YouMed

Dị dạng động tĩnh mạch: Một căn bệnh nguy hiểm!

Bác sĩ LỮ THỊ HỒNG VÂN
Tác giả: Bác sĩ Lữ Thị Hồng Vân
Chuyên khoa: Lão khoa, Tim mạch

Dị dạng động tĩnh mạch có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng dị dạng động tĩnh mạch ở não và cột sống khi xuất huyết sẽ gây nguy cơ thật sự. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của Bác sĩ Lữ Thị Hồng Vân nhé!

Dị dạng động tĩnh mạch được hiểu như thế nào?

Trong cơ thể người có 3 loại mạch máu:

  • Động mạch: đưa máu giàu oxy chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, áp lực của động mạch rất lớn.
  • Tĩnh mạch: đem máu chứa ít oxy, giàu CO2 về tim và phổi để trao đổi oxy, áp lực của tĩnh mạch thấp hơn nhiều so với động mạch.
  • Mao mạch: là những mạch máu rất nhỏ len lỏi vào giữa các mô để thực hiện trao đổi chất, liên kết giữa động mạch và tĩnh mạch.

Quá trình trao đổi như sau: Động mạch đưa máu giàu oxy đến các cơ quan. Tại đây, máu được chảy vào các mao mạch nhỏ dần dần chuyển từ máu giàu oxy thành máu ít oxy và đổ vào tĩnh mạch.

dị dạng động tĩnh mạch

Về dị dạng động tĩnh mạch. Trong quá trình trao đổi này, máu không đi qua các mao mạch nhỏ mà nó đi trực tiếp từ động mạch về tĩnh mạch. Dị dạng động tĩnh mạch có thể xuất hiện ở bất kì đâu trong cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở não và tuỷ sống.

Tại sao dị dạng động tĩnh mạch lại nguy hiểm?

Như đã nói trên, áp lực của tĩnh mạch thấp hơn nhiều so với động mạch. Bình thường, động mạch nối với tĩnh mạch qua mao mạch nên áp lực cao của động mạch được giảm dần từ từ phù hợp với áp lực thấp trong tĩnh mạch.

Tuy nhiên đối với trường hợp dị dạng động tĩnh mạch. Động mạch được nối trực tiếp với tĩnh mạch không qua mao mạch. Hệ luỵ dẫn đến của dị dạng động tĩnh mạch là áp lực trong tĩnh mạch rất cao. Tuy nhiên, cấu trúc của tĩnh mạch không phù hợp với áp lực cao nên nó có thể vỡ bất cứ lúc nào gây xuất huyết, nguy cơ xuất huyết khoảng 2 – 4%/ năm. Thêm vào đó, vùng mô ở giữa động tĩnh mạch nói trên không có mao mạch để trao đổi chất, nên các mô đó có thể bị teo nhỏ hoặc chết đi.

Các triệu chứng của dị dạng động tĩnh mạch

1. Các triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng của dị dạng động tĩnh mạch khác nhau tùy thuộc vào vị trí của nó. Thông thường các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau khi xảy ra chảy máu, bao gồm:

  • Xuất huyết.
  • Mất dần chức năng thần kinh.
  • Nhức đầu.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Co giật.
  • Mất ý thức.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng khác

  • Yếu cơ.
  • Liệt 1 phần cơ thể.
  • Mất phối hợp (mất điều hòa) (ataxia) có thể gây ra vấn đề với dáng đi.
  • Mất phối hợp động tác (apraxia).
  • Yếu ở chi dưới.
  • Đau lưng.
  • Chóng mặt.
  • Các vấn đề về thị lực, bao gồm mất một phần thị trường, mất kiểm soát chuyển động của mắt hoặc phù nề một phần của dây thần kinh thị giác.
  • Các vấn đề như nói khó hoặc hiểu ngôn ngữ (aphasia).
  • Cảm giác bất thường bao gồm tê, ngứa ran hoặc đau đột ngột.
  • Mất trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ.
  • Ảo giác.
  • Lú lẫn, giảm tri giác.

Trẻ em và thiếu niên có thể gặp rắc rối với học tập hoặc hành vi.

Việc chúng ta sợ xảy ra nhất đối với dị dạng động – tĩnh mạch là vỡ mạch máu gây xuất huyết đột ngột trong não. Việc xuất huyết ồ ạt khó cầm có thể dẫn đến chết nhanh chóng nếu không được cầm máu. Tuy nhiên, máu nếu được cầm thì trong khoảng thời gian đó. Một phần tế bào não cũng có thể bị tổn thương. Việc này có thể ảnh hưởng đến chức năng sống của con người, thậm chí tàn tật suốt đời.

3. Khiếm khuyết tĩnh mạch của Galen

Một loại dị dạng động tĩnh mạch não nghiêm trọng được gọi là khiếm khuyết tĩnh mạch (TM) của Galen. Gây ra các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện sớm hoặc ngay sau khi sinh. Khiếm khuyết TM của Galen nằm sâu bên trong não. Các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Tích tụ dịch bên trong não (não úng thuỷ) làm cho đầu phình to.
  • Các tĩnh mạch bị sưng trên da đầu.
  • Co giật.
  • Phát triển kém.
  • Suy tim sung huyết.

Dị dạng động tĩnh mạch như thế nào là nguy hiểm nhất?

Dị dạng động – tĩnh mạch ở bất cứ vị trí nào đều nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu dị dạng động – tĩnh mạch có các đặc điểm sau thì nguy cơ xuất huyết cao hơn.

Về vị trí:

  • Quanh não thất.
  • Hạch nền.
  • Đồi thị.

Động mạch: các động mạch có cuống.

Tĩnh mạch:

  • Dẫn lưu tĩnh mạch trung tâm.
  • Tắc dòng ra tĩnh mạch.
  • Giãn tĩnh mạch.

Nguyên nhân gây nên dị dạng động tĩnh mạch

Dị dạng động tĩnh mạch do sự phát triển bất thường của các mạch máu kết nối động mạch và tĩnh mạch. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn không hiểu tại sao điều này lại xảy ra. Một số thay đổi trong bộ gen của chúng ta có thể đóng vai trò. Nhưng việc thay đổi này không được di truyền lại cho đời sau.Rất hiếm trường hợp, gia đình có tiền sử bị dị dạng động – tĩnh mạch.

Một số điều kiện di truyền có thể làm tăng nguy cơ dị dạng động – tĩnh mạch. Chúng bao gồm giãn mao mạch xuất huyết di truyền (HHT), còn được gọi là hội chứng Osler-Weber-Rendu.

Chẩn đoán dị dạng động tĩnh mạch như thế nào?

Đa phần các trường hợp dị dạng động tĩnh mạch được phát hiện khi đã có biến chứng xuất huyết gây ảnh hưởng đến chức năng sống. Ngoài ra, các trường hợp được phát hiện trong hoàn cảnh tình cờ.

Dị dạng động tĩnh mạch là tình trạng máu từ nơi có áp lực cao về áp lực thấp nên thông thường sẽ tạo ra một âm thổi. Vì thế, nếu vị trí dị dạng nằm ở nơi có thể đặt ống nghe. Bác sĩ có thể nghe được âm thổi này và liên tưởng đến dị dạng động tĩnh mạch và chỉ định các cận lâm sàng để kiểm tra.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định là:

1. CT-Scan

Chụp cắt lớp vi tính có cản quang (CT): sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của đầu, não hoặc tủy sống. Hình ảnh gợi ý dị dạng động – tĩnh mạch là: xuất huyết, đóng vôi (25 – 30%), bắt quang.

2. Chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để hiển thị hình ảnh chi tiết của các mô. MRI có thể thu nhận những thay đổi nhỏ trong các mô này. Hình ảnh gợi ý: tín hiệu dòng chảy trống, tăng sinh thần kinh đệm, xuất huyết.

MRI

Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA): ghi lại mô hình, tốc độ và khoảng cách của dòng máu thông qua các bất thường mạch máu.

3. DSA

Chụp mạch máu xoá nền (DSA): xét nghiệm này sử dụng một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là chất cản quang được tiêm vào động mạch. Thuốc nhuộm làm nổi bật cấu trúc của các mạch máu để hiển thị chúng tốt hơn trên tia X. Đây là phương pháp hình ảnh tốt nhất cho thấy rõ hình ảnh thông nối động – tĩnh mạch và vị trí của chúng.

mạch não đồ DSA

Dị dạng động tĩnh mạch được điều trị như thế nào?

Dị dạng động tĩnh mạch được điều trị phụ thuộc vào thời điểm được chẩn đoán, kích thước và vị trí của dị dạng. Với các dị dạng động tĩnh mạch não không triệu chứng. Bệnh nhân nên được theo dõi các biểu hiện động kinh, đau đầu,  bởi một bác sĩ thần kinh. Trong trường hợp này, chúng ta có thể dùng thuốc để khống chế các triệu chứng do bệnh gây ra.

Điều trị chủ yếu cho dị dạng động  tĩnh mạch là phẫu thuật. Phẫu thuật được khuyến nghị nếu bạn có nguy cơ chảy máu cao. Phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn AVM. Phương pháp điều trị này thường được sử dụng khi dị dạng động  tĩnh mạch nhỏ và nằm trong khu vực mà các phẫu thuật viên có thể loại bỏ dị dạng động  tĩnh mạch mà ít có nguy cơ gây tổn thương đáng kể cho các mô não.

Can thiệp nội mạch là một loại phẫu thuật trong đó bác sĩ phẫu thuật luồn ống thông qua các động mạch đến dị dạng động tĩnh mạch. Sau đó, một chất được tiêm để tạo cục máu đông nhân tạo ở giữa dị dạng động tĩnh mạch để tạm thời giảm lưu lượng máu. Điều này cũng có thể được thực hiện trước một loại phẫu thuật khác để giúp giảm nguy cơ biến chứng.

Xạ trị lập thể đôi khi cũng được sử dụng. Thủ thuật này thường được thực hiện trên các dị dạng động  tĩnh mạch nhỏ chưa bị vỡ. Phương pháp này sử dụng các chùm bức xạ cường độ cao, tập trung để phá vỡ các mạch máu và ngăn chặn việc cung cấp máu cho dị dạng động tĩnh mạch.

Quyết định điều trị dị dạng động tĩnh mạch hay không là quyết định mà bạn và bác sĩ sẽ thảo luận cẩn thận cùng nhau, cân nhắc lợi ích và rủi ro

Những thói quen sinh hoạt giúp quản lý dị tật động tĩnh mạch não

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với dị tật động tĩnh mạch não dị dạng động tĩnh mạch:

  • Tìm hiểu đầy đủ về dị tật động tĩnh mạch não để đưa ra quyết định sáng suốt về việc chăm sóc. Hãy hỏi bác sĩ về kích thước và vị trí của dị tật để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Khi tìm hiểu thêm về các dị tật động tĩnh mạch não. Bạn có thể tự tin hơn trong việc ra quyết định điều trị.
  • Tìm ai đó để nói chuyện. Tìm một người lắng nghe giỏi, người sẵn sàng nghe bạn nói về hy vọng và nỗi sợ của bạn. Người này có thể là bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Dị dạng động tĩnh mạch có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể. Tuy nhiên nguy hiểm và được quan tâm nhiều nhất là dị dạng mạch máu não vì nó có thể gây chảy máu não, tàn tật, tử vong. Điều trị tùy thuộc vào vị trí và kích thước ổ dị dạng, mỗi phương pháp điều trị có những ưu và nhược điểm riêng. Trong đó xạ phẫu là phương pháp hiện nay ngày càng được chỉ định nhiều trong điều trị dị dạng động tĩnh mạch vì tính an toàn và hiệu quả cao.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Arteriovenous malformationhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arteriovenous-malformation/symptoms-causes/syc-20350544

    Ngày tham khảo: 03/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người