Độ tuổi vàng để sinh con là lúc nào?
Nội dung bài viết
Mang thai và làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ. Hơn thế, một sinh linh bé nhỏ có thể khơi dậy những cảm xúc sâu sắc nhất và mang lại niềm vui không chỉ cho bậc làm mẹ mà cả những người xung quanh nữa. Chính vì vậy, sinh con vào độ tuổi nào tốt nhất luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Hãy cùng YouMed tìm hiểu độ tuổi vàng để mang thai và sinh con là khi nào nhé.
1. Độ tuổi thích hợp để mang thai
Không thể phủ nhận, xã hội càng phát triển, phụ nữ càng kết hôn muộn, sinh con muộn. Thực tế, sau khi có em bé, họ thường được cho là ít tập trung vào công việc. Mẹ bỉm ít được bổ nhiệm cho những dự án quan trọng. Thậm chí, họ chấp nhận lùi bước an phận chăm sóc con cái. Chọn sinh con, đối với nhiều phụ nữ, cũng là chọn một khoảng chững trong sự nghiệp của mình.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều phụ nữ chọn sự nghiệp hơn là sinh con. Thậm chí, không ít người mới bắt đầu làm mẹ ở tuổi ngoài 40? Liệu điều đó có thật sự tốt?
Thời điểm mang thai tốt nhất là khi, người phụ nữ đã chuẩn bị đầy đủ về mặt kiến thức, thể chất, khả năng sinh sản, tinh thần, tài chính và trách nhiệm làm mẹ. Mỗi người sẽ mang những đặc thù riêng. Tuy nhiên, đa số nghiên cứu đều chỉ ra rằng, 20 – 35 là độ tuổi vàng để làm mẹ.
2. Khả năng thụ thai thay đổi theo từng độ tuổi
Về góc độ sinh lý, xuất phát điểm mang thai là do trứng được thụ tinh. Bé gái chào đời với khoảng 1 triệu noãn (trứng chưa trưởng thành). Một triệu noãn này sẽ được dùng dần trong suốt cuộc đời. Do chỉ bị tiêu hao mà không được tạo mới, nên dự trữ buồng trứng giảm dần theo thời gian. Vì vậy, phụ nữ càng lớn tuổi, số lượng trứng càng ít, càng khó thụ thai
Không chỉ số lượng, chất lượng trứng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi độ tuổi. Tỉ lệ noãn bất thường tăng dần theo tuổi gây giảm khả năng có thai, tăng khả năng sảy thai và tăng các bệnh lí bẩm sinh ở trẻ. Ngược lại, nữ trẻ thường có chất lượng trứng tốt hơn, khả năng mang song thai, đa thai cũng cao hơn.
Ở phụ nữ, sau 30 tuổi khả năng thụ thai bắt đầu suy giảm nhẹ. Từ 35 trở đi, buồng trứng bắt đầu suy giảm nhanh về cả số lượng và chất lượng. Đến sau 40 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ còn thấp, khó có thai tự nhiên. Từ 43 tuổi trở đi, khả năng có thai tự nhiên của phụ nữ rất thấp, hiếm phụ nữ nào có thai tự nhiên sau 45 tuổi.
>> Xem thêm: Thụ tinh trong ống nghiệm: Tranh cãi đạo đức hay phép màu y học?
May mắn là ngày nay, nhờ y học tiến bộ, phụ nữ lớn tuổi vẫn có thể sinh con. Cứu tinh trong các trường hợp này là phương pháp thụ tinh ống nghiệm (xin trứng). Như vậy, phụ nữ trên 45 tuổi, thậm chí đã mãn kinh vẫn có thể mang thai, sinh con khỏe mạnh với phôi được tạo thành từ trứng của một người phụ nữ trẻ tuổi (20 – 35 tuổi) khác.
3. Sinh con muộn có những nguy cơ gì?
Chị em sinh con muộn có ưu điểm là đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ cũng như kinh tế ổn định. Lúc này, người phụ nữ có điều kiện, hiểu biết để chăm sóc con chu đáo hơn các bà mẹ trẻ. Có trường hợp sinh con muộn nhưng cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều rằng, phụ nữ lớn tuổi dù may mắn thụ thai thành công, thì quá trình phát triển của thai nhi vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nếu mang thai sau 35 tuổi, phụ nữ có thể gặp phải nhiều biến chứng như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, sinh non, thai ngoài tử cung…
Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Lí do là mẹ càng lớn tuổi thì khả năng phôi bị rối loạn nhiễm sắc thể rất cao.
Các nhà di truyền học đã chứng minh rằng khoảng 50% phôi người sau thụ tinh bị rối loạn nhiễm sắc thể. Tỉ lệ này còn tăng cao khi bà mẹ trên 35 tuổi. Hệ quả dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi. Một số hội chứng bẩm sinh liên quan có thể nhắc đến bao gồm hội chứng Down, Edwards, …
Theo một nghiên cứu, mẹ 25 tuổi có tỉ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250. Trong khi đó, 30 tuổi có tỉ lệ 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.
4. Vì sao không nên sinh con quá sớm?
Các chuyên gia thuộc Trường Vệ sinh và Y tế nhiệt đới London (Anh) đã sử dụng 3 bộ dữ liệu của Anh và Mỹ về những phụ nữ sinh năm 1911 và đánh giá tác động của việc có con đối với sức khỏe của họ. Họ phát hiện ra rằng sức khỏe kém lúc về già có liên quan đến việc sinh con khi còn ở tuổi “teen”.
Nếu sinh con trước 20 tuổi, cơ thể người phụ nữ chưa phát triển hoàn chỉnh. Cụ thể, khung chậu hẹp, khó dãn nở. Vì vậy, quá trình chuyển dạ thường gây đẻ khó. Chuyển dạ lâu thì thai nhi dễ bị ngạt, gây tai biến cho con. Mặt khác, tỉ lệ rách đường sinh cao hơn bình thường vì đường sinh hẹp. Do đó làm tăng nguy cơ băng huyết, tai biến cho mẹ. Cơ thể lúc này còn quá trẻ, sang chấn khi sinh thường gặp. Do đó, nguy cơ cần phải mổ lấy thai cũng cao hơn.
Những đứa trẻ sinh ra khi mẹ mới đang vị thành niên thường có tỉ lệ tử vong cao hơn. Tỉ lệ em bé cân nặng thấp dưới 2500g cũng cao hơn những bà mẹ đủ tuổi. Bên cạnh lí do sinh lý chưa trưởng thành, người mẹ trẻ còn bị hạn chế khả năng học tập và cơ hội có nghề nghiệp ổn định. Những yếu tố này càng góp phần ảnh hưởng đến điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho trẻ.
5. Nam giới và độ tuổi sinh sản
Câu hỏi thường gặp là độ tuổi phù hợp để phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, ít người biết rằng, tuổi tác cũng là vấn đề gây trở ngại cho khả năng di truyền nòi giống của cánh đàn ông.
Theo báo cáo được đăng tải trên chuyên san Fertility and Sterility Journal, nữ giới có chồng từ 40 tuổi trở lên nếu muốn sinh con sẽ mất gấp 5 lần thời gian chờ đợi thụ thai so với những người có chồng từ 25 tuổi trở lên. Ngoài ra, tỉ lệ thụ thai thành công cũng sẽ giảm từ 23 – 38% nếu so với nhóm nam giới tuổi dưới 30 và đối tượng trên 50 tuổi.
Ở độ tuổi 30, chất lượng tinh trùng của nam giới đang ở “đỉnh cao phong độ”. Chất lượng khỏe mạnh như thế vẫn được duy trì trong 5 năm tiếp theo. Sau đó, “đội tinh binh” này sẽ bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, ốm yếu dần theo thời gian. Vì vậy, để con bạn được thông minh, khỏe mạnh, các ông bố nên kết hôn ở độ tuổi 27 – 30. Tiếp đó, nên sinh con ở độ tuổi 30 – 35 là tốt nhất.
>> Xem thêm: Kế hoạch mang thai: Tôi cần chuẩn bị những gì?
Tinh trùng của nam giới sau tuổi 35 được thụ thai có thể chứa đột biến gen. Mặc dù tình trạng này hiếm khi xảy ra nhưng có thể đem lại hệ quả nghiêm trọng. Những đột biến này có thể dẫn đến một số tình trạng nguy hiểm như sẩy thai, thai chết lưu hoặc tăng nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh. Một số thói quen từ lối sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, mặc đồ lót quá chật hay mất ngủ… cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới.
Dựa trên nhiều khía cạnh cả sinh lí và xã hội, độ tuổi vàng để mang thai là 20 – 35 tuổi. Liên quan đến vấn đề này, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kí Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh đầu trước 30, sinh con sau trước 35 tuổi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.cdc.gov/teenpregnancy/about/index.htm
- https://www.webmd.com/baby/teen-pregnancy-medical-risks-and-realities
- Reeta Lampinen, Katri Vehviläinen-Julkunen, Päivi Kankkunen (2009), "A review of pregnancy in women over 35 years of age". The open nursing journal, 3, pp. 33-38