EPA là chất gì? Vai trò của EPA đối với cơ thể và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
EPA và DHA là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khoẻ con người. Vậy EPA là gì? Tác dụng của bổ sung EPA ra sao? EPA khác gì so với DHA? Bài viết của Thạc sĩ, Dược sĩ Phan Tiểu Long sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chất dinh dưỡng này.
EPA là chất gì?
EPA hay còn gọi là acid eicosapentaenoic là một acid béo thuộc nhóm omega-3. EPA được tìm thấy cùng DHA (hay còn gọi là acid docosahexaenoic) trong cá nước lạnh như cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích,…1
Các axit béo omega-3 là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các axit béo này là tiền chất của eicosanoids. Chất này giúp điều chỉnh nhiều chức năng của tế bào và cơ quan. Bổ sung thêm EPA trong chế độ ăn uống tác động tích cực đến bệnh tim mạch vành, rối loạn lipid máu, huyết áp cao. Bên cạnh đó còn giúp giảm các phản ứng viêm trong cơ thể.2
Tác dụng của EPA đối với sức khoẻ
Tương tự các omega-3 khác, EPA cũng có tác dụng giống DHA, EPA đem lại nhiều lợi ích cho trẻ em, bà bầu, người cao tuổi. Một số tác dụng có thể kể đến như:
Giảm hàm lượng triglyceride trong máu
EPA đã được chứng minh làm giảm nguy cơ tim mạch khi kết hợp với thuốc điều trị làm giảm mỡ máu – Statin. Acid eicosapentaenoic làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nhập viện vì đau thắt ngực không ổn định hoặc tái thông mạch vành ở những bệnh nhân có triglycerid cao (> 100 mg/dL).3 4
Hỗ trợ điều trị triệu chứng trầm cảm
Một số nghiên cứu cho thấy rằng EPA làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Các bằng chứng còn cho thấy EPA vượt trội hơn DHA về công dụng này.5 6
Cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ thời kỳ mãn kinh
Một nghiên cứu cho thấy EPA làm giảm 1,58 lần tức giận mỗi ngày ở phụ nữ mãn kinh. Làm giảm những tổn thương tâm lý cho phụ nữ trong thời gian nhạy cảm này.7
Hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp
Một số nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng EPA có thể giúp giảm các triệu chứng và chứng viêm do viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, nó không ngăn được quá trình diễn tiến bệnh.8
Các bệnh khác
Axit béo Omega-3, bao gồm EPA, cũng có thể có tác dụng tích cực đối với các bệnh về phổi và thận, tiểu đường tuýp 2, béo phì, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, loãng xương và giai đoạn đầu của ung thư đại trực tràng.9 10 11
Kháng viêm cho cơ thể
Khi được hấp thụ vào cơ thể, EPA và DHA có thể cạnh tranh với axit arachidonic để tổng hợp eicosanoid. Do đó, nồng độ EPA cao hơn so với axit arachidonic khiến cân bằng eicosanoid giảm hoạt động viêm, giúp giảm viêm.2
Phân biệt EPA và DHA?
EPA và DHA đều là axit béo thuốc nhóm Omega-3, cùng được chiết xuất từ cá nước lạnh, nhưng có cấu trúc hóa học khác nhau. DHA có chức năng chủ yếu trong phát triển não bộ ở trẻ em, thoái hoá võng mạc, giảm nguy cơ tăng lipid máu. Trong khi đó, EPA còn thấy những hữu ích trong hỗ trợ điều trị tâm thần phân liệt và trầm cảm, giảm các phản ứng viêm.
DHA và EPA cũng giúp giảm hàm lượng chất béo xấu (triglycerid) trong máu và có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Cả hai đều có thể có được trong chế độ ăn uống bổ sung Omega-3 như Dầu cá.
Bổ sung EPA như thế nào?
Cơ thể không tự tổng hợp EPA được. Thay vào đó, bạn có thể bổ sung EPA trong cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng. Vậy chế độ ăn uống thế nào để bổ sung EPA trong cơ thể? Cùng YouMed tìm hiểu nhé!
1. Thức ăn
Trẻ em bổ sung EPA nhờ sữa mẹ. Sữa mẹ cung cấp EPA dồi dào nhất cho bé.12
EPA chứa nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ đại dương…, các loại hải sản. Trong một khẩu phần (100 gram) trong mỗi loại hải sản như sau:13
- Cá thu có: 0,59 g DHA và 0,43 g EPA.
- Cá hồi có chứa: 1,24 g DHA và 0,59 g EPA.
- Cá chẽm chứa: 0,47 g DHA và 0,18 g EPA.
- Tôm chứa: 0,12 g DHA và 0,12 g EPA.
Ngoài ra, trong các loại hạt hay dầu hạt cũng chứa nhiều EPA.
2. Thực phẩm chức năng
Thực phẩm bổ sung EPA thường chứa cả EPA và DHA, nhiều nhất trong dầu cá. Một số sản phẩm dầu cá giàu EPA trên thị trường:
- Dầu cá Nature’s Bounty Fish Oil 1400 mg.
- Dầu cá Nature Made Fish Oil 1200 mg.
- Dầu cá Blackmores Omega Daily Concentrated Fish Oil 1000 mg.
- Dầu cá Kirkland Signature Fish Oil 1000 mg.
- Dầu cá Solgar Omega 3 Fish Oil Concentrate 1000 mg.
- Dầu cá Pharmekal Omega 3 Fish Oil 1000 mg.
- Một số sản phẩm còn chứa cả vitamin E như Dầu cá UBB Omega 3 Alaska Fish Oil.
Liều dùng
Nhi khoa
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ được cung cấp đủ EPA nếu mẹ cung cấp đủ EPA trong chế độ ăn của trẻ.
Người lớn
Lượng EPA đủ hàng ngày cho người lớn phải là ít nhất 220 mg mỗi ngày.
Trong chế độ ăn: 2 đến 3 khẩu phần cá béo mỗi tuần, tương đương với khoảng 1.250 mg EPA và DHA mỗi ngày.
Bổ sung dầu cá: 3.000 đến 4.000 mg dầu cá tiêu chuẩn hóa mỗi ngày.
Đối tượng bổ sung EPA
EPA là một chất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, có nhiều bằng chứng trong y học chính thống. EPA dường như có lợi cho sức khỏe cho mọi lứa tuổi – từ trẻ sơ sinh cho đến người già.
Đối tượng không sử dụng
Những đối tượng cần thận trọng khi sử dụng EPA:12
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ nghiên cứu đáng tin cậy để biết liệu EPA có an toàn để sử dụng khi mang thai hoặc cho con bú hay không. Khi sử dụng EPA, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường hãy đến cơ sở y tế gần nhất.
- Người có nhịp tim không đều (Bệnh loạn nhịp tim): EPA có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim không đều. Nếu bạn bị loạn nhịp, hãy tham vấn bác sĩ và trước khi bạn bắt đầu dùng EPA.
- Người nhạy cảm với aspirin: Nếu nhạy cảm với aspirin, EPA có thể ảnh hưởng đến hô hấp của bạn.14
Tác dụng phụ khi bổ sung EPA
EPA có thể an toàn khi sử dụng dưới dạng thuốc kê đơn hoặc trong dầu cá. Hầu hết các tác dụng phụ được ghi nhận đều nhẹ và có thể bao gồm:
- Buồn nôn.
- Tiêu chảy.
- Ợ hơi.
Tuy nhiên, kết hợp EPA trong bữa ăn có thể làm giảm các tác dụng phụ này.
EPA có thể an toàn khi được dùng trong tối đa 12 tuần. Nhưng dùng EPA và các axit béo omega-3 khác với liều lượng lớn hơn 3 gram mỗi ngày có thể không an toàn. Liều cao EPA có thể làm chậm quá trình đông máu và tăng khả năng chảy máu.
Hạn chế ăn các chất bổ sung không quá 2 gram mỗi ngày trừ khi được các chuyên gia y tế cho phép.
Tương tác với thuốc khác
EPA tương đối an toàn với cơ thể nhưng có thể tương tác với một số thuốc như:1
- Thuốc huyết áp.
- Thuốc chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu như warfarin (Coumadin), clopidogrel (Plavix) và aspirin.
- Thuốc trị tiểu đường.
- Cyclosporine.
Bên cạnh đó, khi đang sử dụng thuốc/thực phẩm chức năng kèm theo, hãy tham vấn ý kiến từ các chuyên gia y tế trước khi sử dụng EPA.
Trên đây là những thông tin quan trọng về EPA, một acid omega-3 cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể cân nhắc sử dụng EPA theo từng tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân để bổ sung lượng EPA phù hợp. Hãy thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý để bổ sung EPA đầy đủ cho cơ thể nhé!
Video chia sẻ thông tin chi tiết về Bổ sung dầu cá:
Biên tập bởi: Dược sĩ Lương Triệu Vĩ
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Eicosapentaenoic acid (EPA)https://www.mountsinai.org/health-library/supplement/eicosapentaenoic-acid-epa
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Prostaglandins and Inflammationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3081099/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Effects of Icosapent Ethyl on Total Ischemic Events: From REDUCE-IThttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30898607/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Emerging Mechanisms of Cardiovascular Protection for the Omega-3 Fatty Acid Eicosapentaenoic Acidhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7176343/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Eicosapentaenoic acid versus docosahexaenoic acid in mild-to-moderate depression: a randomized, double-blind, placebo-controlled trialhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22910528/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
EPA but not DHA appears to be responsible for the efficacy of omega-3 long chain polyunsaturated fatty acid supplementation in depression: evidence from a meta-analysis of randomized controlled trialshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20439549/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Effects of ethyl-eicosapentaenoic acid omega-3 fatty acid supplementation on hot flashes and quality of life among middle-aged women: a double-blind, placebo-controlled, randomized clinical trialhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19034052/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
n-3 fatty acid supplements in rheumatoid arthritishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10617995/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Polyunsaturated fatty acids and inflammatory bowel diseasehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10617993/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
N-3 fatty acids specifically modulate catabolic factors involved in articular cartilage degradationhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10625599/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Nutritional supplementation with N-3 fatty acids and antioxidants in patients with Crohn's disease in remission: effects on antioxidant status and fatty acid profilehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10833065/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Breast milk EPA associated with infant distractibility when EPA level is lowhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33601118/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Omega-3 Fatty Acidshttps://ods.od.nih.gov/factsheets/Omega3FattyAcids-HealthProfessional/
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Eicosapentaenoic Acid (Epa) - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-994/eicosapentaenoic-acid-epa
Ngày tham khảo: 06/04/2022