YouMed

Răng khôn mọc lệch: Hiểu đúng và hiểu sai

Bác sĩ NGUYỄN THỊ THANH NGỌC
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Răng khôn mọc lệch là một trong những vấn đề thường gặp gây đau và khó chịu vùng khoang miệng. Chúng ta thường tìm đến bác sĩ với mong muốn nhổ bỏ chúng. Nhưng liệu có phải tất cả trường hợp đều cần phải nhổ bỏ? Hay việc nhổ răng này có gây nguy hiểm? Cùng đọc bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Ngọc để xem chúng ta đã hiểu hết về chiếc răng “tuy khôn mà dại” này của mình chưa nhé!

1. Răng khôn là gì? Vì sao răng khôn hay mọc lệch?

Răng khôn là cách gọi dân gian của răng cối lớn thứ ba, hay còn gọi là răng số 8. Đây là răng mọc sau cùng và ở trong cùng trên mỗi cung hàm. Vì chúng thường mọc vào thời điểm 18 đến 25 tuổi – là thời điểm đánh dấu sự trưởng thành của con người nên được đặt tên là “răng khôn”.

Cũng do thời điểm mọc răng khôn là vào độ tuổi khi xương hàm không còn tăng trưởng và xương đã trưởng thành có độ cứng cao, nên răng khôn thường bị lệch hay thậm chí mọc ngầm (tức là không thể mọc lên được, nằm hoàn toàn trong xương).

Xem thêm: Áp xe răng: Bệnh lý nha khoa bạn cần cẩn thận!

răng khôn

2. Răng khôn mọc lệch có ảnh hưởng gì không?

Có thể có, đa số các trường hợp răng khôn mọc lệch gây ra biến chứng sưng viêm vùng nướu bao phủ răng (viêm lợi trùm) hay gây sâu răng bên cạnh. Nguyên nhân chính là do việc vệ sinh không tốt và khó khăn trong vệ sinh, chủ yếu gây ra bởi vị trí và hướng mọc của răng.

Xem thêm: Viêm nướu và viêm nha chu: Bạn biết những gì?

Ngoài ra, răng khôn mọc lệch có thể gây cắn má làm tổn thương niêm mạc dẫn đến loét, đau nhức… cũng thường là lí do khiến chúng ta tìm đến với nha sĩ.

răng khôn

Hiếm hơn nhưng cũng có khả năng xảy ra, một số biến chứng khác của răng khôn mọc lệch đó là gây viêm nha chu (viêm nướu và tiêu xương ổ răng), tiêu chân răng kế cận… Hay trong một số trường hợp răng mọc ngầm trong xương có thể gây ra u/nang xương hàm…

Nhưng không có nghĩa là tất cả răng khôn mọc lệch đều gây biến chứng. Trong một số trường hợp, răng lệch ít và vệ sinh răng miệng tốt, hầu như chiếc răng khôn mọc lệch vẫn có thể “chung sống” hoà hợp với chúng ta.

3. Có phải tất cả các răng khôn đều phải nhổ bỏ? Và bằng cách nào?

Câu trả lời là không. Tuỳ vào độ lệch của răng cũng như là các cấu trúc liên quan mà bác sĩ quyết định có nhổ răng khôn lệch hay không và nhổ vào thời điểm nào, cũng như là chọn phương pháp nhổ: nhổ thường hay tiểu phẫu lấy răng.

Đa số các trường hợp răng khôn hàm trên mọc lệch có thể nhổ thường được. Ngược lại, các răng khôn hàm dưới mọc lệch thường khó nhổ hơn và cần thực hiện tiểu phẫu thuật nhổ răng.

Chúng ta thường đến với bác sĩ khi đã có một số biến chứng xảy ra như nhiễm trùng, sưng, đau… và thường được chỉ định nhổ răng vào lúc này. Tuy nhiên lời khuyên đưa ra là bất cứ khi nào có thể chúng ta nên đến nha sĩ để kiểm tra định kì xem liệu chiếc răng khôn của mình có nguy cơ gây ra biến chứng gì không và có cần nhổ bỏ chúng hay không trước khi quá muộn nhé.

4. Phẫu thuật nhổ răng khôn có phức tạp không? Nên thực hiện ở đâu?

Phẫu thuật nhổ răng khôn là một trong những thủ thuật phổ biến ở vùng khoang miệng, được xếp loại là tiểu phẫu. Với quy trình tương đối giản và ngày càng được phát triển, chỉ mất khoảng 15-30 phút thực hiện cho một chiếc răng.

Hiện nay có rất nhiều cơ sở nha khoa và bệnh viện với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao được trang bị đầy đủ vật tư thiết bị có thể thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên cũng tồn tại những cơ sở kém chất lượng bất chấp rủi ro vì lợi nhuận, do đó cần cân nhắc kỹ trước khi chọn lựa địa chỉ đủ tin cậy.

5. Phẫu thuật nhổ răng khôn có nguy hiểm không?

Một quan niệm sai lầm đó là phẫu thuật nhổ răng khôn sẽ làm yếu hàm răng. Trên thực tế, sau khi lấy bỏ răng ra, phần hốc xương trống sẽ được lấp đầy dần dần do đó làm tăng thể tích xương giúp xương thậm chí còn chắc khoẻ hơn.

Một số người sợ nhổ răng vì cho rằng việc đó sẽ gây nguy hiểm như làm tổn thương hay thậm chí đứt dây thần kinh. Song việc này rất hiếm khi xảy ra. Với nền y học hiện đại có đầy đủ các thiết bị chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ xác định được mối liên hệ của răng với các cấu trúc xung quanh như xoang hàm, dây thần kinh ổ răng hàm dưới… từ đó đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp: có nhổ răng hay không, nhổ bằng phương pháp nào… 

Phần mềm chẩn đoán mô phỏng chính xác tương quan giữa răng và dây thần kinh xương ổ răng hàm dưới
Ảnh minh hoạ: Phần mềm chẩn đoán mô phỏng chính xác tương quan giữa răng và dây thần kinh xương ổ răng hàm dưới

Do đó, việc tìm một cơ sở nha khoa cũng như bác sĩ có trình độ chuyên môn thích hợp để “chọn mặt gửi vàng” là điều vô cùng quan trọng.

6. Nên và không nên làm gì sau khi nhổ răng?

Nhổ răng là thủ thuật ít nhiều có tính xâm lấn, do đó không tránh khỏi những khó chịu sau nhổ như sưng, đau, khó há miệng… Nhưng cũng không nên quá lo lắng, đây chỉ là những phản ứng rất bình thường của cơ thể, chúng sẽ biến mất sau một vài ngày.

Những điều chúng ta nên làm đó là:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
  • Chườm lạnh vào ngày đầu, chườm ấm vào ngày tiếp theo để giúp giảm sưng đau.
  • Ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ để nhanh bình phục.
  • Uống thuốc đầy đủ theo toa được kê.
  • Quan trọng nhất là tuân thủ lời dặn của bác sĩ . Vì mỗi cá nhân là riêng biệt, không có một phác đồ điều trị nào là chung cho tất cả mọi người.

Bên cạnh đó, chúng ta không nên:

  • Khạc nhổ nhiều sau khi nhổ răng. Hành động này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu từ vết nhổ răng.
  • Việc rỉ một chút máu từ vết nhổ được coi là bình thường. Trong trường hợp rỉ máu kéo dài nhiều giờ (trên 3 giờ) hay chảy máu nhiều từ vết nhổ, cần liên lạc hoặc quay trở lại gặp bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời.
  • Tự ý mua thuốc ở tiệm thuốc uống mà không cần kê đơn hay hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Súc miệng quá nhiều lần hay sục rửa mạnh vào vết thương. Việc này sẽ gây mất cục máu đông trong vết thương dẫn tới nguy cơ chảy máu và chậm lành thương. Chỉ nên chải răng bằng bàn chải lông mềm và súc miệng nhẹ nhàng thôi nhé.

Như vậy, chiếc răng “tuy khôn mà dại” này thực chất không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ đúng không nào. Nếu bạn cũng đang gặp vấn đề hay lo lắng về chúng thì đừng chần chừ, hãy tìm ngay cho mình bác sĩ và cơ sở điều trị tin cậy để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Lê Đức Lánh (2016), ‘‘Phẫu thuật miệng tập 2: Phẫu thuật trong miệng”, Nhà xuất bản Y học, TP.HCM, tr.119-139.

  2. Dodson, T. B., & Susarla, S. M. (2010). Impacted wisdom teeth. BMJ clinical evidence, 2010.

  3. Bouloux, G. F., Steed, M. B., & Perciaccante, V. J. (2007). Complications of third molar surgery. Oral and Maxillofacial Surgery Clinics, 19(1), 117-128.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người