừa sẽ được dự trữ ở gan và cơ dưới dạng glycogen.
Nếu ban không ăn trong vài tiếng, các hormone sẽ phân giải lượng glycogen dự trữ để duy trì năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, nguồn năng lượng dự trữ sẽ cạn kiệt và dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết.
Nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường
Những nguyên nhân khiến lượng đường huyết bị hạ bao gồm:
- Dùng quá liều insulin hoặc các thuốc trị đái tháo đường khác.
- Ăn quá ít sau khi tiêm insulin hoặc uống thuốc trị đái tháo đường.
- Tập thể dục ở cường độ cao.
Nguyên nhân không liên quan đến đái tháo đường
Dù không mắc bệnh tiểu đường, bạn vẫn có thể bị hạ glucose huyết do những yếu tố sau:
- Dùng một số thuốc có tác dụng phụ làm hạ nồng độ glucose huyết.
- Uống nhiều đồ uống có cồn.
- Mắc các bệnh nền như viêm gan, xơ gan hoặc bệnh thận.
- Nhịn đói trong thời gian dài.
- Cơ thể sản xuất insulin quá mức do có khối u ở tuyến tụy.
- Thiếu hụt hormone: tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ em.
Những biểu hiện thường gặp
Theo các bác sĩ, bạn nên lưu ý những triệu chứng điển hình của tình trạng hạ đường huyết để kịp thời xử trí.
- Run rẩy, bồn chồn.
- Đổ nhiều mồ hôi, cảm thấy khó chịu, bứt rứt.
- Tim đập nhanh.
- Cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.
- Thường xuyên đói bụng.
- Dễ buồn ngủ, cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng.
- Mắt mờ.
- Ngứa ngáy ở các ngón chân, tê lưỡi, má hoặc môi.
- Dễ gặp ác mộng khi ngủ, khó ngủ sâu.
- Có thể bị co giật.
Các triệu chứng trên có thể gợi ý tình trạng hạ glucose huyết. Song cách tốt nhất để chẩn đoán hiện tượng này là đo nồng độ đường huyết. Do đó, nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân có dấu hiệu bất thường, bạn cần nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế.
Hạ đường huyết có nguy hiểm không?
Hạ đường huyết là tình trạng cấp cứu cần được xử trí nhanh chóng. Nếu chậm trễ, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng sau đây:
- Co giật.
- Mất nhận thức, hôn mê sâu.
- Tử vong.
Song song với những tác hại tức thời, hạ glucose huyết còn là nguyên nhân gây nên những vấn đề sau:
- Té ngã, chấn thương.
- Tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động.
- Tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
Cách xử trí khi bị hạ đường huyết
Với các trường hợp nhẹ
Với những trường hợp hạ đường huyết ở mức độ nhẹ, bác sĩ khuyên người bệnh nên áp dụng quy tắc 15-15.
Quy tắc 15-15
- Pha 15 gram đường vào nước để uống hoặc ăn kẹo có chứa ít nhất 15 gram đường.
- Kiểm tra nồng độ đường huyết sau 15 phút. Nếu lượng đường vẫn thấp ( <70 mg/dL) thì lặp lại từ đầu quy trình.
- Lưu ý không để nồng độ đường vượt quá 100 mg/dL.
Những thực phẩm giúp cung cấp đường
- Viên ngậm glucose.
- ½ cốc nước trái cây hoặc nước ngọt (loại không dành cho ăn kiêng).
- 1 muỗng cà phê đường, mật ong hoặc siro.
- Các loại kẹo như kẹo cứng, kẹo dẻo – cần kiểm tra phần trăm đường huyết để quyết định số lượng kẹo cần ăn.
Tuy nhiên, với trẻ em bị hạ đường huyết, lượng đường cần cung cấp sẽ thấp hơn 15 gram. Lượng đường cần nạp sẽ được tùy chỉnh dựa trên số tuổi của bé.
Với các trường hợp nặng
Với các trường hợp hạ đường huyết nặng, bạn sẽ cần tới sự trợ giúp của nhân viên y tế. Khi các triệu chứng trầm trọng hơn, bạn cần ngưng tiêm insulin và lập tức liên hệ bác sĩ. Bạn không nên cho người bệnh ăn hoặc uống do có thể làm bệnh nhân bị nghẹn.
Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm glucagon hoặc glucose đường tĩnh mạch ngay lập tức.
Làm sao để phòng ngừa hạ đường huyết?
Hạ glucose huyết quá mức là một tình trạng vô cùng nguy hiểm. Do đó, bác sĩ khuyên bạn nên tích cực phòng bệnh thay vì chữa bệnh. Bạn nên áp dụng những lời khuyên sau đây để kiểm soát tình trạng này:
- Theo dõi đường huyết thường xuyên, nên đo vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, tập thể dục, trước khi ngủ hoặc khi có thay đổi về liều insulin, thời gian làm việc hoặc tăng cường vận động thể chất.
- Ăn uống điều độ, cân bằng lượng carbonhydrat trong các bữa ăn.
- Nên ăn nhẹ trước khi tập thể dục, không nên nhịn đói quá lâu.
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng liều thuốc khi bác sĩ chưa cho phép. Với người mắc đái tháo đường type 1 cần tuân thủ giờ giấc tiêm insulin.
- Không phớt lờ các triệu chứng hạ đường huyết.
- Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, theo dõi và nhận biết những triệu chứng hạ glucose huyết để kịp thời liên hệ bác sĩ.
Hạ đường huyết quá mức là mối quan ngại của y học do bệnh diễn tiến khá nhanh và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo sớm. Hi vọng qua bài viết dưới đây, bạn đọc sẽ phần nào hiểu thêm về tình trạng này cũng như biết cách tự theo dõi sức khỏe để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hypoglycemia (Low Blood sugar)https://www.diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/hypoglycemia
Ngày tham khảo: 03/08/2021
-
Hypoglycemiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685
Ngày tham khảo: 03/08/2021