Điều trị ung thư da không tế bào hắc tố cần biết điều gì?
Nội dung bài viết
Những thay đổi trong cấu trúc và hoạt động da có thể dẫn đến các khối u lành tính như u da, nốt ruồi, mụn thịt hay khối u ác tính như ung thư da. Trong đó, ung thư da chia làm 2 loại là: ung thư tế bào hắc tố và ung thư không tế bào hắc tố. Vậy, ung thư da không thế bào hắc tố là gì, có thể điều trị khỏi không? Sau đây, hãy cùng Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền tìm hiểu về bệnh lý này và các phương pháp điều trị nhé.
Ung thư da không tế bào hắc tố là gì?
Ung thư da không tế bào hắc tố là một loại ung thư da thường gặp. Tương tự như các nhóm ung thư khác, ung thư không tế bào hắc tố biểu hiện bởi sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào da.
Thông thường, ung thư da không tế bào hắc tố khởi phát từ các tế bào đáy ở lớp biểu bì trên cùng của da. Loại ung thư này được gọi là ung thư biểu mô tế bào đáy. Nó chiếm khoảng 75% –80% các loại ung thư da. Ung thư không tế bào hắc tố cũng có thể bắt nguồn từ tế bào vảy, nằm ở phần ngoài biểu bì.
Loại ung thư này được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy. Nó chiếm khoảng 20% các loại ung thư da. Cả 2 loại đều có xu hướng tiến triển chậm và thường được phát hiện sớm. Ngoài ra còn các loại ung thư da không tế bào hắc tố hiếm gặp. Chúng bao gồm ung thư biểu mô tế bào Merkel và u tế bào lympho T ở da.
Ung thư da không tế bào hắc tố thường ít dữ dội so với ung thư tế bào hắc tố. Trong một số hiếm trường hợp, nó cũng di căn sang các cơ quan khác.
Có cách nào để phòng bệnh không?
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Không nên tắm nắng vào khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Chỉ nên tắm nắng vào buổi sáng sớm, không để cháy nắng da.
- Những người phải làm việc ngoài trời cần có bảo hộ lao động như dùng mũ, quần áo dài tay hoặc che ô tránh nắng.
- Các phương pháp làm đẹp như tắm trắng làm mất lớp sừng trên da dễ gây ung thư da.
- Khi làm việc có tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ cần thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn trong lao động, như đi găng, đi ủng, quần áo bảo vệ, kính, mặt nạ.
- Thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ, tránh và điều trị kịp thời các triệu chứng viêm nhiễm trên da.
Tìm hiểu thêm: Cháy nắng: Những tác hại nghiêm trọng và cách khắc phục
Điều trị ung thư da không tế bào hắc tố
Hầu hết trường hợp, ung thư da không tế bào hắc tố có thể chữa được, đặc biệt là khi được phát hiện và điều trị sớm. Hiện nay, có nhiều phương pháp để lựa chọn khi điều trị. Nhưng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những ưu và nhược điểm của từng loại trước khi quyết định loại nào phù hợp với mình.
1. Điều trị khu trú
Với tiền ung thư, ung thư da nhỏ hoặc ung thư lớp biểu bì, việc điều trị thường khá đơn giản. Có một số phương pháp không xâm lấn hoặc gây ảnh hưởng không cần thiết cho các bộ phận khác của cơ thể.
Gel và kem. Thuốc hóa trị liệu nhắm mục tiêu và tiêu diệt tế bào ung thư, trong khi thuốc đáp ứng miễn dịch kích thích cơ thể tự phòng vệ để tấn công một khu vực nhất định. Có một số dạng bôi tại chỗ có sẵn để bôi lên vùng da bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào loại thuốc, có thể thoa kéo dài từ 2 ngày đến 3 tháng. Các loại thuốc thoa gây kích ứng từ nhẹ đến nặng cho da.
Nitơ lỏng. Bác sĩ có thể đề nghị cắt lạnh khối u da ung thư. Việc này sẽ lặp lại vài lần để giết chết các tế bào ung thư. Da của bạn sẽ phồng rộp và đóng vảy. Nhưng sau khi lành chỉ còn lại sẹo tại vị trí khối u.
2. Điều trị phẫu thuật
Ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy là hai loại ung thư da không phải tế bào hắc tố phổ biến nhất. Phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị chúng. Các thủ tục này thường mất vài phút đến một giờ và chỉ cần gây tê tại chỗ.
Cắt bỏ: Bác sĩ của bạn sẽ sử dụng một lưỡi dao để loại bỏ ung thư, cũng như một số vùng da không bị ung thư. Đây là một quá trình nhanh chóng, thường phải khâu và sẽ để lại sẹo.
Hút điện và nạo: Sau khi bác sĩ của bạn loại bỏ các tế bào ung thư, bác sĩ sẽ sử dụng kim điện để thăm dò vùng da xung quanh khu vực đó nhằm tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Quá trình này sẽ lặp lại một vài lần trong khi thăm khám và có thể để lại sẹo.
Phẫu thuật Mohs: Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ các lớp da mỏng từ khu vực bị ảnh hưởng và xem xét chúng dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư. Mohs thường sử dụng đối với các bệnh ung thư trên mặt.
3. Xạ trị như thế nào?
Nếu bạn không muốn phẫu thuật hoặc khối u của bạn quá lớn, thì xạ trị có thể là một lựa chọn phù hợp. Nó sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) hoặc các hạt (như photon, electron hoặc proton) để tiêu diệt tế bào ung thư của bạn.
Để điều trị ung thư da, bức xạ bên ngoài tập trung vào khối u nhằm tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của nó. Để giúp hạn chế nhiều tác dụng phụ, bác sĩ có thể sẽ sử dụng bức xạ chùm điện tử vì nó không đi sâu vào trong da của bạn.
Tuy nhiên, nếu ung thư da đã di căn sang các bộ phận khác, bác sĩ có thể sử dụng xạ trị bên trong – đưa các chất phóng xạ vào bên trong khu vực bị ảnh hưởng .
Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm:
- Kích ứng da.
- Thay đổi màu da và kết cấu.
- Rụng lông, tóc.
- Tổn thương các tuyến tạo nước bọt và răng (khi điều trị gần các khu vực đó).
4. Quang trị liệu
Điều tị thích hợp nếu da bạn có tình trạng:
- Dày sừng hoạt tính, một loại tiền ung thư.
- Ung thư tế bào đáy gần bề mặt da.
- Bệnh Bowen, còn được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy khu trú.
Với quang trị liệu, bác sĩ sử dụng một loại ánh sáng đặc biệt cùng với một loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hoạt động như một loại kem thoa lên vùng da bị ung thư. Trước tiên, bạn cần đợi ít nhất 3 – 6 tiếng để da hấp thụ thuốc. Trong một số trường hợp, bạn có thể phải đợi đến 14 – 16 giờ. Khi bác sĩ của bạn bật đèn, nó sẽ kích hoạt thuốc để tiêu diệt ung thư.
Phương pháp quang trị liệu mang lại hiệu quả tương tự như các phương pháp điều trị khác. Mặt khác, ưu điểm của nó là không có tác dụng phụ lâu dài và không để lại sẹo.
Theo dõi và lưu ý sau khi điều trị ung thư da không tế bào hắc tố
Sau khi điều trị xong và vùng bị ảnh hưởng đã lành, bạn cần bảo vệ da. Nhiều phương pháp điều trị có thể khiến da bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Bạn phải thoa kem chống nắng phổ rộng hàng ngày cho tất cả các vùng da tiếp xúc. Bên cạnh đó thoa lại sau mỗi hai giờ khi ra ngoài. Tránh vị trí gần cửa sổ, che chắn bằng mũ và áo dài tay. Tránh ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Tìm hiểu thêm: Công dụng và thành phần các loại kem chống nắng
Ung thư da vẫn có khả năng tái phát. Vì vậy, điều quan trọng hơn hết là kiểm tra da thường xuyên. Đồng thời bạn cần tìm hiểu nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc ung thư da và ngăn ngừa bệnh tái phát. Đồng thời, đừng quên kiểm tra sức khỏe tổng quát 1-2 lần trong năm. Nếu nghi ngờ mình mắc ung thư da, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What's the Treatment for Nonmelanoma Skin Cancer?https://www.webmd.com/melanoma-skin-cancer/skin-cancer-guide/nonmelanoma-treatments
Ngày tham khảo: 04/10/2020