YouMed

Sốt thấp khớp: Dấu hiệu, chẩn đoán, nguyên tắc điều trị

Sinh viên NGUYỄN HOÀNG YẾN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến
Chuyên khoa: Đa khoa

Sốt thấp khớp là một loại bệnh nhiễm trùng được hình thành khi viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc bệnh tinh hồng nhiệt không được điều trị triệt để hoặc đúng cách. Trong đó, viêm họng do liên cầu và bệnh tinh hồng nhiệtđược gây ra bởi một loại vi khuẩn được gọi với tên khoa học là liên cầu khuẩn nhóm A. Mặc dù viêm họng do liên cầu khuẩn khá phổ biến nhưng sốt thấp khớp lại thường hiếm gặp ở Mỹ và các nước phát triển khác. Loại bệnh này thường được báo cáo là phổ biến ở các nước đang phát triển.

Sốt thấp khớp có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan quan trọng, trong đó có tim. Việc điều trị bao gồm điều trị triệu chứng, dùng kháng sinh diệt liên cầu khuẩn và phòng ngừa bệnh tái phát.

1. So sánh tỉ lệ mắc bệnh ở các nước

Sốt thấp khớp thường hay gặp ở những nước nghèo và kinh tế còn khó khăn. Ở các nước phát triển trên thế giới, những bệnh nguy hiểm gây ra bởi streptococcus nhóm A được ước tính có ảnh hướng đến hơn 33 triệu người. Đây cũng là nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch trong 5 thập kỷ đầu tiên của cuộc đời.

Sốt thấp khớp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Mặc dù vậy, đa số các trường hợp thường xảy ra ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi.

Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 470.000 ca mắc sốt thấp khớp mới và 275.000 ca tử vong do biến chứng lên tim mỗi năm. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở những nước nghèo và đang phát triển. Trong đó, tỉ lệ mắc trung bình của trẻ em đang trong độ tuổi đi học là khoảng 19 trên 100.000 ca.

Tỉ lệ mắc bệnh cao hơn ở các nước đang phát triển được giải thích là bởi tác nhân môi trường, đặc biệt là nơi có cư dân sống đông đúc. Tình trạng này làm tăng khả năng truyền nhiễm của liên cầu khuẩn nhóm A. Ngoài ra, một phần nhỏ gây ra tỉ lệ mắc cao hơn là do sự lạm dụng kháng sinh điều trị viêm họng cấp.

2. Nguyên nhân 

Sốt thấp khớp có thể được hình thành sau một đợt viêm họng do liên cầu khuẩn và bệnh tinh hồng nhiệt. Hai bệnh này được gây ra bởi một loại vi khuẩn, tên là liên cầu khuẩn nhóm A.

Cho đến nay các chuyên gia vẫn chưa giải thích được rõ ràng về sự liên quan giữ nhiễm liên cầu khuẩn và sốt thấp khớp. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng, sự xuất hiện của sốt thấp khớp là do loại vi khuẩn này kích thích hệ thống miễn dịch và gây ra tổn thương toàn cơ thể.

Liên cầu khuẩn nhóm A gây sốt thấp khớp
Liên cầu khuẩn nhóm A gây sốt thấp khớp

Cụ thể, liên cầu khuẩn có chứa một loại protein tương tự với loại protein ở các mô của cơ thể con người. Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể để kích hoạt hệ thống tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, do sự trùng khớp về protein nên các kháng thể “đánh” luôn cả các tế bào trong cơ thể. Cụ thể là các mô ở tim, khớp, da và hệ thống thần kinh trung ương. Điều này gây ra tình trạng viêm ở nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nếu đứa trẻ được điều trị tích cực với kháng sinh khi còn bị viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ ít có khả năng hình thành bệnh sốt thấp khớp sau này. Tuy nhiên, nếu không được điều trị triệt để vi khuẩn ngay từ đầu sẽ có thể phát triển bệnh.

3. Sốt thấp khớp có phải là bệnh lây truyền?

Loại bệnh này không thể lây truyền từ người này sang người khác. Bởi vì đây là phản ứng miễn dịch của cơ thể và nó không phải bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, những người bị viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc bệnh tinh hồng nhiệt vẫn có thể lan truyền vi khuẩn đến người khác. Đường lây truyền thường là qua giọt bắn khi nói chuyện, ho, hoặc hắt hơi.

4. Sốt thấp khớp biểu hiện như thế nào?

Sốt thấp khớp biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Một người có thể chỉ có một vài hoặc nhiều biểu hiện nghiêm trọng. Ngoài ra, những dấu hiện này thường hay thay đổi theo diễn tiến bệnh.

Thông thường, sốt thấp khớp thường xảy ra khoảng 2 – 4 tuần sau khi bị một đợt viêm họng do liên cầu hoặc bệnh tinh hồng nhiệt.

Biểu hiện bệnh là do tình trạng viêm của tim, khớp, da và hệ thống thần kinh trung ương.

Có 5 biểu hiện chính của sốt thấp khớp, bao gồm:

4.1. Bệnh viêm toàn tim

Tình trạng này chiếm khoảng 50 – 70%. Bệnh viêm toàn tim liên quan đến sốt thấp khớp thông thường gây ra các vấn đề như: viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim và viêm nội tâm mạc. Tuy nhiên, tổn thương hay gặp và nặng nhất, các biến đổi rõ nhất là viêm nội tâm mạc phủ lên các van tim. Các van thường hay bị tổn thương nhất là van hai lá và van động mạch chủ. Bệnh viêm toàn tim thường xuất hiện khoảng trong 3 tuần sau một đợt viêm họng do liên cầu.

4.2. Viêm khớp

Biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp như: khớp gối, cổ chân, khuỷu tay và cổ tay. Viêm khớp xuất hiện 35 – 66% trong bệnh sốt thấp khớp. Giống như viêm toàn tim, viêm khớp thường biểu hiện rất sớm, thường trong khoảng 21 ngày kể từ sau khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.

4.3. Múa giật

Là những hành động tự phát của cơ thể, không thể tự chủ được hành động của mình. Thường ở tay, chân và mặt. Tình trạng này chiếm khoảng 10 – 30% trong sốt thấp khớp. Múa giật xuất hiện lâu hơn so với các triệu chứng khác, thường từ 1 đến 8 tháng sau khi nhiễm liên cầu khuẩn.

4.4. Nổi các nốt dưới da

Đây là các tổn thương chắc, không đau, từ vài mm đến 2 cm. Các nốt dưới da liên quan đến sốt thấp khớp thường xuất hiện sau những tuần đầu tiên của bệnh. Thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị viêm toàn tim tương đối nặng. Chúng hiếm khi xuất hiện như là biểu hiện duy nhất trong sốt thấp khớp. Thông thường, các nốt này xuất hiện trong một hoặc nhiều tuần. Chúng hiếm khi tồn tại hơn một tháng.

Nổi nốt dưới da
Nổi nốt dưới da

4.5. Hồng ban vòng

Biểu hiện là một vòng ban màu hồng, xếp thành quầng có đường kính của viền 1 – 2 mm. Ban hay gặp ở thân, mạn sườn, gốc chi và thường không xuất hiện ở mặt. Tình trạng này chiếm < 6% trong bệnh sốt thấp khớp và hiếm khi xảy ra như là biểu hiện duy nhất của bệnh.

Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện sốt cao, thường trên 38,5°C khi đo ở miệng.

Hồng ban vòng ở lưng
Hồng ban vòng ở lưng

5. Trẻ em thường là đối tượng dễ mắc sốt thấp khớp?

Mặc dù sốt thấp khớp có thể mắc ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên bệnh phổ biến ở trẻ từ độ tuổi đi học (5 – 15 tuổi). Ngoài ra, sốt thấp khớp rất hiếm ở những trẻ nhỏ tuổi hơn (< 3 tuổi) và người lớn.

Các bệnh viêm nhiễm, bao gồm liên cầu khuẩn nhóm A, sẽ dễ dàng lây lan ở những nơi có xu hướng tạo thành một nhóm tập thể. Bệnh thường hay gặp ở các nơi như:

  • Trường học.
  • Trung tâm chăm sóc.
  • Khu vực huấn luyện.

Trên thực tế, sốt thấp khớp vẫn có thể tái phát ở một số người nếu như bị viêm họng do liên cầu hoặc bệnh tinh hồng nhiệt lần nữa.

6. Khi nào đi khám bác sĩ?

Không chỉ bạn, mà nếu như con bạn có những dấu hiệu nghi ngờ viêm họng do liên cầu khuẩn thì sẽ cần đến khám bác sĩ. Các biểu hiện bao gồm:

  • Sốt.
  • Đau họng đột ngột.
  • Đau khi nuốt.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Đau đầu.
  • Đau dạ dày (thường ở vị trị thượng vị – bụng trên).
Nên đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt thấp khớp
Nên đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt thấp khớp

Điều trị đúng cách và triệt để viêm họng do liên cầu khuẩn có thể phòng ngừa sốt thấp khớp. Ngoài ra, đứa trẻ cũng cần đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt thấp khớp.

7. Sốt thấp khớp có thể gây hậu quả gì?

Loại bệnh này có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở tim, đặc biệt là van tim. Van hay bị tổn thương nhất là loại van nằm ở giữa buồng tim trái, còn gọi là van hai lá. Tuy nhiên, các van khác vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Tổn thương có thể gây ra:

  • Hẹp van: Làm cản trở dòng máu chảy trong các buồng của tim.
  • Hở van: Làm dòng máu qua các buồng tim không được chảy đúng cách.
  • Tổn thương cơ tim: Tinh trạng viêm gây ra bởi sốt thấp khớp có thể làm yếu cơ tim. Điều này ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim.

Tổn thương van hai lá và các van khác hoặc tổn thương cơ tim có thể ảnh hưởng đến chức năng tim sau này với các hậu quả như:

  • Nhịp tim không đều do rung nhĩ.
  • Suy tim.

8. Chẩn đoán sốt thấp khớp như thế nào?

Không có xét nghiệm đơn phương nào có thể chẩn đoán sốt thấp khớp. Tuy nhiên, bác sĩ có thể nhận biết được các dấu hiệu, tiền sử bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để kiểm tra, bao gồm:

  • Cấy họng để xác định vi khuẩn gây bệnh là liên cầu khuẩn nhóm A.
  • Xét nghiệm máu để tìm kháng thể được tạo ra do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.
  • Kiểm tra chức năng hoạt động của tim qua thiết bị điện tông đồ.
  • Kiểm tra khả năng bơm máu của tim, bất thường của van tim qua siêu âm tim.

9. Việc điều trị bao gồm những gì?

Việc điều trị sốt thấp khớp bao gồm: sử dụng kháng sinh, điều trị triệu chứng và theo dõi lâu dài.

9.1. Sử dụng kháng sinh

Bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh penicillin hoặc một loại kháng sinh khác để tiêu diệt liên cầu khuẩn.

>> Tình trạng dị ứng penicillin không hiếm gặp và gây ra không ít cản trở cho việc điều trị y khoa. Việc tìm hiểu sẽ giúp ích cho quá trình điều trị các bệnh hiện có của bạn. Xem thêm: Dị ứng penicillin: Bạn đã biết gì?

Thuốc kháng sinh được dùng trong điều trị sốt thấp khớp
Thuốc kháng sinh được dùng trong điều trị sốt thấp khớp

9.2. Điều trị triệu chứng

Thuốc kháng viêm: Nếu bạn có triệu chứng đau, sưng khớp, bác sĩ có thể kê đơn kháng viêm như aspirin hoặc naproxen để làm giảm tình trạng viêm, sốt và đau. Nếu triệu chứng nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với thuốc kháng viêm, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng một loại kháng viêm khác, được gọi là corticosteroid.

Thuốc chống có giật: Thuốc được sử dụng ở những bệnh nhân có tình trạng múa giật. Các thuốc chống co giật thường hay sử dụng là carbamaxepune hoặc valproic acid.

9.3. Theo dõi lâu dài

Sau khi điều trị dứt điểm đợt bệnh sốt thấp khớp, đứa trẻ vẫn cần được kiểm tra và theo dõi lâu dài về sau. Tổn thương ở tim gây ra bởi sốt thấp khớp có thể chưa biểu hiện qua nhiều năm. Vì thế, khi đứa trẻ lớn lên sẽ cần làm kiểm tra để khảo sát chức năng tim theo lịch tái khám định kỳ.

Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi lâu dài
Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi lâu dài

10. Phòng ngừa như thế nào cho chính bạn và những người xung quanh?

Khi nhiễm liên cầu khuẩn, nếu bạn không biết cách tự bảo vệ bản thân thì vẫn sẽ có khả năng mắc bệnh trong tương lai. Tuy nhiên, có những cách để bảo vệ bản thân và những người xung quanh giảm tỉ lệ mắc bệnh này.

10.1. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Cách tốt nhất để loại vi khuẩn này không bị lây lan là luôn rửa tay. Đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi và rửa tay trước khi ăn.

10.2. Kháng sinh là chìa khóa để điều trị và phòng ngừa

Ở những bệnh nhân sau khi điều trị xong một đợt kháng sinh để diệt vi khuẩn, bác sĩ thường sẽ bắt đầu một liệu trình kháng sinh khác để phòng ngừa bệnh tái phát. Việc điều trị phòng ngừa có thể tiếp tục kéo dài đến 21 tuổi hoặc điều trị tối thiểu 5 năm. Những người có biểu hiện viêm toàn tim do bệnh sốt thấp khớp nên được điều trị phòng ngừa bằng kháng sinh tối thiểu 10 năm hoặc hơn.

Sốt thấp khớp có thể hình thành sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc bệnh tinh hồng nhiệt. Điều trị bệnh chủ yếu là dùng kháng sinh. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc sốt thấp khớp, hãy đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Điều này giúp làm giảm các biến chứng nặng nề có thể xảy ra. 

Nguyễn Hoàng Yến

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Andrew Steer, Allan Gibofsky, Uptodate 2020, “Acute rheumatic fever: Clinical manifestations and diagnosis”, đăng nhập tại 28/04/2020 tại website https://www.uptodate.com/contents/acute-rheumatic-fever-clinical-manifestations-and-diagnosis?source=related_link
  • Andrew Steer, Allan Gibofsky, Uptodate 2020, “Acute rheumatic fever: Epidemiology and pathogenesis”, đăng nhập tại 28/04/2020 tại website https://www.uptodate.com/contents/acute-rheumatic-fever-epidemiology-and-pathogenesis
  • Centers of Disease Control and Prevention (2018). “Rheumatic Fever: All You Need to Know”, đăng nhập tại 28/04/2020 tại website https://www.cdc.gov/groupastrep/diseases-public/rheumatic-fever.html
  • Mayo Clinic (2019), “rheumatic fever”, đăng nhập tại 28/04/2020 tại website  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatic-fever/symptoms-causes/syc-20354588
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người