Dấu hiệu mọc răng khôn dễ nhận biết nhất
Nội dung bài viết
Mọc răng khôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người vì nó gây ra cảm giác khó chịu. Ngoài ra, tỉ lệ răng khôn mọc ngầm hoặc mọc lệch khá cao, nên việc can thiệp kịp thời là rất quan trọng. Vậy mọc răng khôn là gì? Đâu là những dấu hiệu mọc răng khôn thường gặp? Hãy cùng Bác sĩ Trương Mỹ Linh tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Mọc răng khôn là gì?
Răng khôn (Răng số 8) là răng hàm mọc trễ nhất ở trên cung hàm. Những răng này chưa mọc ở trẻ nhỏ mà thường xuất hiện ở lứa tuổi 17-21. Đây cũng là lý do mà chúng được gọi là răng khôn.
Chúng ta có thể có đủ 4 răng khôn: 2 răng khôn hàm trên và 2 răng khôn hàm dưới; hoặc có thể có từ 1-3 răng hoặc có thể không có răng khôn nào. Răng khôn mọc khi những răng khác đã mọc ổn định, niêm mạc và mô mềm phủ bên trên săn chắc. Lúc này, xương hàm cũng ít tăng trưởng về kích thước, chất lượng xương cũng cứng hơn. Vì vậy, răng khôn khó có thể mọc lên trên cung hàm. Việc này dẫn đến hiện tượng răng khôn mọc lệch hoặc ngầm.1
Ảnh hưởng của răng khôn
Khi răng khôn mọc không đúng sẽ có thể dẫn đến một số vấn đề như sau:2
- Răng khôn mọc lệch khiến thức ăn dễ bị nhồi nhét ở vùng này. Bên cạnh đó, răng mọc lệch khiến việc vệ sinh giữa các kẽ răng trở nên khó khăn hơn. Do đó, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng.
- Những răng khôn chỉ mọc một phần trên cung hàm thường có phần nướu bao phủ bên trên. Phần nướu này dễ bị nhét thức ăn gây sưng viêm (viêm lợi trùm), dẫn đến đau và có thể gây há hạn chế.
- Răng khôn không có đủ chỗ để mọc có thể chèn ép và gây tổn hại cái răng hàm xung quanh. Việc này có thể gây tổn thương chân răng hoặc dẫn đến tình trạng tiêu xương quanh chân răng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.
Những dấu hiệu mọc răng khôn điển hình
Răng khôn khi mọc lệch hoặc mọc ngầm nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng. Do đó, việc nắm được những dấu hiệu mọc răng khôn tiêu biểu là rất cần thiết. Dưới đây là một số những biểu hiện mọc răng khôn thường gặp:3 4
1. Đau nhức quanh nướu răng
Khi răng khôn bắt đầu mọc lên, bạn có thể sẽ cảm thấy cảm giác đau nhức từ bên trong, đặc biệt là vùng phía sau răng cối lớn thứ hai (răng số 7). Cơn đau thường sẽ bắt đầu từ quanh vùng nướu vị trí mọc răng. Nếu có tình trạng răng mọc lệch, cơn đau sẽ lan dần qua các răng hàm kế cận và các vùng còn lại. Kích thước răng khôn càng lớn, thì cơn đau có thể càng dữ dội.
2. Sưng nướu
Sưng nướu là một trong những dấu hiệu mọc răng khôn phổ biến. Khi răng khôn mọc sẽ gây kích thích vùng nướu xơ hóa bên trên. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc cử động cơ miệng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống và hoạt động giao tiếp.
3. Sưng má
Khi răng khôn mọc đâm thẳng vào răng hàm kế cạnh hoặc có xảy ra tình trạng nhiễm trùng có thể gây sưng má.
4. Sốt
Tình trạng sốt nhẹ là do phản ứng viêm xảy ra khi răng khôn mọc. Bên cạnh đó, các cơn đau nhức do răng khôn gây ra cũng khiến cơ thể nóng hơn bình thường. Điều này gây ra tình trạng sốt, đôi khi còn xuất hiện hạch ở cổ. Tuy nhiên, sốt sẽ giảm sau 2-3 ngày nếu tình trạng viêm vùng răng khôn giảm.
5. Xuất hiện mủ
Đây là một triệu chứng mọc răng khôn báo hiệu tình trạng trầm trọng. Tình trạng này xảy ra khi xuất hiện áp xe ở răng khôn do thức ăn bị nhồi nhét, không được vệ sinh sạch sẽ, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm. Khi ấn vào nơi mọc răng khôn, nếu thấy xuất hiện mủ, có lẫn chút máu kèm theo cảm giác đau nhức, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ nha khoa để được điều trị kịp thời.
7. Gây chán ăn
Tình trạng này là do những cơn đau nhức, mệt mỏi do mọc răng khôn gây ra. Ngoài ra, việc mọc răng khôn khiến việc nhai trở nên khó khăn hơn. Khi thức ăn đụng vào phần nướu đang sưng sẽ gây đau buốt, khó chịu gây chán ăn.
Tình trạng mọc răng khôn có thể gây khó khăn trong việc ăn uống. Vậy nên và không nên ăn gì khi mọc răng khôn? Mời bạn tìm hiểu thêm về vấn đề này qua bài Mọc răng khôn nên ăn gì và lời giải đáp từ bác sĩ của YouMed nhé!
8. Hơi thở có mùi khó chịu
Khi răng khôn mọc không đúng cách sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Việc này khiến hơi thở có mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của con người.
Khi gặp phải một trong những triệu chứng mọc răng khôn được liệt kê ở trên, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa sớm nhất có thể để được hỗ trợ kịp thời, tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm về sau.
Phân biệt dấu hiệu mọc răng khôn với các tình trạng khác
Một số dấu hiệu mọc răng khôn thường gặp có thể bị nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh lý về răng khác. Vì vậy, mọi người cần phải nắm rõ cách phân biệt triệu chứng mọc răng khôn với các bệnh lý về răng miệng khác. Răng khôn mọc không liên tục và thời gian răng mọc lên còn tùy vào cơ địa của mỗi người. Do đó, các dấu hiệu mọc răng khôn bởi vậy cũng xuất hiện không cùng lúc.
Đau là một trong những triệu chứng mọc răng khôn thường gặp nhất. Khi mọc răng khôn, cơn đau sẽ thường ở vùng mọc răng và có thể lan sang các răng hàm kế cạnh. Nếu xuất hiện cơn đau ở vùng vòm họng hoặc đau toàn bộ hàm có thể do một số nguyên nhân khác như rối loạn khớp thái dương hàm.
Ngoài ra, nếu răng bạn trở nên nhạy cảm khi ăn thực phẩm lạnh hoặc ở những răng khác có tình trạng sưng nướu hoặc sâu răng, thì nguyên nhân đau có thể không phải do mọc răng khôn. Để chắc chắn những triệu chứng bạn gặp phải có phải do mọc răng khôn hay không, hãy đến gặp các bác sĩ nha khoa hoặc các chuyên gia y tế để được chẩn đoán chính xác hơn.
Mọc răng khôn khi nào đến gặp bác sĩ?
Không phải ai khi mọc răng khôn cũng cần phải đi khám bác sĩ. Nếu việc mọc răng khôn gây ra những cơn đau dữ dội hoặc có tình trạng viêm nhiễm, xuất hiện mủ, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng về sau. Khi đến gặp bác sĩ, bạn sẽ được chỉ định chụp X-ray để có thể nhìn thấy rõ vị trí của răng khôn. Việc chụp X-ray sẽ giúp bác sĩ trong việc có nên chỉ định nhổ răng khôn hay không.1
Qua bài viết này, hy vọng Bác sĩ Trương Mỹ Linh đã giúp bạn nắm rõ hơn các dấu hiệu mọc răng khôn thường gặp. Nếu bạn có triệu chứng mọc răng khôn, cần đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Overview: Wisdom tooth removalhttps://www.nhs.uk/conditions/wisdom-tooth-removal/
Ngày tham khảo: 20/01/2023
-
Wisdom Teethhttps://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/w/wisdom-teeth
Ngày tham khảo: 20/01/2023
-
Wisdom teethhttps://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/wisdom-teeth
Ngày tham khảo: 20/01/2023
-
How to Know If Your Wisdom Teeth Are Coming inhttps://www.healthline.com/health/wisdom-teeth-coming-in#signs-theyre-coming-in
Ngày tham khảo: 20/01/2023