Đi tiêu không tự chủ: Chuyện khó nói!
Nội dung bài viết
Đi tiêu không tự chủ là một vấn đề sức khỏe khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Chúng gây ra khá nhiều xáo trộn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, vì nhiều lí do mà chúng ta thường che giấu không muốn người khác biết về tình trạng của mình. Hi vọng qua bài viết ngày hôm nay, các bạn sẽ có thể tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của mình!
1. Đi tiêu không tự chủ là gì?
Đi tiêu không tự chủ là thuật ngữ được sử dụng khi một người không thể kiểm soát quá trình đại tiện của mình. Điều này dẫn tới hậu quả là phân/chất thải bị rò rỉ ra khỏi trực tràng ở những thời điểm không mong muốn. Một số tình huống thường gặp là:
- Phân bị rỉ ra ngoài khi xì hơi.
- Phân bị rỉ ra ngoài do các hoạt động thể chất/hoạt động sinh hoạt gắng sức hàng ngày.
- Người bệnh cảm thấy cần phải đại tiện nhưng không thể kiềm được tới khi đến được nhà vệ sinh.
- Có phân dính ở mặt trong đồ lót sau khi đi tiêu bình thường.
- Hoàn toàn mất cảm giác và không kiểm soát được quá trình đại tiện.
Đi tiêu không tự chủ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh, chẳng hạn như:
- Khó chịu hoặc kích ứng da xung quanh hậu môn.
- Đau khổ, sợ hãi, bối rối, cô lập xã hội, tức giận hoặc trầm cảm.
- Làm giảm chất lượng cuộc sống (không thể tập thể dục, làm việc, đi học hoặc đi họp mặt xã hội… một cách thoải mái).
>> Xem thêm: Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
2. Tại sao người bệnh lại bị đi tiêu không tự chủ?
Quá trình đi tiêu bình thường phụ thuộc vào sự phối hợp của các yếu tố như:
- Các cơ vùng chậu
- Các cơ thắt hậu môn
- Trực tràng (phần cuối cùng của ruột già)
- Hệ thần kinh
Tổn thương ở bất kỳ yếu tố nào kể trên cũng có thể dẫn tới việc đi tiêu không tự chủ.
3. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đi tiêu không tự chủ?
Các nguyên nhân thường thấy bao gồm:
- Tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên. Những tình trạng này làm cho các cơ ở trực tràng và hậu môn bị suy yếu. Hậu quả là khả năng giữ phân trong cơ thể cũng yếu đi.
- Bệnh trĩ. Các búi trĩ ngoại chèn vào làm cho các cơ thắt ở hậu môn không thể đóng kín hoàn toàn, dẫn tới rò rì phân và chất thải ra ngoài thông qua các kẽ hở.
- Tổn thương các cơ thắt cũng sẽ khiến cho hậu môn không thể đóng kín. Chúng là hậu quả của một quá trình sinh nở qua đường âm đạo khó khăn hay một phẫu thuật vùng hậu môn-trực tràng (chẳng hạn như phẫu thuật cắt trĩ, điều trị lỗ rò,…)
- Tổn thương thần kinh. Các dây thần kinh điều hòa hoạt động co thắt của trực tràng và cơ hậu môn, các dây thần kinh cảm giác ở trực tràng khi bị tổn thương đều có thể dẫn tới đi tiêu không tự chủ. Nguyên nhân thường thấy là tình trạng táo bón kéo dài, chấn thương não hoặc tủy sống, sau phẫu thuật hậu môn – trực tràng và một số bệnh lý của hệ thần kinh như tiểu đường, đột quỵ,…
- Trực tràng mất khả năng co dãn. Khi trực tràng bị sẹo hoặc viêm (xảy ra sau phẫu thuật, xạ trị vùng chậu hay các bệnh lý tại chỗ), nó sẽ trở nên cứng và không thể căng ra nhiều để giữ phân.
- Các nguyên nhân khác: Lạm dụng thuốc nhuận tràng, điều trị với tia xạ, một số khiếm khuyết thần kinh bẩm sinh,… đều có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát phân.
>> Xem thêm: Bệnh Ung thư trực tràng: cần chuẩn bị gì trước khi khám bệnh?
4. Đối tượng nào có nhiều nguy cơ gặp phải triệu chứng này?
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải triệu chứng đi tiêu không tự chủ, bao gồm:
- Tuổi trên 65. Mặc dù đi tiêu không tự chủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi.
- Giới tính nữ. Tình trạng này có thể là một biến chứng của việc sinh nở. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cũng phát hiện ra rằng sử dụng liệu pháp thay thế hooc-môn sau khi mãn kinh sẽ làm tăng thêm nguy cơ dẫn tới đi tiêu không tự chủ.
- Bệnh tiểu đường lâu năm hoặc bệnh đa xơ cứng.
- Sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer giai đoạn cuối.
- Chấn thương. Một chấn thương làm tổn thương thần kinh vùng hậu môn – trực tràng có thể dẫn đến đi tiêu không tự chủ.
5. Quy trình chẩn đoán ra sao?
Tình trạng này thường được đánh giá bởi một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng. Họ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi chi tiết về tình trạng hiện tại, và sau đó thực hiện thăm khám toàn diện (tập trung nhiều vào vùng hậu môn – trực tràng) trước khi đưa ra một số xét nghiệm cần thiết để có được chẩn đoán. Chúng bao gồm:
- Đo trương lực hậu môn.
- Siêu âm hậu môn qua nội soi – giúp đánh giá hình dạng và cấu trúc của cơ thắt hậu môn cũng như các mô xung quanh.
- Điện cơ hậu môn (EMG) – giúp xác định các nguyên nhân có nguồn gốc từ tổn thương thần kinh.
- Nội soi đại tràng- dùng để kiểm tra đoạn cuối của ruột già, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường (chẳng hạn như viêm, u hoặc mô sẹo…).
- Chiếu Xquang khi đại tiện – Để thực hiện xét nghiệm này, trước tiên một lượng nhỏ bari lỏng được đưa vào lòng đại tràng và trực tràng thông qua một ống bơm. Sau đó, một video X-quang khi đại tiện sẽ được ghi lại để đánh giá hoạt động của trực tràng (chứa phân, giữ phân và giải phóng phân như thế nào).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Lưu ý: Hãy đóng một vai trò tích cực trong việc chẩn đoán bằng cách nói chuyện cởi mở và trung thực! Đừng cảm thấy quá xấu hổ khi đề cập đến vấn đề mà bạn đang gặp phải. Đây không phải một tình trạng quá hiếm gặp. Hơn nữa, càng nhiều chi tiết bạn đưa ra về tình trạng hiện tại, bác sĩ càng có thể giúp bạn tốt hơn.
6. Điều trị không phẫu thuật
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể sẽ đề nghị một hoặc nhiều phương pháp điều trị bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống. Mục tiêu của việc này là tránh các thực phẩm có thể gây ra phân lỏng, bao gồm: caffeine, rượu, một số loại nước ép trái cây, các sản phẩm từ sữa, mận, đậu, bắp cải,… Đồng thời tăng cường sử dụng một số thực phẩm khác giúp làm dày phân như chuối, bơ đậu phộng, khoai tây và phô mai…
- Ghi lại nhật ký ăn uống có thể giúp bạn tránh các món ăn làm tệ hơn tình trạng hiện tại
- Luyện tập thói quen đi tiêu có giờ giấc. Thói quen đi tiêu có giờ giác sẽ giúp việc kiểm soát phân dễ dàng hơn.
- Điều trị bằng thuốc kê đơn và không kê đơn.
- Bảo vệ da. Rò rỉ phân dễ dẫn đến kích ứng da ở hậu môn. Do đó các loại kem dưỡng ẩm (tương tự như những loại dùng để trị hâm cho bé) được sử dụng để bảo vệ da. Khi cần thiết, tã người lớn cũng là một lựa chọn tốt.
- Kích thích thần kinh cùng. Phương pháp sử dụng một thiết bị nhỏ cấy vào dưới da vùng mông trên. Thiết bị này sẽ gửi các xung điện nhẹ thông qua một dây dẫn đến thần kinh cùng (chịu trách nhiệm cho hoạt động của bàng quang, cơ thắt và cơ sàn chậu), khiến chúng hoạt động một cách bình thường. Các xung điện không gây đau và bạn có thể bật hoặc tắt kích thích điện bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý: Không được tự ý sử dụng thuốc mà không báo trước với bác sĩ!
7. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật là một lựa chọn khi triệu chứng không cải thiện với các phương pháp điều trị khác, hoặc khi nguyên nhân là do chấn thương. Các phương pháp có thể được lựa chọn là:
- Phẫu thuật tạo hình cơ vòng là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Mục đích là sửa chữa lại phần cơ thắt hậu môn bị rách do sinh con hoặc các chấn thương khác.
- Cấy ghép cơ thắt hậu môn nhân tạo. Chúng được thiết kế để bắt chước các cơ hậu môn bình thường. Tuy nhiên, phẫu thuật này không phải là một điều trị phổ biến vì nó có thể gây ra tác dụng phụ.
- Làm hậu môn nhân tạo. Loại phẫu thuật trong đó đại tràng được đưa ra ngoài bằng một lỗ trên thành bụng, và phân được thải ra thông qua một chiếc túi. Đây có thể được xem như phương sách cuối cùng để điều trị tình trạng trên. Tuy nhiên, chúng hiếm khi được sử dụng do ảnh hưởng rất lớn chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Các phẫu thuật khác. dùng để điều trị các nguyên nhân gây ra triệu chứng đi tiêu không tự chủ, chẳng hạn như bệnh trĩ, sa trực tràng,…
8. Tôi có thể làm gì để giải quyết sự khó chịu ở hậu môn?
Không tự chủ được phân có thể gây khó chịu hậu môn như kích thích, đau hoặc ngứa. Bạn có thể giúp giảm đau hậu môn bằng cách
- Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi đi tiêu.
- Thường xuyên thay đồ lót sạch.
- Sử dụng miếng lót thấm hút hoặc đồ lót dùng một lần.
- Giữ cho vùng hậu môn luôn khô thoáng. Có thể dùng thêm kem chống ẩm (nếu cảm thấy hiệu quả).
- Mặc quần áo và đồ lót thông thoáng.
9. Làm thế nào để sống chung với tình trạng này?
Một số mẹo vặt sau đây có thể giúp bạn đối phó với tình trạng phiền phức của mình, chẳng hạn như:
- Sử dụng nhà vệ sinh trước khi rời khỏi nhà.
- Mang theo một túi với những đồ đạc cần thiết mỗi khi ra ngoài.
- Luôn chú ý tìm vị trí các nhà vệ sinh công cộng, ngay cả khi chưa có nhu cầu.
- Sử dụng đồ lót dùng một lần.
- Uống các loại thuốc ngăn ngừa tiêu chảy trước khi ăn ở bên ngoài.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng:
- Không có gì phải xấu hổ, nó chỉ đơn giản là một vấn đề y tế.
- Không phải luôn luôn là một phần bình thường của lão hóa.
- Thông thường sẽ không tự biến mất, hầu hết mọi người đều cần được điều trị.
Không có gì phải xấu hổ khi mắc phải tình trạng đi tiêu không tự chủ. Đây chỉ đơn giản là một vấn đề y tế, có thể gây ra bởi sự lão hóa hay nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, chúng thường sẽ không tự biến mất mà hầu hết đều cần được điều trị. Đừng ngại ngùng, hãy tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất. Các bác sĩ cũng có thể hướng dẫn cho bạn một số mẹo vặt để giảm bớt sự phiền phức nữa đấy!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bowel control problem (fecal incontinence)https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/bowel-control-problems-fecal-incontinence/treatment
Ngày tham khảo: 03/03/2020
-
Fecal (bowel) incontinencehttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14574-fecal-bowel-incontinence/management-and-treatment
Ngày tham khảo: 03/03/2020