Điều trị suy giáp và những thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Suy giáp là bệnh nội tiết có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 4 lần so với nam giới. Tuy nhiên suy giáp là bệnh có thể được điều trị hiệu quả. Vậy đâu là những phương pháp điều trị suy giáp hiện nay? Cần lưu ý những gì trong quá trình điều trị bệnh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của ThS.BS Vũ Thành Đô.
Tổng quan về bệnh suy giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết sản xuất hormon. Khi tuyến giáp giảm sản xuất hơn mức bình thường; nó sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể. Hiện tượng này gọi là bệnh suy giáp.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh suy giáp
Dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp có tính chất hệ thống, tổn thương nhiều cơ quan:
- Tổn thương da và niêm mạc: da lạnh, khô dễ bong vảy, tóc khô dễ gãy rụng.
- Triệu chứng tim mạch: nhịp tim chậm < 60 lần/phút, rối loạn nhịp tim.
- Rối loạn chuyển hóa: nhu động ruột giảm, táo bón, tăng cân.
- Rối loạn thần kinh – tinh thần – cơ: mệt mỏi, giảm các hoạt động thể chất, trí óc và sinh dục.
Nguyên nhân gây bệnh suy giáp
Tùy theo tính chất bướu giáp, suy giáp có 3 nhóm nguyên nhân chính:
- Viêm giáp Hashimoto, viêm giáp sau sanh, viêm giáp do thuốc là những nguyên nhân của suy giáp nguyên phát có bướu giáp.
- Suy giáp sau điều trị bệnh cường giáp là nhóm nguyên nhân của suy giáp nguyên phát không có bướu giáp.
- U tuyến yên, bệnh thâm nhiễm,… là nhóm nguyên nhân của suy giáp thứ phát.
Điều trị suy giáp
Mục tiêu điều trị
- Đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp càng sớm càng tốt.
- Duy trì tình trạng bình giáp thường xuyên và lâu dài.
- Dự phòng và điều trị các biến chứng của suy giáp (nếu có).
Nguyên tắc vàng
- Điều trị nguyên nhân gây suy giáp.
- Bồi phụ hormon tuyến giáp.
- Liều lượng và loại hormone bồi phụ. Hai yếu tố này tùy thuộc vào mức độ suy giáp và đặc điểm của bệnh nhân.
- Hormone giáp thay thế thường bắt đầu với liều nhỏ sau đó tăng dần tới liều tối đa.
Những phương pháp điều trị suy giáp
Đối với bệnh suy giáp bẩm sinh tiên phát, thường gặp ở trẻ em, hormon giáp tổng hợp được lựa chọn là thyroxin.
Đối với suy giáp ở người lớn: chỉ một số ít trường hợp suy giáp có thể tự hồi phục. Còn lại đa số các trường hợp suy giáp phải điều trị thay thế bằng hormon giáp. Có 3 nhóm thuốc được áp dụng trên lâm sàng:
- Levothyroxin (L-T4) có thời gian bán thải dài. Vì thế, đây là thuốc tuyến giáp được ưa chuộng nhất hiện nay.
- Liothyronin (L-T3) điều trị tình trạng khẩn cấp của hôn mê do suy giáp.
- Liotrix (L-T4 và L-T3).
Những lưu ý khi điều trị suy giáp
1. Trong quá trình dùng thuốc
Ở bệnh nhân suy giáp bẩm sinh tiên phát
Khi sử dụng nhóm thuốc thyroxin, người bệnh cần khám lại 3 tháng 1 lần trong suốt năm đầu điều trị. Những năm sau, thời gian này là 6 tháng 1 lần. Đồng thời, bệnh nhi sẽ đo thông số. Các chỉ số có thể kể đến chỉ số DQ/IQ, nồng độ TSH, T4 trong máu và chụp tuổi xương 6 tháng/ 1 lần.
Ở bệnh nhân suy giáp
Khi điều trị, các chỉ số cần theo dõi bao gồm: cân nặng,tần số tim, táo bón, cholesterol máu, T4, FT4, TSH mỗi 6-8 tuần / lần.
2. Nhóm chất dinh dưỡng nên tránh
Một chế độ dinh dưỡng thích hợp đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị suy giáp.
Đậu nành
Nhiều nghiên cứu cho thấy đậu nành có những vi chất làm giảm sản xuất thyroid – một trong hai hormone chính của tuyến giáp.
Bắp cải
Nhóm thực vật họ cải sẽ cản trở sự hấp thụ i-ốt – một chất xúc tác quan trọng để sản xuất ra hormone giáp.
Đồ chiên xào, đồ béo
Ở người bệnh suy giáp, tăng cân là triệu chứng thường gặp nhất. Chính vì thế những đồ chiên, xào dễ khiến người bệnh khó kiểm soát cân nặng của mình.
3. Nhóm chất dinh dưỡng cần bổ sung
Nhóm thực phẩm giàu i-ốt thúc đẩy hoạt động của tuyến giáp. Ví dụ như hải sản, các loại rau màu xanh đậm.
Quả thật vậy, bạn nên duy trì bữa ăn cân bằng giữa thịt và rau củ, tránh những thực phẩm ảnh hưởng xấu tới tuyến giáp (như đã liệt kê ở trên). Thói quen đó sẽ giúp bạn có một nguồn dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể trong quá trình điều trị.
4. Tập luyện thể dục
Bên cạnh chế độ ăn, bạn nên tập luyện thể dục thể thao vừa sức. Chỉ cần dành từ 15-30 phút mỗi ngày cho hoạt động như: đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội, tập dưỡng sinh,…Nhờ vậy, hoạt động trao đổi chất của cơ thể sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, giúp ổn định chức năng tuyến giáp.
Điều trị suy giáp là một quá trình điều trị lâu dài. Bệnh đòi hỏi sự theo dõi của cả người bệnh lẫn chuyên gia y tế. Bệnh nhân cần phối hợp giữa điều trị dùng thuốc và chế độ ăn lành mạnh, cùng với tập thể dục đều đặn. Từ đó, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh suy giáp hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Phác đồ điều trị bệnh nội tiết của Bộ Y tếhttp://bvdktinhthanhhoa.com.vn/data/files/documents/Tailieuchuyenmon/Huongdan/huong-dan-chan-doan-dieu-tri-benh-noi-tiet-chuyen-hoa.pdf
Ngày tham khảo: 19/05/2021
-
Người bệnh suy tuyến giáp nên ăn gì và kiêng ăn gìhttps://suckhoedoisong.vn/nguoi-bi-suy-tuyen-giap-nen-an-gi-va-kieng-an-gi-n109949.html
Ngày tham khảo: 19/05/2021
-
Người bệnh suy giáp nên tránh ăn gìhttps://suckhoedoisong.vn/nguoi-bi-suy-giap-nen-tranh-an-gi-n117295.html
Ngày tham khảo: 19/05/2021