Dị vật đường ăn và cách xử trí
Nội dung bài viết
Dị vật đường ăn (hay gặp ở thực quản) là một cấp cứu tai – mũi – họng có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng phổ biến ở người lớn và trẻ em. Theo các nghiên cứu thì người lớn hay bị hơn nhưng ở trẻ em lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này dễ gây ra các biến chứng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
1. Các loại dị vật đường ăn thường gặp
Theo thống kê ở đối tượng trẻ em, các dị vật thường gặp gặp đa số là đồng xu, đồng tiền hiện vẫn lưu hành phổ biến trong hệ thống mua bán tự động hoặc máy trò chơi, các mảnh đồ chơi, huy hiệu, thức ăn, các loại xương (gà, cá, lợn…), các loại hạt (nhãn, hồng, sấu…), khuy áo, kim băng, kim bấm, van kèn, nắp bút bi. Ngoài ra, những năm gần đây, với sự xuất hiện của các đồ dùng và đồ chơi điện tử, mỗi năm có hàng nghìn trẻ em bị hóc các loại pin điện (baterry). Nếu không chẩn đoán để lấy sớm dị vật, pin sẽ giải phóng chất kiềm gây bỏng thực quản.
Ở người già, có nhiều trường hợp dị vật là miếng thịt rơi xuống hạ họng bít kín thanh quản gây tử vong hàng nghìn trường hợp. Người lớn tuổi có nhu động yếu không đưa được xuống bao tử. Miếng thịt trở thành dị vật gây bít tắc thực quản khiến bệnh nhân không ăn, không uống được. Lâu ngày có thể gây biến chứng thủng thực quản. Ngoài ra còn có các loại dị vật như: răng giả, viên thuốc cả vỏ bọc, các loại hạt (sapoche…), nút chai…
Qua đó, chúng ta thấy rằng: dị vật có thể thuộc loại hữu cơ hay vô cơ. Dị vật hữu cơ có khuynh hướng hòa tan trong nước và lan rộng theo thời gian, do đó cần điều trị ngay lập tức. Vật sắc nhọn cũng cần được lấy ra ngay, đặc biệt nếu hiện diện ở đường thực quản trên. Các cục pin tuy nhỏ nhưng nếu mắc kẹt ở bất cứ đâu trong đường ăn PHẢI được lấy ra ngay lập tức, nếu không sẽ gây ra tổn thương ăn mòn và các biến chứng nghiêm trọng.
>> Ngoài đường ăn, đường thở cũng có nhiều nguy cơ bị mắc dị vật. Tìm hiểu thêm bài viết: Dị vật đường thở và cách xử trí.
2. Làm sao để nhận biết có dị vật đường ăn đang hiện diện?
Tùy theo tính chất của dị vật, vị trí của chúng trên đường ăn cũng như bị mắc sớm hay muộn mà biểu hiện sẽ khác nhau. Những dị vật tròn, nhẵn như khuy áo, đồng xu có thể ở lâu trong đường ăn mà không gây triệu chứng đáng kể. Nếu các loại dị vật nằm ở ngã ba đường ăn và đường thở có thể gây ho, tím tái, nuốt khó, khó thở cần được khám và xử trí cấp cứu.
Nếu dị vật là xương hoặc vật sắc nhọn, bệnh nhân sẽ cảm giác khó nuốt ở trong họng, nuốt đau, phải khạc nhổ, phải dừng bữa ăn. Đa số sẽ nuốt một vài miếng cơm, húp một vài thìa canh để mong dị vật trôi xuống. Nếu lâu hơn có thể bị sốt, sưng nề vùng cổ, nuốt đau nhiều hơn, ăn uống hạn chế, chảy nước dãi, hơi thở có mùi hôi. Nghiêm trọng hơn có thể suy kiệt, khó nói, khàn tiếng, vận động cổ hạn chế. Nếu không điều trị, dị vật đường ăn gây nhiễm trùng, vỡ, thủng vào lồng ngực và các cơ quan trong lồng ngực, gây tử vong.
Trường hợp dị vật đường ăn bỏ quên rất hiếm gặp. Vì thông thường, dị vật đường ăn nếu không được điều trị thì dễ đưa đến tử vong do biến chứng nhiễm trùng, vỡ các mạch máu quan trọng trong cơ thể.
3. Khi gặp dị vật đường ăn, ta sẽ xử lý như thế nào?
Đối với các loại dị vật này, tốt nhất là phòng ngừa cũng như phát hiện sớm các trường hợp mắc dị vật (sẽ rất khó khăn trong trường hợp trẻ em, người bệnh chậm phát triển trí tuệ hay mắc bệnh tâm thần, người lớn tuổi). Thực tế là ở các nước phát triển, số trường hợp mắc dị vật đường ăn rất ít. Tại sao lại như vậy? Đó là do cách ăn uống, pha chế thức ăn khác hẳn với Việt Nam: thịt gà nướng chặt lớn, con gà chặt làm bốn. Súp có rau có thịt, nước dùng không có xương.
4. Kết luận
- Dị vật đường ăn là một loại bệnh phổ biến rất hay gặp ở Việt Nam, dễ gây tử vong nếu không chẩn đoán kịp thời.
- Cần tuyên truyền phổ biến, rộng rãi sự nguy hiểm của dị vât.
- Đối với trẻ nhỏ phải trong nôm cần thận, tránh không đưa vào miệng các vật như đồng xu, kim băng, huy hiệu…
- Thức ăn cho trẻ nhỏ phải gỡ bỏ hết các xương vụn.
- Đối với người lớn, dị vật đường ăn đa số là xương. Cần cải tiến cách chế biến thức ăn.
- Khi ăn cần nhai kỹ, chậm rãi, tránh cười đùa hoặc nói khi đang nhai.
- Lưu ý chất lượng và độ phù hợp với mỗi cá nhân của răng giả.
- Tuy nhiên, cho dù phòng ngừa kỹ lưỡng tới đâu, dị vật đường ăn sẽ vẫn có thể xảy ra. Nếu bị hóc, đến ngay các bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết chẩn đoán và lấy dị vật ra càng sớm càng tốt (nếu có). Tránh tự chữa bằng mẹo. Đã có nhiều trường hợp vì mắc cỡ không chịu đi khám, lúc đến bệnh viện thì đã ở tình trạng tuyệt vọng.
Bác sĩ Nguyễn Lê Vũ Hoàng
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Nguyễn Văn Đức – Những bệnh thông thường về họng. Nhà xuất bản Y học Hà Nội
Nguyễn Văn Đức – Nhan Trừng Sơn – Đặng Hoàng Sơn – Bùi Văn Đông. Dị vật đường ăn thường gặp tại khoa TMH. Bệnh viện Nhi đồng 1 trong 10 năm 1985-1994
Phan Hoài Thanh – Chu Lan Anh – Nguyễn Thị Ngọc Dung – Nguyễn Văn Đức. Dị vật thực quản tại Trung tâm Tai mũi họng TPHCM (1991-1995)
Lam HC, Woo JK, van Hasselt CA, Management of ingested foreign bodies: A retropective review of 5240 patients. J Largyngol Otol 2001; 115; 954
Persaud R, Ong C, Sudhakaran N, Bowdler D (2001) Extralumina migration of a coin in oesophagus misdiagnosed as asthma Emerg Med J; 18:321-13
Persaud R, Kapoor L. Foreign Bodies in the Aerodisgestive Tract. In: De Soiza C, (ed). Head and Neck Surgery. Delhi: Japee Brotthers Medical Publishes Ltd, 2009. Pp 1689-1695.
Hashmi S, Walter J, Smith W, Latis S, Swallowed partial dentures, J R Soc Med 2004;97(2):72:5