YouMed

Những điều cần biết về dị ứng nấm mốc

Bác sĩ LÊ NGÂN CẨM GIANG
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngân Cẩm Giang
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Dị ứng là một tình trạng khá phổ biến hiện nay. Nấm mốc là một dị nguyên gây dị ứng thường gặp. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng như hắc hơi, chảy nước mũi, viêm xoang, hen suyễnTrong bài viết này, YouMed sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin về dị ứng nấm mốc. 

1. Dị ứng nấm mốc là gì?

1.1. Định nghĩa

Nấm mốc có thể mọc khắp mọi nơi
Nấm mốc có thể mọc khắp mọi nơi

Nấm mốc là một loại nấm phát triển trong môi trường ẩm ướt. Các bào tử nấm phát tán trong không khí. Trong thời tiết khô, có gió hoặc sương mù, môi trường có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi

Trong suốt giai đoạn phát triển, nấm mốc sẽ ít gây ra các triệu chứng dị ứng, trừ khi bạn tiếp xúc có chủ ý. Vào những ngày trời khô, nhiều gió, nó sẽ chuyển về trạng thái “ngủ”. Lúc đó các bào tử nấm được phát tán vào không khí. Con người sẽ hít phải các bào tử nấm này và gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Các triệu chứng dị ứng từ bào tử nấm phổ biến nhất từ ​​tháng 7 đến đầu mùa thu. Nấm mọc ở nhiều nơi, cả trong nhà, ngoài trời, vì vậy phản ứng dị ứng có thể xảy ra quanh năm.

1.2. Cơ thể phản ứng dị nguyên như thế nào?

Giống như bất kỳ dị ứng nào, các triệu chứng dị ứng với nấm mốc được kích hoạt bởi phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khi hít phải bào tử nấm mốc, cơ thể hình thành kháng thể để chống lại dị nguyên. Sau khi ngưng tiếp xúc, cơ thể vẫn tạo ra các kháng thể “ghi nhớ”. Trong lần tiếp xúc sau với nấm mốc, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Có nhiều loại nấm mốc, nhưng chỉ một số loại gây dị ứng. Dị ứng với một loại nấm mốc không có nghĩa sẽ bị dị ứng với loại khác. Có khoảng 36 loại nấm mốc có thể gây ra phản ứng dị ứng ở đường hô hấp. Một số loại nấm mốc phổ biến nhất gây dị ứng bao gồm alternaria, aspergillus, cladosporium và penicillium.

1.3. Yếu tố nguy cơ gây dị ứng

Hít phải bào tử nấm mốc trong không khí
Hít phải bào tử nấm mốc trong không khí
  • Có tiền sử gia đình bị dị ứng: Tiền căn gia đình dị ứng nấm mốc, bạn có nhiều khả năng bị dị ứng. 
  • Làm việc trong một nghề nghiệp khiến bạn thường xuyên tiếp xúc với nấm mốc: Nghề nghiệp bao gồm nông nghiệp, khai thác gỗ, làm bánh, làm đồ mộc, sửa chữa đồ nội thất…
  • Sống trong một ngôi nhà có độ ẩm cao: Nếu độ ẩm trong nhà của bạn cao hơn 50% sẽ tăng phơi nhiễm với nấm mốc trong nhà.
  • Làm việc hoặc sống trong một tòa nhà có độ ẩm quá mức: Các ví dụ bao gồm đường ống bị rò rỉ, thấm nước trong mưa bão và thiệt hại do lũ lụt. Tại một số điểm, gần như mọi tòa nhà đều có độ ẩm quá mức. Độ ẩm này có thể khiến nấm mốc phát triển.
  • Sống trong một ngôi nhà có thông gió kém: Đóng kín cửa sổ, cửa ra vào làm tăng độ ẩm trong nhà, ngăn cản thông gió. Điều đó tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nấm mốc. Khu vực ẩm ướt – như phòng tắm, nhà bếp và tầng hầm – dễ bị tổn thương nhất.
 

2. Triệu chứng dị ứng nấm mốc

Dị ứng với nấm mốc gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự trong các loại dị ứng đường hô hấp trên. Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng nấm mốc có thể bao gồm:

  • Hắt hơi
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Ho
  • Ngứa mắt, mũi và cổ họng
  • Chảy nước mắt
  • Da khô, bong vảy
 

Các triệu chứng dị ứng với nấm mốc khác nhau ở mỗi người từ nhẹ đến nặng. Nấm mốc bên ngoài trời có thể gây ra các triệu chứng dị ứng vào mùa hè và mùa thu (hoặc quanh năm ở một số vùng khí hậu). Còn nấm mốc bên trong nhà có thể gây ra các triệu chứng dị ứng quanh năm

Nếu có tiền sử hen suyễn, các triệu chứng hen suyễn có thể được kích hoạt do tiếp xúc với bào tử nấm mốc.

Hắt hơi là triệu chứng thường gặp trong dị ứng nấm mốc
Hắt hơi là triệu chứng thường gặp trong dị ứng nấm mốc

Một số tình trạng dị ứng gây ra bởi nấm mốc nghiêm trọng hơn, bao gồm các biến chứng:

  • Hen suyễn do nấm mốc: Ở những người dị ứng với nấm mốc, hít phải bào tử có thể kích hoạt cơn hen suyễn. 
  • Viêm xoang do nấm dị ứng: Điều này là kết quả của một phản ứng viêm với nấm trong xoang.
  • Dị ứng aspergillosis phế quản phổi: Phản ứng này với nấm trong phổi có thể xảy ra ở những người bị hen suyễn hoặc xơ phổi
  • Viêm phổi quá mẫn: Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi tiếp xúc bào tử nấm mốc khiến phổi bị viêm. Nó có thể được kích hoạt khi tiếp xúc với bụi gây dị ứng tại nơi làm việc.

3. Chẩn đoán dị ứng nấm mốc

Test da chẩn đoán dị ứng nấm mốc
Test da chẩn đoán dị ứng nấm mốc

Để chẩn đoán dị ứng với nấm mốc hoặc nấm, bác sĩ sẽ có một bệnh sử hoàn chỉnh. Triệu chứngtrở nên nặng hơn khi ở trong một căn phòng ẩm ướt, thông gió kém như nhà kho, nhà bếp…Điều này có thể có nghĩa là bạn bị dị ứng nấm mốc.

Nếu nghi ngờ dị ứng nấm mốc, bác sĩ thường sẽ làm các xét nghiệm da hoặc xét nghiệm IgE. Chiết xuất của các loại nấm khác nhau có thể được sử dụng để lẫy hoặc chích vào da. Nếu không có phản ứng, thì có lẽ bạn không bị dị ứng. Bác sĩ dựa theo tiền căn, kết quả xét nghiệm và khám thực thể để đưa ra chẩn đoán. 

  • Test lẫy da: thực hiện bằng cách pha loãng các dị nguyên phổ biến hoặc nghi ngờ. Những dị nguyên này được cho phản ứng với da ở cánh tay hoặc lưng bằng phương pháp lẫy da. Nếu bạn bị dị ứng, bạn sẽ phát triển một vết sưng (tổ ong) tại vị trí test dị nguyên trên da.

  • Xét nghiệm máu: đo lường phản ứng của hệ miễn dịch với nấm mốc.  Xét nghiệm này đo lượng kháng thể nhất định trong máu của bạn được gọi là kháng thể immunoglobulin E (IgE). Xét nghiệm này kiểm tra bằng chứng về độ nhạy cảm với các loại nấm mốc cụ thể.

 

4. Biện pháp phòng ngừa

Giữ nhà cửa thông thoáng sẽ giúp hạn chế nấm mốc phát triển
Giữ nhà cửa thông thoáng sẽ giúp hạn chế nấm mốc phát triển

Để giảm sự phát triển của nấm mốc môi trường sống, hãy xem xét những lời khuyên sau:

  • Tránh ra ngoài trời vào những thời điểm nhất định: chẳng hạn như ngay sau cơn mưa, trong thời tiết sương mù hoặc ẩm ướt, hoặc khi số lượng nấm mốc cao. Điều này sẽ làm giảm số lượng bào tử nấm mốc bạn hít vào và gây nên các triệu chứng dị ứng. 

  • Tắm ngay sau khi thực hiện các hoạt động ngoài trời: Việc tắm ngay sẽ giúp bạn ngăn không cho những bào tử nấm này lan rộng trong không gian nhà bạn sau khi từ ngoài về. 

  • Loại bỏ các nguồn ẩm thấp trong nhà: chẳng hạn như rò rỉ đường ống hoặc rò rỉ nước. Những vết ẩm mốc trên tường, sàn nhà do mưa thấm nên được sửa chữa sớm để tránh nấm mốc phát triển.

  • Sử dụng máy hút ẩm: Làm giảm độ ẩm trong nhà xuống dưới 45% hoặc thậm chí là dưới 35%. Độ ẩm hợp lý sẽ giúp bạn ngăn chặn được sự phát triển của nấm mốc. Hãy cân nhắc đến việc đặt một máy hút ẩm ở nơi ẩm thấp trong nhà. 

  • Sử dụng máy điều hòa không khí: xem xét việc lắp đặt điều hòa trung tâm với bộ lọc không khí hạt hiệu quả cao (HEPA). Bộ lọc HEPA có thể bẫy các bào tử nấm mốc từ không khí ngoài trời trước khi chúng phát tán trong nhà bạn.

  • Tất cả các phòng tắm đều được thông gió đúng cách: chạy quạt thông gió trong khi tắm và ngay sau đó để làm khô không khí. Nếu bạn không có quạt thông gió, hãy mở cửa sổ hoặc cửa ra vào trong khi bạn đang tắm và sau đó.

  • Tránh tình trạng đọng nước gây ẩm thấp: bằng cách loại bỏ lá rụng xung quanh nhà và thường xuyên làm sạch máng xối nước mưa

  • Làm sạch thùng rác thường xuyên: tránh để lâu rác thải, đặc biệt là rác hữu cơ, phân hủy tạo môi trường nấm phát triển.

  • Tái chế, thanh lý sách và báo cũ: Nếu để ở những nơi ẩm ướt, chúng có thể nhanh chóng bị mốc.

  • Đeo khẩu trang khi làm việc ở bên ngoài: Việc này sẽ giúp bạn tránh hít phải các tác nhân gây dị ứng.

 

5. Phương pháp điều trị dị ứng nấm mốc

Rửa mũi là một trong những biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả
Rửa mũi là một trong những biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả

Tuy nhiên, nấm mốc là phổ biến và bạn hoàn toàn không thể hạn chế việc tiếp xúc. Mặc dù không có cách nào điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng do dị ứng nấm mốc, một số loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của bạn. Bao gồm các:

  • Corticosteroid mũi

Những thuốc corticoid xịt mũi giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng viêm do dị ứng đường hô hấp trên. Ngoài ra, corticoid là loại thuốc chống dị ứng hiệu quả nhất và chúng thường là loại thuốc đầu tiên được kê đơn. Chảy máu cam và khô mũi là tác dụng phụ phổ biến nhất. Thuốc thường an toàn khi sử dụng lâu dài.

  • Thuốc kháng histamine

Những loại thuốc này có thể giúp giảm ngứa, hắt hơi và sổ mũi. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn histamine. Histamine là một hóa chất gây viêm do hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng trong quá trình phản ứng dị ứng. Thuốc kháng histamine thế hệ cũ có thể khiến bạn buồn ngủ. Điều đó ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và việc học tập, gây khô miệng. Thuốc kháng histamine thế hệ mới đã cải thiện được các tác dụng phụ trên. Người sử dụng thế hệ mới đỡ cảm giác buồn ngủ, ít khô miệng.

  • Thuốc co mạch

không nên sử dụng các loại thuốc này hơn ba hoặc bốn ngày. Chúng có thể khiến triệu chứng tắc nghẽn quay trở lại với  thậm chí nặng hơn khi ngừng sử dụng. Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm đau đầu, mất ngủ và hồi hộp. Hạn chế sử dụng thuốc co mạch trên bệnh nhân có tăng huyết áp.

  • Montelukast (Singulair)

Đây là một viên thuốc được sử dụng để ngăn chặn hoạt động của leukotrien. Leukotrien là một hóa chất thuộc hệ thống miễn dịch gây ra các triệu chứng dị ứng. Nó đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị hen suyễn dị ứng. Bên cạnh đó, nó cũng hiệu quả trong điều trị dị ứng nấm mốc. 

  • Liệu pháp miễn dịch

Điều trị này – một loạt các mũi tiêm dị ứng – có thể rất hiệu quả đối với một số dị ứng. Liệu pháp miễn dịch chỉ được sử dụng cho một số loại dị ứng nấm mốc.

  • Rửa mũi

Để giúp giảm các triệu chứng mũi khó chịu, bác sĩ có thể khuyên bạn nên rửa mũi hàng ngày bằng nước muối. Sử dụng một chai được thiết kế đặc biệt trong việc rửa mũi, chẳng hạn như một chai trong bộ dụng cụ rửa mũi . Rửa mũi có thể giúp giữ cho mũi của bạn thông thoáng, rửa sạch các chất bẩn và tránh bị kích thích.

Nấm mốc là một dị nguyên phổ biến gây nên tình trạng dị ứng. Đồng thời có thể sinh sôi, phát triển ở khắp mọi nơi nếu có điều kiện thuận lợi. Tình trạng dị ứng có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người từ nhẹ đến nặng. Tránh tạo môi trường thuận lợi để nấm mốc phát triển làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ Lê Ngân Cẩm Giang

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Mayo Clinic Staff, “Mold Allergy”, đăng nhập ngày 13/03/2020 tại website https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mold-allergy/diagnosis-treatment/drc-20351525
  • American College of Allergy, Asthma & Immunology, “Mold Allergy”, đăng nhập ngày 13/03/2020 tại website https://acaai.org/allergies/types/mold-allergy

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người