Những dấu hiệu ung thư thực quản mà bạn nên biết
Nội dung bài viết
Ung thư thực quản là một trong những loại ung thư ác tính thường gặp. Theo các thống kê, đây còn là một trong những loại ung thư gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Vậy làm sao để nhận biết được ung thư thực quản? Dấu hiệu ung thư thực quản là gì? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về căn bệnh này, cũng như những dấu hiệu ung thư thực quản. Giúp bạn nhận biết và nâng cao ý thức phòng bệnh từ sớm. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Ung thư thực quản là gì?
Để hiểu hơn về các dấu hiệu ung thư thực quản, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thực quản là gì và có bao nhiêu loại ung thư thực quản phổ biến hiện nay. Trước hết, thực quản là một ống cơ rỗng có nhiệm vụ di chuyển thức ăn từ họng đến dạ dày. Nó nằm phía sau khí quản và phía trước các xương cột sống.
Ung thư thực quản có thể xảy ra khi một khối u ác tính hình thành ở niêm mạc của thực quản. Khi khối u phát triển, nó có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ thực quản. Thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận nó. Hiện nay có 2 loại ung thư thực quản phổ biến:
Ung thư biểu mô tế bào vảy
Bình thường thực quản được lót bên trong bởi lớp tế bào dẹt, mỏng, được gọi là tế bảo vảy. Ung thư biểu mô tế bào vảy xảy ra khi ung thư bắt đầu ở các tế bào vảy này. Dạng ung thư này thường xuất hiện ở đầu hoặc giữa thực quản. Tuy nhiên nó có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của thực quản.
Ung thư biểu mô tuyến
Tế bào tuyến ít khi có ở thực quản. Tuy nhiên, ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản kéo dài, sẽ dẫn đến các tế bảo vảy ở phần dưới thực quản chỗ tiếp nối với dạ dày chuyển đổi thành tế bào tuyến. Loại tế bào này gần giống như tế bào lớp lót dạ dày, giúp chống lại acid dạ dày. Ung thư biểu mô tuyến xảy ra khi ung thư bắt đầu ở các tế bào tuyến. Dạng này thường gặp nhất ở phần dưới của thực quản.
Xem thêm: Viêm họng do trào ngược : Có nguy hiểm không?
Nguyên nhân ung thư thực quản
Với hầu hết các bệnh ung thư, nguyên nhân của ung thư thực quản vẫn chưa được biết rõ ràng. Nó được cho là có liên quan đến các bất thường (đột biến) DNA của các tế bào thực quản. Những đột biến này làm cho các tế bào nhân lên nhanh chóng hơn bình thường.
Những đột biến này cũng có thể làm ức chế tín hiệu cho các tế bào thực quản chết khi đến thời điểm nào đó. Hậu quả là các tế bào tích dần và trở thành khối u.
Các chuyên gia cho rằng sự kích thích của các tế bào thực quản góp phần vào sự phát triển của ung thư. Một số thói quen và tình trạng có thể gây tác động vào thực quản bao gồm:
- Uống nhiều rượu bia.
- Hút thuốc lá.
- Bệnh GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản).
- Barrett thực quản. Đây là một tình trạng gây ra bởi lớp niêm mạc thực quản bị tổn thương do GERD.
- Thừa cân.
- Ăn ít trái cây và rau quả.
- Rối loạn co thắt tâm vị.
Nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn với những đối tượng sau:
- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp 3 lần phụ nữ.
- Ung thư thực quản phổ biến ở người Mỹ gốc Phi hơn các dân tộc khác.
- Tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu bạn trên 45 tuổi, nguy cơ mắc ung thư thực quản có thể cao hơn.
Dấu hiệu ung thư thực quản
Các dấu hiệu ung thư thực quản phổ biến
Trong giai đoạn sớm, dấu hiệu của ung thư thực quản khá mờ nhạt. Rất hiếm khi những người không có triệu chứng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư này. Nếu có, nó thường được phát hiện tình cờ khi tiến hành xét nghiệm các vấn đề sức khỏe khác. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất là:
Khó nuốt
Đây là một trong những dấu hiệu ung thư thực quản phổ biến nhất. Bạn có thể cảm thấy như thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực, và thậm chí có thể gây mắc nghẹn thức ăn. Tình trạng này thường nhẹ khi mới bắt đầu, sau đó trở nên tồi tệ hơn theo thời gian khi ung thư phát triển và lỗ ống thực quản nhỏ lại.
Khi việc nuốt trở nên khó hơn, mọi người thường thay đổi chế độ ăn uống và thói quen ăn uống mà không nhận ra. Đối tượng sẽ cắn miếng nhỏ hơn và nhai thức ăn cẩn thận và chậm rãi hơn. Khi ung thư phát triển lớn hơn, đối tượng có thể bắt đầu ăn thức ăn mềm hơn để có thể đi qua thực quản dễ dàng. Các sản phẩm từ bánh mỳ hay thịt thường hạn chế ăn vì nó dễ bị kẹt ở thực quản.
Vấn đề nuốt thậm chí có thể trở nên xấu đến mức mà ở một số người, họ sẽ ngừng ăn hoàn toàn thức ăn rắn và chuyển sang chế độ ăn lỏng. Nếu ung thư tiếp tục phát triển, một lúc nào đó, ngay cả chất lỏng cũng có thể khó nuốt.
Để giúp đưa thức ăn qua thực quản, cơ thể tạo ra nhiều nước bọt hơn. Khi được thăm khám, một số bệnh nhân nói rằng cổ họng của họ tiết nhiều dịch nhầy hoặc nước bọt hơn.
Sụt cân
Nhiều người mắc ung thư thực quản thường bị giảm cân không chủ ý. Tình trạng này có thể do việc nuốt khó làm cho họ kén ăn, ăn không đủ dinh dưỡng. Hoặc có thể do ung thư làm giảm thèm ăn và tăng trao đổi chất trong cơ thể.
Các dấu hiệu ung thư thực quản khác
- Đau ngực, hoặc đau bụng nếu ung thư nằm thấp ở phần dưới thực quản.
- Khàn tiếng.
- Ho kéo dài.
- Nôn mửa.
- Chảy máu vào thực quản: Có thể biểu hiện tình trạng nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen. Theo thời gian, lượng máu mất đi này có thể dẫn đến thiếu máu, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
Điều quan trọng bạn cần biết là có một hoặc nhiều triệu chứng kể trên không có nghĩa là bạn bị ung thư thực quản. Trên thực tế, nhiều triệu chứng trong số kể trên có nhiều khả năng là do các bệnh lý khác gây ra. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ có dấu hiệu ung thư nào kể trên, đặc biệt là tình trạng khó nuốt. Bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân, cũng như tiến hành điều trị nếu cần.
Cách chẩn đoán ung thư thực quản
Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư
Nhận biết được các dấu hiệu ung thư thực quản có thể giúp chúng ta đến cơ sở y tế để được tầm soát và chẩn đoán sớm. Sau khi thăm khám, các bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh như sau:
- Chụp X quang thực quản uống Baryt: Trong xét nghiệm này, bạn sẽ nuốt một dung dịch được gọi là baryt. Dung dịch này sẽ phủ bên trong lòng thực quản. Sau đó, bạn sẽ được chụp X-quang, và mặt trong thực quản sẽ hiện rõ nhờ lớp Baryt.
- Nội soi thực quản.
- Sinh thiết (lấy mẫu mô ở vùng ung thư): Thủ thuật này thường được làm khi nội soi thực quản.
Xác định mức độ ung thư
Sau khi chẩn đoán ung thư thực quản được xác nhận, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung để xác định xem ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc đến các khu vực khác trên cơ thể bạn hay chưa.
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Nội soi phế quản.
- Siêu âm nội soi (EUS).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (CT-PET).
Xem thêm: Cấu tạo và chức năng của phế quản
Bác sĩ sẽ sử dụng thông tin từ các xét nghiệm này để chẩn đoán giai đoạn ung thư thực quản. Tùy vào giai đoạn của bệnh sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp.
Hi vọng bài viết này của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về ung thư thực quản, cũng như những dấu hiệu ung thư thực quản. Giúp bạn nhận biết và nâng cao ý thức phòng bệnh từ sớm. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ và làm bạn lo lắng, hãy đến các cơ sở y tế để được tầm soát ung thư sớm nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Esophageal Cancer Treatment (Adult) (PDQ®)–Patient Versionhttps://www.cancer.gov/types/esophageal/patient/esophageal-treatment-pdq
Ngày tham khảo: 18/09/2021
-
Signs and Symptoms of Esophageal Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/esophagus-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-and-symptoms.html
Ngày tham khảo: 18/09/2021
-
Esophageal cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophageal-cancer/symptoms-causes/syc-20356084
Ngày tham khảo: 18/09/2021