Đau bụng dưới bên phải: những điều bạn không thể bỏ qua
Nội dung bài viết
Chắc hẳn hiện nay các bạn đều đã quá quen thuộc với tình trạng đau bụng. Đau bụng có thể đến từ những nguyên nhân lành tính như chướng bụng, khó tiêu, kinh nguyệt,… Nhưng đôi khi, chúng có thể là chỉ dấu của những tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Đặc biệt phải kế tình trạng đau bụng dưới bên phải. Nó có thể là báo hiệu cho những tình trạng cần xử lý cấp cứu kịp thời, như viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung,… Hãy cùng với ThS.BS Trần Quốc Phong tìm hiểu xem đau bụng dưới bên phải là gì và những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này nhé!
Đau bụng dưới bên phải là gì?
Bình thường, bụng được chia thành 4 phần: 1/4 trên phải, 1/4 trên trái, 1/4 dưới phải và 1/4 dưới trái.
Đau bụng dưới bên phải là tình trạng đau vùng bụng 1/4 dưới phải.
Do đó, đau bụng dưới bên phải có thể đến từ tình trạng viêm nhiễm. Hoặc đôi khi là chấn thương các vùng cơ quan.
Vì vậy, khi có tình trạng đau bụng dưới bên phải. Đặc biệt là cơn đau ngày càng tăng và có các dấu hiệu sưng tấy, viêm nhiễm. Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để có thể điều trị kịp thời các tình trạng bệnh.
Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải
Như đã đề cập ở phần trước, đau bụng dưới bên phải có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân. Những bệnh lý thường gặp có thể gây đau bụng dưới bên phải gồm có:
Viêm ruột thừa1
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm, thường gặp do thức ăn bị kẹt lại ở túi ruột thừa.
Vi khuẩn sẽ sinh sôi và phát triển, kích thích hiện tương viêm gây ra cảm giác đau đớn cho người bệnh. Người bệnh thường có cảm giác đau phần trên và xung quanh rốn. Đôi khi có sốt nhẹ, buồn nôn và nôn ói. Khi ấn sâu vào thành bụng, cảm giác đau sẽ tăng và có thể khiến người bệnh giật nảy người.
Khi mới bắt đầu đau, cơn đau có thể ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Sau đó khoảng vài giờ đến vài ngày, đau di chuyển xuống vùng bụng dưới phải và gây đau dữ dội.
Vì vậy nếu có các triệu chứng kể trên, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Viêm ruột thừa kéo dài có thể dẫn đến tình trạng vỡ ruột thừa, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hội chứng ruột kích thích1
Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng rối loạn tiêu hóa mãn tính. Nó có thể gây ra các cơn đau bụng ở nhiều vị trí khác nhau. Người bệnh thường xuyên bị đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
Sỏi niệu quản1
Sự tích tụ cứng của các khoáng chất và muối hình thành bên trong thận tạo thành sỏi thận.
Khi sỏi thận bắt đầu di chuyển từ thận xuống niệu quản sẽ khiến niệu quản bị tắc nghẽn và gây nên tình trạng sỏi niệu quản. Điều này làm cản trở sự lưu thông của nước tiểu dẫn đến triệu chứng đau bụng dưới bên phải.
Cơn đau thường khởi phát sau khi lao động nặng nhọc. Bạn sẽ cảm thấy đau dữ dội ở lưng và bên hông, bên dưới xương sườn, khắp bụng dưới và háng.
Đôi khi, bệnh nhân có thể cảm thấy có nhu cầu đi tiểu liên tục kèm theo một số triệu chứng khác như: tiểu máu, buồn nôn, sốt và ớn lạnh.
Sỏi niệu quản có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu bạn có triệu chứng trên, cần nhanh chóng đến bác sĩ để được xử lý kịp thời. Tránh để quá lâu gây khó khăn cho việc điều trị.
Bệnh lý sản phụ khoa1
Vùng bụng dưới phải có chứa rất nhiều cơ quan liên quan đến hoạt động sống của cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh sản.
Đặc biệt nên chú ý tình trạng đau bụng dưới bên phải ở nữ giới. Một số nguyên nhân gây đau ở nữ có thể gặp bao gồm:
Đau bụng kinh
Trong những ngày hành kinh, phụ nữ có thể gặp những cơn đau nhẹ đến đau dữ dội.
Thông thường đây chỉ là những cơn đau sinh lý, chỉ cần điều trị hỗ trợ và giảm đau. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận vì rất nhiều tình trạng viêm nhiễm có thể tiềm ẩn và biểu hiện như cơn đau bụng kinh.
Do đó, nếu có tình trạng sốt, sưng đỏ vùng bụng dưới, tiểu gắt buốt. Bạn nên đi gặp bác sĩ để biết được chính xác nguyên nhân của mình.
Xem thêm: Đau bụng kinh có đáng sợ như bạn nghĩ?
Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh tự làm tổ ở một trong các ống dẫn trứng.
Ngoài đau bụng, có thể đi kèm triệu chứng chảy máu âm đạo.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng được tìm thấy trên hoặc bên trong buồng trứng.
Hầu hết các u nang không gây đau hoặc khó chịu và chúng có thể tự biến mất. Nhưng một khối u nang buồng trứng lớn, đặc biệt khi khối u bị vỡ, có thể dẫn đến tình trạng đau bụng dưới bên phải.
Xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng hoặc ống dẫn trứng bị xoắn, cắt đứt nguồn cung cấp máu của cơ quan này.
Còn được gọi là xoắn phần phụ, tình trạng này có thể gây đau bụng dưới dữ dội.
Ngoài ra, còn có rất nhiều bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu,… cũng có thể gây ra đau bụng dưới bên phải.
Do đó, bạn nên chú ý quan tâm đến sức khỏe của mình thường xuyên để phòng ngừa các loại bệnh lý nguy hiểm.
Triệu chứng đau bụng dưới bên phải
Đau bụng dưới bên phải có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân. Ở mỗi loại bệnh lý, nó lại có những tính chất rất khác nhau.
Đau quặn từng cơn có thể do các tạng rỗng co bóp, thường gặp trong các bệnh lý như viêm đại tràng, viêm ruột thừa,…
Đau âm ỉ vùng bùng dưới phải có thể do tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương đường tiết niệu.
Mặt khác, ngoài đau bụng, bệnh nhân cũng có thể có nhiều triệu chứng khác như: buồn nôn, nôn ói, sốt và lạnh run,…
Nếu cơn đau ngày càng tăng và có các dấu hiệu nhiễm trùng. Bệnh nhân nên đến bệnh viện ngay lập tức để có hướng điều trị tốt nhất.
Xem thêm: Đau bụng dưới: Những nguyên nhân thường gặp ở nam và nữ
Chẩn đoán bệnh
Khi đến bệnh viện, ngoài triệu chứng đau bụng. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, thăm khám và chỉ định thực hiện thêm mốt số xét nghiệm để đánh giá chính xác loại bệnh lý mà bạn đang mắc phải. Những chỉ định có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu giúp đánh giá các tế bào máu trong cơ thể. Từ đó đánh giá xem bạn đang có tình trạng viêm nhiễm hay không. Thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.
- Siêu âm. Khi bác sĩ cần quan sát các tạng trong ổ bụng. Họ có thể đề nghị bạn làm thêm xét nghiệm siêu âm. Đây là một loại xét nghiệm giá thành thấp nhưng mang lại độ hiệu quả cao. Thích hợp để quan sát và đánh giá nhanh cấu trúc và chức năng của các tạng bụng.
- CT – scan. Khi siêu âm chưa thể quan sát được rõ, bạn có thể được chỉ định chụp CT – scan. Xét nghiệm này giúp cung cấp hình ảnh rõ nét hơn. Từ đó giúp các bác sĩ đánh giá tốt hơn tình trạng bạn đang mắc phải.
Điều trị bệnh đau bụng dưới bên phải
Thông thường, đa số các trường hợp đau bụng dưới bên phải do bệnh lý chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau và điều trị hỗ trợ.
Tuy nhiên, một số loại bệnh lý có thể cần phải can thiệp phẫu thuật để loại bỏ các tạng tổn thương trong ổ bụng. Ví dụ như khi bệnh nhân mắc phải tình trạng viêm ruột thừa. Các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ đoạn ruột thừa bị viêm. Loại phẫu thuật này đơn giản và nhanh chóng, giúp chấm dứt cơn đau của người bệnh.
Mặt khác, đối với các tình trạng viêm nhiễm đường tiêu hóa. Sau khi điều trị bằng các loại kháng sinh phổ rộng, bạn có thể cần bổ sung thêm các lợi khuẩn có lợi cho đường ruột. Điều này giúp bạn nhanh chóng ổn định hệ khuẩn đường ruột, ngăn ngừa các nguy cơ tái nhiễm sau này.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là khi có tình trạng đau bụng dữ dội. Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau. Chúng có thể che lấp tình trạng bệnh và làm chậm trễ việc điều trị. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận được hướng xử trí tốt nhất.
Phòng ngừa bệnh đau bụng dưới bên phải
Đau bụng dưới bên phải có thể đến từ rất nhiều các nguyên nhân bệnh lý.
Do đó, để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên có một thói quen ăn uống và chế độ sống hợp lý.
Trong bữa ăn hằng ngày, bạn nên bổ sung thêm các loại rau củ, trái cây có nhiều chất xơ và các loại dưỡng chất. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước cũng giúp phòng ngừa nguy cơ sỏi thận và các bệnh lý khó chịu khác. Ngoài ra, khi chế biến các loại thức ăn, bạn nên chú ý kĩ vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh nhiễm các loại tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus,…
Tóm lại, đau bụng dưới bên phải có thể do các nguyên nhân lành tính cũng như các loại bệnh lý nguy hiểm. Khi có tình trạng đau bụng dữ dội kèm sốt, lạnh run,… Bạn nên đến gặp bác sĩ kịp thời. Hy vọng bài viết đã giải đáp được những lo lắng mà các bạn đang mắc phải.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What’s Causing Pain in My Lower Right Abdomen?https://www.healthline.com/health/pain-in-lower-right-abdomen
Ngày tham khảo: 16/12/2021