YouMed

Bệnh đổ mồ hôi và những điều bạn cần biết

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Đổ mồ hôi là chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Khi vận động như tập thể dục hoặc khi thời tiết quá nóng, sẽ kích thích cơ thể bài tiết mồ hôi. Từ đó tạo ra hiệu ứng làm mát, giúp duy trì thân nhiệt. Tuy nhiên, nếu mồ hôi đổ quá nhiều có thể gây khó chịu và lo ngại. Vậy khi nào thì ra mồ hôi là bình thường? Hãy cùng YouMed tìm hiểu chủ đề này qua bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô nhé!

Tuyến mồ hôi hoạt động như thế nào?

Trong cơ thể có từ 3 – 4 triệu tuyến mồ hôi. Có hai loại tuyến mồ hôi quan trọng là eccrine (tuyến mồ hôi nước) và apocrine (tuyến mồ hôi dầu).

Tuyến eccrine

Các tuyến eccrine nằm rải rác trong cơ thể. Tuyến này bài tiết ra mồ hôi nhẹ, không mùi.

Tuyến mồ hôi Apocrine

Tuyến apocrine tập trung trong các nang lông của các bộ phận:

  • Vùng da đầu.
  • Vùng nách.
  • Vùng bẹn.
  • Vùng mặt.
  • Lòng bàn tay.
  • Lòng bàn chân.

Các tuyến này bài tiết mồ hôi nặng hơn và chứa nhiều chất béo. Đặc biệt là chúng có mùi. Mùi này được gọi là mùi cơ thể. Sở dĩ chúng có mùi vì có chứa nhiều chất béo – làm môi trường cho vi khuẩn phát triển và phân hủy trên da.

Đổ mồ hôi
Các tuyến mồ hôi trong cơ thể

Dù là tuyến eccrine hay apocrine đều được chi phối bởi hệ thần kinh thực vật. Là hệ thần kinh hoạt động không theo ý muốn của con người. Khi thời tiết nóng bức hoặc nhiệt độ cơ thể tăng (do tập thể dục hoặc bị sốt). Hệ thần kinh sẽ được kích thích và mồ hôi sẽ được bài tiết ra da.

Đổ mồ hôi có phải là một bệnh lý?

Việc giữ cho cơ thể ở mức nhiệt luôn hằng định khoảng 37°C là nhiệm vụ của vùng dưới đồi. Đây là một vùng của não bộ có nhiều vai trò, trong đó có chức năng điều nhiệt. Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều yếu tố khác trong việc điều hòa thân nhiệt. Ví dụ như: các thụ thể cảm nhiệt dưới da, các nơ-ron dẫn truyền…

Có những yếu tố bên ngoài tác động làm cho nhiệt độ cơ thể thay đổi. Ví dụ: trời quá nóng, thời tiết lạnh, vận động mạnh… Các yếu tố này kích thích vùng dưới đồi điều chỉnh lại nhiệt độ cơ thể. Có nhiều cơ chế để điều hòa nhiệt độ. Trong đó, có chức năng bài tiết mồ hôi.

Ngoài ra có thể có cả yếu tố bên trong kích thích tác động làm cho đổ mồ hôi. Ví dụ như tình trạng sốt. Khi sốt, cơ thể sẽ bài tiết mồ hôi để làm mát cơ thể. Từ đó sẽ giảm sốt. Do đó, việc đổ mồ hôi như vậy là bình thường.

Nguyên nhân gây đổ mồ hôi nhiều

Đa số các trường hợp ra mồ hôi là bình thường. Tuy nhiên nếu không có mồ hôi hoặc mồ hôi quá nhiều thì có thể là vấn đề bệnh lý. Phần này đề cập chủ yếu đến nguyên nhân ra mồ hôi nhiều. Chẳng hạn như:

  • Nhiệt độ cao.
  • Căng thẳng, lo âu kéo dài.
  • Ăn các loại thức ăn cay, nóng.
  • Uống thức uống có chứa caffeine như: soda, cà phê, trà…
  • Một số bệnh lý: ung thư, sốt, nhiễm trùng…
Đổ mồ hôi
Ăn các thực phẩm cay nóng có thể khiến ra mồ hôi nhiều

Phương pháp giảm thiểu đổ mồ hôi quá mức

Nếu lượng mồ hôi tiết ra ở mức bình thường thì không cần điều trị y tế. Nhưng nếu ra mồ hôi quá nhiều, bạn có thể làm những điều sau để thoải mái và giảm thiểu ra mồ hôi:

  • Mặc quần áo mỏng, nhẹ.
  • Lau mồ hôi và rửa lại mặt thật sạch.
  • Thay quần áo đã thấm mồ hôi để giảm nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Uống đủ nước để bù lượng nước bị mất qua mồ hôi.
  • Sử dụng chất khử mùi ở phần nách để giảm mùi và kiểm soát mồ hôi.
  • Hạn chế ăn thực phẩm làm tăng tiết mồ hôi.

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Đổ mồ hôi có thể là tình trạng bệnh lý nếu kèm theo một số triệu chứng khác. Chẳng hạn:

  • Tức ngực.
  • Chóng mặt.
  • Khó thở.
  • Ra mồ hôi liên tục trong thời gian dài mà không rõ nguyên nhân.
  • Sụt cân do đổ mồ hôi nhiều.
Đổ mồ hôi đi kèm với triệu chứng khó thở thì bạn nên gặp bác sĩ
Đổ mồ hôi đi kèm với triệu chứng khó thở thì bạn nên gặp bác sĩ

Ngoài ra các tình trạng sau cũng cần xem xét để gặp bác sĩ:

Hyperhidrosis

Đây là tình trạng tăng tiết mồ hôi quá mức ở nách, bàn tay và bàn chân. Tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống, gây mất tự tin và ngại giao tiếp.

Hypohidrosis

Ngược lại với hyperhidrosis, hypohidrosis là tình trạng cơ thể không có mồ hôi. Ra mồ hôi cũng là cách cơ thể giải phóng nhiệt lượng dư thừa. Nếu bạn không thể ra mồ hôi, nguy cơ bị say nắng sẽ cao hơn người bình thường.

Cách kiểm soát mùi mồ hôi và mùi cơ thể

Có rất nhiều phương pháp có thể giúp kiểm soát mồ hôi và mùi cơ thể. Bao gồm:

Sử dụng chất chống đổ mồ hôi bôi tại chỗ

Các chất này hoạt động bằng cách giữ mồ hôi ở lại trong tuyến mồ hôi. Khi cơ thể nhận được tín hiệu rằng các tuyến mồ hôi đã đầy, việc bài tiết mồ hôi sẽ giảm.

Nếu phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể kê một số sản phẩm khác theo toa. Tuy nhiên, chúng có thể có tác dụng phụ gây đỏ da, sưng ngứa.

Sử dụng chất khử mùi

Các chất khử mùi thường có chứa cồn và làm cho da có tính axit. Do đó ít thu hút vi khuẩn hơn. Chất khử mùi thường có thêm hương liệu giúp giảm mùi mồ hôi.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ các tuyến mồ hôi có thể được cân nhắc. Nhưng tùy đối tượng, cơ địa mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại phẫu thuật khác nhau. Do đó, bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn.

Đổ mồ hôi
Phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi có thể được chỉ định trong một số trường hợp

Đa số đổ mồ hôi là một chức năng bình thường của cơ thể. Nếu ra mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Bạn có thể thay đổi lối sống để thích ứng với tình trạng ra mồ hôi của mình. Nếu vẫn không hiệu quả, bạn hãy tham khảo ý kiến ​​các chuyên gia. Đặc biệt là khi thấy mình ra mồ hôi quá nhiều hoặc hoàn toàn không có mồ hôi

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/sweating

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người