YouMed

Đau dây thần kinh liên sườn: Nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩ Võ Phương Quỳnh
Tác giả: Bác sĩ Võ Phương Quỳnh
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh lí thường gặp khiến người bệnh tìm gặp đến bác sĩ bởi cảm giác đau dọc vùng sườn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy đau dây thần kinh liên sườn là gì? Nguyên nhân và triệu chứng như thế nào? Mời bạn đọc cùng Bác sĩ Võ Phương Quỳnh tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết sau nhé.

Tổng quan về đau dây thần kinh liên sườn

Bệnh đau dây thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý hay gặp. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên, cũng có khi không tìm thấy nguyên nhân. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt. Cơn đau xuất hiện dọc theo vùng sườn, vùng cạnh sống và vùng liên sống – bả vai. Đây là bệnh mạn tính, hay gặp ở người trưởng thành.

Có 3 loại đau dây thần kinh liên sườn:

  • Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát. Bệnh nhân bị đau nhưng không tìm được nguyên nhân.
  • Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát. Bệnh nhân bị đau khi gặp thời tiết quá lạnh, vươn người quá mức. Cũng có thể bị đau khi ngồi sai tư thế hoặc va chạm mạnh vào vùng liên sườn.
  • Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát. Đây là hệ quả của tình trạng thoái hoá cột sống hoặc liên quan tới phổi, thần kinh và tủy sống.
Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh mãn tính phổ biến ở người trưởng thành
Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh mãn tính phổ biến ở người trưởng thành

Nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân. Ví dụ: chấn thương cấp tính hay diễn tiến mạn tính do các bệnh lý nhiễm trùng, thoái hoá cột sống gây nên.

Sau đây là một số nguyên nhân hay gặp:

  • Do chấn thương cột sống. Nguyên nhân này thường phải có yếu tố chấn thương trước đó. Đôi khi, đau dây thần kinh liên sườn có thể gợi ý đến các bệnh lý cột sống, tủy sống. Vậy nên nếu được phát hiện sẽ có giá trị chẩn đoán sớm các bệnh lý trên. Bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp cộng hưởng từ, người ta có thể phát hiện được sớm các bệnh lý cột sống, tủy sống.
  • Do thoái hóa cột sống. Tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi. Tính chất đau khu trú theo vùng cũng thường không rõ ràng. Người bệnh thường mô tả cảm giác ê ẩm, kéo dài và có thể kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực. Cảm giác này xuất hiện cả khi nghỉ và khi vận động. Ngoài ra, khi ấn vào điểm cạnh sống hai bên (cách chính giữa cột sống 2-3cm) bệnh nhân thấy tức nhẹ và dễ chịu sau đó.
  • Do lao cột sống hoặc ung thư cột sống. Đây là bệnh nặng, thường diễn tiến kéo dài gây huỷ xương và chèn ép thần kinh tại vùng cột sống bị tổn thương.1Người bệnh thường đau chói cả hai bên sườn, cảm giác bó chặt lấy ngực hoặc bụng bệnh nhân. Nguyên nhân này dễ bị chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt ngực hoặc đau dạ dày. Đặc điểm đặc trung là ấn cột sống sẽ có điểm đau chói. Bệnh nhân đau liên tục suốt ngày đêm, tăng khi thay đổi tư thế hoặc vận động. Bệnh nhân có các triệu chứng toàn thân nặng như hội chứng nhiễm lao. Các triệu chứng bao gồm: sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân,… Có thể thấy biến dạng cột sống nếu ở giai đoạn nặng của bệnh.
  • Do bệnh lý tủy sống. Đau dây thần kinh liên sườn có thể là triệu chứng sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Do chèn ép rễ tuỷ nên người bệnh thường đau một bên, khu trú rõ. Cơn đau kiểu đánh đai ở một bên sườn. Khám cột sống thì không thấy điểm đau rõ ràng.
  • Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát. Một số tác giả cho là do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc các tư thế lấy đồ với tay quá tầm. Trường hợp này biểu hiện đa dạng. Bệnh nhân xuất hiện đau âm ỉ ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống – bả vai, có thể một hoặc hai bên. Cơn đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước, đau tăng khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi. Tính chất đau khi kích thích màng phổi này thường nhầm với bệnh lý của phổi – màng phổi. Ấn vùng cạnh sống tương ứng với khe gian đốt bệnh nhân thấy đau tức. Đôi khi lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn. Các cận làm sàng có kết quả bình thường.2
  • Đau dây thần kinh liên sườn do nhiễm khuẩn. Đây là trường hợp thường gặp và rất khó điều trị, thường do zona với biểu hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn cấp zona thường khởi phát bằng đau rát một mảng sườn. Sau vài ngày có xuất hiện các mụn nước trên sang thương đỏ da với xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thấy ngứa và đau rát như bỏng, rất khó chịu. Người bệnh không dám để cho vùng tổn thương tiếp xúc với quần áo. Ngoài ra, họ có thể có sốt, mệt mỏi. Sau khoảng một tuần tổn thương khô, bong vảy, để lại sẹo và chuyển sang giai đoạn di chứng. Bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng. Đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Đau sau các trường hợp phẫu thuật lồng ngực. Đây là trường hợp thường gặp sau các cuộc phẫu thuật tim, lồng ngực, trung thất hoặc tạo hình thẩm mỹ. Có thể giảm dần nếu không có tổn thương các dây thần kinh.

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn

Người bệnh thường có những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt. Có thể đau một hoặc cả hai bên dọc theo bờ sườn và tập trung tại một vùng. Đau có thể lan ra phía trước ngực về phía mũi xương ức.

Những cơn đau thường không có biểu hiện dữ dội mà chỉ đau âm ỉ. Cơn đau có thể khiến người bệnh trằn trọc mất ngủ. Bệnh kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Đau tăng lên khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi hoặc vận động mạnh.

Biểu hiện đau ở lưng, ngực có thể bị nhầm lẫn với biểu hiện đau do bệnh tim hoặc phổi. Nếu không có các biểu hiện khác như khó thở, ho nhiều, hồi hộp, đánh trống ngực thì có thể nghĩ đau do thần kinh liên sườn.

Đau một hoặc cả hai bên dọc theo bờ sườn, tập trung tại một vùng là triệu chứng thường thấy của bệnh
Đau một hoặc cả hai bên dọc theo bờ sườn, tập trung tại một vùng là triệu chứng thường thấy của bệnh

Điều trị/Xử lý tại nhà có được không?

Đây là căn bệnh không tự khỏi được và kéo dài nhiều ngày, gây đau mỏi dai dẳng. Nó ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân không nên coi thường, chủ quan khi bị đau dây thần kinh liên sườn. Nếu không điều trị kịp thời, lâu ngày, bệnh có thể tiến triển gây liệt tay chân. Bệnh cũng có thể gây mất chức năng vận động.

Khi có triệu chứng đau mỏi vùng liên sườn, bệnh nhân nên đi thăm khám ngay để điều trị kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt khi xuất hiện triệu chứng sau chấn thương,

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau dây thần kinh liên sườn có nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, cũng có nhiều cân nhắc khác nhau về xử trí. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng gợi ý báo động thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Các triệu chứng như: tê cứng, yếu liệt tay chân, đau ảnh hưởng nghiêm trọng lên sinh hoạt, giấc ngủ.

Chẩn đoán đau đây thần kinh liên sườn

Hiện nay, chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn chỉ dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng. Dựa vào lâm sàng và tiền sử có thể đủ để đưa ra chẩn đoán bệnh lý này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chẩn đoán hình ảnh có thể được chỉ định. Điều này nhằm loại trừ các trường hợp thứ phát do chấn thương, u, lao.

Ví dụ cụ thể như trong trường hợp chấn thương. Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) cột sống có thể hữu ích trong việc chứng minh sự chèn ép rễ thần kinh do xương sườn bị gãy hoặc dị vật.

Nếu một bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt lồng ngực để điều trị ung thư, đau ngực có thể là kết quả của đau sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của tái phát ung thư và di căn đến thành ngực. Do đó, chụp CT hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể hữu ích.

MRI ngực cũng giúp loại trừ các nguyên nhân gây đau liên sườn do bệnh lí phổi. Ví dụ: tràn dịch hoặc dày dính màng phổi.

Có dày dính màng phổi cạnh trái và tràn dịch màng phổi (mũi tên) trên phim T2
Có dày dính màng phổi cạnh trái và tràn dịch màng phổi (mũi tên) trên phim T2

Một số trường hợp, điện cơ có thể hữu ích để đánh giá chức năng của các dây thần kinh liên sườn. Khi đánh giá một bệnh nhân nghi ngờ đau dây thần kinh liên sườn do Zona, tiền sử và khám lâm sàng với phát ban mụn nước đặc trưng ở một vùng da có thể đủ trong thực hành lâm sàng để chẩn đoán. Nhưng PCR hoặc sinh thiết da có thể được bao gồm trong các trường hợp không điển hình. Các phương pháp này nhằm giúp củng cố chẩn đoán.

Trước khi kết luận chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn, cần phải loại trừ tất cả các bệnh lý tim, phổi và/hoặc đường tiêu hóa nếu thích hợp, với bất kỳ chuyển tuyến, hình ảnh và/hoặc xét nghiệm chẩn đoán được chỉ định. Ví dụ, nếu than phiền chính là đau bụng trên thì nên siêu âm bụng, CT hoặc chuyển đến bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể giúp loại trừ bệnh lý của các cơ quan tiêu hoá. Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm lồng ngực gây ra bệnh lý lan tỏa lồng ngực nên được xem xét và có thể được đánh giá bằng chụp MRI lồng ngực.3

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ3

Khi các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể được xác định, điều quan trọng là cố gắng giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây đau. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị ho mãn tính có thể góp phần gây ra cơn đau này, có lẽ thuốc giảm ho sẽ có lợi.

Giảm đau tối ưu trong phẫu thuật3

Các chiến lược phòng ngừa và giảm thiểu các nguyên nhân gây đau do tổn thương thần kinh trong giai đoạn cấp tính phẫu thuật có thể làm giảm sự phát triển của cơn đau mãn tính về sau.

Ví dụ, trong trường hợp phẫu thuật lồng ngực, điều quan trọng là phải xác định một kế hoạch kiểm soát cơn đau trước phẫu thuật. Bao gồm phong bế thần kinh bằng gây tê tại chỗ và toàn thân kết hợp với thuốc giảm đau đa phương thức. Điều này có thể giúp giảm đau tốt. Do đó làm giảm khả năng phát triển đau thần kinh về sau. Gây tê ngoài màng cứng trước phẫu thuật theo truyền thống là tiêu chuẩn vàng để đạt được mục tiêu này. Mặc dù có thể đạt được hiệu quả tương tự bằng cách sử dụng phong tỏa dây thần kinh đốt sống.

Các thuốc giảm đau đa tầng như opioid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống co giật, thuốc bôi ngoài da (capsaicin, lidocain xuyên da) và kích thích thần kinh điện qua da (TENS) là những phương pháp điều trị bổ trợ. Trong trường hợp đau thần kinh mãn tính, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc (SNRI) cũng là những lựa chọn.

Thuốc NSAID, thuốc bôi ngoài da, thuốc chống trầm cảm,... là những phương pháp điều trị bổ trợ
Thuốc NSAID, thuốc bôi ngoài da, thuốc chống trầm cảm,… là những phương pháp điều trị bổ trợ

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn Zona

Trường hợp đau dây thần kinh liên sườn Zona, quan trọng nhất nên được chủng ngừa bằng vắc-xin trước đó. Người ta đã chứng minh rằng vắc-xin có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh khoảng 51%. Và giảm tỷ lệ đau dây thần kinh liên sườn lên đến 66%.4 5

Trong giai đoạn bùng phát Zona, thuốc kháng vi-rút như acyclovir nếu được dùng sớm trong đợt cấp được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau và thời gian của cơn đau cấp tính bằng cách ức chế sự nhân lên của vi-rút. Việc sử dụng thuốc giảm đau NSAID có thể làm giảm thêm cơn đau cấp tính. Đặc biệt nếu được sử dụng sớm trong trường hợp nhiễm HZ.6

NSAID, thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là TCA, nhưng SSRI / SNRI ở mức độ thấp hơn), thuốc chống co giật, opioid, thuốc bôi và TENS đều được chứng minh là những lựa chọn điều trị hiệu quả cho cả cơn đau HZ cấp tính và mãn tính.7

Vậy tóm lại, để kiểm soát cơn đau trong giai đoạn mãn tính của đau dây thần kinh liên sườn nói chung, bất kể nguyên nhân, các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống co giật (tức là gabapentin, pregabalin), thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc (SNRI), hoặc bupropion), và opioid có thể hữu ích. Thuốc bôi tại chỗ ngoài da (capsaicin nồng độ thấp, lidocain thẩm thấu qua da) cũng có thể hữu ích.

Bên cạnh đó, miếng dán capsaicin nồng độ cao, 8% có thể được áp dụng tại chỗ trong phòng khám (yêu cầu đặt trước khi đặt thuốc tại chỗ hoặc gây tê vùng) và được FDA chấp thuận để điều trị đau PHN.8Nó cũng cho thấy tiềm năng hứa hẹn trong điều trị PTPS dựa trên báo cáo trường hợp của 2 bệnh nhân.9Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS) (nếu vị trí và khám không có chống chỉ định) là một liệu pháp bổ trợ tiềm năng hữu ích, mặc dù hiệu quả còn nhiều nghi vấn.

Các lựa chọn xâm lấn hơn là phẫu thuật cắt dây thần kinh, cắt bỏ thân rễ thần kinh ở lưng, hoặc cắt hạch cảm giác của các dây thần kinh liên sườn tương ứng. Những phương pháp này rất hiếm được chỉ định. Lý dó là vì không thể hồi phục được chức năng cảm giác do dây thần kinh chi phối sau đó.10 11

Cuối cùng cần nhớ là cơn đau do đau dây thần kinh liên sườn có thể dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống. Nguyên do là vì người bệnh thường tránh hoạt động thể chất. Vậy nên, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu và châm cứu có tác dụng điều trị bổ sung hiệu quả bên cạnh các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn

Những bệnh nhân bị viêm dây thần kinh liên sườn có nguy cơ cao bị đau liên sườn mãn tính. Đối tượng có nguy cơ chủ yếu là những người bị chấn thương vùng lồng ngực. Người phẫu thuật lồng ngực hoặc Zona cũng có nguy cơ.

Một số yếu tố nguy cơ này có thể tránh được với việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Tất cả bệnh nhân có nguy cơ nên tiêm vắc-xin Zona theo hướng dẫn của CDC. Họ là người từ 60 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ và người bị suy giảm miễn dịch.12

Đối tượng có nguy cơ nên tiêm vắc xin Zona theo hướng dẫn của CDC
Đối tượng có nguy cơ nên tiêm vắc xin Zona theo hướng dẫn của CDC

Bên cạnh đó, những người phát triển nhiễm Zona nên tìm kiếm điều trị y tế ngay lập tức. Có thể điều trị bằng thuốc kháng retrovirus và kiểm soát cơn đau cấp tính. Mục đích là nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra PHN.13

Trên đây là bài viết về bệnh đau dây thần kinh liên sườn của Bác sĩ Võ Phương Quỳnh. Đây là bệnh lý đặc trưng bởi cảm giác đau dọc vùng sườn. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Qua bài viết, hy vọng bạn đọc có những thông tin cần thiết về bệnh lý này. Từ đó, có cơ sở để chăm sóc sức khỏe cá nhân và người thân hiệu quả hơn.

Câu hỏi thường gặp

Đau thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?

Nếu đau dây thần kinh liên sườn chủ yếu đến từ nguyên nhân chấn thương, vận động nặng hoặc sai tư thế thì bệnh thường không gây nguy hiểm tới sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, những cơn đau có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi lại, lao động, sinh hoạt.

Tuy nhiên, tình trạng đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như lao cột sống và ung thư cột sống, nếu không can thiệp điều trị kịp thời có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

Đau dây thần kinh liên sườn bao lâu thì khỏi?

Đây là căn bệnh không tự khỏi được, ảnh hưởng dài ngày tới đời sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Vì vậy, khi có triệu chứng đau mỏi vùng liên sườn hoặc bị chấn thương, bệnh nhân nên đi thăm khám ngay để điều trị kịp thời, hiệu quả.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Intercostal neuralgia as a symptom of an osteoblastoma in thoracic spinehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4493206/

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  2. [Abdominal intercostal nerve pain. A contribution to differential diagnosis of acute abdominal pain]https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2620551/

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  3. Intercostal Neuralgiahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560865/

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  4. Efficacy of an Adjuvanted Herpes Zoster Subunit Vaccine in Older Adultshttps://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJMoa1501184

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  5. Efficacy of the Herpes Zoster Subunit Vaccine in Adults 70 Years of Age or Olderhttps://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa1603800

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  6. Systematic Review and Meta-Analysis of Efficacy, Safety, and Tolerability Data from Randomized Controlled Trials of Drugs Used to Treat Postherpetic Neuralgiahttps://journals.sagepub.com/doi/10.1345/aph.1P777

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  7. EFNS guidelines on the pharmacological treatment of neuropathic pain: 2010 revisionhttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1468-1331.2010.02999.x

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  8. Pharmacotherapy for neuropathic pain in adults: a systematic review and meta-analysishttps://www.thelancet.com/journals/laneur/article/PIIS1474-4422(14)70251-0/fulltext

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  9. Systematic review of topical capsaicin for the treatment of chronic painhttps://www.bmj.com/content/328/7446/991

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  10. Topical Analgesics in the Management of Acute and Chronic Painhttps://www.mayoclinicproceedings.org/article/S0025-6196(12)01170-6/fulltext

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  11. Systematic review of efficacy of topical rubefacients containing salicylates for the treatment of acute and chronic painhttps://www.bmj.com/content/328/7446/995

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  12. Concomitant Administration of Pneumococcal-23 and Zoster Vaccines Provides Adequate Herpes Zoster Coveragehttps://journals.sagepub.com/doi/10.1345/aph.1R742

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

  13. Epidemiology and cost of herpes zoster and post-herpetic neuralgia in the United Kingdomhttps://www.cambridge.org/core/journals/epidemiology-and-infection/article/epidemiology-and-cost-of-herpes-zoster-and-postherpetic-neuralgia-in-the-united-kingdom/B189D00A7B14D2A030C201054A6FB967

    Ngày tham khảo: 16/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người